Thế Nào Là Tu Đúng, Tu Sai?Thế nào là tu đúng? Thế nào là tu sai? Những quan niệm sai lầm đã gắn vào cái tâm của họ. Xin thưa thực, người tu học Phật ngày hôm nay hình như lơ mơ lờ mờ chuyện này nhiều lắm. Trách nhiệm này quy cho ai đây? Chính Diệu Âm này hồi trước cũng đi nhiều nơi lắm, gặp chỗ nào có người tu, gặp chỗ nào có mái chùa, ngay cả nhà thờ Thiên Chúa cũng tới luôn, ấy thế mà năm mươi tuổi đầu, năm mươi năm trường tìm tòi, mà tìm không ra chỗ tu. Tình thực, cứ thấy người ta tu thì mình cũng tu, nhưng sau cùng rồi cũng không biết là tu như vậy để làm gì? Cũng có nghe pháp, nhưng mà nghe pháp rồi vẫn thấy lung tung, không biết đường nào để đi đây? Tình thực, xin nói thẳng thắn như vậy. Đến một lúc tự nhiên gặp câu A-Di-Đà Phật mới thấy ngỡ ngàng! Mới giật mình đứng sững sờ, đến nỗi người ta xô tới mình đi tới, người ta kéo lui mình đi lui, người ta tách ngang mình tách ngang… vì lúc đó cái cảm giác ngỡ ngàng giống như ở trên trời vừa rơi xuống dưới đất vậy. Nhờ cái cơ may đó mà mới có ngày hôm nay quyết lòng quyết dạ niệm câu A-Di-Đà Phật để đi về Tây Phương.

Khi chúng ta đã quyết chí tu hành, thì nhất định phải “Trạch Pháp” một cách rất mạnh mẽ. “Trạch” là gì? Là tuyển chọn. Phải tuyển chọn rất kỹ. Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói rằng, Pháp của Phật không có cao, không có thấp. Không có pháp nào là cao, không có pháp nào là thấp cả, nhưng hợp với căn cơ thì mới sinh diệu dụng. Hợp với căn cơ có nghĩa là phải tuyển chọn. Tuyển chọn cho thật kỹ. Pháp nào Phật dạy ngay cho căn cơ của mình, phải chộp lấy đúng cái đó để đi thì nhất định một đời này được thành tựu, vì thực sự, pháp Phật là để cứu tất cả chúng sanh vượt qua sanh tử luân hồi, không còn tử không còn sanh nữa.

Ấy thế mà có rất nhiều, rất nhiều, vô cùng nhiều người nói về pháp Phật, nhưng lại không hướng dẫn cho người ta vượt qua cái cảnh sanh tử luân hồi, mà thường lại:

– Dùng thế gian pháp để nói.
– Dùng tâm lý ra nói.
– Dùng hội đoàn ra nói.
– Dùng những thiện lành thế gian ra nói… Đến nỗi nhiều người cứ lấy cái mẫu đó tu hành, tưởng vậy là tu học Phật rồi!

Cho nên, trách người học Phật không biết đường đi cũng tội nghiệp cho họ. Mà thực sự trách người nào khác cũng không trách được nữa, vì thực ra đời này mà tìm ra một con đường đi thẳng về Tây Phương nhất định là do thiện căn phước đức của người đó đã có rồi mới gặp được trường hợp này. Như vậy, ta đã ngồi được ở đây, ta phải biết rằng là do thiện căn phước đức trong nhiều đời nhiều kiếp ta đã có rồi mới tới đây được.

Thế nhưng coi chừng…

– Nghiệp chướng vẫn theo sát bên ta.
– Oan gia trái chủ vẫn theo sát bên ta.
– Nợ sanh tử vẫn theo sát bên ta.

Chỉ cần ta lơ là một chút thì tất cả những cái đó nó sẽ vươn lên, nó bao lại, nó kéo chúng ta về trong môi trường sanh tử luân hồi. Có nghĩa là ta tu rồi cũng tiếp tục con đường tử tử sanh sanh, sanh sanh tử tử, và xin thưa thực, tam ác đạo không phải là khó vào lắm đâu! Đây là sự thực.

