Ngũ Nghịch Thập Ác Là Tội Gì?“Ngũ Nghịch, Thập Ác” tạo tội cực nặng. Trong hết thảy kinh, đức Phật nói kẻ ấy ắt đọa địa ngục ngay trong một đời. Ngũ Nghịch (Pañcānantarya) là:

1) Làm thân Phật chảy máu. Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) ôm lòng hại Phật. Từ trên đỉnh núi xô một tảng đá to xuống đè Phật, thần hộ pháp từ trên không trung đỡ lấy, nhưng mảnh đá văng trúng chân Phật chảy máu. Nếu hại Phật sẽ kết tội với hết thảy chúng sanh. Phật là bậc đạo sư của ba cõi, [hại Phật] khiến cho cơ duyên nghe pháp đắc độ hết thảy chúng sanh bị đứt đoạn, tội lỗi ngập trời.

2) Giết A La Hán: La Hán là bậc đắc đạo, giáo hóa một phương. Nếu hại La Hán chính là đoạn huệ mạng của rất nhiều người. Bậc thiện tri thức thật sự sẽ có ảnh hưởng đến ngàn năm vạn đời. Như Khổng lão phu tử lúc tại thế chẳng nổi danh, chẳng làm quan lớn, là một người tầm thường bất đắc chí, bất đắc dĩ phải quay về nhà dốc lòng dạy học, những người tuân theo giáo huấn của Ngài nhất định được phước. Cái học do Ngài truyền lại chính là phước báo trời người mà công đức còn chẳng thể nghĩ bàn, huống chi giáo hóa của Phật là công đức lợi ích khôn sánh trong thế gian lẫn xuất thế gian.

3) Giết cha.

4) Giết mẹ. Cha mẹ có ân đức rất lớn đối với chúng ta. Giết hại cha mẹ thuộc về Tánh Tội, tự nhiên đọa trong địa ngục Vô Gián (Avīci Nairaka). Kinh Địa Tạng đã giảng [về địa ngục Vô Gián] rất tường tận.

5) Phá hòa hợp Tăng: Tăng đoàn là nơi bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp cho nhà Phật. Nếu phá hoại Tăng đoàn thì cũng là tội lỗi đọa địa ngục Vô Gián. Chư Phật xuất thế cũng chẳng cứu được. Thời gian trong địa ngục Vô Gián cũng là vô lượng kiếp.

Thập Ác (Daśākuśala) là thân: Giết, trộm, dâm; miệng: Nói dối, nói đôi chiều, ác khẩu, nói thêu dệt; ý: Tham, sân, si. Người tạo Thập Ác tùy theo dụng tâm như thế nào mà chia thành ba phẩm Thượng, Trung, Hạ, cũng đều đủ tư cách vào địa ngục! Nếu nay những người tội ác như vậy đều có thể mười niệm thành tựu thì Hạ Hạ Phẩm đới nghiệp vãng sanh cũng chứng ba thứ Bất Thoái, điều này thật sự chẳng thể nghĩ bàn!

Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký
Pháp sư Tịnh Không giảng thuật
Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Chuyển ngữ