Đúng Sai Chuyện Tu Đạo Nào Cũng Là ĐạoPháp Phật để lại cho chúng sanh vô tận, vô biên, pháp nào cũng vi diệu cả. Chính vì thế mà có rất nhiều người cứ lý luận rằng tu nào cũng là tu, pháp nào cũng là pháp Phật. Nói vậy coi chừng bị hớ mà không hay! Trong lời khai thị của Hòa-Thượng Tịnh-Không, Ngài nói rằng: “có người cho rằng đạo nào cũng là đạo, miễn làm lành lánh dữ là được, miễn có chỗ gởi gấm tinh thần là tốt rồi. Đây là một sai lầm rất lớn, không những làm hại mình mà còn hại đến người khác, vì người không học Phật thì vĩnh viễn không có cơ hội giải thoát. Ta nên nhớ, ngoài những pháp hữu lậu thế gian, vẫn còn có pháp xuất thế gian, có thể siêu phàm nhập Thánh, một đời thoát ly sinh tử chứng đại Bồ-đề, viên mãn Phật đạo”.

Có thể nói rằng đạo nào cũng tốt thì có thể đúng vì hầu hết đạo giáo nào cũng khuyên làm lành lánh dữ, chứ còn nói đạo nào cũng giải thoát thì không thể đúng được. Cũng như nói, có học thì tốt là đúng, nhưng không thể nói có học là được cấp bằng tiến sĩ, thành bác sĩ được. Học tiểu học sẽ được cấp tiểu học, học đại học sẽ có bằng cử nhân, học tiến sĩ mới có bằng tiến sĩ. Tu đạo cũng vậy, Phật giáo có vô lượng vô biên pháp môn, nhưng tu pháp Nhân-Thừa thì nhiều lắm cũng chỉ được làm người trở lại; tu Thiên-Thừa thì nhiều lắm cũng sanh lên một cõi Trời; tu Tiên thì làm được ông Tiên sống dai hơn thiên hạ một chút. Tất cả phép tu đó, theo Phật nói, cũng chỉ hưởng được chút phước hữu lậu nào đó để chờ ngày đoạ lạc mà thôi. Muốn thành Phật phải tu pháp môn thành Phật.

Pháp môn nào thành Phật? Là Đại Thừa Phật pháp. Niệm Phật là pháp tối thượng cực tôn trong đại thừa Pháp. Người học tiến sĩ thì dù có dở cho mấy thì họ cũng được bằng cử-nhân, người học tiểu học thì dù có giỏi tuyệt luân đi nữa cũng chỉ có bằng cấp lớp năm là cùng. Người tu pháp thành Phật thì cơ hội thành Phật có trong đời, dù có dở cũng sẽ được thành được Bồ-tát. Người tu chỉ nguyện sanh trở lại làm người thì tột bực cũng chỉ được đời sau trở lại làm người, sống thêm vài chục năm trên thế gian rồi chờ ngày chết. Người là cảnh giới thấp nhất trong tam thiện đạo (Thiên, A-Tu-La, Nhân). Như vậy, lỡ tu hành không được tinh tấn, không đủ tiêu chuẩn để được làm người thì đi đâu? Chắc chắn phải rớt xuống tam ác đạo, nghĩa là không vào địa-ngục thì làm súc-sanh, không súc-sanh thì chắc chắn thành ngạ-quỷ, ba đường đó khó thể nào trốn thoát. Cả đời tu hành thật khổ cực sau cùng lại hưởng những thứ hung hiểm tàn tệ mà mình không hay! Như vậy, làm sao tương đương cho được, thì làm sao ta có thể bừa bãi được?

Thưa cha má, hôm nay con muốn nói đến việc tại sao niệm Phật được Thành Phật? Tại sao pháp niệm Phật lại tối cực chí tôn như vậy? Đã tối thượng viên mãn như vậy tại sao Phật Thích-ca Mâu-ni để lại Pháp môn này gần ba ngàn năm nay rồi lại ít người thể hội đến, ít người tu tập? Con sẽ dựa theo kinh điển, dựa theo lời giảng của Hòa-Thượng Tịnh-Không, của chư Tổ sư để giải thích, chứ không phải tự ý con nghĩ ra và cũng để kết thúc lời thư củng cố niềm tin vững mạnh cho những ai muốn tu học Phật.

