Bà Cư Sĩ Họ Hàn 2 Lần Thấy Phật Vãng Sanh Nhờ Tích Cực Hộ Pháp Cho Hoà Thượng Tịnh KhôngĐây là chuyện niệm Phật thấy Phật vãng sanh đáng được chúng ta lưu tâm, vì người được Phật A Di Đà tiếp dẫn là một cư sĩ đã đóng góp một phần lớn cho cuộc đời tu hành và hoằng pháp của Hòa Thượng Tịnh Không.

Cuộc đời tu hành gian nan và sự hoằng pháp thành công ngày nay của H.T Tịnh Không, ngoài sự tự lực của Ngài, đáng kể nhứt là sự hộ pháp của bà Hàn cư sĩ.

Trong đời tu hành, H.T Tịnh Không gặp được 3 vị Thầy giỏi. Đầu tiên, Hòa Thượng Tịnh Không học với giáo sư Đông Phương Mỹ. Kế đó, học với Chương Gia Đại Sư thuộc Mật Tông. Sau khi Chương Gia Đại Sư viên tịch, Ngài Tịnh Không gặp cư sĩ Lý Bỉnh Nam.

Cư sĩ Lý Bỉnh Nam đưa điều kiện là phải buông bỏ tất cả những gì mà hai vị Thầy trước đã dạy thì ông mới thâu nhận làm đệ tử, và những Kinh sách nào, ông cho đọc mới được đọc.

Cư sĩ Lý Bỉnh Nam là đệ tử chân truyền của Ngài Ấn Quang, Tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông (xin xem bài Vãng sanh Lưu Xá Lợi của cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở phần sau).

Năm 45 tuổi, theo lời tiên đoán của một nhà tướng số, đáng lý Hòa Thượng Tịnh Không đã chết trong cơn bạo bịnh như hai người bạn đồng tu đã chết trước, đúng như lời tiên đoán. Nhưng, nhờ Ngài biết buông bỏ tất cả. Kiên trì và miên mật niệm Phật suốt 1 tháng, H.T. Tịnh Không đã chuyển được nghiệp lực.

Theo chúng tôi, H.T. Tịnh Không đã niệm Phật thành khối và đạt được niệm Phật “Nhất Tâm Bất Loạn”, có thể Ngài đã được sự nhất tâm bất loạn.

Nghe các băng giảng của Hòa Thượng, chúng tôi nghĩ Ngài đã dứt được Kiến hoặc và Tư hoặc. Kiến hoặc có 10 loại: thân kiến, biện kiến, kiến thủ, giới thủ, tà kiến, tham, sân, si, mạn, nghi. Tư hoặc gồm có: tham, sân, si, mạn vi tế.

Lý nhất tâm bất loạn khó hơn, đòi hỏi phải phá một phần Vô minh. Khi nào phá được một phần Vô minh sẽ chứng được một phần Pháp thân. Vô minh tổng cộng có tới 42 phần.

Từ lâu vấn đề niệm Phật “Nhất Tâm Bất Loạn” được đề cập. Nhưng trong Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 24 “Ba Bậc Vãng Sanh” không đòi hỏi Nhất tâm bất loạn, chỉ cần “nhất hướng chuyên niệm”.

Theo chúng tôi khi vượt qua niệm Phật thành khối, H.T Tịnh Không đã chuyển được nghiệp lực, việc sanh tử không còn thành vấn đề, nên Ngài đã không chết. Ngài sẽ tự tại vãng sanh, muốn đi hay ở lại Ta Bà lúc nào tùy Ngài thương lượng với Đức Phật A Di Đà. Điều này chúng tôi nghe qua trong dĩa CD Chuyển Nghiệp Lực Thành Nguyện Lực và dĩa MP3 Vãng Sanh Luận do Hòa Thượng Tịnh Không giảng. Chúng tôi sẽ đi sâu vào vấn đền này trong sách Tu Chứng Quả Vãng Sanh.

