Ý Nghĩa Của Vãng SanhTrong “Vãng sanh truyện” chúng ta thấy có rất nhiều người do công phu niệm Phật được vãng sanh rất tự tại, biết trước giờ giấc ra đi, không một chút bệnh hoạn, gương mặt lại tươi đẹp hơn lúc bình thường.

Nhiều người không hiểu lại cho rằng: “Niệm Phật mới ba năm đã vãng sanh, là phải chết, ây da! Tôi sợ lắm, thôi thôi, đừng bảo tôi niệm Phật nữa.”

Những người có ý nghĩ như vậy, vì họ không hiểu được ý nghĩa, giá trị cao đẹp của sự vãng sanh, nên mới bị những suy nghĩ tham sống sợ chết, luyến tiếc trần cảnh để phải chịu trôi lăn mãi trong lục đạo luân hồi.

Pháp môn niệm Phật không có sinh tử, vãng sanh không phải là chết, vãng sanh là sống mà ra đi. Còn chết là không thể vãng sanh. Cho nên pháp môn này còn gọi là pháp môn không sanh, không diệt. Vì trong lúc vãng sanh quý vị rất tỉnh táo và thấy Phật tới rước rồi theo Phật ra đi. Lúc đó cái xác tạm bợ của thế gian này không còn dùng nữa. Sau khi lên đến cõi Tây Phương Cực Lạc quý vị sẽ được một thân tướng trang nghiêm đẹp đẽ y như đức Phật A Di Đà. Như vậy tuyệt đối không phải chết.

Cho nên tôi thường nói với quý vị rằng: Pháp môn này là pháp môn không già, không bệnh, không chết. Quý vị hãy yên tâm, dừng bước, lắng lòng nhất hướng mà chuyên niệm. Tôi nói đây là sự thật, chẳng phải dối gạt quý vị để làm gì, chỉ cần quý vị chuyên tâm niệm Phật, tới lúc tâm được thanh tịnh thì tất cả chuyện khổ đều không còn nữa, gương mặt lúc nào cũng tự tại vui cười, vì vui tươi nên không già. Người xưa có câu “ưu tư khiến cho người mau già”, lo buồn khiến quý vị rất dễ lão hóa.

Hiện giờ chúng ta còn đang mang cái nghiệp báo thân này, sống chết không một chút tự do. Những lúc khổ quá, thọ mạng chưa hết, muốn chết mà vẫn phải sống, đến khi có phước báu nhiều rồi, muốn sống thêm vài năm để hưởng thụ nhưng thọ mạng đã dứt, chừng đó muốn sống vẫn phải chết.

Do đó, khi quý vị phát tâm niệm Phật hoặc vào niệm Phật đường niệm Phật, thân tâm, thế giới, vạn duyên bên ngoài, tất cả đều buông xuống hết, chỉ còn câu hồng danh A Di Đà Phật với niềm vui đạo hạnh tràn ngập trong lòng, đó gọi là pháp hỷ sung mãn. Sự chuyên cần tu tập đến lúc công phu thành khối, quý vị sẽ không còn ràng buộc bởi cái khổ của bệnh già và chết, chừng đó sanh tử tự tại, muốn ra đi lúc nào tùy ý, muốn ở lại thế gian sống thêm vài ba năm cũng được. Lúc này cái sống của quý vị hoàn toàn mang ý nghĩa cao đẹp và tự biết mình sẽ phải làm những điều gì.

Người đạt mức sanh tử tự tại là người hội đủ phước báu lên thế giới Tây Phương Cực Lạc để hưởng thụ. Họ không ra đi mà tình nguyện ở lại vì xét thấy còn rất nhiều người có duyên với mình, mình phải giúp đỡ họ, phải độ cho họ, hi vọng có thể dẫn dắt thêm nhiều người cùng nhau về Tây Phương.

Lý do sống chính đáng như thế tuyệt đối không phải vì tham sống sợ chết hay để hưởng thụ ở thế gian này. Thực ra sự hưởng thụ trên thế gian làm sao sánh bằng Thế giới Cực Lạc ở Tây Phương! Cái nhà mà chúng ta cho là đẹp và sang trọng nhất, đối với người cõi Tây phương Cực Lạc họ không màng đến, bởi vì nhà cửa của họ ờ là thất bảo cung điện, sàn nhà toàn bằng lưu ly (cẩm thạch), đường đi trải bằng vàng, thức ăn chỉ cần nghĩ đến liền hiện ra, đồ vật mọi thứ đều do tâm nghĩ tưởng mà hiện hình.

Do tập khí ở thế gian nên có lúc khởi niệm ăn uống đến khi giác ngộ lại thức ăn liền biến mất. Cho nên nhà ở cõi Tây Phương Cực Lạc trống không, sạch sẽ vô cùng và không cần có nhà bếp. Quý vị thấy cuộc sống như vậy có sung sướng không? Còn chúng ta đây, đồ đạc chất chứa đầy nhà, muốn dọn dẹp cho gọn gàng sạch sẽ cũng phải mất nhiều thời giờ và phiền phức vô cùng. Cho nên người niệm Phật đến khi công phu thành tựu rồi, nếu xét thấy mình không đủ duyên hóa độ chúng sanh ở thế gian này họ đều mong sớm được lên Tây Phương Cực Lạc để hưởng phước.

Sau khi lên đến thế giới Cực Lạc rồi, mỗi ngày được thấy Phật, được cúng dường mười vạn ức Phật. Trong Kinh Di Đà nói mười vạn ức Phật, thực tế quý vị có thể cúng dường vô lượng hằng hà sa số Phật. Sở dĩ ngài nói ít hơn như vậy vì Phật rất từ bi, ngài biết sự tỉnh thức của chúng sanh còn rất hạn chế, lên đến đó rồi mà đôi lúc còn khởi tâm nghĩ nhớ về ngôi nhà cũ và những người thân còn ở thế gian. Do đó ngài, mới phương tiện, mà nói cúng dường con số ít hơn thực tế như vậy và bảo chúng ta còn thể trở lại thăm thế gian bất cứ lúc nào đều có thể được.

Thế giới Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm đẹp đẽ như thế. Đi đến đâu cũng có những thành tựu tốt đẹp như thế. Vì sao chúng ta không tranh thủ đi sớm?

Một pháp môn có thể thành tựu dễ dàng như vậy. Đối với các vị Bồ tát thành tựu ở những pháp môn khác, nếu không nhập vào cảnh giới này, đều cho là một pháp môn khó tin, khó hiểu.

Cũng giống như chúng ta nói với mọi người rằng niệm Phật đường là nơi rất tốt, rất thù thắng để tu tập. Họ nghe qua dễ gì tin ngay. Nhưng sau vài ngày đến đây niệm Phật rồi họ mới chịu tin. Một việc nhỏ ở thế gian này mà người đời còn không hiểu không tin được, nói gì đến cảnh giới thù thắng, viên mãn ở thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Từ chuyện nhỏ suy rộng đến chuyện lớn. Chúng ta có thể nhận thức được phần nào để tăng trưởng thêm niềm tin và thiện căn của mình hầu đem hết tâm nguyện của mình ra niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chắc chắn sẽ được thành tựu.

Pháp sư Tịnh Không khai thị