Cư Sĩ Thiện Nhơn Vãng Sanh Lưu Xá Lợi Và Những Điềm Lạ Lúc Lâm ChungTrong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nghe Cổ đức dạy: “Buông xả tất cả sẽ được tất cả”. Hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ, không những phải đủ ba điều kiện Tín, Hạnh, Nguyện mà còn phải tập buông xả vật bên ngoài thân và trong tâm và không còn tâm lý “tham sống sống sợ chết” thì giờ phút lâm chung chắc chắn vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Câu chuyện cư sĩ Thiện Nhơn là một tấm gương cho hàng Phật tử chúng ta noi theo.

Ông Nguyễn Xuân Phương, pháp danh Thiện Nhơn ở 139 vùng Nam, thôn Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cư sĩ Thiện Nhơn lúc trẻ làm nghề thầy giáo. Năm 20 tuổi lập gia đình với bà Kiều Thị Tuyết Sương, pháp danh Ngọc Trang, cũng là một Phật tử thuần thành. Sau đó, bà sinh bốn người con trai và năm người con gái. Trong cuộc sống đời thường, ông là một người đàn ông mẫu mực, một người chồng rất yêu thương vợ và người cha đáng kính hết lòng lo cho gia đình.

Năm 1978, bất ngờ vô thường bất ngờ ập đến, người bạn đời đột ngột ra đi, để lại cho ông một đàn con dại. Trước nỗi đau này, ông mới cảm nhận mạng người mong manh khác nào:

Thoáng trước lá còn đây,
Thoáng sau lá rơi đầy ngoài sân…

Nhờ hiểu như vậy mà ông vượt qua cú sốc nỗi đau mất vợ để làm chỗ dựa vững chắc cho các con. Trước đây tất cả việc nhà và chăm sóc con cái thì có vợ lo. Bây giờ, ông vừa làm người mẹ dịu dàng thức khuya dậy sớm, chăm sóc các con chu đáo, vừa làm người cha nghiêm nghị dạy dỗ các con thành đạt nên người. Cuộc sống của ông như thế trôi qua hơn nửa đời người, nhìn lại quãng đời còn lại chẳng còn bao lâu, mà đời người không ai thoát khỏi cảnh sanh, lão, bệnh, tử; cho nên ông hướng về Tam bảo. Sau đó, ông thỉnh cầu Hòa thượng Thích Giác Nhu truyền Tam quy, Ngũ giới. Hòa thượng đặt pháp danh là Thiện Nhơn. Lúc này, tuổi đời ông bước sang ‘thất thập cổ lai hy”. Từ đó, cư sĩ Thiện Nhơn buông xả tất cả, suốt ngày chỉ chuyên tâm niệm câu Nam mô A-di-đà Phật, lại được quý Thầy chỉ dạy khuyến khích, nên sự tu hành của ông ngày càng tiến bộ. Ông chỉ cầu khi xả báo thân này được vãng sanh về Tây phương Cực Lạc.

Lần đầu tiên, ông vào Sài gòn đăng ký tham dự khóa tu Phật thất lần 12 ở Chùa Hoằng Pháp. Trải qua bảy ngày tu học, giúp cho ông tín tâm càng kiên cố. Vì kế sinh nhai, nên các con ông đành tha phương cầu thực, nơi quê nhà cha già lặng lẽ một mình. Nhưng ông không thấy quạnh hiu mà càng tinh tấn tu tập, mỗi ngày hai thời lạy Hồng Danh Bửu Sám, thời gian còn lại ông chuyên niệm câu Nam mô A-di-đà Phật, quyết chí vãng sanh về Cực Lạc, nên không nghĩ đến việc gì khác. Mặc dù tuổi già sức yếu, nhưng ông luôn tinh tấn tu hành, lại còn tham gia các Phật sự như góp sức xây dựng đạo tràng niệm Phật ở tịnh xá Ngọc Duyên (Đập Đá, Bình Định). Mọi người thấy ông già yếu, nên khuyên ông nên nghỉ ngơi thì ông bảo: “Tôi muốn góp chút công sức để xây cho xong tịnh xá, cho dù có ra đi, tôi cũng yên lòng”.

