Người Niệm Phật Không Mong Cầu Phước Báu Thế GianCông phu niệm Phật bền bỉ mãi giống như ép mè, tiếng chày giã càng thêm mạnh mẽ cho đến lúc ra dầu; thuyền khi gặp sóng to, tiếng mái chèo càng thêm kiên quyết; vạt nước sôi ở phía sau, ao sen ở phía trước, tuy có ngàn vạn người ngăn trở ta niệm Phật, thề không thối lui, lâu ngày dài tháng tất được lòng từ bi của Phật âm thầm trợ giúp, chướng duyên tiêu tan, thanh tịnh duyên thành tựu. Phật chẳng phụ lòng người, ắt làm mãn nguyện chúng sanh.

Các vị Thiện nhân! Nay đã thật tâm niệm Phật thì phải phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, không thể chỉ mong cầu phước báo. Người đời nghe câu nói này chưa khỏi ngạc nhiên kinh lạ. Họ nghĩ tu hành vốn là mong cầu phước, niệm Phật được phước chính là việc vừa lòng thỏa ý, tại sao lại không muốn phước báo?

Nếu nói Tịnh độ, lẽ nào bọn phàm phu chúng ta có thể vãng sanh? Huống chi công hạnh cạn mỏng làm gì được vãng sanh? Các vị thiện nhân! Những tư tưởng ấy rất sai lầm, phải biết phước báo có lúc hết. Thử xem người đời, hoặc ông bà giàu có, con cháu nghèo hèn, hoặc lúc trẻ giàu có, đến già nghèo hèn, đâu không phải là phước báo có khi hết. Không chỉ vậy, đời nay tu hành đời thứ hai hưởng phước, đời thứ hai không tu đời thứ ba lại chịu khổ.

Hoặc có súc sanh lúc quả báo hết mới được thân người, vừa được làm người bị phạm lỗi lầm lại rơi xuống loài súc sanh. Lên xuống bất định cho nên gọi là nổi chìm trong biển khổ.

Không chỉ như thế, hoặc người có tài sản nhưng không con; hoặc có con mà không có tài sản; hoặc được sống lâu nhưng lại lẻ loi nghèo khổ; hoặc thông minh nhưng chết sớm; hoặc giàu có mà ngu dốt; hoặc sang trọng mà bị tai ương; hoặc tự thân ít bệnh mà quyến thuộc điêu linh; hoặc gia đình tạm an, thân mình bệnh tật. Có cái này lại thiếu cái kia, cho nên gọi cõi này là thế giới không hoàn mỹ. Ông cho rằng phước báo là cái vừa lòng thích ý hay sao?

Nếu sanh về Tây Phương thì không như thế. Hoa sen hóa sanh, thân thể thanh khiết, tướng mạo đoan chánh, trong tâm đầy đủ trí tuệ không có phiền não, y phục và thức ăn tự nhiên hóa hiện, không bệnh không già, theo Phật tự tại tiêu diêu an dưỡng. Tuổi thọ của con người ở đó lại vô lượng, từ đây tiến thẳng đến chỗ thành Phật đạo không còn đọa lạc. Ngoài ra biết bao niềm vui vẻ nói không thể hết. Những điều trên là do chính Đức Phật nói trong kinh Di Đà và các kinh điển Đại thừa.

Do đây mà xét, sự giàu sang ở thế gian trong chớp mắt liền trở thành không; niềm vui vẻ nơi Tây Phương vô cùng vô tận. Sao không gấp rút phát nguyện cầu vãng sanh?

Nếu nói ta là phàm phu e không thể vãng sanh, nên biết Đức Phật Như Lai chính vì bọn phàm phu chúng ta nghiệp chướng sâu dày, trí tuệ cạn mỏng, nếu tu pháp môn khác đều là ra khỏi ba cõi theo chiều dọc, e trong một đời không thể thoát khỏi sanh tử. Thế nên đặc biệt mở ra một pháp môn niệm Phật, mong người vãng sanh để mãn tâm nguyện độ hết chúng sanh của Ngài. Tại sao ông lại tự vứt bỏ mình, chẳng suy tư để phấn phát, nỡ cô phụ tấm lòng từ bi của Chư Phật như thế?

Nếu cho rằng công hạnh cạn mỏng, nên biết Vạn đức Hồng danh không có điều thiện nào mà chẳng thâu nhiếp, không có điều ác nào mà chẳng tiêu diệt. Đây chính là công hạnh lớn cùng cực, sâu cùng cực, rộng cùng cực, viên mãn cùng cực. Cho nên niệm Phật một tiếng có thể diệt rừ vô lượng tội nặng trong tám mươi ức kiếp; không thể xem niệm Phật là việc tầm thường, chẳng có gì đặc biệt.

