Tu Thì Phải Tu Cho Thật“Tu là tu thật, chứ không phải là tu thử”. Có nhiều người hay nói tu thử! Tu thử thì có tu hành nhiều tới đâu cũng vô ích!…

Chúng ta ở đây kết nhóm với nhau niệm Phật là chúng ta tu thật. Xin chư vị đừng nên tới đây tu thử. Tại vì tu thử tức là trong tâm của ta không có định hướng, thấy người ta tu vui vui, mình tới tìm vui chứ không phải là tu. Ngài Tĩnh-Am dặn chúng sanh tu phải có phát tâm. Chúng ta ở đây phát tâm niệm Phật là hướng đi đã được xác định. Phát tâm rồi nhưng mà không lập hạnh thì phát tâm này cũng là phát tâm thử! Chính vì phát tâm thử, nên rất nhiều người tu hành sau cùng không có thành tựu.

Chúng ta biết rằng khi mình chết đi, nhất định không phải là hết. Nếu mà hiểu đạo thì rõ rệt, nói thẳng thắn ra, là cái thân xác này chúng ta bỏ, chứ còn “Chính Ta” không bỏ đi đâu hết. Ở trước cửa kia có chiếc xe của anh Phước, cái xe bị hư anh Phước bỏ chiếc xe, chứ anh Phước vẫn còn, chị Nhung vẫn còn. Ta tu là để khi ta liệng cái xác này, ta được giải thoát. Nếu không xác định được rõ rệt như vậy, thì chúng ta tu cũng chỉ là tu thử! Thật sự, có thể nói rằng hơn 90% người tu hành trong thời này thường là tu thử!…

Nhiều người khi nghe có lễ lộc thì đi tới chùa thử coi. Khi tới thì nhìn vô thử coi! Nhìn vô thử coi xong rồi… À! Như vậy là ta tu rồi đó! Tu rồi thì ra phía sau nhập vào bàn cờ tướng, nhập vào tờ báo, nhập vào nhóm ca nhạc… Tất cả những thứ đó nhất định sẽ lôi kéo chúng ta lại. Có nghĩa là, trong cuộc đời này dù cho có tới chùa nhiều như thế nào đi nữa, dù cho hình thức tu hành hay như thế nào đi nữa, đọa lạc vẫn bị đọa lạc như thường!…

Chính vì vậy, Niệm Phật Đường này lập ra là để dành cho những người tu thật. Xin thành tâm kêu gọi tất cả mọi người, chúng ta hãy thực tâm tu hành, vì cái huệ mạng ngàn đời ngàn kiếp mà đến đây niệm Phật. Từ đây cho đến tương lai, nhất định đạo tràng này không làm lễ, không tụ hội, không cờ xí, không quảng cáo… Chỉ âm thầm lặng lẽ niệm Phật. Nhất định tu thật.

Trong kinh Đại-Tập, Phật nói: “Đời mạt pháp vạn ức người tu, khó tìm ra một người chứng đắc. Chỉ có những người nào phát tâm niệm Phật mới vượt thoát ra khỏi cảnh luân hồi”.

Nghe theo lời Phật, nên chúng ta đóng cửa tu hành. Đóng cửa tu hành trong thời mạt pháp này có nghĩa là cố gắng xa lìa những nơi đông đảo, hội náo. Đó là lời Phật dạy trong kinh Bửu-Tích. Thời mạt pháp này nếu không biết lặng lẽ, tìm nơi an tịnh để niệm Phật, thì nhất định chúng ta sẽ thất bại!

Ngày hôm qua chúng ta đưa ra hình ảnh một vị pháp sư trốn tất cả thế gian, đi thẳng vào trong rừng sâu, lặng lẽ tu một mình mười năm trường. Những ngày đầu tiên Ngài gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhất quyết không lui. Khi lương thực hết, thì tự nhiên có những loài khỉ, những loài chim chúng lại đem thức ăn tới cho Ngài. Khi bị bắt ra rồi, Ngài mới có 40 tuổi. Ngài đứng lên nói lại những chuyện đó.

Chúng ta không dám làm chuyện đó đâu, vì thật sự đây là những người đặc biệt mới làm nổi. Chúng ta chỉ kêu gọi tất cả mọi người cố gắng, quyết lòng, đã tu thì nhất định tìm một cách tu nào vững vàng để thành tựu cho được. Còn không, thì xin thưa, nạn sanh tử luân hồi vẫn còn nguyên vẹn, không cách nào thoát ly! Ở đây chúng ta đang hô hào tăng thêm thời gian tinh tấn niệm Phật, đây là một sự tập sự để đến khi mãn báo thân này, nhất định khi nằm xuống, trước những giờ phút lâm chung ta niệm được câu A-Di-Đà Phật.

