Những Điều Quan Trọng Cần Lưu Ý Khi Hộ NiệmCó nhiều vị đã tham gia hộ niệm hoặc quan tâm đến pháp Hộ Niệm Vãng Sanh đã phát hiện ra những sơ suất từ các Ban Hộ Niệm (BHN) trong nước cũng như ở ngoài nước.

Nghe được những thông tin này làm Diệu Âm cũng khá ưu tư. Hôm nay muốn xin chia sẻ một số điều với tất cả các Ban Hộ Niệm, cùng chư vị quan tâm như sau:

Pháp hộ Niệm là chánh pháp có thể cứu huệ mạng một người phàm phu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc một đời thành đạo chứ không phải là chuyện bình thường. Kính mong tất cả chư vị hết sức cẩn thận, y giáo theo lời chư Tổ Sư chỉ dạy mà phụng hành, phải thực hiện như lý như pháp. Cố gắng tránh những điều sơ suất, không được tự động thêm bớt theo sở thích cá nhân, không được áp cụng những pháp lạ mà làm sai lệch chánh pháp.

Kính mong chư vị trong các BHN nên sớm họp lại, hội thảo, chỉ bày cho nhau. Các vị có kinh nghiệm nhiều về hộ niệm nên tích cực hướng dẫn lại các BHN mới, vạch ra những ưu khuyết điểm, ứng dụng tốt pháp hộ niệm, tránh những sơ suất đáng tiếc. Cụ thể, xin nêu ra những điểm phổ thông cần chú ý sau đây:

1. Nên khuyến tấn được HN càng sớm càng tốt. Không nên chờ đến giai đoạn nguy kịch rồi mới bắt đầu HN.

2. Thăm thân xác chỉ được thưc hiện ít ra là sau 8 giờ, tốt nhất là sau 12 giờ kể từ khi người bệnh tắt hơi. Trong khoảng thời gian này tuyệt đối không được đụng chạm đến thân xác. Không được tắm rửa, thay quần áo, sắp sửa chân tay, v.v… Không được tẩn liệm, ồn náo. kêu khóc… Nếu gặp những trường hợp quá đặc biệt, ví dụ như bị té chết trong nhà vệ sinh, xác bị rớt nửa trên giường nửa dưới giường, v.v… thì có thể lên tiếng báo cho người chết biết rồi nhẹ nhàng bồng đặt lên giường, đắp mền cho ấm và sau đó niệm Phật hộ niệm liền, không được đụng chạm đến nữa.

3. Sau khi thăm kiểm, dù biết được thoại tướng mềm mại, thân sắc tươi tốt, v.v… cũng không được quyền lay động thân xác quá lâu, quá nhiều. Không được dùng thân xác người quá cố thành trò biểu diễn cho mọi người xem sự vi diệu, hoặc làm mẫu để quay video.

4. Nếu thăm mà thấy thân xác cứng, hoặc còn nóng nhiều chỗ, chứng tỏ bị trở ngại thì phải ngưng việc thăm thân. Khuyên thân chủ cho phép niệm thêm 4 hoặc 8 giờ nữa. Cần tìm hiểu để biết thêm những khó khăn nào khác chưa được giải tỏa mà hướng dẫn thẳng vào đó. Nếu sau đó không cứu vãn được thì cũng là duyên phần của người ra đi. Xin người HN vẫn cứ an tâm làm đạo. Chớ quá lo âu.

5. Không được áp dụng những phương thức lạ như: Ấn huyệt, vận khí vào bàn tay đẩy thần thức, dùng que cây điểm huyệt, tạo vết thương cho chảy máu, chế ngự động mạch, v.v… Khi chết rồi không được dùng dao và nải chuối để trên bụng. Không được đổ gạo nếp vào miệng, nhét tiền bạc vào tay, v.v…

6. Không được dùng những pháp khác trợ duyên như: Lập đàn cúng cô hồn, lên đồng, cầu hồn, v.v…

7. Nếu người bệnh không yêu cầu, người HN chớ nên xen tạp các việc tụng kinh, tụng Chú, tụng Sám nhiều quá. Nếu thấy cần thiết thì nên tụng vài biến rồi mau mau trở về niệm Phật. Cố gắng hướng dẫn bệnh nhân nhiếp tâm vào một câu danh hiệu A-di-đà Phật là tốt nhất.