Thứ nhất, căn bản nhứt mình cần phải biết rằng sở dĩ mình được thành Phật là vì chính mỗi một người chúng ta đều có chủng tử Phật. Nói đơn giản hơn, chính cha, chính má, chính con, tất cả ai ai cũng có tâm Phật cả. Như cha thường nói với con rằng “Phật tức Tâm, Tâm tức Phật”. Nghĩa là, chính mình là một vị Phật trên đời mà mình không hay biết. Chính vì thế, mà bất cứ lúc nào một người bình thường như chúng ta đều có thể thành Phật nếu biết hồi đầu.

Ví dụ cho dễ hiểu, nếu con là con của cha má, thì dù con có lưu lạc đến chân trời góc biển nào, con có bất hiếu, hoang đàng, ngỗ nghịch mà từ chối dòng giống thì con cũng không thể cải đổi giòng máu của con. Nghĩa là trong đời này con vẫn là con của cha má, trong bất cứ lúc nào hễ chỉ cần con quay trở về là ngay lập tức con nhận ra cha má liền. Ngược lại, nếu con không phải là con của cha má, thì dù con có muốn mấy đi nữa, giả dạng đủ cách cũng không thể được. Với khoa học ngày nay chỉ cần lượm được một sợi tóc thôi họ cũng có thể truy tầm ra nòi giống, thì làm sao giả dối được. Tương tự, chính vì chân tâm của chúng ta là Phật cho nên ta mới có thể thành Phật.

Thành Phật là thành chính cái tâm Phật của mình chứ không có gì khác. Trong kinh Bát-Nhã Phật dạy, “Vô-Trí diệc Vô-Đắc”, “Vô-Trí” là Căn-bản-trí, chính là chân tâm của chính ta. “Vô-Đắc” là Vô-sở-đắc, là đắc được chính những cái gì chúng ta đã sẵn có. Một chúng sanh vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc thì tất cả những năng lực của chính mình được khôi phục, vì thế cho nên ta thành Phật. Chân tâm ta là Phật, nhưng ta không thành Phật được chỉ vì ta lăn lộn nhiều đời nhiều kiếp trong vô minh, cái tâm Phật của ta bị đóng trong cái khung vô cùng kiên cố của trùng trùng phiền não nghiệp chướng, thành ra ta bị mê muội không nhận được cái đúng cái sai. Tất cả những cách sống cách nghĩ thường tình của con người trên thế gian này đều do cái vọng tâm sai khiến hết.

Hễ mê thì thích mê muội và ghét chân chánh, như kẻ có tâm trộm đạo thì thích kết bè với người trộm đạo và rất ghét người hiền-nhân quân-tử vậy. Sống trong cảnh giới mê muội hàng vô lượng kiếp rồi, cho nên chúng ta sinh ra là mặc nhiên chấp nhận sự mê-muội và cho đó là chân-lý, không chịu hồi tâm phản tỉnh, chứ biết hồi tâm trở lại thì cơ hội giác ngộ chỉ là một sớm một chiều thôi chứ có gì đâu.

Thứ hai, pháp niệm Phật là pháp môn nhị lực được đức Phật A-di-đà gia trì và chư Phật trên toàn cõi mười phương pháp giới hộ niệm. Thành tâm niệm một câu Phật hiệu là ta có thể bắt được đường dây nối liền với lực hộ trì của chư Phật trên khắp pháp giới. Chính vì thế mà sự thành tựu không thể nói hết bằng lời.