Không những ông phát nguyện cúng dường Tam bảo, mà còn sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó, người bệnh tật, đi cứu trợ lũ lụt v.v. Những việc ông làm để lại tấm gương, sáng đời đẹp đạo cho hàng Phật tử và con cháu ông noi theo về hạnh tu tập và buông xả. Ông biết trước ngày chết, nên dặn dò con cháu trước lúc ra đi, hãy niệm Phật cho ông đủ tám tiếng đồng hồ, để qua bốn mươi tám giờ rồi mới được đi thiêu. Ông dặn đem đi thiêu để nhường đất cho người sống và không nên coi ngày giờ tẩm liệm, không nhận tiền phúng điếu. Ông có viết hai câu, sai con cháu dán lên tường:

Cám ơn chư vị đến thăm
Xin câu niệm Phật Tây phương tôi về.

Ông còn dặn các con: “Sau khi ba mất, sẽ có quý Hòa thượng, Thượng tọa và các Thầy, Cô cùng Phật tử đến lo cho Ba!”. Đúng như lời ông nói, khi ông lâm chung có đông đủ chư Tăng, Ni và Phật tử đều đến trợ niệm rất đông. Điều kỳ diệu, tối 14.7 ÂL ông thấy Đức Phật A-di-đà hiện thân sáng rực, tuy đang bị bệnh ung thư gan rất đau đớn, nhưng ông ngồi dậy xá Ngài. Khi Đức Phật từ từ ẩn mất, ông vẫy tay chào. Ông mất vào lúc 14 giờ chiều, ngày 19 tháng 7 năm Đinh Hợi (2007) trong tiếng niệm Phật của đại chúng. Ông nằm nghiêng về hông bên phải, thanh thản ra đi, hưởng thọ 80 tuổi.

cu-si-thien-nhon-xa-loi-01
cu-si-thien-nhon-xa-loi-02

Trong lúc đại chúng đang hộ niệm thì bức tượng Tây phương Tam Thánh treo trên tường phát ra ba luồng ánh sáng xẹt đến thân Cư sĩ. Mọi người đều thấy, lại có mùi hương lạ ngạt ngào tỏa khắp nhà và còn rất nhiều việc kỳ lạ hiện ra trong quá trình ông vừa tắt thở, cho đến khi đưa ông đi thiêu mà tôi không thể kể hết ra được. Đám tang ông không nhạc, không kèn mà chỉ có tiếng tụng kinh, niệm Phật; mọi người chia phiên nhau tụng, niệm suốt mấy ngày đêm.

Cư sĩ Thiện Nhơn vãng sanh đã hiện ra rất nhiều điềm lành hiếm thấy và lưu lại vô số xá lợi đủ màu, làm cho mọi người vô cùng kinh ngạc. Việc này xưa nay họ chưa từng thấy ở miền quê này. Pháp môn Tịnh độ thật là vi diệu. Sau khi ông mất khiến cho con cháu trong gia đình và hàng Phật tử nơi đây càng tăng thêm niềm tin kiên cố, nên họ càng tinh tấn niệm Phật.

Một đời siêu thoát
Một ánh đạo nhiệm mầu.

Chúng ta sinh ra ở cõi đời này, ai cũng làm việc để duy trì cuộc sống. Nhưng nếu chúng ta biết đủ dừng lại để dành thời gian tu tập thì hiện tại chúng ta được an lạc và làm hành trang cho mình khi xả báo thân này. Bởi vì:

Ra đời hai tay trắng
Lìa đời trắng hai tay.

Cư sĩ Thiện Nhơn không những chuyên tâm niệm Phật mà còn tu hạnh xả, nên ông vãng sanh về Cực Lạc là điều tất nhiên. Ông buông xả tất cả pháp thế gian để đạt được pháp xuất thế gian thật đáng khâm phục. Đúng như Cổ đức dạy: “Buông xả tất cả sẽ được tất cả”.

Phật tử, lương y PHAN VĂN SANG
(Ghi theo lời kể con gái của Bác là cư sĩ Ngọc Đài đt số 0988538879)