Niệm Phật Chính Là Sám HốiCó nhiều lý do để chúng sanh thời nay không dễ tin vào pháp môn Niệm Phật. Đơn giản là vì pháp ấy giản tiện quá. Đi-đứng-nằm-ngồi-ăn-uống-ngủ-nghỉ, thậm chí cả những nơi bất tiện, ô uế cũng vẫn có thể niệm niệm được. Từ người ngu si, dốt nát cho đến có học vị; từ người giàu có cho đến nghèo cùng kiệt; từ người nhà quê cho đến người thành phố… đều có thể hành được. Dễ làm như thế mà hiệu quả, phẩm hạnh lại cao, đường tu lại cực ngắn: một đời đã có thể thành Phật, vĩnh ly sanh tử, chuyển phàm thành Thánh. Không dễ tin! Không thể tin! Chả cứ gì chúng sanh thời nay không tin, mà ngay cả thời Đức Phật còn tại thế, nhiều hàng Bồ-tát cũng còn chưa tin hoặc chưa thật tin. Chính vì thế Phật Thích Ca mới nói: “Xá Lợi Phất! Phải biết rằng ta ở trong đời ác ngũ trược đã thật hành việc khó này đặng thành ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và vì tất cả thế gian nói kinh Pháp khó tin này, đó là rất khó.” (Phật nói Kinh A Di Đà)

Khó tin là phải, bởi tâm chúng sanh thời nay muốn làm cái gì, muốn thấy cái gì cũng phải thật rối rắm, tối tân, đồ sộ, hoành tráng… mới chịu tin, cho đó là hay và mới chịu học hỏi. Ngược lại dễ bị đổ thừa, bị cho là những chuyện của những người yếm thế hay những chuyện thiếu logic, mơ hồ…

Nhưng thôi, khi nói chuyện Phật Pháp, đặc biệt là pháp môn Niệm Phật (Tịnh Độ) chúng ta nên đặt cái duyên lên hàng đầu. Người mà duyên chưa tới, chưa chín mùi tất không thể miễn cưỡng. Người lại cố tình đoạn tuyệt tất cả những duyên lành của chính mình thì lại càng không thể nói hay bàn thêm. Vậy những ai được coi là có duyên với pháp môn Niệm Phật? Người thực Tín, thực Nguyện, và quyết tâm Hành. Tín-Nguyện-Hành là chìa khoá để người tu Niệm Phật một đời này được vĩnh ly sanh tử; một đời này được chuyển phàm thành Thánh. Nhưng tin rồi, nguyện rồi mà khi hành vẫn còn có nhiều điều bất cập. Ví thử: Niệm Phật; lạy Phật, nhưng vẫn phải kèm theo trì chú thật nhiều mới an tâm? Niệm Phật, lạy Phật nhưng vẫn phải tụng thật nhiều bài Sám mới đủ tiêu tội? Câu hỏi chúng ta nên đặt ra: Niệm Phật có phải là sám hối không? Huệ Tâm xin khẳng định ngay cùng quý vị: Niệm Phật chính là sám hối.

