Sự Thật Cụ Quả Thảo Vãng Sanh Về ĐâuĐây là cuộc tiếp xúc với cô Quả Lạng, là con gái của bà cụ Quả Thảo. Bà tên Phạm Thị Cúc, pháp danh Quả Thảo, cư ngụ tại San Jose, CA, USA vãng sanh lúc 4 giờ 10 phút sáng ngày 28 tháng 12 năm 2003 âm lịch, hưởng thọ được 83 tuổi.

Bà Quả Thảo rất mạnh khỏe, ít có bệnh. Đến một ngày nọ, bà cảm thấy đau ở ngực. Các con đưa bà đi bác sĩ. Bác sĩ cho biết bà bị ung thư gan đợt cuối, bà sẽ không sống được bao lâu. Gia đình con cái đều giấu không cho bà biết, nên bà tưởng bệnh nhẹ thôi. Đến hai tuần sau, bà bị đau nặng, các con đưa bà vào nhà thương. Sau đó bốn ngày thì bà vãng sanh. Bà ra đi một cách nhẹ nhàng.

Những điềm lạ trong thời gian ở nhà thương

Các con đưa bà nhập viện khoảng bảy giờ chiều chủ nhật ngày 25 tháng 12 năm 2003 âm lịch. Bác sĩ truyền nước biển cho bà, bà ngủ cho tới sáng thứ hai, cả ngày thứ hai bà khỏe lại bình thường. Đến hai giờ sáng ngày thứ ba, bà lẩm bẩm như là đang nói chuyện với ai. Đến khoảng ba giờ sáng, các con thấy bà có vẻ sắp đi, nên mời Quý Thầy đến giúp đỡ tụng Kinh, trợ niệm. Quý thầy giúp tụng Kinh và trợ niệm một hồi, thấy bà chưa có dấu hiệu vãng sanh nên ra về. Sau khi quý Thầy ra về bà khỏe lại bình thường. Tới khoảng 9 giờ đến 10 giờ sáng, bà thấy sư phụ của bà là Hòa Thượng Tuyên Hóa ở chùa Vạn Phật tới rước bà hai lần, nhưng bà đều lạy sư phụ. Bà nói bà chưa muốn đi vì bà chưa gặp đủ mặt con cháu. Sau đó, bà thấy Phật hiện đến hai lần để rước bà đi.

Lần đầu Phật và Bồ Tát hiện đến không nhiều nhưng lần thứ hai thì đến rất đông. Mỗi lần gặp Phật bà đều bảo con cháu hãy mau lạy Phật và đỡ bà lên để bà lạy.

Hai lần gặp Phật, bà đều lạy Phật xin cho bà ở lại vì bà chưa gặp mặt người con gái thứ bảy tên Lan vì còn ở Los Angeles chưa về kịp. Sau đó Phật bỏ đi.

Qua ngày thứ tư, nghe lời bác sĩ khuyên nên các con đưa bà về nhà. Về nhà bà ngủ mê man. Đến khoảng 10 giờ tối, bà thức dậy tỉnh táo như người bình thường. Lúc này, con cháu thân nhân đều có mặt đầy đủ, luôn cả cô con gái tên Lan của bà cũng về kịp. Bà cười giỡn với con cháu và người thân, bà còn nhắc lại những chuyện năm xưa và tật xấu của mỗi người, khiến con cháu và người thân ở chung quanh bà đều cười vui nhộn. Trong lúc cười giỡn thì có một cháu của bà từ Úc gọi qua hỏi thăm.

Lúc đó khoảng 12 giờ khuya, bà nói chuyện và dạy cháu niệm Phật hộ niệm cho bà. Sau khi nói chuyện xong, bà thấy hơi mệt, các con khuyên bà nên ngủ sớm. Bà bắt đầu nhắm mắt nhưng miệng luôn niệm Phật cho đến lúc đi sâu vào giấc ngủ. Các con cháu thấy bà đã ngủ yên, nên ai nấy cũng đi ngủ.

