Thời Nay Không Nên Tu Kiết Thất Niệm Phật Một MìnhHòa Thượng Tịnh Không thường dạy rằng muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì ta có cái mức công phu niệm Phật “Lý Nhất Tâm Bất Loạn” mới an toàn vững vàng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. “Sự Nhất Tâm Bất Loạn” chỉ phủ phục nghiệp chướng chứ chưa diệt được nghiệp chướng. Công phu yếu nhất để có hy vọng là “Niệm Phật Thành Phiến“, là cái trạng thái gần gần với Sự Nhất Tâm Bất Loạn. Muốn niệm Phật đến Nhất Tâm Bất Loạn hay đến Niệm Phật Thành Phiến thì ta phải kiết thất niệm Phật quanh năm. “Kiết Thất” là cứ định kỳ bảy ngày, tịnh khẩu niệm Phật từ sáng đến chiều, nhiều khi niệm qua đêm luôn.

Nhưng mà… có lần Ngài nói, muốn kiết thất niệm Phật thì số lượng tham gia cỡ sáu người, bảy người là đủ, không thể quá mười người, và người chủ thất phải là một người có bản lãnh thì mới dám tổ chức Phật thất. Nếu người chủ thất không có đủ bản lãnh thì kiết thất coi chừng bị “Tẩu Hỏa Nhập Ma!“, tức là bị ma chướng! Chính vì vậy, ngài Lý Bỉnh Nam nói, trong thời này không thể “Kiết Thất Tinh Tấn” để niệm Phật được! Tại vì thường thường là tâm cơ của chúng ta trong cái thời đại này thật sự là hạ liệt!…

Tập khí quá nặng! Nghiệp chướng quá lớn! Oan gia trái chủ quá nhiều!

Chính vì vậy mà Ngài khuyên không nên!

Khó một nỗi, muốn cho Niệm Phật Thành Khối, Niệm Phật Thành Mảng, Niệm Phật Thành Thục thì phải kiết thất. Mà kiết thất thì Ngài nói coi chừng bị ma nhập! Chính là Ngài Tịnh Không nói như vậy. Bây giờ chúng ta thấy khó khăn đối với đạo tràng chúng ta! Chúng ta biết rằng, để cho một người được vãng sanh, thì cái tiêu chuẩn thấp nhất là niệm Phật cho thành khối, nhưng ta niệm Phật thành khối cũng không chắc gì được. Cho nên ta chủ xướng rất mạnh về phương pháp hộ niệm. Nhờ hộ niệm như vậy mới có sự hỗ trợ, nó phủ lấp cái chỗ trống là công phu còn quá yếu của người niệm Phật chúng ta.

Tuy nhiên, xin thưa thật với chư vị, dù có hộ niệm rồi, biết rằng hộ niệm rất là bất khả tư nghì, nhiều nơi người ta hộ niệm mà được vãng sanh thật sự, nhưng cũng không thể nào ỷ y vào đó được. Tại vì chưa chắc gì khi lâm chung, chúng ta sẽ được cái phước phần như những người đã có cái cơ may được hộ niệm vãng sanh.

Chính vì vậy mà đạo tràng chúng ta cố gắng gìn giữ sự cộng tu 365 ngày không thể nào mất một ngày, còn cố gắng vận động công phu sáng, rồi trưa, rồi chiều. Ráng cố gắng lên.

Cách công phu này không phải là kiết thất, mà để tạo cái thói quen công phu được thuần thục một chút, để cho cái câu A-Di-Đà Phật càng ngày càng thâm nhập vào trong tâm, và trong tháng tới chúng ta tiến thêm một chút xíu nữa, một tháng ta tổ chức hai ngày tịnh khẩu tinh tấn niệm Phật.

Như vậy là chúng ta chỉ có “Kiết Nhật“, nghĩa là chỉ có “Kiết” từng ngày, một ngày mà thôi, chứ không dám kiết tới Phật thất, nhằm để tập lần tập lần, phải tập như vậy chứ chúng ta không dám đi quá mạnh bạo. Mặc dù là chính tôi đây có dự trù hết tất cả những gì cần cho kiết thất, những công cứ… Nhưng mà thật sự là chưa dám đưa ra. Chỉ tập sự để coi thử cái năng lực chúng ta đi tới đâu.