Chúng ta nên nhớ, nghiệp chướng của chúng ta quá nặng! Đừng nghĩ rằng một người nào đó đưa vào bệnh viện bị mê man bất tỉnh, còn mình thì không đến nỗi như vậy. Không phải! Nó chưa đến đó thôi. Khi đến rồi, nhiều khi chính mình còn bị nặng hơn nữa! Muốn giải quyết chuyện này thì phải làm sao? Trong kinh Phật có dạy rằng, vãng sanh có “Ý Niệm Vãng Sanh”. Ý Niệm Vãng Sanh là như thế nào? Là người đó khi lâm chung bị nghiệp chướng đánh họ, bị chướng nạn làm cho họ mê man bất tỉnh, nhưng mà trong tâm của họ âm thầm niệm Phật trong đó mà mình không hay. Nếu làm được chuyện này thì người đó được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, theo cái diện “Ý Niệm Vãng Sanh”.

Ta niệm Phật như thế này?… Chưa chắc! Xin thưa thật với chư vị, chưa chắc gì ta sẽ giải hết tất cả những ách nạn. Mà ta có thể bị mê man bất tỉnh! Muốn trong khi mê man bất tỉnh đó ta niệm câu A-Di-Đà Phật, thì không có gì khác hơn là ngay từ bây giờ phải mau mau tỉnh ngộ đường tu, quyết lòng trì giữ câu A-Di-Đà Phật.

– Những chuyện thị phi, ganh tỵ, câu chấp… của thế gian nhất định phải buông ra.
– Những cái lo lắng, sầu bi, khổ sở… nhất định phải buông ra.
– Những cái này phải buông ra, buông ra, buông ra… Mỗi ngày mỗi buông, mỗi ngày mỗi buông. Tập buông… Phải buông liền để cho những cái đó không dính vào tâm của mình, thì khi nằm xuống mới niệm Phật được.

Trong tất cả những ngày trước khi lâm chung, mình huân tập câu A-Di-Đà Phật, huân tập cho đến nhập vào tâm luôn. Nếu không nhập vào tâm được, thì ít ra cũng phải thành một thói quen, gặp bất cứ chuyện gì cũng trả lời bằng câu A-Di-Đà Phật. Thì khi ta gặp đại nạn đến, ta gặp oan gia trái chủ đến, ta gặp những chướng nạn của cận tử nghiệp… tâm ta vẫn giữ được câu A-Di-Đà Phật. Cố gắng niệm Phật, thành tâm niệm Phật. Cứ câu A-Di-Đà Phật mà niệm, chư Thiên-Long Hộ-Pháp, chư Bồ-Tát gia trì cho chúng ta trong lúc đó.

– Nhân Quả của chúng ta… thân chúng ta trả. Đường về Tây Phương… tâm chúng ta đi.

Cho nên nhân quả cứ trả trên cái thân này, còn cái tâm này vẫn giữ câu A-Di-Đà Phật để niệm.

Ngài Tĩnh-Am khuyên chúng sanh phải “Lập Hạnh”. “Lập Hạnh” là như thế nào? Ví dụ, chúng ta đưa ra chương trình “Công Cứ Niệm Phật”. Lập công cứ niệm Phật chính là “Lập Hạnh”. Tại vì, nếu chúng ta không niệm Phật, thì đừng nghĩ rằng có mười người, hai mươi người ở Niệm Phật Đường A-Di-Đà này đến chung quanh cái xác của ta, họ hộ niệm cho ta thì ta được vãng sanh. Hoàn toàn không phải! Nếu quý vị đã nghe qua những lời Diệu Âm nói trước đây, hoàn toàn không phải như vậy! Mà bắt buộc người nằm đó, người bệnh đó phải niệm câu A-Di-Đà Phật, phải nguyện vãng sanh, phải quyết lòng đi về Tây Phương dù với bất cứ hoàn cảnh nào, nếu được người hộ niệm tới hỗ trợ tích cực nữa, thì ta mới dễ được vãng sanh. Nếu lúc đó ta chìm đắm trong một cảnh giới nào đó, dẫu cho một ngàn người đến hộ niệm đi nữa, nhất định cũng không thể vãng sanh!