Khoảng 4 giờ 10 phút sáng, người cháu ngoại thức dậy để lo cho bà thì thấy bà không còn thở nên đánh thức cả nhà. Lúc đó, tướng mạo của bà vẫn còn đẹp và môi bà đỏ hồng, nên con cháu đều tin là bà đã vãng sanh. Vì vậy, con cháu bà không ai khóc.

Những điều kỳ lạ

Bệnh tình của bà đã làm cho các bác sĩ và y tá đều ngạc nhiên vì bình thường một người bệnh ung thư gan đợt cuối rất là đau đớn và khó coi, thêm vào đó là cục bướu lớn cỡ 7-8cm thì người bệnh sẽ chết. Nhưng cục bướu trong người bà đã lớn đến 12cm nhưng bà vẫn sống bình thường, không bị đau nhiều và sắc diện vẫn còn hồng hào, không bị vàng xanh. Còn một điều lạ nữa là, khi đưa bà về nhà, bác sĩ và y tá dặn dò con cháu của bà là “trước mấy ngày bà chết, bà sẽ bị những triệu chứng như là máu miệng hoặc máu mũi chảy ra. Bụng của bà sẽ bị sình to lên, nên khi chăm sóc cho bà phải luôn luôn đeo bao tay”.

Nhưng đến khi bà vãng sanh, những triệu chứng này hoàn toàn không có. Không những vậy mà vẻ mặt còn tươi sáng và đẹp hơn lúc bà còn sống.

Sau khi bà vãng sanh, Chư Tăng và con cháu trợ niệm cho bà đến 9 tiếng đồng hồ. Sau đó, bốn người con gái tắm rửa cho bà. Trong lúc tắm rửa, các con bà đều ngạc nhiên là ngực và đầu của bà vẫn còn ấm. Sau khi tắm rửa xong, các con kêu người tới khiêng nhục thân của bà đi. Những người đến khiêng, họ đều ngạc nhiên nói: “họ đã thấy nhiều xác chết, nhưng chưa thấy xác chết đẹp như bà, giống như một người đang nằm ngủ.

Các con vì thương bà nên không chịu hỏa thiêu, thêm vào vì bà vãng sanh gần ngày tết (tết tây) nên xác bà phải để trong phòng lạnh hết chín ngày, nhưng nhục thân của bà vẫn còn đẹp đẽ và nét mặt an nhiên tự tại.

Cụ Quả Thảo vãng sanh

Bà Quả Thảo rất là có phước, bà đã được nhiều Chư Tăng, con cháu và bạn bè cùng nhau trợ niệm trong khoảng thời gian nhập viện cho đến khi bà vãng sanh. Sau khi vãng sanh, con cháu bà tiếp tục mời chư Tăng đến giúp đỡ tụng Kinh và trợ niệm cho đến đến 49 ngày.

Sau khi vãng sanh, bà đã về cho con cháu bạn bè người thân của bà thấy được nhiều điềm lạ. Một ngày sau khi vãng sanh (ngày 29 tháng 12 năm 2003), bà về gặp người bạn đó là bác Phước. Bác Phước là người xưa nay tu Thiền.

Hôm đó khoảng 4 giờ sáng, bác Phước đang xả thiền. Tự nhiên bác nghe giọng nói của bà Quả Thảo, đứng ở đằng sau bên phía tay phải của bác. Bà nói: “Chị Phước! Nhắn dùm mấy đứa con của tôi lấy những bộ đồ tôi thích, cắt hết nút cho tôi!”.

Bác Phước vừa quay ra sau vừa hỏi cắt hết nút hả thì bỗng nhiên bác thấy bà Quả Thảo và sáu chư Tiên trong y phục màu trắng, họ chia ra làm ba cặp rồi bay lên trời.

Sau đó, đứa cháu của bà là cô nha sĩ Phượng nằm mơ thấy bà rất trẻ đẹp trong y phục nhà tu, bà đi giữa, hai bên có nhiều chư Tăng đi hai bên, trong một cảnh chùa rất đẹp.