Tại sao lại kiết thất mà bị tẩu hỏa nhập ma? Các Ngài nói rõ rệt, là tại vì cái lực chúng ta không đủ sức, gọi là “Lực Bất Tòng Tâm“. “Lực Năng Tòng Tâm“ không đủ, tức là cái khả năng, cái năng lực chúng ta không đủ, mà gọi là “Bất Tòng Tâm“. Cái tâm của những người muốn được Nhất Tâm Bất Loạn, nhưng mà cái lực không đủ. Vì lực không đủ mà cố ép buộc có thể trở nên vấn đề “Tẩu Hỏa Nhập Ma!“.

Ngài Tịnh Không nói rất cần người chủ thất vững, là tại vì sao? Vì người chủ thất là người phải nhạy bén trong lúc điều hành. Cũng giống như chúng ta kết bè với nhau niệm Phật thế này, thật ra chúng ta cũng có sự trợ giúp tối đa cho nhau. Ví dụ, thấy một người buồn buồn! Ta tới vỗ tay hỏi, ”Tại sao anh buồn vậy“. Thấy một người kia khổ khổ! Ta tới nói đùa, “Thôi vui đi!“. Chỉ cần một cái vỗ tay, một cái vỗ vai đơn giản như vậy mà có thể cứu người đó hồi nào không hay…

Chính vì vậy, ngài Tịnh Không khuyên rằng trong thời đại này nhất định không thể nào đóng cửa tự tu một mình, gọi là nhập thất một mình. Có nhiều người sơ ý nhập thất một mình, thì theo như ngài Tịnh Không khuyên, đây là chuyện không nên! Tại vì nhiều khi không có một người nào bên cạnh, không có một người chủ thất để hỗ trợ mình một cách tích cực, nhiều khi mình vướng nạn, gỡ không được!…

Vì vậy mà trong những ngày cộng tu, chúng ta cố gắng tham gia để tập lần, tập lần… gọi là cái thói quen niệm Phật. Khi bước vào đạo tràng hãy cố gắng bỏ rơi những cái gì của thế gian bên ngoài, để tập cái tâm chúng ta thanh tịnh từ từ, từ từ… Lần lần, lần lần bước lên… Cho đến một lúc nào đó chúng ta có thể niệm Phật… Kiết Phật nhất, rồi kiết Phật nhị, kiết Phật tam…

Trước khi mà kiết Phật nhị, hai ngày liên tục, chúng ta cũng phải tập luyện dữ lắm mới lên nổi. Chứ còn không, nếu sơ ý chúng ta chưa chắc gì sẽ thành công! Có như vậy thì công phu niệm Phật của chúng ta mới có thể thành phiến được. Mà có như vậy thì sự hộ niệm mới vững vàng.

Tôi xin đưa ra đây một câu chuyện để chứng minh cho lời nói của ngài Tịnh Không rất là chính xác. Cách đây cỡ mười một năm, có một lần tôi qua bên Âu Châu thì biết một câu chuyện như thế này vừa mới xẩy ra tại đó. Có một người thường kiết thất niệm Phật một mình. Người ta nói là vị này công phu cũng khá lắm. Năm đó đến tham gia một kỳ an cư kiết hạ. Trong khi buổi trưa tất cả mọi người đang ăn cơm thì không thấy vị đó đến ăn cơm. Sau khi ăn cơm xong mọi người đi ra thì thấy người đó đã ra sau vườn thắt cổ tự tử!… Dễ sợ! Nghe nói mà rùng mình! Vị đó để lại một lá thư viết: ”Tôi đi về Tây Phương trước nghen quý vị”.

Rõ ràng!… Bây giờ chúng ta thử suy nghĩ người đó có đi về Tây Phương được hay không? Biết liền! Chính vì thế mà ngài Tịnh Không nói, trong cái thời mạt pháp này nhất định chúng ta tu hành phải kết bè với nhau mà tu, không được tự tu ở nhà một mình. Khi nghe đến câu chuyện đó, tôi trực nhớ đến lời Ngài nói làm cho tôi giật mình và tỉnh ngộ ra liền. Thực sự là lời nói của ngài Tịnh Không làm cho tôi tỉnh ngộ ra từng chút từng chút và những lời nói của Ngài có sự chứng minh rõ rệt.

