Niệm Phật Chớ Sợ Cười Đừng Chờ HẹnCó nhiều vị muốn tu học Phật pháp, nhưng lại sợ bị người chê cười là tiêu cực, hủ bại, mê tín. Do đó khi xem kinh thì lén lút không dám công nhiên cho người thấy; hoặc có ăn chay niệm Phật cũng không dám cho ai hay. Nên biết đạo Phật chẳng những là một tôn giáo, lại là một môn triết học rất cao thâm, các học giả uyên bác đông tây đã có nhiều vị nghiên cứu và thực hành. Phật đạo là con đường sáng suốt đưa người từ hung ác đến thiện lương, từ hàng phàm phu mê mờ đến địa vị thánh nhơn toàn giác. Cho nên người đã có duyên may tu học Phật pháp, nên mừng cho mình được phước lành, và tùy nghi đem ra khuyên nhắc kẻ khác làm theo, chớ không chi phải e ngại. Những kẻ chê tu Phật là tiêu cực, hủ bại, mê tín, chỉ vì họ chưa hiểu biết mà thôi.

Lại trong giới tu học Phật pháp, có những người vừa mới xem qua các kinh điển cao, đã vội tự phụ cho mình là bậc Đại Thừa (1) hành giả, thấy ai ăn chay niệm Phật liền xem là hạng căn cơ thấp kém, chỉ bắt chước theo các ông già bà cả ngu dốt tối tăm, Nên biết môn Tịnh Độ là pháp Đại Thừa viên đốn. Nói “Đại Thừa”, vì pháp này lấy niệm Phật làm nhân, lấy địa vị Toàn Giác làm quả. Nói “viên” vì môn này nhiếp tròn cả năm tông tám giáo, như các bậc cổ đức đã luận phê. Nói “đốn” vì phương tiện này đưa từ hàng cụ phược phàm phu lên ngôi bất thối chuyển, từ bậc sơ học lên quả Vô thượng Bồ Đề, rất thẳng tắt mau lẹ. Cho nên pháp môn này sáu phương chư Phật đều khen ngợi, các vị Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ đều phát nguyện vãng sanh. Xem thường và khinh chê niệm Phật, chẳng những là không hiểu sâu về Tịnh Độ, mà còn mang lỗi khinh chê chư Phật và các bậc Thánh giả đã nói trên. Cho nên niệm Phật là chính mình đã thật hành theo pháp môn viên đốn Đại Thừa, không nên ngại đến sự cười chê của người chưa hiểu biết.

Muốn cầu giải thoát, đối với sự niệm Phật phải xem là điều rất khẩn yếu, biết được lúc nào là phải thật hành ngay khi ấy, không nên chờ hẹn. Phật đã từng dạy, mạng sống của con người chỉ ngắn ngủi trong hởi thở; vì hơi thở có ra mà không vào, tức đã bước sang kiếp khác. Thế thì năm tháng ngày giờ, cho đến mỗi giây phút, đều có cái chết không chờ hẹn ta ở trong đó; chẳng ai dám quyết đoán mạng sống của mình dài được bao lâu. Cổ thi có câu:

Ngày trước đầu đường còn ruỗi ngựa.
Hôm nay trong quách đã nằm yên!

Hoặc câu:

Chớ hẹn đến già rồi niệm Phật.
Đồng hoang mồ trẻ thấy đông người.

Đây là những điều xác thật. Cho nên muốn phòng ngừa cơn vô thường chợt đến, mỗi thời khắc chúng ta phải gắng chăm niệm Phật. Như thế, gặp giây phút cuối cùng mới không bị bối rối tay chân.

Trên đường tu, để ngăn trách về sự giải đãi, đức Phật đã răn dạy: “Thầy Tỳ Khưu thường hay có tám cách biếng trễ. Chẳng hạn, bữa nào đi khất thực đói, liền nghĩ rằng: “Hôm nay, khất thực đói, trong người tất thiếu sức khỏe, để huởn tu một đêm.” Bữa nào khất thực no, liền nghĩ: “Hôm nay ăn no, trong người nặng nề mệt nhọc, thôi tạm xả tu, mai sẽ tiếp tục.” Như thế cho đến những khi: sắp làm việc nhiều – lúc làm việc nặng vừa xong – sắp muốn đau – khi đau bịnh vừa mạnh – sắp đi xa – lúc đi xa mới về; trong các trường hợp ấy, lúc nào cũng nại cớ này, cớ khác, rồi bỏ tu để ngủ nghỉ. Trái lại, những vị Tỳ Khưu tinh tấn, trong tám trường hợp đó, luôn luôn nghĩ đến sự vô thường, hằng siêng năng tu tập.”

