Cư Sĩ Diệu Âm Khai Thị Về Nhất Tâm Và Bố ThíTrong tất cả các pháp môn, pháp môn niệm Phật là dễ nhất. Ta chọn pháp môn dễ nhất là tại vì căn cơ của chúng ta thấp, những pháp môn khó chúng ta không đủ khả năng. Giữa cái khó và cái dễ, ta chọn cái dễ, đó là hợp căn cơ. Dễ mà hợp căn cơ thì cũng được thành tựu mỹ mãn. Cũng giống như trong trường đời, người tiến sĩ thì người ta có thể đọc nhiều, nghiên cứu bất cứ một tài liệu nào cũng không trở ngại, còn người bình dân như chúng ta không thể nào vào trong viện nghiên cứu để nghiên cứu được…

Nên nhớ rằng hợp với căn cơ thì dễ thành công. Thế gian không thiếu gì người học lớp một, lớp hai, nhưng khi làm một việc gì hợp với sức, hợp với khả năng, người ta cũng có thể trở nên tỷ phú.

Tu hành cũng giống như vậy. Trong pháp môn niệm Phật, khi thực hành ta cũng phải biết chọn cái phương thức nào dễ, mà hợp với chính ta nữa thì mới thật sự là đúng.

Ví dụ:
– Nhất tâm bất loạn? Khó quá! Chí thành chí kính? Dễ! Ta chọn phương pháp “Chí Thành Chí Kính”. Niệm A-Di-Đà Phật, cứ chí thành chí kính như vậy mà niệm Phật, thì với lòng thành kính này nhất định chư vị được vãng sanh. Vãng sanh tức là thành đạo.

– Tu cho chứng đắc? Khó quá! Khiêm nhường, tập khiêm cung? Dễ! Xin chư vị hãy lấy cái “Khiêm Cung” này làm kim chỉ nam. Càng tu càng khiêm nhường, càng khiêm nhường ta càng dễ thành tựu. Khi thành tựu rồi thì cao hay thấp cũng như nhau.

Chúng ta mới thấy rằng, phải cần tuyển trạch, chọn lựa kỹ càng mới có thể thành công được. Nếu sơ ý, khi đã bị vướng nạn rồi thì chịu thua!… Một người bạn sát bên cạnh cũng không cứu được! Cha không cứu con, con không cứu cha, vợ không cứu chồng, chồng không cứu vợ được. Thành ra trước khi chúng ta hạ thủ công phu làm cái gì, nhất định phải cân nhắc cho thật kỹ, tức là phải quán xét coi căn cơ của mình ở chỗ nào. Đó gọi là hợp cơ.

Ví dụ như ta tu để cho nhất tâm bất loạn không được, nên ở ngay tại đây chúng ta dùng phương pháp công cứ. Công cứ có nghĩa là cần cù siêng năng niệm Phật. Về chứng đắc? Chúng ta chứng không được! Chơn tâm tự tánh hiển lộ? Chúng ta làm không được. Nhưng mà…

– Cần cù niệm câu A-Di-Đà Phật, chúng ta niệm được.
– Người cần cù niệm Phật là người khiêm nhường.
– Người cần cù niệm Phật là người thành tâm thành kính.

Rõ ràng chúng ta đi con đường căn bản để sau này được dễ dàng thành đạo, chắc chắn như vậy. Tại vì A-Di-Đà Phật đã phát đại thệ:

– Những người nào nghe danh hiệu của Ngài thành tâm chí thành chí kính mà niệm, tâm tâm hồi hướng về Tây Phương Cực Lạc…

Ngài không có nói…

– Người nào nghe danh hiệu của Ta phải niệm Phật cho nhất tâm bất loạn, phải niệm Phật cho chơn tâm tự tánh hiển lộ rồi Ta mới rước về Tây Phương.

Ngài không có phát tâm nguyện này. Chúng ta tu ở đây là tu thật sự, là theo đúng kinh Phật, chắc chắn ta sẽ thành tựu, đơn giản như vậy.