Tại sao người đó lại để lại một cái lá thư: “Tôi đi về Tây Phương trước nghen quý vị“? Phải chăng câu nói này đã xác định là có cảm ứng? Có cảm ứng mà tại sao lại làm những hành động như vậy? Hoàn toàn sai pháp!

Không bao giờ có hiện tượng một người đã thực sự chứng đắc, đã cảm ứng mà làm như vậy! Mình có thể đoán ra thì biết liền: CẢM ỨNG VỌNG! Vọng tâm cảm ứng vọng cảnh! Vọng cảnh nó hiển hiện trong tâm xui khiến người đó làm bậy mà không hay!

Chính vì vậy mà thường thường khi tu hành muốn được vãng sanh, muốn tránh được tất cả những ách nạn, không có cái gì khác hơn là như hổm nay chúng ta đã nêu ra rồi. Nhất định phải có tâm chân thành, chí thành, chí thiết.

TÍN – HẠNH – NGUYỆN:

– NGUYỆN là nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc chứ không phải là nguyện được cảm ứng.

– HẠNH là niệm câu A-Di-Đà- Phật chứ không phải bon chen những chuyện khác. Và

– NIỀM TIN vào pháp môn phải vững vàng.

Bên cạnh đó phải nghe lời khai thị của ngài Ấn Quang cho thật kỹ.

– Nhất định phải giữ tâm thanh tịnh.

– Nhất định phải giữ tâm khiêm nhường.

– Nhất định đừng bao giờ đem những cái khó khăn của thế gian để vào trong tâm của mình.

Cũng ý như vậy, Hòa Thượng Tịnh Không nói đơn giản hơn, là phân biệt chấp trước nên bỏ. Vì bỏ phân biệt chấp trước quá khó! Thì cách nói của ngài Ấn Quang nghe còn dễ hơn: Thường thường cho mình là phàm phu hạ căn, coi tất cả mọi người là Bồ-Tát, hãy cố gắng giữ tâm thanh tịnh, đừng đem cái lỗi của người khác vào tâm mình.

Cứ như vậy mà tu hành. Chí thành chí kính thì tự nhiên được cảm ứng. Nhất định cảm ứng của người chí thành chí kính là “CẢM ỨNG CHÂN”, không thể nào là “CẢM ỨNG VỌNG”. Nhờ như vậy mà, Ngài nói thêm một lần nữa, về được Tây Phương Cực lạc là do lòng chí thành chí kính của mình mà cảm ứng với Phật, chứ không phải là do được chứng đắc. Người đó đã sơ ý, cứ tưởng rằng mình chứng đắc nên xảy ra như vậy!

Người thế gian này không chịu suy nghĩ kỹ mới sinh ra những chuyện đáng tiếc, làm cho cả một cuộc đời tu hành sau cùng đi vào con đường rất nguy hiểm!

Ngày hôm qua chúng ta có nhắc đến những câu chuyện kiết thất, thì hôm nay xin tiếp tục những câu chuyện đó. Năm ngoái có một vị Thầy email tới hỏi Diệu Âm, thật ra vị Thầy này là người cháu, Thầy đã tu được hơn mười năm và Thầy cũng muốn kiết thất niệm Phật. Trước khi kiết thất thì Thầy email tới hỏi là bây giờ Thầy muốn “Kiết Thất Niệm Phật“. Xin cho ý kiến? Diệu Âm có lấy ý kiến của ngài Tịnh Không ra mà khuyên. Ngài nói rằng, “Tự Kiết Thất Niệm Phật“, tức là đóng cửa tu hành một mình chỉ dành cho những người đã “Khai Ngộ”. Người đã khai ngộ rồi thì nên tìm những nơi tịch tịnh mà kiết thất tu hành để sớm có đường thành đạo. Còn khi chưa được khai ngộ, nghĩa là chưa vững đường đi thì không nên tự nhập thất. Vì khi cái tâm của mình chưa khai, những phiền não của mình chưa giải tỏa được, mà vội vã nhập thất, thì không nên! Vì nếu thành tựu được thì tốt, nhưng nếu lỡ có những chuyện gì trở ngại xảy ra thì không ai có thể giải cứu được!

Trong thời này đã mạt pháp rồi! Chúng sanh đều có nghiệp chướng sâu nặng, oán thân trái chủ nhiều. Khi nhập thất, về hình thức thì thấy hay, nhưng Hòa Thượng Tịnh Không nói rằng rất là nguy hiểm!…

Chính vì thế, tu hành chúng ta nên kết nhóm với nhau để niệm Phật. Diệu Âm cũng lấy lời khuyên đó mà nói với Thầy. Thầy thấy đúng, nên Thầy không muốn nhập thất nữa, và Thầy cũng dùng một hình thức tu tập tương tự như chúng ta. Diệu Âm nói với Thầy nên tìm khoảng chừng năm, mười, mười lăm người Phật tử cùng nhau ngày ngày tu hành niệm Phật. Thầy thì hướng dẫn người ta niệm Phật, người ta thì hộ pháp cho Thầy, tất cả cùng nhau niệm Phật. Đây là con đường mà chư Tổ khuyên chúng ta nên làm.

Ở đây chúng ta đang xây dựng một Niệm Phật Đường để niệm Phật, xin thưa thật là chúng ta phải cùng nhau đi từng bước, từng bước một. Muốn tương lai sẽ tu hành tinh tấn hơn, chúng ta không thể đùng một lúc thực hiện liền được, mà phải thực hiện từng bước, từng bước. Trước khi thực hiện những công phu tu hành tốt hơn, chúng ta cần phải giải tỏa những chướng ngại trước.

Thành lập một ”Nhóm Niệm Phật” hay một ”Đạo Tràng“, xin thưa chư vị, khó dữ lắm! Như hôm qua mình nói, một người tự kiết thất một mình thường thì ai cũng khen hết, nhưng sau cùng thì dễ vướng phải những kết quả không theo ý muốn! Để tránh được những tình trạng đó, không có gì khác hơn là tự chính mình hãy cố gắng cởi bỏ những phiền não càng nhiều càng tốt, để cho khỏi bị vướng phải chướng ngại. Thứ hai nữa là chúng ta phải thành tâm cầu chư Long Thiên Hộ Pháp, chư Phật, chư Bồ-Tát gia trì. Thành ra, Diệu Âm đây khi làm bất cứ cái gì cũng đều chắp tay lại thành tâm nguyện cầu các Ngài gia trì. Vì chỉ có các Ngài gia trì mình mới có thể thành tựu, còn khi các Ngài la rầy thì nhất định chúng ta sẽ bị thất bại! Cho nên, kiết thất, làm đạo… thấy vậy chứ khó dữ lắm!…

Ngài Tịnh Không nói muốn kiết thất, thì người “Chủ Thất” phải là một người có bản lãnh. Nghĩa là sao? Nghĩa là người chủ thất phải có đầy đủ tâm lý, đức độ, tín lực, sự nhạy bén… để cứu gỡ trong những trường hợp có người nhập thất bị trở ngại. Tại vì nếu không có những yếu tố này thì nhập thất rất dễ bị… theo như Ngài nói, là “Tẩu Hỏa Nhập Ma“, và câu chuyện ngày hôm qua mình đưa ra là một chứng minh.

Hôm nay chúng tôi xin kể một vài câu chuyện khác để thấy rõ hơn. Có nhiều người sau một thời gian nhập thất rồi đi ra tuyên bố đủ thứ hết, như chọn ngày, chọn giờ vãng sanh. Nhưng sau cùng thì không có như vậy, mà kết quả thì ngược lại! Có những vị nhiều khi cũng có tới Tịnh Tông Học Hội tu hành với một thời gian cũng khá lâu, và có được những sự “Chứng Đắc” hơi lạ lùng! Rồi đi khoe ra khắp nơi, làm cho, phải nói là, có người phải nghiêng mình kính phục! Nhưng khi đối diện với ngài Tịnh Không thì chỉ nói chuyện có năm phút, Ngài đã mời ra khỏi đạo tràng, nhất định Ngài không chấp nhận! Khi có hiện tượng đó xảy ra làm cho người ta ngỡ ngàng!

Tại sao vậy? Thực tế, sau cùng người ta mới thấy rằng, Hòa Thượng giải quyết rất đúng. Vì sau khi bị mời ra xong, khoảng một vài tháng sau thì những người đó bị trở ngại vô cùng! Nếu thật sự đã được chứng đắc thì không bao giờ có chuyện đó đâu!

Chính vì vậy, chúng ta muốn được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc… thì xin thưa rằng, nên nhớ một điều là trước khi biết tu, chúng ta đã sơ ý tạo ra quá nhiều nghiệp ác với chúng sanh rồi, vay nợ máu với chúng sanh quá nhiều rồi, và mối oán thù sinh mạng này không dễ gì người ta tha thứ! Như vậy thì không dễ gì người ta lại nhẹ nhàng để cho mình ra đi vãng sanh đâu.

Chính vì vậy, chúng ta muốn vãng sanh thì luôn luôn phải nhớ, nhất định phải nhớ cẩn thận điều này, là chúng ta chỉ có thể tu từ đây cho đến ngày vãng sanh, nhưng những nghiệp đã tạo ra trong quá khứ bắt buộc phải trả. Nhưng khổ nỗi, nếu chúng ta phải trả những cái nghiệp đó thì chắc chắn không cách nào có thể vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc được. Chính vì vậy, Đức A-Di-Đà Phật đã cho chúng ta được “Đới Nghiệp Vãng Sanh“. Đới nghiệp bằng cách nào? Đới nghiệp cũ chứ không phải đới nghiệp mới. Ngài Tịnh Không đã nói rõ ràng. Như vậy thì tốt nhất những tập khí, những phiền não chúng ta phải tìm cách rời ra, phải bỏ đi, để tránh tạo nên những nghiệp mới, càng tránh chừng nào càng tốt chừng đó. Còn nghiệp cũ thì sao? Phải thành tâm sám hối, sám hối dữ lắm. Sám hối bằng cách nào? Xin thưa là cũng một câu A-Di-Đà Phật mà sám hối.

Ở đây mỗi sáng sớm chúng ta có thời khóa hai giờ công phu, trong đó có ba mươi phút lạy Phật. Trong lúc lạy Phật như vậy, tâm chúng ta phải thành tâm sám hối, cuối giờ công phu phải hồi hướng tất cả những công đức này cho Pháp giới chúng sanh, cho những vị oán thân trái chủ trong nhiều đời nhiều kiếp. Và trong những lúc tu hành này, khi hồi hướng công đức như vậy, cũng giống như chúng ta khai thị cho họ, chúng ta điều giải với họ, nguyện cầu họ giải bỏ những oán thù đi, để cho ta thì được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, còn họ thì kết được cái duyên đại lành đại thiện với A-Di-Đà Phật, nhờ cơ duyên này họ cũng được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu họ đi vãng sanh trễ hơn ta, thì khi ta vãng sanh trước ta phải có cái tâm nguyện sẽ quay trở lại cứu độ họ. Nếu họ ngộ đạo trong lúc chúng ta hồi hướng công đức cho họ, có thể họ vãng sanh trước, thì họ về họ cứu lại chúng ta. Tại vì nên nhớ rằng, Pháp giới chúng sanh vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc đều trở thành A-Duy-Việt-Trí Bồ-Tát hết và khi họ đã vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì họ cũng thành Phật như ta.

Như vậy điều quan trọng để chúng ta hộ niệm cho một người dễ dàng được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, thì luôn luôn nên nhớ rằng, đừng bao giờ để cho đến cuối cùng, lúc hấp hối, lúc lâm chung, hay lúc mê man bất tỉnh rồi mới kêu ban hộ niệm. Đến lúc đó, chúng ta vì nể tình cũng đành phải đi… cố gắng đi, nhưng một trăm phần, nhiều khi chưa tới được một phần để cứu được người đó vãng sanh!

Cho nên, khi chúng ta biết được phương pháp hộ niệm là chúng ta biết được phương pháp tu, xin hãy cố gắng…

Một là buông xả cho nhiều, rất nhiều, buông xả cho hết những cái phiền não, những cái tập khí của thế gian.