8. Người HN không được khởi tâm thượng mạn như: Nghĩ mình có năng lực phi thường, có cảm ứng đặc biệt, có năng lưc cứu độ người bệnh hay đàn áp được “Oan Gia trái Chủ”, có năng lực “Hộ Niệm Từ Xa!”, v.v… Tu hành phải khiêm nhường mới tránh khỏi “Ma Chướng” cho chính mình vậy!

9. Khai thị-Hướng dẫn người bệnh cần cụ thể, ngắn gọn, tìm các gỡ những khó khăn cho người bệnh. Chú ý nhắc nhở người bệnh nhiếp tâm niệm Phật, theo đức A-Di-Đà vãng sanh. Chú ý nhắc nhở khi gặp những vị khác thì làm ngơ đi, cứ an tâm niệm Phật là được. Cần nhiều tâm lý thiện xảo để khuyến tấn bệnh nhân, không được nói pháp dài dòng.
10. Khi điều giải oan gia trái chủ mọi người cần phải thành tâm, cung kính, khẩn cầu… Người điều giải tuyệt đối không được khởi một tâm ý cao ngạo hay nói lời trịnh thượng. Chỉ được dựa vào lời Phật lời Tổ ra thành khẩn khuyên nhắc. Không được chèn ép, áp chế, cưỡng bức, đấu tranh để giành phần thắng với chư pháp giới chúng sanh.

11. Muốn tìm ra những sơ suất khi hướng dẫn, đề nghị người HN nên quay video để lại, rồi tự mình xem lại nhựng tư thái, lời nói, cử chỉ của chính mình khi khai thị để tự tìm cách sửa chữa.

12. Chú ý khuyến cáo thân chủ về các việc phá giới như: sát sanh hại vật, thường phạm tội giết các loài muỗi, ruồi, v.v… Coi ngày giờ chôn cất, gây ảnh hưởng không tốt đến việc HN.

13. Cần hiểu thấu tình trạng khó khăn về cả tâm lý của người bệnh. Cẩn thận lời nói, cử chỉ, nét nhìn. Tuyệt đối tránh những ý tưởng tiêu cực, gây phiền não. Không được đùa giỡn quá đáng!

14. Cần hiểu thấu tình trạng khó khăn về sức khỏe cuả người bệnh. Không được bắt người bệnh niệm Phật quá lâu. Không ép người bệnh phải thức suốt đêm để niệm theo đại chúng.

15. Cách niệm cần hoà với nhau, tránh người nhanh, người chậm. Tránh các giọng quá khàn hay quá cao ( tức là giọng quá sắc). Tránh các âm điệu gằn giọng, niệm giựt gọn từng tiếng, âm thanh này rất dễ làm người bệnh bị căng thẳng thần kinh. Nên có chiếc máy niệm Phật để bắt giọng mẫu khi cần để tránh bị lạc giọng, hay tắt tiếng, v.v…

16. Khi đang hấp hối cần niệm chậm rõ ràng từng tiếng. Tránh niệm nhanh, nhừa nhựa. Nên nương theo hơi thở của người bệnh mà niệm thì tốt nhất.

Bên trên là những điều thường mắc phải mà Diệu Âm nhớ đến xin nêu ra. Chư vị xem qua. Chư vị cũng có thể bổ khuyết thêm theo kinh nghiệm của mình để hoàn chỉnh pháp Hộ Niệm cứu người vãng sanh. Công đức vô lượng.

Diệu Âm kính cẩn