Luận Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội - phần 2III/ Phần Hỏi Đáp Để Giải Quyết Các Điều Nghi

1/ Hỏi: Năm môn kể trên, nên từ một môn mà vào hay vào cả năm môn?

Đáp: Bậc thượng căn trí huệ bén nhạy, liễu ngộ được tự tánh Di Đà, toàn hiển duy tâm Tịnh độ, nói pháp thân là bao gồm hết tất cả. Nhưng lý thì liền ngộ mà sự thì phải trừ khử dần dần. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói, hàng Thập trụ sơ tâm liền đồng với chư Phật. Nhưng năm giai vị tiến tu, không giai vị nào không hướng đến Bồ đề mà chưa đến Diệu giác. Thứ bậc các giai vị rõ ràng, cuối cùng đến Thập địa, nhờ sức đại nguyện ở trong một niệm thấy hàng trăm đức Phật, hàng nghìn đức Phật cho đến hàng trăm nghìn Na do tha đức Phật. Theo từng giai vị mà thấy đức Phật có sai khác.

Người tu hành ở cõi Ta bà này, dẫu cho có khả năng hàng phục được hoặc nghiệp, phát ngộ, nhưng chưa chứng vô sinh cũng đâu thoát khỏi phải thọ thân đời sau. Nếu chẳng nương nhờ sức Phật thì công hạnh khó vẹn toàn, mà cần phải đợi hồi hướng Lạc bang, được Phật thọ ký, gột sạch hết các tập khí tàn dư, thành tựu viên mãn nguyện vương. Đây là môn vượt thoát, là con đường diệu trang nghiêm.

Nếu như chưa sáng tỏ việc hướng thượng, chưa phá vỡ nghi tình thì rất cần phải chuyên trì danh hiệu đức Phật A Di Đà, cung kính siêng năng phát nguyện như con nhớ mẹ, lấy cái chết làm kỳ hạn. Thêm vào đó, huân tu giáo quán giúp cho sự phát triển trí huệ thù thắng, cảm ứng đạo giao thì công tu mới không uổng phí. Điều này hoàn toàn trông cậy vào một niệm bao gồm hết các môn. Điều quý báu của môn này là rất có lợi việc liễu ngộ cái bản nguyên, nhưng kị nhất là quay đầu trở lại.

2/ Hỏi: Ông muốn hoằng dương pháp môn niệm Phật, sao chẳng lấy các kinh Tịnh độ làm chủ đạo mà lại cực lực tôn sùng kinh Hoa Nghiêm. Nếu luận theo Nhân quả, e rằng không hợp?

Đáp: Ông không có đọc kinh Vô Lượng Thọ sao! Trong phần tựa của kinh ấy, đầu tiên thuật lại hạnh nguyện Phổ Hiền, khuyến tấn người tu hành với ba bậc vãng sinh, đều có nhắc đến phát tâm Bồ đề. Cuối cùng, vì chẳng liễu ngộ Phật trí, Bất tư nghị trí, Bất khả xứng trí, Vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí thì dù cho có tu các công đức vẫn bị đọa vào loài sinh bằng bào thai. Vậy thì, nếu thật sự muốn ngồi tòa sen báu, lên ngôi Bất thoái ắt phải nhờ vào trí Văn Thù, lập nguyện Phổ Hiền để hồi hướng vãng sinh. Nay, kinh Hoa Nghiêm này, chủ yếu nói về giáo lý đó. Đến phần Thượng phẩm thượng sinh trong kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng dạy đọc tụng kinh điển Đại thừa Phương đẳng. Nói đến kinh Đại thừa Phương đẳng thì không có kinh nào bằng kinh Hoa Nghiêm. Kinh này là kinh cao quý bậc nhất. Nhân quả không sai, vậy đâu có gì không hợp!

3/ Hỏi: Ý nghĩa của pháp giới Hoa Nghiêm sâu kín trùng trùng, lấy vô lượng kinh điển làm quyến thuộc. Vì sao chỉ một môn niệm Phật mà có thể bao gồm hết thảy?

