Trợ Niệm Vãng SanhTrợ niệm vãng sinh bao gồm những nghi thức nhằm nhắc nhở, khuyến-khích hay thúc-dục một người ốm nặng, hấp-hối hay mới chết cùng với chúng ta niệm Phật, cầu sinh Cực-Lạc.

Nghi-thức này rất quan-trọng đối với những người tu môn Tịnh-Độ. Tại sao? Vì các tín-hữu tu môn Tịnh-Độ đều tin rằng có cõi Cực-Lạc của Phật A-Di-Đà ở phương Tây và tất cả chúng ta, dầu có tội hay không tội, cũng đều có thể được sinh về đó, nếu chúng ta luôn nhớ đến Phật và mong Ngài tới đón về nước của Ngài vào lúc lâm-chung. Tiếc rằng chúng ta vốn có thói-quen chạy theo ngọai-cảnh và vọng-tưởng, rồi quên mất Phật, nên mới cần có người nhắc-nhở, khuyến-khích hay thúc-dục.

Lại nữa, nhớ đến Phật và mong Ngài tới đón thuộc về tình-cảm, không thể gượng-ép. Do đó, nếu không sẵn có cái tình-cảm quý-báu này, thì phải tập niệm danh-hiệu Phật và phát-nguyện vãng-sinh. Văn phát-nguyện rất nhiều, chúng ta nên chọn một bài thật vừa ý mà đọc. Rồi, nhờ niệm danh-hiệu Phật, chúng ta sẽ nhớ đến Phật. Nhờ phát-nguyện vãng-sinh, chúng ta sẽ mong được Phật đón, vào lúc lâm-chung!

Nếu công-phu tu-tập hoàn-tất, chúng ta sẽ biết trước ngày chết. Ngược lại, nếu chưa biết ngày giờ chết, mà đã lâm trọng bệnh, hay lên cơn hấp-hối thì phải chuyên-tâm niệm Phật và nhờ người trợ-niệm cho đến khi thấy được đức Phật, bồ-tát hay hoa sen hiện đến tiếp-dẫn.

Còn nếu chưa thấy điềm lành ấy, mà đã tắt thở, thì phải cố tự-niệm và nhờ người trợ-niệm cho được 10 câu Phật-hiệu trong quá-trình thần-thức rời khỏi thể-xác.

Rủi thần-thức đã rời thể-xác và có thân trung-ấm rồi, thì phải gấp rút nương theo sức trợ-niệm của bà-con hay bạn-bè mà xướng tên Phật cầu sinh Cực-Lạc, nội trong hai tuần đầu. Nếu còn lần-lữa e sẽ lỡ việc!

Nói một cách khác, người niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc là người chuẩn-bị để thi thành Thánh, hay rõ ràng hơn là thành bồ-tát bất-thoái ở trên Cực-Lạc. Thi thành Thánh có ba kỳ: Kỳ một kết-thúc trước khi tắt thở. Kỳ hai bắt đầu từ lúc tắt thở đến khi thần-thức vừa mới ra khỏi thể-xác và chưa có thân trung-ấm. Kỳ ba kéo dài hai tuần, kể từ lúc có thân trung-ấm. Trên thực-tế, chúng ta không xác-định được cái ngày mà người chết vào trung-giới và có thân trung-ấm, nên câu “2 tuần, kể từ lúc có thân trung-ấm” thường được hiểu là “2 tuần, kể từ lúc tắt thở.”

Đậu kỳ một gồm những người biết trước ngày chết, hoặc những người thấy được điềm lành trước khi tắt thở. Sao gọi là thấy được đìềm lành? Thấy được điềm lành là thấy đức Phật, bồ-tát hay hoa sen hiện đến tiếp-dẫn.

Đậu kỳ hai gồm những người niệm được 10 câu Phật-hiệu trong giai-đoạn lâm-chung.

Đậu kỳ ba gồm những vong-linh phát tâm niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc trong khoảng thời-gian dài 2 tuần, kể từ khi có thân trung-ấm, hay thực-tế hơn, là kể từ khi tắt thở.

