Nhận Thức Về Pháp Môn Tịnh ĐộThông thường khi nói đến tịnh độ chúng ta thường liên tưởng đến cảnh giới Tây Phương tịnh độ, Phật A Di Đà và chư thánh chúng. Kỳ thực theo thế giới quan của Phật giáo Đại thừa có mười phương tịnh độ và mười phương chư Phật, Tây phương tịnh độ được xem là đại biểu của mười phương tịnh độ. Tuy vậy, trên phương diện kinh điển thường đề cập đến bốn cõi tịnh độ mà chúng ta được biết cụ thể nhất: Di Lặc tịnh độ – Dược Sư tịnh độ – A Súc Phật tịnh độ – A Di Đà tịnh độ. Vì sao phần đông người tu học phát nguyện vãng sanh về cảnh giới A Di Đà tịnh độ. Đó là vấn đề mà chúng ta cần bàn đến trong bài viết này.

1- Khái niệm về Tịnh Độ

Tịnh độ là cảnh giới an lạc không có phiền não, khổ đau. Kinh điển thường nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau như Thanh Tịnh quốc độ, Thanh Tịnh Phật sát, Tịnh quốc, Tịnh thế giới hoặc là Phật quốc. Đó là trụ xứ của chư Phật chư Bồ Tát tiếp độ và giáo hóa chúng sanh. Tùy theo công đức và nguyện lực đối với mọi thành phần căn cơ của chúng sanh mà mỗi vị Phật có mỗi cõi nước khác nhau. Đó là phương tiện giáo hóa của tất cả chư Phật, có nghĩa rằng ngoài thế giới mà chúng ta đang sống còn có vô số thế giới khác.

2- Giới thiệu bốn cõi Tịnh độ

– Di Lặc tịnh độ tức chỉ đức Phật Di Lặc đang ở cõi trời Đâu Suất, một vị Phật tương lai của thế giới chúng ta đang sống. Tôn thờ một vị Phật tương lai tức là tạo nhân duyên phước đức trong cuộc sống của chúng ta. Ở trong trường phái Duy thức học của Phật giáo do ngài Vô Trước khai sáng, Ngài đã viết những bộ luận nỗi tiếng như Du Già sư địa luận, Đại thừa trang nghiêm luận, Phân biệt du già luận và Kim cang bát nhã luận. Tất cả những công đức và trí tuệ này do ngài tiếp nhận được sự giáo hóa của Bồ tát Di Lặc. Về sau có nhiều hành giả trong trường phái Duy Thức học phát nguyện sanh về cõi Đâu Suất tịnh độ. Đâu Suất tịnh độ thuộc tầng trời thứ bốn trong sáu tầng trời cõi dục. Nếu tu tất cả các thiện pháp và tùy nguyện mới sanh vào nội viện của cõi Đâu Suất, nếu không phát nguyện chỉ sanh vào ngoại viện như là một vị chư Thiên. Do đó mà tín ngưỡng Di Lặc tịnh độ xuất hiện.

– Dược Sư tịnh độ đó là cảnh giới của Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Khi Ngài đang còn hành đạo Bồ tát đã phát mười hai lời nguyện để cứu khổ chúng sanh. Chúng sanh nào khổ đau, hoạn nạn, bệnh tật biết niệm danh hiệu của Ngài thì sẽ được tai qua nạn khỏi, đời sống an ổn. Do vậy, chúng ta thường trì tụng kinh Dược Sư để cầu an giải khổ là nghĩa đó. Nếu phát tâm bồ đề và có ý nguyện cầu vãng sanh thì sẽ được Ngài tiếp độ.