Đáp: Đúng như lời ông nói. Ý nghĩa kinh Hoa Nghiêm tuy sâu rộng, nhưng người mới phát tâm vào đạo cũng tự có phương tiện đặc biệt tiến vào. Đó là một môn niệm Phật này, nó có thể thông suốt hết vô biên pháp giới. Thế nên, đồng tử Thiện Tài ở trong một lỗ chân lông của Phổ Hiền đi qua bất khả thuyết, bất khả thuyết thế giới nhiều như số bụi nhỏ trong cõi nước Phật tận kiếp vị lai. Mỗi niệm đi đến khắp vô biên cõi nước. Người niệm Phật ở đây cũng vậy, vì một niệm vốn vô lượng.

Trong Pháp giới quán, Ngài Đỗ Thuận thiết lập ba môn:

1. Môn chân không: Loại bỏ vọng tình để hiển lý, tức là niệm pháp thân Phật.

2. Môn lý sự vô ngại: Dung thông lý sự để hiển bày lực dụng, tức là niệm công đức Phật.

3. Môn chu biến hàm dung: Thu nhiếp sự sự để hiển bày chỗ đứng đầu, tức là niệm danh tự Phật.

Thanh Lương Sớ chia ra bốn pháp giới:

1. Nhất tâm niệm Phật, chẳng tu xen các hạnh khác, tức là nhập vào Sự pháp giới.

2. Tâm và Phật cả hai đều bặt, nhất chân độc thoát, tức là nhập vào Lý pháp giới.

3. Tức tâm tức Phật, đại dụng cùng hiện bày, tức là nhập vào Lý sự vô ngại.

4. Phi Phật phi tâm, thần diệu không lường, tức là nhập vào Sự sự vô ngại pháp giới.

Thế nên biết, một môn niệm Phật gồm thu tất cả pháp. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm lấy Tỳ Lô làm dẫn đạo, lấy Cực lạc làm chỗ quy hướng. Đã được thân cận Di Đà thì chẳng rời Hoa Tạng; của báu nhà mình đầy đủ thì lực dụng vô biên. Nếu chẳng nhập vào môn niệm Phật này thì rốt cuộc chẳng phải là cứu cánh.

4/ Hỏi: Trong Hoa Nghiêm Hợp Luận, Ngài Phương Sơn (Lý Thông Huyền) cho rằng: Tịnh độ ở phương khác là quyền, chẳng phải thật, còn nay theo lập luận của Ngài thì làm sao hội thông?

Đáp: Trong giáo lý Tịnh độ, có chia cõi nước thành bốn cõi:

1. Cõi Thường Tịch Quang là chỗ ở của quả Phật.

2. Cõi Thật Báo là chỗ ở của bậc Pháp thân Đại sĩ.

3. Cõi Hữu Dư là chỗ ở của hàng Nhị thừa.

4. Cõi Đồng Cư là chỗ của phàm thánh ở chung.

Bốn cõi kể trên hoặc uế hoặc tịnh.

– Nếu người ở cõi Ta bà này nhờ sức chuyên niệm Phật, tu các công đức hồi hướng Tây phương nhưng hoặc nghiệp chưa dứt hết thì được sinh vào cõi Đồng Cư.

– Nếu người có lòng ưa thích Cực lạc, nhàm chán Ta bà một cách thống thiết, đoạn trừ dần dần các hoặc thô lậu, nghe pháp thăng tấn trí huệ thì được sinh vào cõi Hữu Dư.

– Nếu người lấy pháp tu viên giáo làm nhân, ngộ sâu thật tướng, dùng hạnh nguyện Phổ Hiền hồi hướng vãng sinh thì cảm được cõi Thật Báo, được Phật thọ ký, phần chứng tịch quang.

Vì thế, người trụ quyền thừa thì mọi thứ đều quyền như hóa thành trong kinh Pháp Hoa, vì chẳng ngoài tự tâm. Người tỏ ngộ thật tướng thì tất cả đều thật như Cực lạc trong kinh này, vì hoàn toàn đầy đủ Hoa Tạng.

Lúc Ngài Phương Sơn tạo luận, quyển cuối là phẩm Hạnh Nguyện chưa được truyền đến Trung Hoa, cho nên Ngài có sự phân biệt đối với một môn Tịnh độ, đó là điều trái với văn kinh. Vì vậy, cần phải biết từ chân khởi huyễn, ngay nơi huyễn toàn chân, sinh diệt đều lìa, tự tha bất nhị. Một niệm viên dung đến khắp pháp giới mới là pháp liễu nghĩa trung đạo Nhất thừa. Điều Ngài Phương Sơn đề xướng, chỉ ở chỗ Thập trụ sơ tâm tức thành Chánh giác. Y cứ vào giáo lý để phán đoán thật ra không phải là dễ. Sao vậy? Vì trong giai vị Thập tín của Viên giáo thì kiến hoặc, tư hoặc đều dứt hết, đồng thời đoạn trần sa hoặc, tiến vào giai vị Thập trụ của Viên giáo, phá tan vô minh chứng vô sinh nhẫn. Giai vị này ngang với bậc Sơ địa của Biệt giáo.