Một người cháu khác của bà tên Ngân ở San Francisco, thấy bà rất trẻ đẹp trong y phục nhà tu, chung quanh bà có rất nhiều Chư Tăng. Bà ở trong một ngôi chùa rất lớn và rất đẹp. Ngôi chùa được gọi là Cửu Huyền Thất Tổ.

Bà về cho con cháu, bạn bè, người thân thấy rất nhiều điềm lạ. Các lần hiện về, bà đều mặc y phục Tiên hoặc y phục nhà tu. Chung quanh bà lúc nào cũng có chư Tiên, chư Tăng cùng đi và trong cảnh chùa rất đẹp.

Cả đời bà thích làm phước, bà hay đi chùa và siêng năng tụng Kinh niệm Phật. Đến phút cuối, dù trong lúc bị cơn bệnh ung thư hành hạ, bà vẫn còn đầy đủ lý trí giữ câu niệm Phật và luôn luôn nhắc nhở con cháu, người thân và bạn bè nên lo tu niệm Phật, bố thí và không được cúng mặn. Bà dạy con cháu phải làm theo hạnh nguyện của bà.

(Bài này do nữ cư sĩ Diệu Âm – San Jose ghi lại)

Lời Tịnh Hải:

Trường hợp của bà cụ Quả Thảo thật khó phân giải. Nếu nói rằng bà cụ đã vãng sanh Cực Lạc Thế Giới của Đức Phật A Di Đà thì, đúng mà cũng là không đúng.

Tại sao đúng?

Theo lời Kinh, thì bất cứ ai chuyên tâm niệm danh hiệu A Di Đà Phật thì lâm chung Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Thế là được vãng sanh Cực Lạc. Theo lời kể của cô Quả Lạng, thì bà cụ Quả Thảo đã thấy Phật A Di Đà đến rước hai lần.

Chẳng những bà thấy Phật, nói chuyện với Phật, còn bảo con cháu lạy Phật.

Như vậy chắc chắn bà cụ đã vãng sanh Cực Lạc Thế Giới. Xin lưu ý, ở đây chúng tôi dùng chữ vãng sanh Cực Lạc Thế Giới.

Tại sao không đúng?

Đây là một nghi vấn lớn lao, chúng tôi cần phải phân rõ ràng để làm một bài học kinh nghiệm chung.

Trước khi Phật A Di Đà đến, bà Quả Thảo thấy Hòa Thượng Tuyên Hóa. Chắc Đại Sư ở trong hàng Thánh chúng, Ngài đến trước để báo tin cho cụ bà, vì bà là đệ tử của Ngài. Bà lạy Sư phụ tỏ ý chưa muốn đi vì còn chờ gặp con cháu. Đại sư Tuyên Hóa trở lui và sau đó đến lần thứ hai. Bà cụ vẫn khư khư chưa muốn đi.

Mọi việc trên đây xảy ra ở nhà thương.

Nói đúng ra, bà cụ đã vấp vào điều cấm kị của nhà Phật. Trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật và Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật đều dạy, khi lâm chung nếu người sắp chết mà quá nặng về tình thì không thể bay lên các cõi cao, mà phải kẹt lại.

Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy rõ, Đức Phật A Di Đà thật vô cùng đại từ bi. Mặc dù bà Quả Thảo khăng khăng từ chối với Đại sư Tuyên Hóa, Phật A Di Đà vẫn hiện đến cùng với Thánh chúng.

Đọc đến đây, chúng ta càng thấy rõ hơn. Phật là tối cao, một lời Ngài nói thì không có gì thay đổi. Phật A Di Đà đã nói, Ngài sẽ tiếp dẫn thì chắc chắn Ngài đến. Dù bà cụ Quả Thảo quá nặng tình con cái, đó là phần lỗi của bà. Phật A Di Đà sở dĩ thành Phật được là do bỏ tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì Ngài đâu câu chấp về hành động thô thiển của bà cụ, một phàm phu mê muội.