Vào trong Niệm Phật Đường chúng ta phải cố gắng giữ thanh tịnh, nhiếp tâm niệm Phật, hỗ trợ cho nhau. Thật sự chính những nơi có năm người, bảy người… kết hợp lại này mới vững vàng cho chúng ta niệm Phật, chứ không phải là những nơi quá đông đảo. Ngài Ấn Quang nói, những nơi quá đông đảo thường thường… ví dụ như, lâu lâu kết hợp lại một ngày để gieo duyên thì được, chứ còn “Kiết Thất”, theo như ngài Tịnh Không nói, kiết thất không thể nào kiết quá mười người, vì quá mười người thì có sự lộn xộn: ăn uống, nói chuyện, rầu rĩ… mỗi người mỗi khác đã khó rồi… Vì thế, chính những cơ sở nho nhỏ thanh tịnh này là những nơi, theo như ngài Ấn Quang nói, là những đạo tràng thành tựu trong thời mạt pháp. Chúng ta nương theo Ngài làm đúng như vậy, và nhờ lực của đại chúng, đông thì quá phiền não, ít thì lực quá yếu cứu không nổi, chỉ vừa cỡ chừng năm, mười, mười lăm, hai chục người… cỡ đó thì hay nhất và chúng ta cũng cố gắng làm như vậy.

Nên biết rằng cái nghiệp chướng của chúng ta nhiều quá! Oan gia trái chủ nhiều quá! Xin hãy cố gắng tu hành thêm. Ngày hôm nay chúng ta có thông báo rằng, tháng 11 chúng ta cố gắng tu hai ngày, một ngày chủ nhật đầu tháng, một ngày chủ nhật giữa tháng để chúng ta tập luyện phương pháp tu và cố gắng hằng ngày ta gặp nhau để cùng cộng tu, trau dồi cái công phu để tiến dần, tiến dần… rồi sau cùng chúng ta sẽ tiến đến thực hiện phương pháp gọi là “Tu Công Cứ“, có nghĩa là tập cho cái tâm chúng ta trói liền với câu A-Di-Đà Phật.

Công cứ là như thế nào? Ví dụ như chúng ta ráng cố gắng đạt được một ngày hai chục ngàn câu A-Di-Đà Phật, ba chục ngàn câu A-Di-Đà Phật. Cố gắng thực hiện như vậy, tùy sức của mình mà cố gắng. Những lúc làm công cứ này thì không kể những thời gian làm công khóa ở đây. Ví dụ, như đang tu đây chúng ta không được tính. Mỗi buổi sáng chúng ta có niệm Phật hai tiếng đồng hồ, không được tính. Những lúc nghe Pháp mà cũng niệm Phật, không được tính. Chỉ được tính, ví dụ như trong khoảng thời gian tu từ chín giờ sáng đến mười hai giờ, hoặc từ hai giờ chiều đến năm giờ chiều thì lúc đó chúng ta có thể tính vào công cứ được. Chúng ta có thể đi kinh hành, có thể đi dạo vườn… dạo vườn cũng như đi kinh hành, miễn là lúc đó chúng ta đang nhiếp tâm niệm Phật, thì cũng có thể áp dụng để tính vào công cứ được. Còn những lúc, ví dụ như thời khóa cộng tu từ sáu giờ tối đến tám giờ rưỡi tối, hoặc là từ năm giờ sáng đến bảy giờ sáng, không phải là công cứ.

Nhắc lại, lúc nghe Pháp không phải là công cứ, lúc coi ti vi, thái rau, bửa củi… không phải là công cứ.

Chúng ta phải tiến lần lần thực hiện điều đó. Muốn tiến lần lần đến đó, thì bây giờ phải rào đón trước, mở tâm trước, làm sao cho tâm của mình hòa với tâm Phật, làm sao cho câu A-Di-Đà Phật nhập lần nhập lần vào tâm. Chúng ta đang đi từng bước, từng bước để sau cùng tất cả mọi người khi nằm xuống, trong tâm của chúng ta chỉ còn có câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Hộ niệm chính là như vậy.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)