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Tổ Huệ Năng dạy: “Sao gọi là Sám? Sao gọi là Hối? Sám nghĩa là ăn năn các tội trước của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ganh ghét đã tạo ra từ trước, tất cả ăn năn, hằng chẳng gây lại nữa. Ấy gọi là Sám. Hối nghĩa là ăn năn các lỗi sau của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ganh ghét tạo ra, nay đã giác ngộ rồi, tất cả đều dứt bỏ đời đời, ngày sau chẳng gây lại nữa. Ấy gọi là Hối”.
Vậy khi chúng ta cất lên một tiếng: A Di Đà Phật! Hay Nam Mô A Di Đà Phật! Có phải là chúng ta đang Sám Hối không? Xin thưa cùng quý vị: Chính xác là chúng ta đang Sám Hối đấy. Vì sao? Hãy lấy một ví dụ nhỏ để ta cùng quán chiếu. Trong gia đình, hay ngoài xã hội, công sở, có những lúc vợ, chồng, con cái, bố mẹ, ông bà, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… đột nhiên nổi nóng, rồi không tự kiềm chế được hành vi, lời nói của chính mình. Những lúc đó sẽ thốt ra những lời sân hận, thật khó nghe. Ví thử: Sao mày ngu thế? Mày mù à? Mày là đồ vô vị. Mày là thứ càng nuôi ăn càng ngu dốt, đồ trâu bò; đồ heo nái; đồ mặt cầy… Hay vợ chồng giận dỗi, mắng nhiếc nhau: Ông, bà (thậm chí xưng mày, tao) là đồ khốn nạn; đồ dở hơi, đồ chó má, đồ đê tiện… Nếu lúc ấy là người không biết niệm Phật, tất đối cảnh sẽ khó mà kiềm chế được, và đương nhiên cũng chẳng tội gì mà không gân cổ lên để cãi, để mắng, để đối đáp, hay để chửi lại dăm ba câu cho hả dạ, và nếu cần sẽ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay nhau cho bỏ tức… Nhưng với một người biết niệm Phật, năng niệm Phật và thường hành niệm Phật, gặp những cảnh huống như thế, một câu Phật hiệu: “A Di Đà Phật” hay “Nam Mô A Di Đà Phật” được cất lên. Ngay lập tức đã có thể hoá giải được tất cả những sân hận có nguy cơ bùng phát trong tâm. Tại sao câu Phật hiệu lại có được khả năng trị sân tối hiệu như vậy? Bởi trong Phật hiệu A Di Đà đã chứa đựng vô lượng công đức, vô lượng trí tuệ, vô lượng từ bi… Vì thế mỗi khi chúng ta cất lên (cho dù là thầm niệm) “A Di Đà Phật” chúng ta đã tự đánh thức vị Phật tâm của mình. Phật là tự tánh thanh tịnh nên ta điều chế được tính nóng giận, đem lại sự thanh tịnh của tự tánh. Phật là vô lượng công đức, vì thế ta niệm Phật là ta đang gìn giữ, đang bồi đắp thêm công đức cho chính mình. Phật là vô lượng từ bi nên khi ta niệm Phật là ta đang trải lòng từ bi ra trước người đối diện, rộng hơn là ra khắp chúng sanh muôn loài. Vì thế khi bị ai đó mắng chửi, nhục mạ mà ta có thể cất lên hồng danh của Đức Phật A Di Đà là chúng ta đang Sám Hối và biết Sám Hối. Người quấy ta chẳng quấy. Ta quấy lỗi kề bên (Lời của Tổ Huệ Năng).

Một ví dụ nữa đúc kết từ bản thân: Đầu năm 2013 Huệ Tâm có đi mua chút đồ. Giá trị món đồ khoảng gần 100 Euro. Lúc ra quầy tính tiền, không biết vì cô bé tính tiền sơ ý hay máy kiểm tra giá hôm đó có vấn đề mà hai mặt hàng Huệ Tâm mua, nhưng lại chỉ tính có một. Vì cửa hàng hôm đó rất đông, nên Huệ Tâm trả tiền xong là cầm túi đồ bước ra ngoài. Nhưng đi chừng vài bước chợt nhẩm lại giá tiền hai món đồ mình mua phải trả cả gần 100 Euro, vậy sao khi trả tiền lại ít đi một nửa? Huệ Tâm bèn móc tờ biên lai coi lại, thì quả là trên tờ biên lai chỉ ghi giá một món đồ. Vậy là món đồ thứ hai không được tính. Lúc đó Huệ Tâm chợt nghĩ: Không ổn rồi! Phải trở lại thôi! Ý nghĩ ấy vừa trỗi dậy, ngay lập tức con ma Tham lên tiếng liền: “Đừng quay lại! Tiếp tục đi thật nhanh đi! Đâu phải lỗi của mày! Mày đã trả tiền đàng hoàng chứ mày đâu có gian lận? Đi đi.” Những câu nói ấy lặp đi lặp lại liên tục. Quả thật trong Huệ Tâm lúc ấy có sự đấu tranh dữ dội lắm. Một: mình đi cũng chả sao, vì đó không phải lỗi của mình, và cũng chẳng ai biết (hợp với ý của ma Tham quá). Hai: mình đi là phạm tội ăn cắp. Mình đã nguyện thọ trì ngũ giới, vậy mà vì một chút lợi nhỏ đã cố tình bỏ qua thì khác gì ăn cắp? Hai chữ “ăn cắp” đã thực sự thức tỉnh được Huệ Tâm và ngay lúc đó Huệ Tâm đã vội vàng niệm A Di Đà Phật không ngừng. Hồng danh Phật A Di Đà đã giúp Huệ Tâm an định trở lại. Không chần chừ, Huệ Tâm đã trở lại quầy tính tiền. Theo phản xạ nghề nghiệp, cô gái tính tiền khi nãy thấy khách hàng trở lại tức thì, nên cô đoán chắc có sự nhầm nào đó, nên khách hàng trở lại để khướu nại, vì thế cô đỏ mặt, vẻ ngượng ngùng hỏi:

– Có chuyện gì thế, thưa ông?