Trong sách này, chúng tôi có trích đăng một bài trong băng giảng của Hòa Thượng Thiền sư Thích Thanh Từ, nói về chuyện vãng sanh của bà cụ thân mẫu của cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Lúc lâm chung, bà cụ cũng thất Phật A Di Đà đến tiếp dẫn.

Trở lại bà cụ Quả Thảo. Sau lần đầu xin cho bà được nán lại chờ đứa con gái thứ bảy, Phật A Di Đà và Thánh chúng trở lại đón lần thứ hai. Lần này số Thánh chúng cùng đi với Phật A Di Đà đông hơn. Nhưng cô Lan, người con gái thứ bảy của cụ vẫn chưa về tới.

Bà Quả Thảo quả nặng tình với con cái, vẫn khư khư xin Phật cho ở lại chờ con.

Phật và Thánh chúng bỏ đi, không trở lại nữa.

Bởi sự kiện này, chúng tôi không dám khẳng định bà cụ đã vãng sanh Cực Lạc. Vì bà Quả Thảo đã bỏ mất dịp ngàn năm một thưở.

Nhưng bà Quả Thảo vẫn vãng sanh.

Chúng ta nên hiểu thêm một điều. Mỗi con người đều có thọ mạng, tức là đến ngày giờ, thọ mạng chấm dứt thì Phật, Bồ Tát muốn cứu cũng không làm sao được.

Cho nên, chúng tôi mới nói bà Quả Thảo đã bỏ mất dịp ngàn năm một thưở.

Nhưng theo chúng tôi, bà Quả Thảo vẫn vãng sanh. Không vãng sanh Cực Lạc, bà Quả Thảo vẫn vãng sanh lên một cõi Trời nào đó.

Nhờ niệm Phật, bà Quả Thảo được nhẹ nghiệp. Nhờ nhẹ nghiệp, những người khác bị bệnh giống bà đều phải đau đớn để trả quả báo. Nhưng, trong mạng số bà phải bị ung thư, thì bà phải thọ bệnh. Song nhờ nhẹ nghiệp, bà không bị đau đớn như bao nhiêu người khác.

Đây là thành tựu kết quả của người tu niệm Phật. Hòa Thượng Đức Niệm, bà Diệu Âm ở Úc cũng cùng căn bệnh, tất cả đều không đau đớn, nhờ thành tâm niệm Phật.

Thay vì bà được Phật A Di Đà tiếp dẫn, nghiệp chướng của bà sẽ giảm nhiều hơn. Nhưng, bà không vãng sanh Cực Lạc, thì bà được vãng sanh lên một cõi Trời.

Lúc đầu, một thân hữu thấy bà hiện về, có chư Tiên đi theo. Vị thuật lại là người tu Thiền nên chúng ta có thể tin được. Có lẽ bà Quả Thảo muốn độ bà bạn này, nên chọn đúng người đến nhắn tin. Thật sự thì bà có thể báo tin thẳng cho con cháu. Con cháu của bà Quả Thảo thì thấy bà xuất hiện bên cạnh chư Tăng và ở trong ngôi chùa rất lớn và đẹp. Tóm lại, cụ bà Quả Thảo chắc chắn không còn ở Ta Bà này nữa, mà bà đã vãng sanh lên một trong các cõi Trời. Con cháu của cụ đều nghĩ như chúng tôi. Và sung sướng khi biết mẹ và mình đã lên được cõi Trời.

Với chúng tôi, dù bà Quả Thảo, vì quá nặng tình mà chẳng vãng sanh về cõi Cực Lạc Tây Phương Thế Giới. Nhưng cụ sẽ độ rất nhiều người. Bởi, sau khi chúng ta bỏ báo thân này thì vợ chồng, con cháu đều không còn sự liện hệ nào nữa. Sự thương nhớ càng làm trở ngại cho việc chuyển kiếp. Đã bỏ thân này thì không mang theo được gì cả, trừ những nghiệp quả. Nếu là người biết tu và biết niệm Phật hy vọng sẽ diệt bớt được nghiệp, khi lâm chung được Phật A Di Đà đến phóng quang tiếp dẫn, thì nghiệp của chúng ta được diệt dứt. Vì nơi cõi Cực Lạc, chúng sanh nơi đó không còn có nghiệp. Cho nên nơi Cực Lạc không có 3 đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Theo sự hiểu biết của chúng tôi, nếu con cháu của bà cụ Quả Thảo thật sự thương bà cụ, cũng có thể ngay trong đời nay, giúp cụ chuyển quả được vãng sanh Cực Lạc ngay.