Nếu chỉ cậy vào sức mình thì như người dân thường mà mong được ngôi vua, cho rằng: Xưa nay vốn là Phật, không rơi vào giai vị, nhưng cũng phải nhờ phương tiện khéo léo mới có thể chứng đắc. Chi bằng theo lời dạy của phẩm Hạnh Nguyện, đem lòng tin sâu trì tụng mười đại nguyện vương, trong một Sát na vãng sinh Cực lạc, trụ bất thoái chuyển. Từ hạng phàm phu vượt ngang xông thẳng, rất viên rất đốn, không pháp môn nào có thể sánh bằng. May mắn gặp được kinh Hoa Nghiêm đủ bộ là nhân duyên chẳng phải tầm thường. Hạt châu trong vạt áo vẫn còn đó mà cứ mãi nhọc công tìm, nay kính khuyên mọi người hãy đồng lòng tin nhận.

5/ Hỏi: Đời Tùy, có vị Tăng tên Linh Cán, tu quán Hoa Tạng. Lúc lâm chung, thấy hoa sen to như bánh xe trong ao nước đầy và Ngài được ngồi trên đó. Vậy, chỉ cần đến thẳng Hoa Tạng, đâu cần phải thân cận Di Đà?

Đáp: Thế giới Hoa Tạng có biển hương thủy, nhiều như số bụi nhỏ của mười bất khả thuyết cõi nước Phật, có mười bất khả thuyết chủng loại thế giới nhiều như số bụi nhỏ an trụ, mỗi chủng loại thế giới lại có các thế giới nhiều như số bụi nhỏ của bất khả thuyết cõi nước Phật. Thế giới Cực lạc phương Tây cũng ở trong số đó.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Nếu trong tâm tưởng niệm Phật, tu thêm phước huệ và nguyện sinh về Tịnh độ thì tự nhiên tâm thấy các đức Phật ở mười phương và tất cả các Tịnh độ, rồi tùy nguyện vãng sinh”.

Trường hợp Ngài Linh Cán sinh về Tịnh độ Cực lạc hay Tịnh độ nào khác chưa thể biết được! Vậy thì, chỉ cần thân cận Di Đà tức là vào thẳng Hoa Tạng. Trước có Thiện Tài, sau có Long Thụ, đường lối như thế, chư Thánh cùng đi. Nếu chẳng tuân theo lời Phật dạy, tự chuốc lấy khốn khổ vì lạc vào nhiều lối tẻ. Hạng người này thật đáng thương xót, chúng ta phải gần gũi họ để chỉ cho họ thấy điều đó.

Đời Tống, Ngài Thảo Am Đạo Nhân tu giáo quán viên đốn. Về già, trụ trì chùa Diên Khánh. Đến ngày 17 tháng 04 niên hiệu Càn Đạo thứ 03 (1167), Ngài nói lời từ biệt đại chúng: “Thế giới Hoa Nghiêm rỗng rang lặng lẽ sáng rỡ, rất hợp ý tôi, hôm nay tôi sắp đi”. Rồi Ngài nói kệ ngợi khen Phật A Di Đà:

“Vô biên cõi nước là biển không

Biển không toàn là cung hoa sen

Cung sen đầy khắp cả biển không

Biển không độc lộ Phật Di Đà.

Đức Phật Di Đà không sinh diệt

Khó tìm, khó nắm trăng đáy nước

Tuyệt phi, ly cú, thân như vậy

Cảm thông như thế, nói như thế.

Tôi với Di Đà vốn không hai

Vọng giác thầm sinh, bỗng thành khác

Từ nay quét sạch hết trần lao

Cha con thiên nhiên gặp lại nhau

Thệ tu ba phước, hành sáu niệm

Nghiệp thân, miệng, ý không lầm lỗi

Nay tôi phát tâm niệm Di Đà

Không thấy Di Đà, không thôi nghỉ”.

