Đòn Tâm Lý Ma Lanh Dụ Người Bệnh Niệm PhậtTôi xin kể ra đây một ví dụ khác khá hay, cũng trong tháng 8/2005, trước chuyện chị Gái cỡ một tuần, tôi ra Long Khánh thăm người em gái. Nhà em gái tôi có mở cửa mỗi đêm cho một ít đồng tu trong làng tới niệm Phật. Có một chị trong nhóm cộng tu tới tâm sự với tôi rất nhiều về hoàn cảnh gia đình chị, và chị muốn nhờ tôi tới khuyên mẹ chị niệm Phật. Chị nói, mẹ chị nghiệp chướng quá nặng, đã liệt chân nằm trên giường hơn một năm rưỡi qua, và bây giờ chỉ còn chờ chết. Chị nhiều lần khuyên mẹ niệm Phật, nhưng không thành công. Không những bà mẹ không chịu niệm, mà mỗi lần chị tới niệm Phật thì bà cụ la làng la xóm vang trời, bà hét lên chống đối. Nếu chị tiếp tục niệm Phật thì bà tức giận mà cắn chặt hàm răng lại không chịu ăn uống, v.v… Người em trai cũng chống đối kịch liệt việc chị niệm Phật. Chị nói, ‘có lần nó vác cây ra mà ngăn chận tôi…’.

Quả đúng như vậy thì nghiệp chướng của bà cụ đã quá nặng, hết cách cứu rồi! Nghe nói mà tôi đành phải lắc đầu! Với sức của tôi làm sao cứu nổi đây? Thế nhưng chị đó cứ nài nỉ hoài, sau cùng tôi cũng đành nhận lời để đến thăm, chứ không dám hứa gì hơn. Tôi hẹn ngày hôm đó đến thăm gia đình nói chuyện với chị, rồi mới gặp bà cụ. Không ngờ, sự việc xảy ra ngoài sự dự liệu của tôi, chỉ trong khoảng mười mấy phút nói chuyện thì bà cụ ngoan ngoãn chịu niệm Phật, chịu chắp tay nguyện vãng sanh Cực Lạc. Chị con gái thấy vậy, quá cảm động mà đứng khóc ròng. Tôi nói, ‘mẹ chị nay đã niệm Phật rồi, sao chị không niệm theo mà lại đứng khóc vậy…’?! Tôi bảo người em gái của tôi và chị cùng với tôi niệm Phật chung với bà cụ.

Sau đó chị dẫn tôi tới thăm người em trai, tôi cũng có khuyên anh đó cố gắng hộ niệm cho mẹ để trả tròn chữ hiếu. Và, anh ta cũng chấp nhận dễ dàng…

Sự việc diễn tiến quá tốt đẹp mà trước đó vài giờ tôi nghĩ không bao giờ sẽ có. Sở dĩ được vậy chỉ vì tôi đã dùng cái đòn thiện xảo phương tiện để thuyết phục. Người đời gọi là cái đòn tâm lý ‘ma lanh!’.

Đòn gì? Bổn cũ soạn lại. Việc đầu tiên là tôi xoa nhẹ nỗi khổ của bà cụ, chứ không phải khuyên niệm Phật. Nỗi khổ gì? Đau lưng, nhức mình, tay chân bị ngứa ngáy, khí trời nóng bức, .v.v… Xoa nhẹ bằng cách nào? Đấm lưng, xoa vai, gãi ngứa cho bà cụ, v.v… giúp cho bà cụ một chút thoải mái, rồi sau đó mới từ từ gợi chuyện, khuyên nhủ sau.

Khai thị phải biết tùy cơ ứng biến, chứ không hẳn cứ gặp mặt là thao thao diễn thuyết đâu. Chúng ta hãy thông cảm cho người bệnh, họ đang chịu đựng quá nhiều sự khổ sở, buồn bực, lo âu, tâm trạng bất an… Một người đang đói thì hãy đút họ muỗng cháo, đang khát thì cho họ một hớp nước là cả một ơn huệ lớn lao. Bệnh nhân đang bị nóng bức, mà ta tới nói chuyện Thiên Đường, Cực Lạc, thì họ đuổi cổ mình ra cũng là phải lẽ! Muốn cho bệnh nhân hoan hỉ tiếp nhận lời khuyên, thì người hộ niệm phải tạo không khí thoải mái cho họ. Phải chú ý điều này thì mới hướng dẫn họ được.