Bữa nay chúng ta tiến lên một chút nữa, là niệm Phật nó có ba điểm cần phải thực hiện: Tín-Nguyện-Hạnh, và có ba điểm quyết không được dính vào, nhớ cho kỹ…

– Một là nghi ngờ, hồ nghi.
– Hai là xen tạp.
– Ba là gián đoạn.

Hôm nay chúng ta nói chuyện “Hồ Nghi”, nó liên kết với câu chuyện tối hôm qua. Có rất nhiều người khi đã gặp pháp môn niệm Phật, chính đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật nói: Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Chính Đức A-Di-Đà nói, Người nào niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật, dù cho nghiệp chướng trong quá khứ có sâu nặng như thế nào đi nữa, trong đời này trước khi niệm câu A-Di-Đà Phật mà lỡ lầm, sai lầm như thế nào đi nữa, bây giờ quyết tâm niệm danh hiệu Ta, nguyện vãng sanh về nước Ta, đem tất cả những căn lành hồi hướng về nước Ta, dẫu cho mười niệm mà không được vãng sanh, Ta thề không thành Phật. Chỉ ngoại trừ những người đã tạo ra ngũ nghịch, thập ác và phỉ báng chánh pháp. Đây là lời Phật nói.

Ấy thế mà có những người cứ nghĩ rằng:

– Ta nghiệp chướng sâu nặng quá, nói thì nói vậy chứ không có cách nào có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc đâu.

Cũng có những người nói:

– Người kia tu suốt cả đời vẫn không được vãng sanh, làm gì ta lại niệm Phật được vãng sanh?

Có nhiều người nói:

– Sao mà cống cao ngã mạn như vậy? Tại sao không tu để kiếm chút thiện, chút lành… để đời đời kiếp kiếp tiếp tục tu? Lại đi về Tây Phương Cực Lạc để thành Phật. Thật là cống cao ngã mạn!

Toàn bộ những lời nói này không phải là kinh Phật nói. Người học Phật mà không theo kinh Phật, lại nói ngược lời Phật dạy trong kinh. Đi vào trong Niệm Phật Đường, bao nhiêu người nhiếp tâm quyết lòng đi về Tây Phương Cực Lạc, mình lại nêu vấn đề hồ nghi ra làm cho niềm tin của người khác bị phá tan, làm cho người khác sợ, Khiến cho người ta nghĩ là không thể đi về Tây Phương được! Lời nói này đoạn mất đường thành đạo của người khác. Tội này lớn vô cùng lớn!

Chính vì vậy, mở một lời nói ra chúng ta phải cẩn thận vô cùng. Một lời nói tích cực, một lời nói khuyến tấn làm cho người ta tin tưởng đi về Tây Phương, dù người ta chưa được đi, dù ta không bỏ ra một đồng nhưng ta tạo ra không biết bao nhiêu công đức. Một lời nói ra, ta cũng không bỏ ra một đồng, người ta cũng không lợi một đồng, nhưng mà đoạn mất đường thành đạo của người khác. Một lời vô ý nói ra, coi chừng ta bị đọa lạc mà không hay! Đoạn cái thân mạng này không nặng bằng đoạn huệ mạng của người khác.

Khi tu hành chúng ta phải cẩn thận, hết sức cẩn thận. Trong kinh Phật nói, “Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết”, là trường hợp này. Phật nói niệm Phật một đời này vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, ta lại nói dễ gì mà đi về Tây Phương Cực Lạc. Rõ ràng nói ngược!

Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói: “Dẫu cho chư Phật trên mười phương bây giờ mà tái sinh xuống dưới cõi trần, trong thời mạt pháp này, cũng phải dạy cho chúng sanh niệm Phật vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc”.

Đức A-Di-Đà Phật nói: “Người nào dẫu cho tội như thế nào đi nữa, quyết lòng tin tưởng niệm danh hiệu ta, nguyện sanh về nước ta, dẫu mười niệm mà không được vãng sanh ta thề không thành Phật”.

