Phát Bồ Đề Tâm & Thâm Tín Nhân QuảPhát Tâm Bồ Đề rất là quan trọng, không phát cái Tâm này thì không thể thành tựu, sau khi phát Tâm bạn nhất định có thể thương yêu chúng sanh, tâm Bồ Đề chính là tứ hoằng thệ nguyện, chân thật giúp đỡ tất cả chúng sanh, bắt đầu từ câu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, chữ độ này chính là giúp đỡ hiệp trợ, muốn giúp đỡ chúng sanh thì chính mình phải có năng lực, phải có đức hạnh, cho nên việc cần thiết chúng ta phải làm là đoạn phiền não, phiền não không đoạn thì Trí Tuệ không khai mở, Trí Tuệ của chúng ta là sẵn có, chứ không phải từ bên ngoài mà đến.

Trong phẩm Xuất Hiện ở Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói rất rõ ràng: “Tất cả chúng sanh đều có Trí Tuệ đức tướng của Như Lai, do vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc.” Vọng tưởng là vô minh, chấp trước là kiến tư trần sa phiền não, cho nên chỉ cần đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đoạn dứt thì Trí Tuệ đức tướng trong tự tánh liền hiện tiền, Trí Tuệ không phải từ bên ngoài đến, do đó tu học của Phật pháp là tu cái gì? Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô số tông phái, phương pháp không giống nhau, lối đi không giống nhau, nguyên lý nguyên tắc là một, đều là tu Thiền định, nhân Giới được Định, nhân Định khai Huệ, cái Huệ này là Trí Tuệ của tự tánh vốn sẵn đầy đủ, cái Giới đó là gì vậy? Giới là phương pháp, phương pháp bạn đã tu học chính xác, không có sai lầm thì bạn mới có thể được Định, sau khi được Định rồi Trí Tuệ liền khai, được tiểu Định khai tiểu Trí Tuệ, được đại Định khai đại Trí Tuệ.

Tầng thứ của Định rất nhiều, thế gian có tứ thiền bát định. Thiền định xuất thế gian thì đẳng cấp lại càng nhiều hơn, mức Định của bạn càng sâu thì Trí Tuệ của bạn càng rộng, đạo lý là như vậy. Cái nguyên tắc này là bao gồm tất cả pháp môn, tất cả tông phái đều giống nhau. Vậy thì ngày nay chúng ta dùng phương pháp trì danh niệm A Di Đà Phật mục đích ở đâu vậy? Là tu Định, y theo những quy củ này mà niệm Phật đó là trì giới, y theo quy củ này mà làm sau đó thì bạn được Định, cái Định Niệm Phật gọi là Niệm Phật Tam Muội. Công phu thấp hơn thì gọi là công phu thành khối, chỉ cần được công phu thành khối vậy thì chúc mừng bạn, vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc là khẳng định, phẩm vị không cao nhưng bạn nhất định được vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư Độ, đây là một đại sự lớn nhất ngay trong đời này của chúng ta.

Cho nên phiền não không thể không đoạn, phải đoạn từ đâu vậy? Từ tự tư tự lợi, là phàm phu cho nên nhiều người không thể đoạn phiền não, thật sự là họ không biết bắt đầu từ đâu, cái gốc của phiền não chính là tự tư tự lợi, chúng ta nhất định phải dùng Trí Tuệ, đem cái ý niệm này chuyển đổi lại, khởi tâm động niệm vì tất cả chúng sanh mà nghĩ, không nên vì mình, cái thân này căn bản thì không cần thiết phải để ý đến nó thì bạn mới có thể được tự tại, khởi tâm động niệm luôn nghĩ đến cái thân này thì nguy rồi! Nghiệp chướng của bạn không thể tiêu trừ, ý niệm vừa thay đổi thì tự thân chính mình đem quên đi mất, thân này cùng thân người khác là một thân, vì tất cả chúng sanh là chân chánh vì mình, vì chính mình là chân thật hại chính mình.

Cái đạo lý này trong Phật Kinh nói rất rõ ràng, nói rất tường tận, chúng ta nhất định phải hiểu, nếu như từ chỗ này bạn có thể thay đổi được nó thì chúc mừng bạn: Bạn ở trong Phật pháp, không luận học pháp môn gì đều sẽ thuận buồm xuôi gió, đều sẽ đạt được lợi ích chân thật, thành tựu Trí Tuệ chân thật.

Tiếp theo Phật dạy bảo chúng ta: Sau khi phát Tâm Bồ Đề thì “Thâm Tín Nhân Quả”. Ngày xưa, tôi học giáo lý, với câu nói này đã làm cho tôi từ hai đến ba năm không thể nghĩ ra, tại sao vậy? Vì trong Tịnh Nghiệp Tam phước thì phước thứ nhất là phước báo trời người, phước thứ hai là phước báo của hàng nhị thừa, phước thứ ba là phước báo của Bồ Tát đại thừa.

Nếu như cái “Thâm Tín Nhân Quả” này đặt ở phước thứ nhất thì tôi một chút cũng không hoài nghi, nay Phật lại đặt ở phước thứ ba thì tôi không hiểu. Phàm phu chúng ta bắt đầu học Phật thì đều tin tưởng Nhân Quả. Đại Sư Ấn Quang cả đời dạy người là đề xướng giáo trình “Liễu phàm tứ huấn” đầu tiên, nội dung của giáo trình này chính là Tin Sâu Nhân Quả, là thuộc pháp trời người, trồng Thiện Nhân được Thiện Quả, tạo Ác Nghiệp nhất định có Ác Báo. Ngạn ngữ thường nói: “Không phải không báo nhưng chưa đến lúc”, khi nhân duyên hội đủ thì quả báo lập tức hiện tiền, nhất định không thể trốn khỏi, việc này chúng ta đều hiểu, vậy thì chả lẽ Bồ Tát lại không hiểu Nhân Quả này hay sao mà Phật lại phải để Thâm Tín Nhân Quả ở trong Phước thứ ba dành cho Bồ Tát Đại Thừa?

Vấn đề này đến hai, ba năm sau tôi mới rõ ràng, mới tường tận, khi đọc Kinh Hoa Nghiêm mới ngộ ra, chính là đọc cái phẩm thập địa này. Bồ Tát thập địa trước sau không rời Niệm Phật, tôi liền tỏ ngộ ra từ ngay chỗ này: Cái Nhân Quả này không phải là Nhân Quả thông thường, mà là “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”, thật là cái Nhân Quả mà rất nhiều Bồ Tát đều không biết, đây không phải trồng Nhân Thiện được Quả Thiện thông thường, cho nên cái câu này chúng ta nhất định phải rõ ràng, chính là khi tu học đạt đến quả vị Thập Địa Bồ Tát, hay nói cách khác, Phật pháp đến giai đoạn cuối cùng, không luận là tu học pháp môn nào, tất cả đều quy về pháp môn Niệm Phật.

Thật đúng như là Ngài Văn Thù, Phổ Hiền đã thị hiện, hai Ngài ở đoạn sau của Kinh Hoa Nghiêm đều phát nguyện cầu sanh thế giới Tây phương Cực Lạc, làm một tấm gương cho 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ của thế giới Hoa Tạng, làm người dẫn đầu, đến đây thì chúng ta mới chân thật xem thấy sự thù thắng của Tịnh tông.

Cho nên Thế Tôn thường hay nhắc đến cái pháp môn này. Mười phương ba đời tất cả chư Phật đều khen ngợi, tất cả chư Phật đều hoằng dương, ngay chỗ này chúng ta mới thể hội được một ít lợi ích, cho thấy pháp môn này thù thắng không gì bằng, công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn, vì vậy Thế Tôn đại diện chư Phật tán thán Phật A Di Đà trong kinh Vô Lượng Thọ là “Quang Trung Cực Tôn, Phật Trung Chi Vương”, là vị Phật có ánh sáng tôn quý nhất, xứng đáng là vua của tất cả chư Phật vậy.

Trích sách Khai Thị Trọng Yếu
Pháp sư Tịnh Không giảng
Cư sĩ Tịnh Thái biên soạn

Download sách Khai Thị Trọng Yếu [Type: PDF | Size: 524 KB]