Niệm Mười Danh Hiệu Phật Được Vãng SanhCư sĩ Dư Minh Sinh là người ở Huyện Định Hải thuộc Tỉnh Triết Giang, cả nhà làm nghề nông để sinh sống, tánh tình chất phát thật thà và không biết gì về Phật pháp. Cư sĩ có một con trai tên là Dư Đỉnh Dong, vào tuổi niên thiếu đã tin tưởng tôn sùng Phật pháp, trước năm Dân Quốc thứ XXX, Dong đến Thượng Hải và xin quy quy với Pháp Sư Viên Ánh, từ đấy Dong chí thành thính Pháp văn Kinh, đón nhận những lời Khai thị. Nhờ đó mà thâm tín Pháp môn Tịnh Độ – Pháp tu hành vừa dễ vừa nhanh; qua đây, Dong thành lập “Phật Giáo Cư Sĩ Lâm” để khuyến khích mọi người niệm Phật. Về Dư Minh Sinh dù có tham dự nghe Pháp, nhưng không chịu thực hành niệm Phật.

Vào ngày hai mươi bốn, tháng giêng năm Dân Quốc thứ XXXI (1942), Dư Minh Sinh bị bệnh, có cơ hội tốt, Dong liền trình bày với Phụ thân về ý nghĩa niệm Mười niệm danh hiệu đức Phật A-Di-Đà là được vãng sanh Tịnh Độ Cực Lạc, với mong cầu Phụ thân mình sớm phát Tín, Nguyện để nhất tâm niệm Phật (Hạnh) cầu sanh Tây Phương. Vào ngày hai mươi chín tháng giêng, Dong lại mời thân hữu đến niệm Phật trợ duyên cho Phụ thân và Dong tự đánh khánh, tất cả đều niệm lớn tiếng. Vào đêm mồng một tháng hai, Dư Minh Sinh bỗng nhiên cười lớn và nói: “Tôi vừa thấy đức Phật A-Di-Đà cùng các thắng cảnh huy hoàng của thế giới Cực Lạc, tuyệt vời quá! Không thể diễn tả được; đồng thời, trên mỗi hoa sen trong hồ bảy báu rộng rãi thênh thang, có một Thánh Tăng an tọa với phong thái rất phi thường và an lạc”. Sau khi nói xong, Dư Minh Sinh hướng về tượng Phật ở cạnh giường, chí thành chấp tay vái lạy, rồi nói: “Nam-mô A-Di-Đà Phật, không lẽ con không được ngồi tòa hoa sen hay sao!” Sau đó, Dư Minh Sinh suy tưởng mình đang ngồi trên tòa sen đi về Tây Phương.

Được người con khích lệ niệm Mười niệm danh hiệu đức Phật A-Di-Đà, Dư Minh Sinh hoan hỷ cất tiếng niệm lớn, niệm được tám hơi thì kiệt sức, bèn chuyển qua niệm thầm; không lâu, bỗng nhiên Dư Minh Sinh hân hoan cười lớn và an nhiên vãng sanh, bấy giờ là giờ Sửu mồng hai tháng hai, hưởng dương bốn mươi chín tuổi, đến giờ Thìn trên đầu vẫn còn nóng, hôm sau nhập liệm thì sắc diện vẫn còn tươi tỉnh.

Trích từ: Tịnh Độ Thánh Hiền Lục Dị Giải
LỢI ÍCH THÙ THẮNG CỦA KHAI THỊ TRỢ NIỆM
Trích thuật: Pháp Sư Tín Nguyện
Dịch chú: Thích Giác Quả