Nối liền huệ mạng với Phật bằng cách nào? Bằng cách TÍN-HẠNH-NGUYỆN đầy đủ. Tin Phật, nguyện sanh về cõi Tây-phương với Phật và niệm Phật tương tục không gián đoạn, chỉ thế thôi là nối được huệ mạng với Phật. Cha má xét thử có đúng hay không, bà Cụ Triệu-Vinh-Phương bắt đầu tu lúc nào? Năm 1994, lúc Cụ gần chín mươi tuổi mới bắt đầu tu. Khi nào vãng sanh? Năm 1999, lúc cụ chín mươi bốn tuổi. Cụ biết trước ngày giờ ra đi. Cụ tỉnh táo đến giây phút cuối cùng. Trước giờ từ giã, Phật A-di-đà hiên thân quang minh sáng lòa, hương thơm ngào ngạt. Tất cả những hiện tượng này nếu ai có đọc qua kinh Vô-Lượng-Thọ đều thấy rằng Phật đã nói rõ ràng cách đây gần ba ngàn năm rồi. Nhìn hiện tượng vãng sanh, lấy kinh Phật ấn chứng, mình còn biết được Cụ đã vãng sanh lên phẩm vị nào trong chín phẩm hoa Sen nữa là khác.

Thưa cha má, bà Cụ khởi đầu tu hành đã quá trễ, trễ hơn cha má bây giờ. Giả sử lúc đó bà Cụ không có lòng TIN vững chắc, cứ nói bây giờ mình già rồi, trễ rồi, sắp chết rồi… làm sao tu kịp nữa, thì chắc đến hôm nay thân xác Cụ cũng đã tiêu tan, nhưng khổ nhứt là không biết huệ mạng mình đang nằm than khóc ở cảnh giới nào đây? Có ai hay ai biết! Thế mà Cụ đã bừng lên một ý chí kiên cường dũng mãnh, quyết tâm về với Phật, Cụ buông xả tất cả để đi, một lòng niệm A-di-đà Phật, chỉ cần vài năm ngắn ngủi thôi Cụ đã được chính đức Phật A-di-đà hiện thân thọ ký vào năm 1998. Một sự quyết tâm thực hiện TÍN-HẠNH-NGUYỆN đầy đủ một thời gian ngắn thôi ở cuối cuộc đời: Cụ đã viên mãn Phật Đạo, hoàn toàn giải thoát, nghiễm nhiên trở thành vị Bồ-tát vào năm 1999. Giả sử bây giờ Ngài có thị hiện xuống phàm sớm thì ngày nay bất kỳ ai gặp Ngài cũng phải quỳ xuống phục lạy xin cứu độ chứ không phải tầm thường.

Thế mà người đời chưa tin, nói đến tu hành thì hẹn nay hẹn mai, đổ thừa bị kẹt này kẹt nọ, bị bận lo cho con cho cháu, cho nhân, cho nghĩa, lo cho cái nhà, miếng vườn… “Dép dưới giường lên giường vội biệt, sống ngày nay khó biết ngày mai!”. Ấy thế, tuổi đã xế chiều rồi mà còn tham chi mấy chuyện vụn vặt, mà quên mất cảnh đọa lạc khổ đau hàng ngàn vạn năm sau đó. Rất tiếc là con không cách nào có nhiều cuộn phim quay lại người vãng sanh, vì người ta không cho phép quay, chứ không chắc chắn cũng có nhiều phim khác để cho mọi người cùng thấy, để cùng nhau phát tâm niệm Phật. Trong thư trước con có chụp lại cái thông báo và tấm hình của cụ Trần-Văn-Lâm vừa mới vãng sanh vào ngày 30/05/2001. Con của cụ thường tu trong Niệm-Phật-Đường, về nhà khuyên cha niệm Phật, cụ nghe lời niệm Phật, cụ vãng sanh ở tuổi quá bát tuần. Thật là đúng như lời nguyện, “Hết một báo thân này, cùng sanh Cực-lạc quốc”. Quyển sách “Niệm Phật vãng sanh lưu xá lợi” chẳng qua là một vài thí dụ thôi, chứ bây giờ mà sưu tầm cho hết thì sách đâu mà chứa đây? Đó là sự thật, không dám nói sai.