Tâm niệm giải đãi của người xuất gia đã như thế, tất tâm lý biếng trễ của hàng tại gia chắc có lẽ nhiều hơn. Hoằng Nhứt đại sư từng khuyên một người thân hữu niệm Phật. Ông này viết thư gởi đến, than mình mắc bận nhiều công việc, xin để tạm xếp đặt cho ổn thỏa rồi sẽ hay. Đại sư liền biên vào bức thư đó hai câu thi, rồi gởi trả nguyên lại. Hai câu ấy như sau:

Ngay giờ quyết dứt, liền thôi dứt.
Chờ hẹn cho xong, chẳng lúc xong!

Thật thế, chuyện đời đến khi nhắm mắt cũng không rồi công việc.

Khi xưa, có vị tăng khuyên người bạn là Trương Tổ Lưu niệm Phật. Ông bạn bảo: “Tôi có ba việc làm chưa xong: Một là quan tài ông thân còn để ở nhà mồ chưa chôn, hai là đứa con trai chưa cưới vợ, ba là đứa con gái chưa gả chồng. Chờ ba việc đã xong, tôi sẽ vâng lời.” Mấy tháng sau, ông bạn bị bạo bịnh chết. Vị tăng đến tụng kinh cầu siêu, và điếu một bài thi rằng:

Bạn tôi tên là Trương Tổ Lưu
Khuyên ông niệm Phật, hẹn ba điều.
Ba điều chưa vẹn, vô thường bắt
Đáng trách Diêm Vương chẳng nể nhau!

Trong bài thi, ý vị tăng nói: ông hẹn khi xong ba việc sẽ niệm Phật, nhưng ngặt nỗi vô thường bất ngờ đến, nó có chờ hẹn ông đâu? Xem đấy chúng ta ai dám bảo đảm rằng mình chẳng là ông Trương Tổ Lưu thứ hai? Cho nên người quyết chí tu hành, được hở giây phút nào liền niệm Phật ngay lúc ấy, đừng nên đạp nhầm dấu xe đổ của người xưa mà để hận ngàn thu.

Giải thích nghĩa từ:

(1) Dịch âm Hán Việt là Ma-ha-diễn-na, Ma-ha-diễn, tức là “cỗ xe lớn”; Một trong hai trường phái lớn của đạo Phật, phái kia là Tiểu thừa hay được gọi là “cỗ xe nhỏ”. Xuất hiện trong thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên, phái này tự nhận là cỗ xe lớn, nhờ dựa trên tính đa dạng của giáo pháp để mở đường cho một số lớn chúng sinh có thể giác ngộ.

Cả hai, Tiểu thừa và Ðại thừa đều bắt nguồn từ Ðức Phật Thích-ca Mâu-ni, nhưng khác nhau nơi sự quan tâm về thực hành giáo pháp. Nếu Tiểu thừa quan tâm đến sự giác ngộ của chính mình thì đại biểu của Ðại thừa mong muốn được giải thoát để cứu độ chúng sinh. Hình tượng tiêu biểu của Ðại thừa là Bồ-Tát (Bodhisattva) mà đặc tính vượt trội là lòng Bi (Lòng thương yêu, đau xót, thông cảm cùng với chúng sinh).

Ngược lại với quan điểm nguyên thủy, Ðại thừa không quá nhấn mạnh đến đời sống xuất gia, cho rằng cư sĩ tại gia cũng có thể đạt Niết Bàn (Đây là một khái niệm nằm ngoài ngôn ngữ và lýluận. Có thể hiểu giống như lửa phát sinh từ hư không và trở về với hư không, thì Niết-bàn là một tình trạng của tâm thức trở về với một cõi xứ không chịu sự sinh diệt, là dạng tồn tại của tâm thức không có mọi sự khổ đau của vòng sanh tử luân hồi) với sự tế độ của chư Phật và chư Bồ Tát. Trong quan điểm Ðại thừa, Niết-bàn không phải chỉ là giải thoát khỏi Luân hồi – mà hơn thế nữa, hành giả giác ngộ về Chân tâm và an trụ trong đó. Mỗi chúng sinh đều mang Phật tính và nhận ra điều đó là điều tuyệt đối quan trọng.

Giáo lí căn bản của Ðại thừa được chứa đựng trong những bộ Kinh (Sutra) và Luận (Sastra) với nhiều luận văn hết sức sâu sắc. Hành giả tu theo pháp môn niệm Phật là hành giả Đại thừa.

Trong Đại thừa lòng Từ (Từ được xem là lòng thương yêu chúng sinh nhưng không có tính chất luyến ái) và bi được xem là đức hạnh chính yếu, trong lúc Tiểu thừa xem Trí huệ quan trọng hơn trong bước đường giác ngộ. Trong Tịnh độ tông (pháp môn niệm-PHẬT) thì lòng từ bi của Phật A-Di-Đà (Amitabha Buddha) được xem là cao cả nhất.

Hòa thượng Thích Thiền Tâm