Huệ Tâm bèn vội đáp:

– Xin lỗi bà. Tôi phải trở lại, nhưng vì nghĩ tốt cho bà thôi!

Thấy vậy cô bé tính tiền bèn vội vàng xin lỗi đám khách hàng đang chờ tính tiền, tròn xoe mắt vội hỏi:

– Có chuyện gì thưa ông?

Huệ Tâm bèn cười rồi đáp:

– Vừa rồi tôi mua hai món đồ, nhưng bà chỉ tính có một. Tôi xin lỗi vì khi ra ngoài tôi mới phát hiện ra, nên tôi trở lại để trả tiền món đồ bà tính nhầm. Huệ Tâm nói chưa hết câu, cô bé tính tiền đã giơ hai tay, ôm hai thái dương mình, rồi mắt tròn xoe nói:

– Ông bảo sao? Tôi tính nhầm cho ông và ông quay lại trả số tiền thiếu?

Huệ Tâm đáp:

– Đúng thế!

Cô bé tính tiền vẫn hai tay ôm thái dương, nói:

– Oh Gott! Tại sao ông có thể làm điều đó được! Tôi không thể tin, nhưng ông đã làm, buộc tôi phải tin.

Nói rồi cô bé nhoẻn cười, nụ cười vừa thầm cảm ơn, vừa như hối lỗi. Những khách hàng đứng chờ Huệ Tâm trả thêm tiền hôm đó, nhiều người biểu lộ ánh mắt rất tán đồng, nhưng cũng có một vài ánh mắt, như mách bảo Huệ Tâm rằng: Thằng khờ, thằng ngu, thằng dở hơi, thằng mát dây… Chuyện như thế mà cũng trở lại.

Huệ Tâm đã trả nốt số tiền tính thiếu cho món đồ của mình, rồi chào cô bé tính tiền, hoan hỉ bước ra khỏi cửa hàng. Lòng thầm cảm ơn Phật A Di Đà, bởi hôm đó nếu HT không khẩn cấp niệm hồng danh của Ngài, điều chắc chắn rất có thể xảy ra: Huệ Tâm đã là người phạm Giới trộm cắp.

Huệ Tâm viết những ví dụ này ra để quý vị đồng tu cùng suy ngẫm: Chúng ta niệm Phật, xin vội đừng nghĩ những chuyện cao xa như bất niệm tự niệm, niệm tam muội, nhất tâm bất loạn, hay niệm để làm Thánh, làm Phật vội. Trái lại chúng ta niệm Phật chính là chúng ta đang niệm niệm cảnh tỉnh chính mình: đừng phạm giới. Thọ giới thì dễ nhưng giữ được giới thì vô cùng khó. Vì thế trong mọi hành trình của cuộc đời tu đạo, bất cứ lúc nào, nơi đâu, chỉ cần chúng ta lơ là một chút thôi, tất chúng ta đã kéo ngược mình trở lại cõi đời ô trược, ác thế này. Hơn nữa, Huệ Tâm cũng muốn thưa cùng quý vị đồng tu rằng chúng ta niệm Phật là chúng ta đang tự mình sám hối. Bởi mỗi khi câu Phật hiệu vang lên cho dù là to, nhỏ, hay kim cang niệm thì câu Phật hiệu ấy chính là ánh sáng hào quang của Phật A Di Đà soi rọi, thanh lọc cái tâm ngu mê, tâm tham, sân, si, ngã mạn, chấp trước của chúng ta, và hướng chúng ta đến con đường Chánh Đạo.

Huệ Tâm mong mỏi quý vị đồng tu hãy cùng tin tưởng sắt đá rằng: Chúng ta niệm Phật là chúng ta đang không ngừng sám hối.

Huệ Tâm
04.03.2014