Tu Hành Nhiều Kiếp Nay Mới Tin Nổi Pháp Tịnh ĐộChánh kinh: Nếu có chúng sanh được nghe danh hiệu Phật, từ tâm thanh tịnh, hớn hở, hoan hỷ, lông tóc dựng cả lên, hoặc chảy nước mắt, [thì những người ấy] đều là do đời trước đã từng hành Phật đạo, chẳng phải là phàm nhân.

Nếu nghe danh hiệu Phật mà trong lòng hồ nghi, đối với những lời kinh Phật đều chẳng tin thì đều là mới từ trong ác đạo thoát ra, túc ương chưa hết, sẽ chưa được độ thoát nên tâm hồ nghi, chẳng tin tưởng nổi!

Giải: ‘Ðược nghe danh hiệu Phật’ là câu trích trong bản Hán dịch, bản Ngô dịch ghi là ‘được nghe danh hiệu A Di Ðà Phật’, bản Ngụy dịch ghi là ‘được nghe danh hiệu đức Phật ấy’, bản Ðường dịch ghi là ‘được nghe tên đức Phật ấy’, bản Tống dịch ghi là ‘được nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật’. Ðối chiếu các bản dịch, ta thấy rằng ‘danh hiệu Phật’ chính là danh hiệu A Di Ðà Phật.

‘Nghe’ là nghe tên, thọ trì. Bởi danh hiệu Phật có đủ vạn đức nên người nghe ‘từ tâm thanh tịnh’. Từ tâm là phát khởi đại tâm. Thanh tịnh là thuần tịnh vô cấu. ‘Hoan hỷ’ nội tâm hỷ lạc. ‘Hớn hở’ là sự hân hoan phấn chấn thể hiện ra nơi dáng vẻ, lời nói. ‘Lông tóc dựng cả lên’ ý nói các lỗ chân lông khắp thân mình nở to ra, lông đều dựng cả lên. ‘Chảy nước mắt’ là nước mắt tuôn ra. Những người như thế đều từ Phật đạo mà đến.

Vô thượng Bồ Ðề mà Phật đã chứng đắc gọi là ‘Phật đạo’. Phẩm Phương Tiện kinh Pháp Hoa có câu: ‘Các vị Thế Tôn ấy đều nói pháp Nhất Thừa, giáo hóa vô lượng chúng sanh khiến họ nhập Phật đạo’. Lại cũng vì do hạnh mà gọi là đạo: Phật đạo chính là vạn hạnh để đạt đến địa vị Phật.

Câu ‘từng hành Phật đạo, chẳng phải là phàm nhân’ chính là lời đức Phật khen ngợi, giống như kinh Kim Cang dạy: ‘Trong đời tương lai năm trăm năm sau, nếu có chúng sanh được nghe kinh này tin hiểu, thọ trì thì người ấy chính là đệ nhất hy hữu. Vì sao vậy? Người ấy không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng’.

Trong tác phẩm Phá Không Luận, ngài Linh Phong đã giảng như sau: ‘Ðây chính là tín tu đại quả. Nếu như còn có chút mảy tướng ngã, nhân v.v… thì quyết chẳng tin nổi kinh này. Nếu như tin hiểu, thọ trì kinh này thì quyết phải thông đạt ngã tướng, nhân tướng v.v… đương thể chính là vô tướng’.

Chuẩn theo lời giảng ấy mà luận thì kinh này là pháp hết thảy thế gian khó tin. Nếu ai sanh nổi lòng tin đối với pháp này thì nên biết rằng người ấy chẳng phải là phàm nhân, mà chính là người hy hữu trong hết thảy thế gian. Nếu có thể sanh lòng tin chơn thật vào Viên giáo, hiểu trọn vẹn, tu trọn vẹn thì đáng xưng tụng là viên nhân (người căn cơ viên đốn). Viên nhân tu hành một ngày bằng thường nhân tu hành cả một kiếp.

Trái lại, kẻ hồ nghi chẳng tin thì là mới từ ba ác đạo thoát ra, ương họa nghiệp chướng túc thế chưa đoạn hết, còn chưa đến thời kỳ được đắc độ nên chẳng thể tin nhận nổi. Ðây cũng chính là điều kinh Kim Cang đã nói: ‘Trong đời mai sau, có kẻ thọ trì, đọc tụng kinh này, nếu ta nói đủ công đức người ấy đạt được ắt sẽ có kẻ nghe rồi tâm liền cuồng loạn, hồ nghi chẳng tin’. Vì vậy, ta thấy rằng pháp môn càng thù thắng, thế nhân càng khó tin. Bởi lẽ đó, đối với pháp viên đốn, họ hồ nghi chẳng tin.

Trích lục
Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác
Vận Thành Hạ Liên Cư hội tập – Hoàng Niệm Tổ chú giải – Như Hòa dịch Việt