Chính vì vậy, mà có nhiều người than rằng:

– Sao tôi vẫn còn vọng tưởng nhiều quá!…

Không sao đâu! Vọng tưởng cứ để nó vọng tưởng đi, đừng lo ngại tới làm chi cho cực, mắc công lắm!…

– Sao tôi niệm không nhất tâm bất loạn…

Không có sao đâu! Nhất tâm bất loạn có hay không cũng kệ nó, đừng sợ. Cứ một lòng thành tâm niệm Phật là được.

Như hôm trước ta nói, đi ngang Phật mình phải cung kính chấp tay xá Phật đàng hoàng. Vô trong đạo tràng thành tâm niệm Phật cung kính với người ta… Cứ vậy mà đi, nhất định chư Thiên-Long Hộ-Pháp sẽ gia trì cho chúng ta, sẽ bảo vệ cho chúng ta và chư Đại Bồ-Tát bảo vệ cho chúng ta tới ngày chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc luôn.

Trong cách tu hành, lớn nhỏ nó đều tùy vào tâm của mình, chứ không phải tùy theo số lượng đâu! Ví dụ như bố thí, có nhiều người than với Diệu Âm!…

– Tôi bây giờ nghèo quá, không biết làm sao cúng dường bố thí?

Tôi nói không cần. Tới Niệm Phật Đường người ta có tiền cúng dường bố thí năm chục ngàn, sáu chục ngàn, bảy chục ngàn… gì cũng kệ họ. Mình không có tiền thì ra phía sau nhổ cỏ. Người thành tâm nhổ cỏ, thời thời phước huệ tăng. Người ta bố thí nhiều thì thích khoe ra, nhưng ra ngoài shop khi cầm bó rau muống lên thì lựa lên lựa xuống… Mất hết tất cả công đức rồi! Rõ ràng, một cộng rau muống hư mà không xả được, thì làm sao dám cầm đồng tiền ra mà “chân thành bố thí”?…

Chính vì vậy, phương pháp tu chúng ta phải biết cho rõ. Một người lên xe bus chọn ghế cao ghế tốt mới ngồi, ghế thấp không chịu ngồi, thì tâm bố thí không có!

-Nếu chỗ nào ngồi cũng được: “Dễ!”. Chọn cái ghế cao quá, chọn ghế tốt quá: “Khó!”. Chọn như vậy thì chúng ta đã đi con đường khó rồi!

Người có tâm tu hành thì phải biết nhường những chỗ tốt cho người khác ngồi. Ta ngồi mà thấy một cô phụ nữ này chưa có chỗ ngồi, tại sao mình không nhường? Nhường đó chính là tâm bố thí. Mua một vé máy bay, ghế ngồi thì chọn lựa lên chọn lựa xuống, trên máy bay ghế nào cũng bọc nệm hết trơn, tại sao mình không lựa chỗ nào eo eo để ngồi, nhường cái chỗ tốt tốt một chút cho người ta ngồi? Đây là tâm bố thí. Chúng ta cần biết hy sinh một chút xíu. Ghế nào cũng là ghế, mình chọn ghế ngon ư? Chọn ghế ngon thì có một bà già phải ngồi ghế dở. Đây là tâm phân biệt! Tâm eo hẹp! Cái chỗ ngồi, cái ghế… nó không có gì hơn cho mấy, mà mình cũng tranh cũng giành, thì làm sao mà có tâm bố thí lớn được?…

– Như vậy thì ngồi chỗ nào cũng được: “Dễ!”… Chỗ nào mình cũng cười hè-hè. Chọn cho được cái ghế tốt: “Khó!”… Vì lỡ không còn ghế tốt, mình ngồi cái ghế không vừa ý, cái tâm của mình sẽ phiền não! Phiền não nó nổi ra ngay trong lúc này.