Thế thì tại sao đến ngày nay vẫn còn ít người biết đến niệm Phật? Người ta không biết là tại vì người ta không muốn biết, hoặc không đủ duyên để biết. Tại Niệm-Phật-Đường ở đây đang mở khóa kiết thất niệm Phật từ 17/12 đến 30/12/01, trong đó có một vị Sư, pháp tự là Thiện-Huệ, tu hơn hai mươi hai năm qua tại Mỹ-Tho. Ngài qua Canada thăm con gái, vô tình nghe được mấy cuộn video pháp của Hòa-Thượng Tịnh-Không do chính con đem qua Canada trong tháng chín vừa qua. Ngài nghe được chợt tỉnh ngộ, liền cùng với người con gái, chị Diệu-Đức, một dược sĩ, bay qua Úc để nhập thất cùng tu và mong được bái kiến Hòa-Thượng Tịnh-Không. Trong một đêm nghe Pháp với thầy Ngộ-Thông, Ngài được mời lên phát biểu. Ngài thành thực nói rằng: “Hơn hai mươi hai năm tu hành nhưng tôi chưa nhận rõ đường đi, tu thì tu nhưng không biết đâu để đi, rốt cuộc cứ chạy lòng vòng, kinh Phật thì có đọc có tụng, nhưng chỉ hiểu đại khái lờ mờ, chứ không rõ đường về Cực-lạc”. Ngài nói cái lỗi này một phần là do các vị thầy của mình không chịu hướng dẫn kỹ. Ngài nói tiếp: “Nếu tôi không có cơ duyên này thì đến chết tôi cũng chưa chắc biết được đường nào tôi đi”. Ngài Thiện-Huệ năm nay tròn tám mươi tuổi.

Thưa cha má, đừng nghĩ rằng cha má đang được con nhắc nhở niệm Phật, thì tưởng rằng ai cũng được nhắc nhở như vậy đâu. Cha má thử nghĩ, ngay cả một vị Sư xuất gia tu Phật hai mươi hai năm qua mà không hiểu, không biết nguyện vãng sanh với câu Phật hiệu, thì làm sao đại chúng hiểu biết đây? Trong nhiều bài pháp Hòa-Thượng Tịnh-Không nói rằng, thậm chí có nhiều vị xuất gia tu hành rất cao tuổi hạ nhưng cuối đời vẫn không tin, hoặc không biết câu Phật hiệu để niệm vãng sanh. Ban đầu con không dám tin, đâu có chuyện lạ lùng như vậy! Nhưng khi con đi dò hỏi để tìm hiểu, mới giựt mình tỉnh ngộ rằng lời nói này đúng.

Ví dụ, nhiều người tu Phật cứ nguyện được tái sanh làm vị cao tăng để độ người, tái sanh làm người hiền, nguyện tiêu tai giải nạn, được giàu có, được phước báu, được an lành… Tất cả những lời nguyện đó chỉ có lợi trong phạm vi nhỏ hẹp nào đó thôi. Còn có nhiều lời nguyện sai lầm nữa là khác! Nguyện như vậy thì chính họ không được phần giải thoát, tự họ dẫn dắt mình vào con đường hiểm nạn. Vì sao? Vì qua một cuộc cách ấm thì công phu tu hành bị xóa sổ sạch trơn, đời sau nếu không có cơ duyên thì khó mà gặp lại Phật pháp để tu tiếp. Cạm bẫy giăng giăng, ma chướng trùng trùng, càng về sau càng kịch liệt hung hiểm, khó cho họ cái cơ hội thoát nạn!