Vậy, mục-đích tu-học của tín-đồ Tịnh-Độ là phải đậu thành Thánh ở một trong ba kỳ thi đó.

Những người biết trước ngày chết, có thể chuẩn-bị niệm Phật và chờ Ngài đến đón mt cách dễ-dàng và chính-xác. Do đó, không cần trợ-niệm. Tuy-nhiên, nếu được trợ-niệm thì vẫn tốt hơn.

Những người không biết ngày chết, thường quen chạy theo ngoại-cảnh hoặc suy-nghĩ viển-vông mà quên mất Phật. Do đó, chúng ta cần phải sốt-sắng nhắc-nhở, khuyến-khích hoặc thúc-dục họ cùng với chúng ta niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc!

Nhắc-nhở, khuyến-khích hoặc thúc-dục một người ốm nặng, hấp-hối hay mới chết cùng với chúng ta niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc, gọi là trợ-niệm vãng-sinh. Việc làm này hết sức quan-trọng. Cho nên, chúng ta cần phải chuẩn-bị kỹ-lưỡng về cả hai phương-diện tâm-lý và nhân-sự.

Về phương-diện tâm-lý, chúng ta phải giảng-giải cho người thân của chúng ta rằng họ nên niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc. Đặc-biệt là lúc thần lià khỏi xác, nếu họ có thể niệm được mười câu “Nam-mô A-Di-Đà Phật,” thì chắc-chắn sẽ được sinh về xứ Phật.

Về phương-diện nhân-sự, chúng ta nên mời bà con, bạn-bè và nhất là các bậc thiện-tri-thức đến trợ-niệm. Thiện-tri-thức là gì? Thiện là tốt lành. Tri là hiểu Đạo. Thức là biết người sắp chết hay mới chết. Thiện tri-thức trong trường-hợp này là những tín-hữu tin-nhận pháp-môn Tịnh-Độ, quen-biết người sắp chết hay mới chết, lại có lòng tốt chịu đến tận nơi nhắc-nhở, khuyến-khích và thúc-dục người ấy cùng với mình niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc, trong những tuần-lễ trước và sau khi đương-sự tắt thở.

Chuẩn-bị tâm-lý và nhân-sự xong, chúng ta phải học kỹ-thuật trợ-niệm. Kỹ-thuật này gồm hai phần chính: Một là nhắc-nhở người sắp chết hay mới chết phải lo niệm Phật. Hai là phải niệm danh-hiệu Phật A-Di-Đà để họ bắt-chứơc làm theo.

Nếu người cần trợ-niệm chưa tắt thở, chúng ta nên nhắc-nhở, như sau: “Này đạo-hữu (Pháp-danh)! Người đang bị bệnh, nhưng chớ lo! Hãy chuyên-tâm niệm danh-hiệu Phật A-Di-Đà. Nếu số người chưa tận, thì sẽ sớm được bình-phục. Còn như đã đến lúc phải ra đi, thì sẽ được Phật đón về Cực-Lạc!” Tiếp theo, là phải niệm: Nam-mô A-Di-Đà Phật, cho đến khi mỏi-mệt, thì mở máy niệm Phật để thay-thế. Cố giữ cho tiếng niệm ấy liên-tục, không dứt, trong suốt thời-gian cần được trợ-niệm.

Nếu người cần trợ-niệm đã tắt thở, chúng ta nên nhắc-nhở, như sau: “Này đạo-hữu (Pháp-danh)! Người đã chết thật rồi! Không nên nhớ, nghĩ vẩn-vơ nữa. Hãy cùng chúng tôi niệm Phật, chờ Ngài tới đón.” Tiếp theo, lại niệm: Nam-mô A-Di-Đà Phật, như trên.