Quý vị nên nhớ rằng, ngài Lương Võ Đế là một đại Hoàng Đế, Ngài triệu tập được cả hàng ngàn vị Tăng, đại Tăng, tới hộ niệm cầu siêu cho người vợ thứ của Ngài, thì kết quả nhiều lắm cũng chỉ lên một cảnh trời trong Dục-Giới là cùng, trong khi phước đức của Ngài bỏ ra hộ pháp cho Phật pháp có thể nói là bao trùm cả thế giới. Cái phước đức lớn như vậy, cộng thêm một ngàn vị đại Tăng như vậy, mà cứu chỉ được lên một cảnh Trời mà thôi. Trong khi đó, nếu chỉ cần năm người, mười người đồng tu đứng chung quanh chúng ta niệm Phật, hộ niệm, nếu mình niệm Phật được thì mình về tới Tây Phương Cực Lạc để thành đạo Vô-Thượng. Cái giá trị nầy lớn đến cỡ nào?…

Xin thưa với chư vị, tu phải biết đường rõ rệt, tu phải hiểu đạo rõ rệt. Phải nắm vững những nguyên tắc này: Muốn được A-Di-Đà Phật đến cứu độ mình, nhất định “Tự Lực” mình phải lo trước. Tự lực là gì? Đối với pháp môn niệm Phật, xin thưa là: Tín-Hạnh-Nguyện, không có gì khác. Nếu Diệu Âm nói rằng: “Quý vị lập công cứ niệm Phật một tuần thì phải “Nhất tâm bất loạn”, nói như vậy, quý vị có thể đánh giá rằng Diệu Âm đã sai lầm! Sai lầm vì ứng hợp căn cơ không được. “Nhất tâm bất loạn” là hợp Lý, bắt người ta phải “Nhất tâm bất loạn” là không hợp Cơ! Vì chính Diệu Âm này cũng không có khả năng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, thì làm sao dám nói với chư vị niệm Phật nhất tâm bất loạn?!…

Nhưng mà Diệu Âm nói rằng, chư vị ơi! Ráng niệm Phật lập công phu. Trong công cứ chỉ khuyến tấn rằng, khởi đầu một ngày hãy niệm năm ngàn câu A-Di-Đà Phật. Số lượng năm ngàn câu A-Di-Đà Phật thật sự quá ít! Ta chỉ cần bỏ ra một tiếng đồng hồ là có thể niệm được. Thế mà chúng ta không chịu niệm! Không chịu niệm, thì ban hộ niệm cũng đành bó tay! Tại sao chúng ta không niệm năm ngàn câu được? Tại vì không chịu Lập-Hạnh!

Cách đây mấy ngày có một người tới đây xin chúng tôi hộ niệm. Tôi nói Cụ về, sáng ra nguyện: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc”, rồi niệm Phật ghi vào bảng công cứ, cố gắng một ngày cụ niệm năm ngàn câu A-Di-Đà Phật. Cụ đó nói: “Niệm nhiều quá như vậy, tôi niệm không được!”. Tôi trả lời thẳng thắn rằng: “Cụ niệm không được, thì chúng tôi cũng không thể hộ niệm cho Cụ vãng sanh về Tây phương Cực Lạc” được.

A-Di-Đà Phật muốn cứu tất cả chúng sanh, không bỏ một người nào hết. Nhưng tự mình không chịu đi, đường đi không vững, lập hạnh không vững, niệm Phật chơi chơi!… Ở đây thì niệm Phật, về nhà xin chư vị tự xét mình thử coi, trong lúc rảnh rỗi mình có niệm Phật hay không? Hay là, trong lúc rảnh rỗi mình coi Ti-Vi, mình coi phim chưởng, mình kình cãi, mình nói chuyện này chuyện nọ?… Nếu vậy, thì rõ ràng, tâm của mình là tâm luân hồi lục đạo, thì A-Di-Đà Phật cũng đành buông tay không có cách nào có thể cứu mình được.

Chỉ cần phát tâm niệm Phật, quyết lòng niệm Phật, quyết đi về tới Tây Phương Cực Lạc. Xin thưa thực, có ban hộ niệm ở tại Việt Nam người ta trợ duyên được một trăm mấy chục người vãng sanh chỉ trong vòng mấy năm trường. Tại sao được vậy? Tiêu chuẩn của họ đưa ra cho những người trong ban hộ niệm là các thành viên phải niệm mười ngàn câu A-Di-Đà Phật, phải niệm mười lăm câu A-Di-Đà Phật, hai chục ngàn câu A-Di-Đà Phật một ngày. Có nhiều người niệm trong một tháng, hai tháng thì người ta đã đạt được tiêu chuẩn đó rồi. Khuôn mặt của họ tự nhiên càng ngày càng sáng sủa ra. “Pháp hỷ sung mãn” rõ rệt.

Thật sự người niệm Phật có chư Thiên-Long bảo vệ, có các vị Bồ-Tát gia trì, A-Di-Đà Phật phóng quang gia trì cho những người niệm Phật. Thế mà chúng ta lại bỏ sự gia trì đó để đi theo con đường lục đạo, làm sao mà được thoát nạn?!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
Hình trên chỉ mang tính minh họa. Các “sư” đều là diễn viên.