Ngay cả những người tu chỉ nguyện thành Phật cũng không viên mãn đường tu. Tại sao? Vì thành Phật khi nào đây? Đời sau hay triệu đời sau? Hay tỉ đời sau? Tỉ tỉ đời sau? Vô lượng vô biên kiếp về sau? Trong khoảng thời gian đó sẽ ra sao đây? Ai cứu mình đây? Hòa-Thượng Tịnh-Không dạy rằng, người phát nguyện viên thành Phật đạo dù họ có thiện căn sâu dày tới đâu cũng vẫn còn kém thua thiện căn và phước đức của người phát nguyện vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc. Vì sao? Người phát nguyện thành Phật mà không phát nguyện vãng sanh Tây-phương thì có thể hàng tỉ tỉ năm sau họ còn lưu lạc đâu đó, còn lăn lộn trong sinh-tử luân-hồi chưa chắc đã được may mắn thoát hiểm. Đó là con đường tự tu, tự chứng từng bậc từng cấp để thành Phật, trong kinh Phật nói phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp mới viên thành Phật đạo. Thời gian này là thời gian tinh tấn tu hành chứ không phải tà tà, nếu tu tà tà thì miễn phần giải thoát. Ví như trong hiện tại họ đã phát nguyện thành Phật, nhưng liệu họ có tu hành tinh tấn chưa, thì làm sao dám bảo đảm đời sau sẽ tinh tấn tu hành! Sinh ra ở quốc gia giàu có thì còn đỡ, lỡ sinh ở mấy nước nghèo hằng ngày không tìm ra muỗng cháo để húp thì làm sao tu hành đây!?

Còn người nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc thì nhờ lực gia trì của Phật A-di-đà, chỉ trong đời này thôi họ có thể được đức Phật A-di-đà tiếp dẫn về Tây-phương, họ sẽ là Bồ-tát, không còn lo sợ tử sanh, không còn lo bị rơi vào ba đường ác, không sợ bị thối chuyển nữa. Cứ thế họ an nhiên tự tại, hưởng thụ sự sung sướng “Cực-lạc”, thần thông biến hoá bao trùm pháp giới. Kinh Phật nói, mỗi ngày có thể dùng “thiên bá ức hóa-thân” đi khắp mười phương để cúng dường chư Phật, rồi trở về phạn thực kinh hành niệm Phật. Cho nên, trong nhiều kinh điển đức Phật Thích-ca dặn chúng sanh phải nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc. Thế mà người ta không tin, nhiều người còn bài bác, nhiều nơi còn chủ trương ngược lại, thì Phật làm gì được bây giờ!

Sinh về Tây-phương khó hay dễ? Chỉ cần TÍN-NGUYỆN-HẠNH là đi, làm sao khó được. Khó hay dễ cứ hỏi bà cụ Triệu-Vinh-Phương thử coi. Cho nên con thường nói, chính cha má đang hưởng một đại thiện căn đại phúc báu và nhân duyên trong đời khó người có được mà cha má không hay. Nếu bỏ mất cơ hội này, xin nói thẳng, bá thiên vạn kiếp sau này chưa chắc cha má còn có cơ hội gặp lại được. Xin cha má muôn ngàn lần trân trọng những lời nói của con để được thoát nạn.

Bên trên là nói chung chung, bây giờ con muốn đi thẳng vào thực tế bên cạnh cha, cái pháp tu để trở thành hiền nhân chờ dự Hội-Long-Hoa. Con xin thưa trước rằng đây không phải là sự kỳ thị, nhưng con cứ theo đúng kinh Phật nói thôi, vì Hội-Long-Hoa từ kinh Phật nói ra. Di-Lặc Tôn Phật là vị Phật thứ năm thị hiện xuống trần để cứu độ chúng sanh. Ngài là một vị Đẳng-Giác Bồ-tát ở cõi Tây-phương Cực-lạc được bổ sứ Thành Phật. Trước khi thành Phật, Ngài tu ở nội viện cung Trời Đâu-Suất. Vì kinh của cha đang tu tập hồi giờ đều dồn vào Hội-Long-Hoa, cho nên con mới nói đến hội này, chứ không phải đương không con nói tới. Xin cha má đọc kỹ để hiểu đường tu tập của mình đang đi đâu?

Trong kinh Di-Lặc-Thượng-Sinh và Kinh Di-Lặc-Hạ-Sinh, đức Phật Thích-ca Như-lai thọ ký rằng, Ngài Di-Lặc Bồ-tát tu hành tại cung nội viện Đâu Suất-Thiên, thọ bốn ngàn tuổi. Một ngày trên cung trời Đâu-Suất dài bằng bốn trăm năm ở cõi trần này, tính chung lại là khoảng năm mươi bảy ức sáu ngàn vạn năm, tức là gần sáu trăm triệu năm nữa mới hạ sanh xuống cõi trần gian, thị hiện thành Phật dưới cội cây Long-Thọ gọi là Long-Thọ, và lập Hội-Long-Hoa. Ngài sẽ thay thế đức Phật Thích-ca mở ra ba hội thuyết pháp để độ sanh. Ngoài ra còn rất nhiều kinh Phật Di-Lặc khác nói đến điều này. Như vậy, Long-Hoa Hải-Hội không phải xuất hiện ở thế gian trong một vài chục năm, một vài trăm năm, một vài triệu năm… mà năm trăm bảy mươi sáu trăm triệu năm nữa mới xuất hiện. Hay nói gọn hơn, hơn nửa tỉ năm nữa mới xảy ra tại trần thế này. Một đời người chúng ta trung bình bảy chục năm. Giả sử một người vừa mới chết là đầu thai trở lại làm người liền để tu hành, thì phải mất hơn tám triệu đời nữa mới may ra gặp Hội-Long-Hoa của Phật Di-Lặc.

Khi chủ trương hướng về Long-Hoa Hải-Hội, từ trước đến giờ có ai thuyết minh việc này chưa? Có ai tường tận cái thời gian tưởng chừng vô cùng vô tận này không? Thời này là thời mạt-pháp. Chư Phật sợ chúng sanh không thoát khỏi hiểm nạn của tà ma ngoại đạo đang bủa lưới khắp nhân gian, cho nên quý Ngài mới quyết tâm dùng pháp âm A-di-đà Phật để cứu độ tất cả những ai phát tâm niệm Phật nguyện sanh về cõi Tây-phương để thành Phật. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy, “Chủng chư thiện căn nguyện sanh Cực-lạc, kiến A-di-đà Phật. Giai đương vãng sanh, bỉ Như-Lai độ, các ư dị phương thứ đệ thành Phật đồng thanh Diệu-Âm Như-Lai” (Kinh Vô-Lượng-Thọ phẩm 48). (Nghĩa là, những người có thiện căn nguyện vãng sanh về Cực-lạc, sẽ thấy được Phật A-di-đà. Những người vãng sanh này về được nước Phật từ các quốc độ khác nhau, trước sau đều được thành Phật và cùng có tên là Diệu-Âm Như-Lai). Pháp danh của con là Diệu-Âm, của vợ con cũng là Diệu-Âm, hàng ngàn người quy y với Hòa-Thượng Tịnh-Không đều cùng một pháp danh là Diệu-Âm. Cha má ạ, hãy chuẩn bị vị thế của mình ngay từ bây giờ chứ cần gì chờ đợi đến ngày vãng sanh…

Trong pháp vận của đức Phật Thích-ca Như-lai trải qua mười hai ngàn năm, chánh-pháp một ngàn năm, tượng-pháp một ngàn năm, mười ngàn năm là thời kỳ mạt-pháp. Ta đã bước qua ngàn năm thứ hai của thời mạt pháp. Trong thời kỳ này, ta đang sống càng ngày càng lún sâu vào ma nghiệp, càng ngày càng khốc liệt, càng kinh khủng! Tất cả những giáo pháp xuất hiện trong một ngàn năm trở lại đây thuộc về mạt-pháp, ai dám bảo đảm đó là chánh-pháp? Gần ba ngàn năm trước đây, kinh sách của Phật để lại đã dặn rất kỹ rằng, bắt đầu hai ngàn năm sau khi Phật nhập diệt, chúng sanh tuyệt đối phải cẩn thận, nếu không khó tránh đường đọa lạc oan uổng. Trong thời kỳ mạt pháp này chư Phật luôn luôn xuất hiện để cứu vớt chúng sanh, nhưng cũng có rất nhiều hiện tượng khác xuất hiện song song. Xin cha má phải nhớ kỹ một nguyên tắc để phân biệt là:

1) Chư Phật Bồ-tát không bao giờ sử dụng thần thông, biến hoá, đồng bóng…

2) Không bao giờ quý Ngài để lộ chân tướng, danh tánh, không bao giời tự xưng là Phật, Thánh, Tiên, Hiền (Nghĩa là bất cứ người nào xuất hiện bất cứ dưới hình tướng nào mà tự xưng “xưng này xưng nọ” phải tuyệt đối “kính nhi viễn chi”