– A Súc Phật tịnh độ được đề cập trong kinh Duy Ma Cật, một bộ kinh quan trọng của Phật giáo đại thừa. Tịnh độ theo nghĩa này là pháp tu thực tiển được các tông phái Phật giáo đại thừa rất chú trọng. Tư tưởng của nó tương ứng với tư tưởng Bát Nhã, đặc biệt là mang tinh thần nhập thế rất tích cực. Trong kinh đề cao Bồ tát hạnh và kiến lập tịnh độ ngay tại tâm. Kinh Duy Ma Cật nhấn mạnh rằng thanh tịnh hóa thân tâm tức là tịnh độ (tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh). Duy Ma Cật cư sĩ được xem là hiện thân của hành giả từ Quốc Độ Diệu Hỷ đến cõi này tuyên dương chánh pháp, hộ trì cho Phật Thích Ca giáo hóa chúng sanh.

– Tây Phương tịnh độ còn gọi là Cực Lạc thế giới, An dưỡng, Lạc bang v.v.. Y cứ kinh điển Đại Thừa thường tán thán cảnh giới thù thắng của Tây phương và công đức bổn nguyện của A Di Đà. Đức A Di Đà là chánh báo, cảnh Tây phương cực lạc là y báo. Nếu chúng sanh nào chuyên tâm niệm danh hiệu của Ngài, tu tập thiện pháp và quán tưởng cảnh giới Tây phương thì đến lúc lâm chung sẽ được vãng sanh. Điều đáng chú ý là hành giả tu tịnh độ tin sâu vào tha lực của Đức Phật và chư Bồ Tát. Lối tu này bao gồm cả tự lực và tha lực. Tự lực là tự mình y theo giáo pháp tu học để có đầy đủ phước đức mới được vãng sanh. Trong kinh Di Đà có dạy rằng: -không thể lấy chút ít căn lành và phước đức mà được sanh về cõi cực lạc. Đức Phật khuyên chúng ta phải tự mình nỗ lực mới tiếp nhận được năng lực của Ngài. Niệm Phật còn có thể phát sanh công đức, tiêu trừ vọng nghiệp và thành tựu thiền định.

3- Cơ sở y cứ của Tịnh Độ

Tịnh độ tông lấy tam kinh nhất luận làm tiêu chỉ tu học. Tam kinh là ba bộ kinh: Kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ. Nhất luận là bộ luận do ngài Thế Thân trước tác đó là Vãng Sanh tịnh độ luận.

– Kinh A Di Đà thuyết minh cảnh tướng trang nghiêm của cõi Tây Phương cực lạc, nguyện lực độ sanh của Đức Phật A Di Đà, đặc biệt khuyên tu niệm Phật để được vãng sanh. Đây là bộ kinh ngắn gọn và hàm chứa triết lý tịnh độ sâu xa mà các chùa đều đọc tụng hàng ngày.

– Kinh Vô Lượng Thọ thuyết minh công đức của Phật A Di Đà và công hạnh tu tập của Ngài. Khi đang còn địa vị Bồ Tát, Ngài đã phát 48 lời nguyện độ sanh nhờ vậy mà đắc quả vị Phật. Do đó, mười phương chúng sanh nương vào hạnh nguyện của Ngài nên niệm Phật thì sẽ được vãng sanh.

– Quán Vô Lượng Thọ kinh thuyết minh rằng: Tất cả chúng sanh muốn sanh về cõi Tây Phương phải tu tam nghiệp, đồng thời thực hiện 16 pháp quán về hảo tướng Đức Phật A Di Đà và cõi nước Cực Lạc.

– Vãng Sanh luận còn có tên là Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá nguyện sanh luận kệ, bộ luận này nói rõ nội dung 5 môn tu học là điều kiện tất yếu để được vãng sanh. Năm môn là: Lễ bái, Tán thán, Tác nguyện, Quán sát và Hồi hướng.