Phải biết người niệm Phật hoàn toàn nương vào sự nhiếp thọ nơi nguyện lực đại bi của Phật A Di Đà. Ban đầu Phật A Di Đà có bốn mươi tám nguyện, mỗi nguyện mỗi nguyện đều là vì cứu độ mọi người. Nguyện thứ 18 nói rằng: “ Khi Tôi thành Phật, chư Thiên nhân dân trong vô lượng thế giới khắp mười phương, chí tâm tin tưởng ưa thích, muốn sanh về nước Tôi, niệm danh hiệu Tôi mười lần ắt liền vãng sanh, chỉ trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch, chê bai chánh pháp. Nếu không được như nguyện này, Tôi quyết không thành Phật”.

Do Đức Phật có đại nguyện này nên khi nhất tâm xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì trong ao thất bảo ở Tây Phương liền mọc một đóa hoa sen, nêu tên người ấy, ngày sau thác sanh trong đó, lúc lâm chung Phật A Di Đà cùng hai vị Bồ Tát Quan Ấm Thế Chí hiện thân tiếp dẫn.

Từ xưa đến nay, người được vãng sanh không thể tính hết. Hoặc có người dự biết trước ngày giờ lâm chung và đến lúc ấy tự nói thấy Phật Bồ Tát liền an nhiên mà qua đời. Hoặc có những người bên cạnh đồng thấy áng sáng lành, cùng nghe mùi hương lạ và tiếng nhạc du dương. Hoàn toàn chẳng phải không có chứng tích, những việc ấy đều có ghi trong các truyện vãng sanh.

Hiện nay người niệm Phật chân thật khẩn thiết rất ít, cho nên vãng sanh không nhiều. Mọi người ít thấy điềm lành vãng sanh, do đó không tin sâu rộng, trăm dặm có một người. Người trong cả trăm dặm ngàn dặm được vãng sanh này đâu chỉ là phàm phu? Mười năm có một người, năm năm có một người, những người vãng sanh trong mười năm, năm năm này đâu chỉ là kẻ phàm phu? Những người vãng sanh này lẽ nào đều có công hạnh trong ba A tăng kỳ kiếp hay sao? Chẳng qua chỉ là họ có thể dụng tâm chân thật khẩn thiết mà thôi!

Trong kinh A Di Đà nói rõ:

“Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe nói về Phật A Di Đà liền chấp trì danh hiệu hoặc một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn động, liền vãng sanh về thế giới Cực Lạc”.

Đó đều là do đại lực đại nguyện của Phật A Di Đà. Ví như một chiếc thuyền lớn, chẳng luận là vật gì chỉ cần để lên thuyền thì được đến bờ bên kia. Cho nên người xưa nói: “Học đạo các môn khác như kiến bò lên non cao, niệm Phật cầu vãng sanh tợ đi thuyền thuận nước”. Đi thuyền thuận nước lại gặp gió xuôi, đâu chẳng phải đã nhanh chóng còn thêm nhanh chóng, đó chính là đạo lý nhờ vào nguyện lực của Phật.

Các vị Thiện nhân! Thuận nước, thuận gió là việc sau khi đã lên thuyền. Nếu ông chẳng chịu lên thuyền thì biết làm thế nào? Cho nên chính mình cần phải có nguyện lực chuyên thiết.

Hiện nay người niệm Phật hoặc vì bệnh khổ mà phát tâm; hoặc vì bảo hộ gia đình; hoặc vì hiện tại tiêu trừ tai nạn, kéo dài tuổi thọ; hoặc vì vọng cầu giàu sang ở đời sau, ít có ai vì việc lớn sanh tử mà cầu vãng sanh Tịnh độ.

Như người đi sang phương Nam hay qua phía Bắc, phải có phương hướng dự định. Dự định sang phương Nam, khi ra khỏi cửa quyết chẳng đi về phía Bắc. Nay ông không phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, đến lúc lâm chung làm sao được vãng sanh?

Đó là nói người không phát nguyện cầu vãng sanh. Lại còn có người phát nguyện nhưng không chuyên thiết, nên miệng cũng nói nguyện sanh Tây Phương, trong lòng lại luôn tham đắm vật dục. Tuy ngẫu nhiên phát nguyện cầu sanh nhưng hoàn toàn chẳng thể trọn đời như một ngày, được sanh thì tốt không vãng sanh thì thôi, hoàn toàn chẳng có công phu chi thiết thật, như thế đâu khác gì không phát nguyện.

Than ôi! Chúng sanh trong thế giới ác trược tham quyến phồn hoa, cam tâm sa đọa, chẳng cầu giải thoát, thật không biết phải làm sao?

Nói chung, pháp môn niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn, sự vui vẻ ở Tây Phương không có gì so sánh được. Niệm Phật cầu vãng sanh chính là phù hợp với tâm Phật. Nguyện sanh thì vãng sanh, không nguyện thì không vãng sanh. Nguyện không chuyên thiết thì cũng như không nguyện. Chẳng phải Phật không độ, chỉ vì ông không quyết chí.

Nếu đem pháp môn chẳng thể nghĩ bàn này mà tìm cầu phước báo nhỏ bé ở thế gian, ví như lấy hạt minh châu bắn chim sẽ. Thật là đáng tiếc thay!

Trích Khuyến Tu Tịnh Độ Thiết Yếu
Người dịch: Thích Minh Thành
Soạn thuật: Chân Ích Nguyện