3) Nếu đã lỡ bị lộ danh tánh thì tức khắc các Ngài thị tịch liền. (Nghĩa là người nào đã bị lộ danh tánh mà không đi thì chắc chắn có vấn đề)

4) Các Ngài xuất hiện là luôn luôn giảng chánh pháp, làm cho chúng sanh thấu rõ kinh tạng, tu đúng pháp Phật, chứ không khi nào các Ngài giảng pháp đối nghịch với Phật hay khai triển xa lìa chánh pháp của Phật. Xin cha má lấy những tiêu chuẩn này để tự kiểm lấy.

Như vậy, từ đây cho đến chín ngàn năm nữa vẫn còn là thời kỳ độ sanh của Phật Thích-ca Như-lai, Ngài khuyên chúng sanh nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc của đức Phật A-di-đà để viên thành Phật đạo. Trong thời kỳ này tuyệt đối không có một vị Phật nào dám xuất hiện mà lộ danh tánh, vì “Phật Phật đạo đồng”, “Nhứt Phật xuất thế thiên Phật hộ trì”, không thể chư Phật lại đi làm chuyện dẫm chân lên nhau như người thế gian đâu.

Bây giờ xét tới “Tam Kỳ Phổ Độ”, chiếu đúng theo kinh Phật nói, thì kỳ thứ nhứt xảy ra chắc chắn phải là gần sáu trăm triệu năm nữa mới có. Đức Di-Lặc Tôn Phật sẽ lập ba hội thuyết pháp độ sanh gọi là ba kỳ độ sanh. Ngài thuộc hàng đệ tử của Phật Thích-ca Như-lai, làm sao Ngài dám lập kỳ độ sanh trong thời của sư phụ đang hành sự. Như vậy, tam kỳ độ sanh đây chỉ cho tam kỳ mở hội thuyết pháp của đức Di-Lặc Tôn Phật ở Hội-Long-Hoa.

Thưa cha má, tu hành cần hiểu thấu lẽ đạo, đừng nên bất cẩn mà khó về sau. Một thời gian hơn nửa tỉ năm không phải là chuyện tầm thường. Lăn lộn khổ đau trong hơn tám triệu đời chết đi sống lại chỉ để cầu được thành người, thật có oan uổng không? Xin nghiêm chỉnh xét lại. Riêng con, con không dám đi con đường đó. Con đi theo con đường của cụ Triệu-Vinh-Phương năm 1999, con đường của ông Trần-văn-Lâm mới vừa vãng sanh về Tây-phương ngày 30/05/2001, con đường “Niệm Phật Thành Phật”. Niệm Phật là nhơn, thành Phật là quả, con cố gắng tranh từng hơi thở để niệm Phật, để được mười câu Phật hiệu trước phút lâm chung, thì con được vãng sanh và thành Diệu-Âm Bồ-tát.

Ví dụ, nếu bà bác mẹ anh Hai nghe lời con, một lòng niệm Phật, một lòng cầu vãng sanh Tây-phương, trong những ngày cuối cuộc đời này nằm trên giường bệnh mà bác thành tâm sám hối những lỗi lầm trong đời, quyết chí ăn năn hối lỗi, một lòng cầu Phật A-Di-Đà tiếp dẫn và “niệm Phật không hoài nghi, không xen tạp và niệm liên tục không gián đoạn”, thì bác cũng sẽ thành Diệu-Âm Bồ-tát trong một đời này. Trong khi nếu tu theo con đường Nhân Hiền để chờ dự Hội-Long-Hoa thì hàng trăm triệu năm sau, khi người ta đã thành Phật từ hồi nào rồi, mà mình thì vẫn còn lang thang ở một xứ sở nào đó, không biết có còn được làm người hay không, có được phước phần để nghe pháp âm của đức Di-Lặc lập kỳ phổ độ không! Xin cha má suy nghĩ kỹ.