Cho nên buông xả là ngay trong lúc này, chứ không phải buông xả là cái gì khác đâu! Ngài Tịnh Không luôn luôn nhắc nhở, tập buông xả, buông xả tối đa. Mỗi lần khi tôi đi tới chỗ nào, người cứ chọn cho tôi cái ghế tốt một chút. Nhưng tôi không có thích cái ghế tốt đó một chút nào hết. Tôi bảo là cứ chọn đại đi. Tôi đi mua vé máy bay, họ hỏi chọn chỗ nào? Tôi nói chỗ nào cũng được. Như vậy thì tự nhiên dễ dàng. Ngồi bên cửa sổ thì mình nhìn mây, ngồi phía trong thì mình niệm Phật. Có gì đâu mà phải chọn?

Xin chư vị phải tập buông xả từng chút, từng chút như thế này, đó gọi là hợp với căn cơ của chúng ta. Chứ nếu chúng ta cứ nói buông xả… buông xả… Nhưng thật ra thì từng chút, từng chút mình phân đo, kèn cựa. Đi ra ngoài shop cầm bó rau muống lựa lên, lựa xuống, cầm bó rau lang lựa lên, lựa xuống! Lựa như vậy thì bao nhiêu phước của mình mất hết. Uổng vô cùng! Tại sao mình không có cái tâm… tôi lấy bó rau muống này thì bị thua thiệt hai cộng rau, nhưng thua thiệt hai cộng rau muống mà ông chủ bán được, ông chủ bán được thì ông chủ lời, ông chủ lời thì mình mừng cho ông chủ… Hòa Thượng Tịnh-không nói, vì chúng sanh mà làm đạo thì tự nhiên phước mình tăng lên. Nếu vì mình làm đạo, vì mình cho tiện nghi một chút, thì bao nhiêu cái nghiệp sẽ đổ dồn vô mình mà không hay.

Vậy thì, tu hành, không có gì là cao siêu hết!

– Chính là làm những gì bình thường nhất…
– Chính là làm những gì đơn giản nhất…
– Chính là làm những gì dễ dàng nhất…

Mình dễ dàng từng chút từng chút như vậy thì tự nhiên tâm mình buông xả, chứ đừng có nghĩ rằng bỏ đồng tiền ra cúng dường này cúng dường nọ mới là bố thí… Không phải!

Buông xả! Cái tâm bố thí là chỗ này. Buông xả vạn duyên là chỗ này. Thành tâm niệm Phật là chỗ này. Tự nhiên chúng ta sẽ thành đạo.

Hôm trước có một vị tới đây khoe với tôi:

– Tôi đang niệm Phật để cho chứng tới cảnh Niệm Vô Niệm.

Tôi nói thẳng liền:

– Chị về lo khiêm nhường mà niệm Phật đi, đừng có nghĩ tới chuyện “Niệm Vô Niệm” nữa. Nếu mà chị còn mơ tới chuyện đó, coi chừng khi đã bị trở ngại rồi thì không còn ai cứu được nữa đâu.

Ngày hôm nay tôi nghe một cái tin cũng là một người ham chứng đắc “Nhất tâm bất loạn” đã đưa đến kết quả rất là phũ phàng, rất là bi ai!… Đây là sự thật làm cho tôi ngỡ ngàng và câu chuyện này nó củng cố, nó chứng minh cho đề tài chúng ta đang nói, tu hành cần phải “Khế Cơ”.

Khế cơ là gì? Nói thẳng thắn là chúng ta hãy…

– Dùng cái “Thành Tâm” mà niệm Phật.
– Dùng cái “Khiêm Nhường” mà niệm Phật.
– Dùng cái “Cần Cù” mà niệm Phật.

Còn tất cả những cái chứng đắc cao kỳ, những cái lý luận cao siêu xin tạm thời để khi về trên Tây Phương xong rồi mới làm chuyện đó… Đó mới là đúng. Chư vị hãy giữ vững như vậy, kết hợp với nhau tu hành thì nhất định chúng ta sẽ được chư Bồ-Tát gia trì, chư Thiên-Long gia trì cho chư vị và A-Di-Đà Phật hằng phóng quang minh bao phủ chúng ta, tiếp độ chúng ta vãng sanh về Tây Phương, nhất định một đời này thành tựu đạo quả…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)