Ngài nói như vậy mà có nhiều người không tin, lại nói những lời ngược. Ly kinh nhất tự!… Một chữ thôi!!!…

– Ngài nói được vãng sanh, mình nói không được vãng sanh!
– Ngài nói quyết lòng đi về Tây Phương, thì nhất định Ngài cứu, mình nói làm gì mà có chuyện cứu.
– Ngài nói bây giờ tội chướng nặng như thế nào nữa, bỏ đi. Quyết định buông xả những tình chấp thế gian ra. Những tập khí đó, bỏ đi. Quyết cầu về Tây Phương, nhất định Ta sẽ cứu về Tây Phương… Mình nói chị có nghiệp như vậy làm sao đi về Tây Phương? Anh có nghiệp như vậy làm sao đi về Tây Phương? Trời ơi!.. Ông kia niệm cả một đời không vãng sanh được, làm gì mà bây giờ anh niệm Phật được vãng sanh?!!!…

Nói toàn những chuyện để ngăn cản con đường vãng sanh của người ta. Rõ rệt nói sai kinh Phật.

Xin thưa với chư vị, đã quyết lòng tới đây tu, nhất định đạo tràng này đã ra cái phương châm “Tu thực”. Hãy quyết lòng quyết dạ mà đi, tuyển chọn một cách hết sức là cẩn thận. Người nào quyết lòng đi về Tây Phương, thì xin chư vị tới đây cộng tác với nhau, hỗ trợ cho nhau, cương quyết bảo vệ cho nhau đi về Tây Phương.

– Nhất định phải đóng lỗ tai lại, không được nghe bàn ra tán vô.
– Phải đóng con mắt lại, không được nhìn cái này cái khác làm cho tâm chúng ta loạn đi.
– Đóng miệng lại, nhất định ai nói gì nói, ta không bàn tới.

Nếu ta cứ bàn luận, bàn một cái thì bị vướng vào cái bẫy: “Đấu Tranh Kiên Cố”, ta bị nạn liền lập tức. Khi đã gặp được câu A-Di-Đà Phật là do thiện căn phước đức chúng ta đã có, mau mau làm cho thiện căn phước đức nó bùng lên, nó nổi lên, càng vững lên. Làm sao để cho thiện căn phước đức vững? Chính là niềm tin càng ngày càng vững. Và xin thưa thực, vì một người đầy rẫy nghiệp chướng thế này mà được về Tây Phương thành đạo mới chứng minh rằng câu A-Di-Đà Phật bất khả tư nghì!…

Ngài Pháp-Nhiên Thượng-Nhân nói: “Vì câu A-Di-Đà Phật đưa một người tội chướng sâu nặng mà về được Tây Phương thành Phật mới chứng tỏ rằng đạo pháp của Phật vi diệu”. Chứ bây giờ một pháp mà chỉ dành cho hạng Đại Bồ-Tát đi về Tây Phương thì đâu có gì đâu vi diệu. Chính lời thề của Đức Phật là để đưa chúng ta, chính chúng ta đây, vãng sanh về Tây Phương.

Muốn về Tây Phương không? Chắp tay lại thành khẩn niệm Phật. Chắp tay lại sám hối tất cả những lời nói nào sơ ý đã làm cho người ta mất tín tâm. Phải quyết lòng mà đi, tự nhiên trong một đời này chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Tích cực-Vững vàng-Tin tưởng. Nếu chúng ta rời những điều này ra, nhất định chúng ta đi ngược với lời Phật. Đi ngược với lời Phật tức là tự mình đi theo con đường gọi là “Ma Nghiệp”. Ma nghiệp chính trong tâm này ứng hiện ra.

Như vậy, Phật cũng Tâm; Ma cũng Tâm, không ở đâu hết. Hãy bỏ cái “Tâm Ma” đi, quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật. Niệm Phật thành Phật. Nhất định tất cả chư vị đều đi về Tây Phương Cực Lạc trong một báo thân này.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)