4- Sự phát triển của Tịnh Độ Tông

Sự hình thành của pháp môn tịnh độ thành tông phái độc lập là bắt đầu từ Phật giáo Trung Quốc. Đời Đông Tấn có ngài Huệ Viễn đã sớm đề xướng pháp môn niệm Phật, sáng lập ra Bạch Liên xã tại núi Lô Sơn, truyền dạy pháp môn niệm Phật tam muội cho chư Tăng và tín đồ. Đến thời Tuyên Võ Đế Bắc Ngụy có ngài Bồ Đề Lưu Chi đến Trung Hoa dịch tác phẩm Vãng Sanh luận của ngài Thế Thân ra chữ hán. Sau này có ngài Đàm Loan đã chú giải bộ luận này và đề cao pháp môn niệm Phật. Ở trong Thập Trụ Bà Sa luận của Bồ tát Long Thọ có dạy rằng: -Chúng sanh trong đời ngũ trược khó tu hành nên nương vào tha lực của Đức Phật để dễ dàng tiến tu đạo nghiệp, khẳng định pháp môn niệm Phật là khế lý khế cơ. Đến đời nhà Đường có ngài Đạo Xước cũng chủ trương niệm Phật cầu sanh tịnh độ, Ngài có viết tác phẩm An Lạc tập. Ngài Thiện Đạo cũng có tác phẩm Vô Lượng Thọ Phật Kinh sớ. Các tác phẩm này đều giải thích giáo nghĩa, giáo tướng của Tịnh Độ Tông. Về sau có ngài Hoài Cảm với tác phẩm Tịnh Độ Quần Nghi để tuyên dương giáo pháp tịnh độ. Ngài Huệ Nhật chủ trương Thiền Tịnh song tu, lấy tất cả các công đức tu hành để hồi hướng tây phương. Ngài Thừa Viễn và ngài Pháp Chiếu xem pháp môn niệm Phật tam muội là vô thượng thâm diệu thiền môn. Như vậy, Thiền và Tịnh phương tiện có khác nhưng cứu cánh là một. Cho đến thời đại nhà Đường Tịnh Độ tông đã phát huy một cách rực rỡ và có một vị trí quan trọng trong giáo lý Phật giáo. Điều đáng chú ý là tất cả các vị cao Tăng nghiên cứu và trước tác để xiển dương giáo lý Tịnh độ cũng không ngoài lập trường và tư tưởng của Tam kinh Nhất luận. Đến ngài Vĩnh Minh Diên Thọ cũng nỗ lực đề xướng thiền tịnh song tu. Thực tế có nhiều hành giả tu thiền mà vẫn hồi quy Tịnh độ, vì xem vãng sanh Tây phương là cảnh giới an ổn, dễ tiến tu cho đến ngày thành tựu đạo nghiệp.

Chúng ta nhận thấy rằng: Pháp môn Tịnh độ đều có cơ sở từ kinh luận. Đặc biệt trong giáo lý đại thừa có trên 12 bộ kinh đề cập đến pháp môn niệm Phật và cảnh giới Tịnh độ. Chư Phật, chư Bồ Tát và chư vị cao Tăng tuyên dương pháp môn này đều nói rõ ưu điểm trên hai phương diện tự lực và tha lực. Theo tinh thần của pháp môn niệm Phật, tuy chưa giác ngộ nhưng nhờ công đức niệm Phật, tu các pháp lành cũng được vãng sanh (đới nghiệp vãng sanh). Từ đó mà pháp môn Tịnh độ được các vị cao Tăng rất mực chú trọng và phát huy. Chúng ta hãy noi gương các Ngài tu học, như Ngài Đạo Xước phát nguyện một ngày đêm niệm bảy vạn biến hồng danh đức Phật A Di Đà. Ngài Huệ Nhật nhờ công đức tinh tấn niệm Phật, chiêm bái Phật tích ở trong đại định mà gặp đức Quan Âm thị hiện dùng tay xoa đầu và khai thị. Ngài Thiện Đạo chuyên tâm niệm Phật, tụng kinh Pháp Hoa, kinh Duy Ma Cật đắc được Niệm Phật tam muội, ở trong thiền định mà thấy được cảnh Tây phương cực lạc trang nghiêm thù thắng. Hành giả tu theo pháp môn Tịnh độ phải có đầy đủ ba điều kiện quan trọng: Tín, Hạnh, Nguyện; tinh tấn tu trì nhất định sẽ được vãng sanh Cực lạc.

Thích Đức Trí