Pháp Sư Tịnh Không Mất 40 Năm Mới Tin Pháp Tịnh ĐộTôi thường khen ngợi chư vị đồng tu, nhân duyên thiện căn, phước đức của quý vị tốt đẹp hơn tôi. Quý vị vừa học Phật liền tin tưởng pháp môn này. Tôi học Phật cả bốn mươi năm mới tin tưởng. Tôi xuất gia lúc mới hai mươi sáu tuổi, gặp lão cư sĩ Châu Kính Trụ đã ngoài bảy mươi, cụ đối với tôi rất tốt, thường thường chăm sóc tôi. Về sau, cụ giới thiệu tôi đến Đài Trung thân cận thầy Lý học Phật. Thầy Lý là đệ tử của Ấn Quang đại sư, chuyên tu Tịnh Độ. Tôi [đến Đài Trung] nhằm mục đích học giảng kinh, cụ Lý khuyên tôi tu Tịnh Độ, tôi chẳng thể tiếp nhận, thậm chí còn ép thầy đến nỗi cụ phải thốt ra một câu: “Từ xưa đến nay bao nhiêu cao tăng đại đức và những vị tại gia cư sĩ có học thức, tu tập vững vàng đều học Tịnh Độ, cứ coi như là họ bị lừa đi. Chúng ta bị lừa một lần cũng không sao!” Năm Dân Quốc sáu mươi (1971), tôi giảng kinh Hoa Nghiêm ở Đài Bắc, chẳng thể không thâm nhập nghiên cứu, giảng suốt mười bảy năm, đến cuối cùng, thấy các vị Văn Thù và Phổ Hiền là những vị Phật sẽ bổ xứ trong thế giới Hoa Tạng, các Ngài đều cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chứng tỏ Tây Phương có chỗ đáng chú ý, ban cho tôi một nhân duyên phản tỉnh to lớn. Từ đấy, tôi lại chú ý thật kỹ càng: Thiện Tài đồng tử tu pháp môn Niệm Phật, Thiện Tài là học trò đắc ý của ngài Văn Thù. Ngài Văn Thù phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, truyền pháp cho Thiện Tài ắt cũng là pháp môn Niệm Phật. Về sau, Thiện Tài đi tham học, vị thầy thứ nhất (tỳ-kheo Cát Tường Vân) dạy Ngài pháp môn Niệm Phật, đến vị cuối cùng là Phổ Hiền Bồ Tát, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, khiến cho Thiện Tài thành Phật viên mãn ngay trong một đời. Do vậy, tôi mới quay đầu, mới lại thâm nhập nghiên cứu ba kinh Tịnh Độ. Nếu chẳng do kinh Hoa Nghiêm, tôi không có cách gì thâm nhập Tịnh Độ. Về sau, lại đọc những lời luận định của các bậc đại đức thời Tùy – Đường: “Hoa Nghiêm, Pháp Hoa chẳng qua nhằm dẫn đường cho kinh Vô Lượng Thọ mà thôi!” Tôi đọc câu bình luận này, cảm nhận đặc biệt sâu đậm hơn những người khác. Đúng là khó nhất trong những sự khó! Học Giáo mà có thể quy hướng Tịnh Độ thì số lượng những vị như vậy qua các đời truyền thừa chẳng nhiều. Do vậy, mười phương chư Phật không vị nào chẳng suy tôn Phật Thích Ca là đấng dũng mãnh.

Trích Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký Phần 9
Pháp sư Tịnh Không giảng thuật
Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa