Hành Giả Niệm Phật Chớ Để Mất Phần Nhập PhẩmNgười tu khi niệm Phật phát nguyện cầu sanh về Tây Phương, nơi ao thất bảo ở cõi Cực Lạc liền mọc lên một hoa sen. Nếu cứ tiếp tục niệm không gián đoạn, thì hoa sen ấy lần lần to lớn mãi lên. Trái lại tự nhiên hoa cũng héo tàn. Chừng nào phát tâm tinh tấn trở lại, sẽ có một hoa sen khác hóa hiện. Hoa sen đó do sức tu niệm của hành giả hiện thành, tùy nơi công hạnh cao thấp mà có hơn kém, chia thành chín phẩm, từ Hạ Phẩm Hạ Sanh lên đến Thượng Phẩm Thượng Sanh. Tuy nói khái ước có chín phẩm, nhưng vì công hạnh của người tu rất khác biệt, nên thật ra trong ấy bao hàm đến vô lượng phẩm. Chẳng hạn như trong xã hội đại khái có ba giai cấp: quyền quí, trung lưu và bần khổ; nhưng thật ra trong mỗi giai cấp đều có nhiều thứ bậc hơn kém khác nhau. Phẩm sen ở Cực Lạc cũng như thế.

Tu Tịnh Độ tùy nơi căn cơ và hoàn cảnh nên công hạnh của mỗi người thành ra sai biệt. Có những vị mỗi ngày niệm tới số trăm, số ngàn, lên đến số nhiều muôn. Nhưng dù bận việc bao nhiêu, ít nhứt mỗi ngày hành giả phải có mười niệm, bằng không sẽ mất phần “nhập phẩm”, nghĩa là không được dự vào chín phẩm sen ở cõi Tây Phương. “Nhập phẩm” là danh từ riêng của người tu Tịnh Độ, nó gợi ý nhắc nhở hành giả đừng quên phần niệm Phật. Mười niệm cũng gọi là Thập Niệm Pháp. Đấy là phương thức của ngài Từ Vân sám chủ, căn cứ theo chương Hạ Phẩm Hạ Sanh của Kinh Quán Vô Lượng Thọ mà chế ra, để dành riêng cho những người quá bận về công việc nước hay nhà có thể niệm Phật và vãng sanh Cực Lạc. Phương pháp này gồm có mười niệm, mỗi niệm là một hơi thở, mật ý đi về chỗ “mượn hơi nhiếp tâm.” Người hơi dài có thể mỗi hơi niệm mười mấy câu, kẻ hơi ngắn chỉ bảy, tám câu cũng được. Cứ mỗi hơi niệm Phật gọi là một niệm, mười hơi là mười niệm. Sau khi niệm xong mười hơi, tiếp tục đọc bài kệ hồi hướng:

Nguyện sanh Tây Phương cõi Tịnh Độ.
Mẹ cha là chín phẩm sen lành.
Hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh.
Độ khắp tất cả loài hàm thức.

Nguyện xong, lễ Phật ba lạy rồi lui ra. Phương pháp này phát xuất bởi lòng từ bi vô lượng của Phật, Tổ, dù người đa đoan công việc thế mấy, cũng có thể thật hành để bước lên đường giải thoát.

Về chỗ niệm Phật mười hơi, có điểm cần chú ý là cứ để tự nhiên đừng kéo dài hoặc rút ngắn. Nếu chẳng thế tất sẽ mang chứng bịnh “thương khí.” Trung Luân pháp sư khi đến Bắc Bình giảng đạo, một hôm có ông lão đến nói: “Tại tôi niệm Phật, nên bây giờ sanh chứng lãng tai và đôi khi không nghe chi hết.” Pháp sư hỏi duyên cớ, ông lão đáp: “Có vị đại đức bí mật truyền cho tôi một phương pháp niệm Phật. Vị ấy bảo: “Phép niệm mười hơi, hiện tại các hòa thượng, thượng tọa không ai biết cả, bởi trong ấy có một khẩu quyết mà bây giờ đã thất truyền.” Tôi thành khẩn cầu pháp, vị đó dạy mỗi hơi phải niệm suốt một tràng chuỗi, gồm một trăm lẻ tám câu. Tôi y theo lời, cố gắng thật hành, và lỗ tai sanh ra lùng bùng rồi lãng điếc từ khi ấy. Vậy chẳng biết phương pháp niệm như thế có đúng lời Phật dạy chăng?” Ngài Trung Luân nghe xong bác bỏ, trách vị đại đức kia đem pháp Phật biến thành pháp ngoại đạo, diễn nên kết quả hại người. Rồi Ngài từ từ đem nguyên lý Thập Niệm Pháp giảng cho ông lão nghe.

Đây là một câu chuyện mà người niệm Phật phải lưu tâm, để rút lấy phần kinh nghiệm.

Trích Niệm Phật Thập Yếu
Cố hòa thượng Thích Thiền Tâm