Bây giờ trở lại bà Hàn cư sĩ. Cuộc đời tu hành của H.T. Tịnh Không bỗng nhiên liên hệ đến gia đình của Hàn cư sĩ. Năm Hòa Thượng Tịnh Không 51 tuổi, Ngài bắt đầu sự nghiệp Hoằng pháp. Có chút tên tuổi thì tai họa xảy đến. Đạo Tràng mà Hòa Thượng xuất gia, muốn Ngài làm công việc cầu siêu cầu an, lo tiếp độ vong linh. H.T Tịnh Không từ chối. Vì theo Ngài, Kinh Sám hay cầu siêu không thể giúp cho người đã chết và các vong hồn được siêu thoát.

Kết quả, H.T Tịnh Không được mời ra khỏi chùa. Thời kỳ này, H.T Tịnh Không đã có đệ tử. Nhiều người đến các chùa khác để vận động cho Ngài Tịnh Không một chỗ tạm trú. Nhưng tất cả chùa am đều từ chối.

Trước tình thế này, Ngài Tịnh Không tiết lộ trong sách Làm Thế Nào Cứu Vãn Phong Hóa Xã Hội như sau:

1- Tôi phải từ bỏ con đường hoằng pháp lợi sanh theo đuổi Kinh Sám, lo tụng Kinh, sám hối, cầu an, cầu siêu tức là đi tiếp độ linh hồn.

2- Tôi phải hoàn tục, tiếp tục làm việc để mưu sinh.

Trước tình cảnh nguy kịch này, vợ chồng Hàn cư sĩ xuất hiện giúp đỡ cho Ngài Tịnh Không, dù rằng họ cũng không dư giả. Họ có phòng trống mời Ngài Tịnh Không về tạm ở.

Người tu mà rời khỏi Tăng đoàn là điều hết sức khổ sở. Bà Hàn cư sĩ tỏ ra là người hộ pháp đắc lực. Và cả gia đình họ Hàn phải gánh chịu nhiều mũi dùi gièm pha, phỉ báng. Do từ nhiều nơi đặt điều nói xấu và làm áp lực để khiến cho Ngài Tịnh Không không còn chỗ dung thân.

Chẳng những bà Hàn cư sĩ không đầu hàng trước áp lực, mà tích cực lo mướn chỗ cho Ngài Tịnh Không tập giảng Kinh. Trước đây, cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Thầy của Ngài Tịnh Không chỉ dạy cách giảng pháp. Nếu mỗi tuần không có một ngày lên bục giảng pháp thì không thể nào trở thành một pháp sư giỏi.

H.T. Tịnh Không tiết lộ: “Tôi được sự gia trì của gia đình họ Hàn nên cơ hội giảng Kinh của tôi thật mỹ mãn. Mỗi tuần ít nhất có 3 lần lên bục giảng. Có lúc đến 5 lần 6 lần. Tối đa tôi nhớ, đại khái có 2 năm cơ hội lên bục giảng rất nhiều : sáng, chiều và tối. Mỗi tuần có 30 tiếng”.

Trong thời gian này, có lúc bà Hàn cư sĩ không để Ngài Tịnh Không nghe điện thoại. Bà muốn Ngài để hết thời gian và tâm trí vào việc luyện tập giảng pháp.

Bà quyết tâm đóng góp công sức để đào tạo một pháp sư giỏi. Từ năm Ngài Tịnh Không lâm nạn, bị bế tắc nhiều mặt cho đến lúc lập được một đạo tràng nhỏ là 17 năm. Năm đó Hòa Thượng được 68 tuổi lập được một đạo tràng nhỏ và lập thêm được một thư viện lấy tên Đồ Thư Quán Cảnh Mỹ. Một số người nghe Pháp sư Tịnh Không giảng pháp, sanh tâm hoan hỷ, tình nguyện xuất gia. Thế là Ngài Tịnh Không có được một Tăng đoàn nhỏ.

Ngài Tịnh Không và gia đình họ Hàn bị các chùa ở Đài Loan bao vây cô lập trong suốt 17 năm dài. Công đức hộ trì của bà Hàn cư sĩ và gia đình thật là vĩ đại. Nhờ có bà mà thời mạt pháp này có được một đại sư suốt đời lo việc hoằng pháp lợi sanh.

Tịnh Hải chúng tôi tuy không là đệ tử của Hòa Thượng Tịnh Không, nhưng cũng nhờ có sự hộ pháp của bà Hàn cư sĩ mà hưởng được lợi lạc trong các pháp giảng của Ngài Tịnh Không.