Sau đó, Ngài cùng đại chúng xướng niệm trăm câu danh hiệu Phật, phúng tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ đến câu thượng phẩm thượng sinh thì thu thần nhập diệt. Cực lạc và Hoa Nghiêm là đồng hay là khác, những người có trí hãy mau mau để mắt!

IV/ Lời Cuối Sách
Luận này được viết vào tháng chạp, mùa Đông niên hiệu Càn Long thứ 48 (1783), mới hoàn tất. Ông Uông Đại Thân có lời bình phẩm: “Luận này là chính nhân Tịnh độ, là chính tín Hoa Nghiêm”. Và nói: “Năm niệm tức là một niệm, một niệm tức là vô niệm”.

Mùa xuân năm sau, luận này được truyền đến Đan Đồ, được ông Vương Vũ Khanh đánh giá cao và ông viết cho lời tựa. Đại Thân hết sức ngợi khen và cho là kỳ đặc, rồi mang dâng lên quan Thượng thư họ Tiên, nhưng Ngài đã qua đời.

Tôi ẩn cư nơi Tăng xá để đọc kinh Hoa Nghiêm, rồi cùng với các bạn có chí xuất trần chất vấn nhau về Tánh tông, cũng có bàn đến sự tổn ích của tập luận này.

Mấy năm sau, tôi từ Tiền Đường trở về, lại bế quan ở Văn Tinh Các tu Niệm Phật Tam muội. Suốt mùa hạ tịch liêu, tôi đem cảo bản trước kia ra xem lại và chép thành luận này. Ngoài các Ngài Hiền Thủ, Phương Sơn ra, tôi cũng chẳng ngại gì thi thố bản lĩnh của mình. Giả sử nếu gặp ông già Vân Thê (Đại sư Liên Trì Châu Hoằng), chắc chắn tôi với Ngài sẽ nhìn nhau mỉm cười.

Ngày cuối tháng sáu, niên hiệu Càn Long thứ 56 (1791)

Bành Tế Thanh ghi

Nguyên Đán năm Bính Tuất (2006)

Định Huệ kính dịch

V/ Mấy Lời Tâm Huyết
Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ, được như thế hạnh phúc không gì bằng, đó gọi là pháp thí.

Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, chúng ta thỉnh một số kinh sách chịu khó đem đến từng nhà cho mượn đọc, sau đó lần lượt cho nhà khác mượn, hoặc đọc cho kẻ khác nghe, nhất là cho người không biết chữ. Việc làm này quý giá vô biên, đây cũng gọi là pháp thí.

Chính đức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí, pháp thí có công đức lớn nhất, không công đức nào có thể sánh bằng”.

Tưởng về lợi cũng như về danh, chúng ta đừng nên lo nghĩ, mà điều tối cần là làm sao cho rạng rỡ chánh đạo. Đó là mục đích chính, thiêng liêng và cao cả nhất của chúng ta. Nền móng đạo pháp cần nhờ sự chung lưng góp sức của chúng ta. Vậy mỗi người nên xây đắp vào đó một ít vôi, một ít nước, một tảng đá hay một viên gạch v.v… ngõ hầu cái nền móng ấy được thêm bền vững và kiên cố đời đời.

Chúng ta không nên quan niệm về công đức, hãy nên nghĩ nhiều đến những người lầm đường lạc lối, sống trong vòng tội lỗi không lối thoát xung quanh chúng ta. Hãy mau cứu vớt họ, cảnh tỉnh họ để cùng quay về chân lý, giúp họ tìm ra nhiều lẽ sống, niềm vui. Được thế, chính ta đã làm lợi ích cho Phật pháp vậy.

Với hoài bão cuộc đời, chúng ta hãy “Tất Cả Vì Phật Pháp”. Hy vọng mấy lời tâm huyết này được nhiều vị hảo tâm in kinh sách cho mọi người xem!

Được vậy, niềm phúc lạc vô bờ chắc chắn sẽ đến với chúng ta! Tha thiết mong mỏi như thế!

Tặng cho thân nhân một số tiền nhỏ, lòng mình không vui, nhưng mình không đủ sức tặng nhiều hơn nữa. Chỉ có một cách là tặng các loại sách tu hành để xây dựng cho đời sống thanh cao, thì dù một quyển sách giá chỉ vài ngàn, nhưng vẫn quý hơn tiền trăm bạc triệu.

Đọc phần 1 | Đọc phần 2