Người hộ niệm nhất định không được làm điều gì trái ý bệnh nhân, không thể ép buộc hoặc cưỡng bức họ được. Tất cả đều có nhân có duyên có quả, phải tùy theo duyên mà tìm cách chuyển. Ví dụ, ngay cả khi họ bảo đừng niệm Phật nữa, mình cũng phải ngừng niệm để họ vui lòng trước đã, rồi tìm cách giải tỏa tâm lý khó khăn sau. Thế gian có câu nói, ‘muốn câu được cá thì phải dùng mồi nào cá thích, chứ không thể dùng cái mồi mình thích’.

Mình muốn người bệnh niệm Phật, chứ chưa chắc người bệnh đã biết niệm Phật là gì. Như vậy, đầu tiên phải thả cái mồi họ thích ra để câu họ về với mình trước. Câu được rồi thì xoay dễ lắm. Phải tận dụng tâm lý, chớ nên lỗ mãng mà thất bại.

Cũng xin nói rõ điều này, ngón đòn tâm lý này chỉ là phương tiện thiện xảo dùng để giải tỏa những trường hợp quá khó khăn lúc đầu mà thôi. ‘Vạn sự khởi đầu nan’. Cái khó nhất là lúc khởi đầu làm cho người bệnh phát lòng tin tưởng. ‘Đầu xuôi đuôi lọt’, khởi đầu đã êm xuôi rồi thì sau đó sẽ dễ dàng. Sau khi người bệnh đã phát tâm niệm Phật rồi, thì người hộ niệm phải chuyển hướng khuyên họ buông xả vạn duyên để nhất tâm niệm Phật cầu về Tây Phương, chứ không được tiếp tục dùng phương pháp này mà tạo ra tình cảm mới, làm tâm họ quyến luyến vào mình mà đi lạc đường. Trước phút lâm chung mà còn dùng đến những cử chỉ xoa đầu, vỗ về, ôm ấp, hoặc nói lời thương yêu, âu yếm… thì rất có hại cho người ra đi vì dễ làm lạc tâm của họ.

Nên nhớ, phương tiện khai thị có hai phần: lời nói và cử chỉ, trong đó tư thái, cử chỉ, cung cách của người hộ niệm rất quan trọng, nó ảnh hưởng lớn hơn lời nói.

Cho nên, muốn cho người bệnh vui vẻ, thì cử chỉ nét mặt của người hộ niệm phải vui vẻ. Muốn người ra đi vững tâm thì tâm mình phải vững. Muốn người ra đi tin tưởng, cương quyết cầu vãng sanh thì lời nói của mình phải cương quyết, tin tưởng. Đó là điều quan trọng, chứ không phải cứ bảo vui là họ vui, bảo cương quyết, tin tưởng… là họ cương quyết, tin tưởng đâu.

…Chư Tổ Sư nói, ‘Niệm Phật, trăm người tu trăm người vãng sanh, ngàn người tu ngàn người vãng sanh, gọi là muôn người tu muôn người đắc’. Đã là Tổ, thì có bao giờ nói chơi! Xin cô bác vững lòng tin tưởng để niệm Phật, đừng nghi ngờ thì được vãng sanh vậy.

A Di Đà Phật,

Diệu Âm kính thư.
(Viết xong tại Brisbane, ngày 1/11/05).

Sáu nẻo luân hồi đều do một niệm làm chủ, nếu một niệm chuyên chú niệm Phật thì thân tuy bại hoại nhưng tâm thần không tán loạn, liền theo một niệm ấy vãng sanh Tịnh độ. – Đại sư Diệu Không.

Trích Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm cư sĩ