Với những người chết ở Việt-Nam, chúng ta có thể trợ-niệm trước khi chết và khi họ tắt thở, chúng ta có thể giữ xác họ ở nhà hoặc đưa vào Vãng-Sinh-Đường để tiếp-tục trợ-niệm. Nhưng ở các nước Âu-Mỹ, phần lớn thân-nhân của chúng ta đều chết tại bệnh-viện, hai người một phòng, nên việc trợ-niệm trước khi chết rất là khó-khăn. Rồi khi họ tắt thở, thì thường không có bà con bên cạnh. Tiếp đến thân-hình của họ bị đẩy vào nhà xác để chờ tẩm-niệm.

Nếu rủi bị chết vào ngày chủ-nhật, thì chúng ta thường đợi đến cuối tuần, mới đưa ra nhà quàn để quí thầy, bà con cùng bạn-bè trợ-niệm và viếng thăm lần cuối, trước khi chôn hoặc thiêu. Nói như vậy, có nghiã là có 6 ngày, kể từ khi người thân của chúng ta tắt thở, chúng ta không thể trợ-niệm cho họ. Mặc dầu đấy là những ngày tốt nhất để nhắc họ niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc!

Để tránh trở-ngại này, chúng ta nên điều-đình với nhà-thương, xin họ cho chúng ta giữ lại xác chết 8 giờ để trợ-niệm và đồng thời tiến-hành thủ-tục đưa ra nhà quàn trợ-niêm càng sớm càng tốt.

Rồi khi đã chôn hoặc thiêu xác ấy, chúng ta nên đưa vong-linh lên chùa để cầu siêu và lập bàn thờ ở nhà để tiếp-tục trợ-niệm cho đến hết ngày thứ 14, kể từ khi người thân của chúng ta tắt thở.

Qua ngày 15, chúng ta không trợ-niệm nữa, mà chỉ cầu siêu thôi! Cầu siêu là gì? Cầu siêu là cùng nhau bố-thí, cúng-dường, đọc kinh, niệm Phật hoặc trì chú, rồi hồi-hướng công-đức xin cho vong-linh sớm bỏ mê-đồ, sinh về Lạc-quốc.

Tóm lại, với người tu Tịnh-Độ, thời-gian quan-trọng nhất là vài tuần trước khi tắt thở và hai tuần sau khi tắt thở. Tuy nói, vài tuần trước khi tắt thở và hai tuần sau khi tắt thở, nhưng tốt nhất là lúc lâm-chung.

Lâm-chung là lúc thần-thức rời khỏi thể-xác. Không ai biết được thời-điểm mà thần-thức của chúng ta rời khỏi thể-xác, ngoại trừ chính chúng ta và những bậc có thiên-nhãn-thông!

Theo những người có kinh-nghiệm xuất thần, việc thần-thức rời bỏ thể-xác được tiến-hành vào lúc chúng ta rơi vào bóng tối cận-tử và có cảm-giác như đang bay rất nhanh trong một hầm tối với tiếng gió rít bên tai. Việc này được hoàn-tất khi tiếng gió ngưng-bặt và bóng tối tan đi. Bấy giờ, giống như con rắn vừa lột xác, thần-thức có thể quán-sát cái thân mà nó đã bỏ lại để ra đi…

Từ lúc rơi vào bóng tối cận-tử và nghe tiếng gió rít cho đến khi thần-thức ra khỏi thể-xác, người chết hết sức tỉnh-táo và tự-do để nghe chúng ta góp ý. Do đó, khoảng thời-gian này rất tốt để trợ-niệm và thường nằm gọn trong 8 giờ, tính từ khi người thân của chúng ta tắt thở!

Nếu bỏ lỡ dịp này, chúng ta sẽ còn thêm một cơ-hội nữa, là hai tuần kế-tiếp.

Sang tuần thứ ba, chúng ta nên ngưng trợ-niệm để lo cầu siêu. Tại sao? Vì bắt đầu từ lúc đó, sức nghiệp trở mạnh, lôi kéo vong-linh, khiến nó mê-mụi chỉ muốn trở lại luân-hồi! Đây chính là lý-do, khiến chúng ta phải lo trồng công-đức, rồi hồi-hướng xin cho vong-linh sớm bỏ mê-đồ, sinh về Lạc-quốc.

Montréal, ngày 13-03-05
Hiển-Mật