Bà Hàn cư sĩ hộ trì cho H.T. Tịnh Không suốt 30 năm. Bất ngờ bà lâm trọng bịnh. Tuy vậy mà vẫn thản nhiên như chẳng bịnh hoạn.

Ngày 1 tháng 3, bịnh viện bảo con bà, 2 giờ nữa bà sẽ đi, dạy họ lo hậu sự. Lúc đó 6 giờ chiều. Đến 8 giờ bà tỉnh dậy, đòi uống nước. Qua 10 giờ 30, Phật A Di Đà đến. Bà bỗng tỉnh táo hơn bao giờ hết, bà nói và cười. Chiều ngày 3 tháng 3, bác sĩ bịnh biện khám bịnh nói: “Những người học Phật thật khó hiểu. Tại sao không khỏe rồi lại hồi phục?”.

Phật A Di Đà xuất hiện lo việc dùm H.T Tịnh Không.

Lúc ấy, Ngài Tịnh Không chợt nghĩ chiếc áo cà sa màu hông không đúng pháp, nên bàn với Hàn cư sĩ đổi lại, dùng màu cà phê.

Xin hãy nghe H.T Tịnh Không kể về việc Phật A Di Đà lo việc dùm cho Ngài:

“Cho nên tôi gọi điện cho Đồ Thư Quán, bảo Ngộ Đạo lập tức thông báo cho cửa hàng Tăng phục Bản Kiều, cùng với chúng Tăng (nam) xuất gia của Đồ Thư Quán chúng tôi, mỗi một người may một bộ y 25 điều, màu cà phê. Lập tức thông báo cho bà chủ cửa hàng, hy vọng bà có thể may cho chúng tôi nhanh một chút.

Buổi tối, bà chủ cửa hàng Tăng phục đến Đồ Thư Quán để lấy số lượng, kích thước của chúng tôi. Chúng tôi nói với bà mong bà có thể may cho chúng tôi nhanh một chút. Bà nói cho chúng tôi bà đã biết rồi. Chúng tôi rất ngạc nhiên, làm sao bà có thể biết? Buổi trưa, Phật A Di Đà thông báo cho bà biết, nói Đồ Thư Quán có việc gấp, họ cần tìm thợ làm gấp cho họ. Chúng tôi nghe bà nói những điều này trong lòng vô cùng kinh ngạc, nhưng cũng vô cùng an ủi kinh ngạc vì từ trước đến nay chưa từng nghe qua, Phật A Di Đà đích thân thay thế người khác sắp xếp công việc, chưa từng nghe! Trong sách xưa cũng không thấy ghi chép về việc này. Như vậy đúng trưa hôm ấy, trưa mùng 3, Quán trưởng Hàn thấy Phật A Di Đà cùng lúc. Một người thì ở bệnh viện, một người thì ở cửa hàng, sự kiện này đem đến một niềm tin rất lớn cho chúng tôi.

Quả nhiên trang phục chúng tôi yêu cầu, bà chủ cửa hàng đưa đến đúng hẹn. Quán trưởng Hàn vào lúc 4 giờ 20 chiều mùng 5 an nhiên vãng sanh. Tăng phục đưa đến cho chúng tôi trước đó. Hết thảy chúng tôi đều như pháp, trong lòng an ổn, hoan hỷ vô song. Chúng tôi ngẩm nghĩ Hàn Quán trưởng đến thế gian này để hộ trì Phật pháp, nên có thể nói Phật A Di Đà phái Bà đến, Bà không phải là phàm nhân. Bà đến có nhiệm vụ của Bà. Bà đi, công đức Bà làm đã viên mãn. Phật A Di Đà tiếp dẫn Bà đi. Bà trong khoảng thời gian này 2 lần thấy Phật A Di Đà. Một lần thấy Hải Hội Liên Trì. Bà nói với chúng tôi Liên Trì rộng lớn lắm! Liên hoa đẹp lắm! Bà ra đi an lành như thế. Trước khi ra đi, Bà nói chuyện với chúng tôi rất thoải mái, chẳng có chút gì đau khổ. Bà đi rất vui vẻ.”

Trích Những Chuyện Niệm Phật Thấy Phật Vãng Sanh
Cư sĩ Tịnh Hải