Niệm Phật Nhưng Không Tin Chính Mình Sẽ Vãng Sanh Về Biên ĐịaChánh kinh: Lại có chúng sanh tích tập thiện căn, mong cầu Phật trí, phổ biến trí, oai đức quảng đại bất tư nghị trí; đối với thiện căn của chính mình chẳng sanh nổi lòng tin nên đối với việc vãng sanh cõi Phật thanh tịnh, ý chí do dự, chẳng thể chuyên chú, nhưng do liên tục niệm Phật chẳng ngớt, kết thiện nguyện ấy thành căn bản nên vẫn được vãng sanh.

Giải: Ðoạn kinh này nói đến một loại hành nhân khác bị sanh về biên địa: tin tha mà chẳng tự tin mình.

Tin tha mà chẳng tin nổi tự thì chính là trí còn kém cỏi. Không có trí quyết định thì chẳng sanh nổi lòng tin quyết định cho nên ‘ý chí do dự, chẳng thể chuyên chú’. Tín nguyện chẳng vững thì chỗ mình y cứ [để tu tập] chẳng chuyên nhất nổi. Tuy vậy, vì hành nhân niệm Phật liên tục nên nương theo sức niệm Phật và sức phát nguyện bèn được vãng sanh, nhưng chỉ được sanh nơi biên địa.

Chánh kinh: Những người này do nhân duyên ấy tuy sanh về nước kia nhưng chẳng thể đến ngay chỗ Phật Vô Lượng Thọ mà chỉ ở trong thành bảy báu nơi biên địa của cõi Phật. Phật chẳng hề tạo ra như vậy nhưng do thân hạnh đã tạo [của hành nhân] nên tâm tự hướng đến [nơi ấy].

[Biên địa] cũng có ao báu, tự nhiên thọ thân trong hoa sen; thức ăn uống, các thứ khoái lạc như trên trời Ðao Lợi. Ở trong thành ấy, chẳng ra ngoài được. Nhà cửa ở ngay trên mặt đất, chẳng thể lớn nhỏ tùy ý muốn. Trong năm trăm kiếp, thường chẳng thấy Phật, chẳng nghe kinh pháp, chẳng thấy Bồ Tát, Thanh Văn thánh chúng.

Người ấy trí huệ chẳng sáng suốt, biết kinh càng ít hơn nữa. Tâm chẳng khai giải, ý chẳng vui sướng. Bởi thế, gọi đó là thai sanh.

Giải: Chữ ‘những người này’ chỉ hai loại người vãng sanh về biên địa đã nói ở trên.

‘Do nhân duyên ấy’ là do cái nhân tu thiện niệm Phật, phát nguyện cầu sanh nên cảm được chốn Biên Ðịa cõi Cực Lạc, sống trong cung điện bảy báu, ao báu, hoa sen, vui thú như ở trên trời Ðao Lợi và hưởng cái quả bất thối. Nhưng vì phạm lỗi nghi hoặc nên phải cảm lấy cái quả ‘chỉ ở nơi biên địa của cõi Phật’, sống trong nghi thành chẳng thoát ra được. Trong năm trăm kiếp chẳng được thấy nghe Tam Bảo.

Những điều như thế đều chỉ là do tâm tạo, do nghiệp lực dắt dẫn nên Phật bảo: ‘Phật chẳng hề tạo ra như vậy nhưng do thân hạnh đã tạo [của hành nhân] nên tâm tự hướng đến [nơi ấy]’. Ðây chính là điều kinh Hoa Nghiêm đã dạy: ‘Nên quán pháp giới tánh, hết thảy chỉ là do tâm tạo’. Ấy là vì tâm sanh thì các pháp sanh: địa ngục, thiên đường hay Tịnh Ðộ đều chỉ do tâm biến hiện. Thân mình hướng đến đâu cũng đều do nghiệp lực của chính mình lôi kéo. Nghiệp do tâm sanh nên bảo là ‘tâm tự hướng đến’.

Sanh trong biên địa cũng ‘tự nhiên thọ thân trong ao hoa sen báu’ nên chẳng phải là kiểu thai sanh như trong thế gian mà thật sự là liên hoa hóa sanh. Sanh sống khoái lạc như ‘trời Ðao Lợi’, nhưng ở miết trong ấy chẳng ra được ngoài. Chốn họ cư ngụ là ngay trên mặt đất, chẳng thể thăng lên hư không; nhà cửa cũng chẳng thể tùy ý hóa ra cao và to theo ý muốn.

Ðiều tệ nhất là trong cả năm trăm năm chẳng được thấy Phật, nghe pháp. Về ‘năm trăm năm’, bản Hán dịch chép rõ là ‘năm trăm năm trong cõi này’. Kinh chép ‘cõi này’ chứ không ghi là ‘cõi kia’, nên chữ ‘cõi này’ phải là cõi đức Thế Tôn đang thuyết pháp (tức là cõi Sa Bà). Vì lẽ đó, ngài Cảnh Hưng bảo: ‘Năm trăm năm là số năm trong thế gian này’, nghĩa là con số năm trăm năm vừa nói đó là năm trăm năm so với kiếp sống con người hiện tại.Nhưng ta chẳng thể chấp nhất định rằng năm trăm ấy chính là năm trăm năm trong cõi trần gian này bởi vì phẩm số trong Cực Lạc là vô lượng nên phẩm số trong cõi Biên Ðịa cũng sai biệt vô lượng. Chẳng hạn như trong Quán kinh bảo trung phẩm hạ sanh thì ‘ở trong hoa sen trọn mười hai đại kiếp thì hoa sen mới nở’. Ðấy là cả một thời gian dài.

Trích lục
Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác
Vận Thành Hạ Liên Cư hội tập – Hoàng Niệm Tổ chú giải – Như Hòa dịch Việt