Trên đây chúng tôi dùng chữ “thật sự thương”.

Nếu tất cả vợ chồng, cha mẹ, con cháu đều yêu thương nhau thật sự và hiểu đúng theo pháp môn niệm Phật vãng sanh của Phật, thì tất cả đều có thể giúp cho thân nhân, ông bà cha mẹ từ muôn kiếp của mình siêu thoát khỏi ba đường dữ. Đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Từ ngày chúng tôi viết sách, chúng tôi thấy có nhiều thứ tình thương. Khi cha mẹ vừa mất, nhiều người khóc lăn lộn tưởng chừng như người ấy có thể chết ngay theo người đã chết. Những đó chỉ là lối biểu diễn, thường tình của thế gian. Những người thật sự thương họ không biểu diễn, mà họ hành động thật sự, không một gian khổ nào mà họ từ chối. Họ kiên trì hành động không cần ai biết. Đây mới thật sự thương, như hành động của mẹ con cháu Ái Thu, mà chúng tôi có đề cập trong sách này.

Có nhiều người ỷ vào tiền bạc, tốn bao nhiêu tiền họ chẳng từ gian nan, nhưng bảo họ chịu một chút cực khổ, họ từ chối ngay. Đó không phải là tình thương thật sự.

Trường hợp bà cụ Quả Thảo, bà đã vãng sanh lên một cõi Trời. Tuy rằng lên được cõi Trời hưởng rất nhiều phước báu. Tuy nhiên, đối với Phật, đó vẫn là luân hồi trong sáu nẻo. Vì phước báu nào hưởng rồi cũng phải hết. Khi hết rồi, vẫn phải rớt xuống. Phật muốn tất cả đều phải siêu thoát, phải vượt khỏi Tam giới.

Muốn vượt khỏi Tam giới, thời Mạt pháp này chỉ có tu Niệm Phật cầu vãng sanh thì mới đạt được. Sỡ dĩ chư Phật mười phương đều tán thán Phật A Di Đà vì ngoài Ngài không có một vị Phật nào có thể giúp cho chúng sanh được vậy.

Phật Thích Ca, Phật Dược Sư và tất cả các vị Phật khác đều không thể làm được; bởi tất cả các cõi Phật đều có ba đường dữ. Chúng sanh chết đi sống lại, lộn lên rớt xuống đều cũng lẩn quẩn trong luân hồi. Luân hồi thật là đáng sợ, chính vì vậy mà chúng tôi kêu gọi mọi người ráng tu để vượt khỏi tam giới. Người không biết thương yêu, thật sự lo cho chúng sanh đều là ác độc. Những người này sống với tâm ma. Họ khoát lên người bộ áo rất đẹp, rất sặc sỡ, che giấu tâm ma ở bên trong.

Trường hợp bà cụ Quả Thảo, bà đang sung sướng thật sự. Con cháu cụ đang sống ở kiếp này đều biết cụ đang ở cõi Trời. Nhưng hết những thế hệ con cháu này, sau này có ai còn nhớ biết cụ đang ở đâu nữa không? (Chắc chắn không!).

Do đó, nếu ngay trong hiện tại, có thể chuyển quả vãng sanh cõi Trời của cụ, khiến cụ vãng sanh lên Tây Phương Cực Lạc Thế Giới vậy.

Trích Những Chuyện Niệm Phật Lưu Xá Lợi
Tác giả: cố cư sĩ Tịnh Hải