Đức Di-Lặc sẽ thuyết gì? Đức Di-Lặc Tôn Phật sẽ thuyết pháp môn Niệm Phật cầu sanh Cực-lạc, vì pháp môn này mười phương ba đời chư Phật đều phải thuyết.

Thưa cha má, con nghe nói cha má đã có niệm Phật con mừng lắm, thư này con xác định thêm niềm tin thôi. Nhứt định cha má phải tin Phật, phải biết gởi trọn vẹn huệ mạng mình cho Phật là hành động đúng và trí huệ nhứt, không sai đâu. Niệm Phật và tiếp tục niệm Phật thì ngày thấy Phật không xa. Tuổi cha má đã cao, sức đã yếu, ngoài pháp tu niệm Phật ra, không tìm đâu ra pháp nào đơn giản dễ dàng tiện lợi và vi diệu hơn. Bà Cụ Triệu-Vinh-Phương, chín mươi tuổi mới khởi tu còn vãng sanh được huống chi là cha má. Cụ Trần-Quang-Việt, tám mươi hai tuổi mới phát tâm niệm Phật, tám mươi sáu tuổi vãng sanh trong đầu năm 2001. Tất cả những người thành tâm niệm Phật không ai không thành Bồ-tát, thì cha má nhứt định không được chần chờ nữa nghen.

Bồ-tát Phổ-Hiền dạy rằng, “Danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật thành tựu vô lượng vô biên công đức như thế, cho nên phải nói rằng danh hiệu chứa đựng vô lượng vô biên công đức của hết thảy Phật pháp, khai vô lượng vô biên diệu dụng, hiển thị vô lượng vô biên uy lực, giải thị vô lượng vô biên tri kiến giải thoát, siêu việt mọi tư duy ngôn từ. Tại sao thế? Vì nhân nơi danh hiệu Phật mà xuất sanh và lưu bố tất cả Bồ-đề tâm, tất cả Bồ-đề nguyện, tất cả Bồ-đề hạnh. Ba đời mười phương Như-Lai thảy đều từ danh hiệu Phật mà phát sinh ra. Ba đời mười phương Phật thảy đều do danh hiệu Phật mà thành đạo”, (Kinh Niệm-Phật Ba-La-Mật , phẩm 4). Cho nên, danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật là toàn bộ Phật pháp của các đức Như-Lai, vô lượng vô biên công năng, chứa tất cả mật tạng trong đó chứ không phải thường đâu cha má ạ.

Hòa-Thượng Tịnh-Không thường giảng rằng, chư Phật cũng phải niệm Phật để thành Phật thì tại sao chúng ta lại không niệm Phật, còn chọn lựa gì nữa đây? Tây-phương Cực-lạc là Pháp giới của Phật, là tối thắng trong tất cả mười phương pháp giới mà chỉ cần một đời tu hành nhất tâm niệm Phật là được phần vãng sanh mà còn chờ đợi gì nữa.

Cha má kính thương, trong đời này con gặp cha má thì con phải tìm cách trả trọn chữ hiếu làm con. Nhiều lúc, vì để thức tỉnh cha má con đành lấn sang những phần đáng lẽ không nên nói. Tuy nhiên con tin cha má hiểu con, chư Phật cũng hiểu con và hộ trì cho con để con làm tròn lời hứa cứu độ song thân.

Đến lá thư này là đủ kết thúc giai đoạn củng cố niềm tin cho cha má. Tin thì cha má phải đi, có đi thì tự nhiên đến. Hồi giờ mình cứ lòng vòng trong rừng gai hiểm hóc không biết hướng thoát thân. Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ là đại lộ thênh thang lót bằng vàng để ta về với Phật. Cha má cứ vững lòng tin mà tiến bước thì quang minh của chư Phật đang chờ phía trước.

A-di-đà Phật
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu ngày 22/12/2001).

“Các pháp môn tu hành, không có pháp môn nào vượt pháp môn niệm Phật, niệm Phật là vua trong các pháp môn. Nếu thiện tín nào nguyện mau thành Phật thì không gì bằng tu pháp môn Tịnh Độ” (Bồ Tát Văn-Thù-Sư-Lợi)

Trích Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm cư sĩ