Đi Ngược Giữa Dòng ĐờiChúng ta sống trong thế giới hữu vi, hữu lậu mà lại tu hành theo đạo pháp vô vi, vô tướng để xuất ra khỏi tam giới thì đúng là việc làm nghịch lưu với dòng đời; cho nên, thật là một điều vô cùng khó khăn, trắc trở. Bởi lẽ, cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của chúng ta đều bị thế duyên chi phối, cho nên thường thuận lưu theo dòng đời ô nhiễm trần cấu, khó bề buông xả việc đời, thế sự mà gìn giữ tịnh niệm tiếp nối, để rồi niệm niệm xa dần Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh của mình.

Người Phật tử tại gia tu đạo xuất thế của Phật là người đi ngược lưu giữa dòng đời mà không nghịch lưu ngoài dòng đời; cho nên, đòi hỏi sự giác ngộ triệt để giáo lý của nhà Phật và ý chí kiên cường dõng mãnh trước những chướng ngại của thế giới hữu vi. Phật dạy, muốn xả ly trần cấu, tịnh niệm tiếp nối thì “Giới” cần phải được thực hiện trước tiên. Hành giả tu được “Giới”, tức là xả ly trần cấu, tự nhiên gìn giữ tam nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh thì mới hòng có được tâm thanh thản an lạc; tức là tâm giải thoát. Nếu chưa xả ly trần cấu thì dù có hạ thủ công phu khổ nhọc đến đâu thì cũng chỉ là việc trồng cây trong bụi rậm mà thôi. Khi tam nghiệp thân khẩu ý được thanh tịnh thì dù ở xa Phật cũng hóa gần, nhược bằng buông lung tam nghiệp, thuận lưu theo vọng tình dục nhiễm thì dù gần Phật cũng hóa xa.

Khi chúng ta giữ giới ôm pháp Tịnh tu thì sẽ thấy tâm ta chao động rất nhiều. Đó không phải là tại pháp tu của Phật không có công hiệu mà ngược lại nó rất hiệu quả; vì khi tâm đã tịnh thì dù chỉ một ý niệm nhỏ khởi động là liền nhận thấy ngay. Ví như khi ném một hạt cát nhỏ bé vào trong mặt nước ao hồ phẳng lặng thì liền thấy rõ sự chuyển động của làn sóng nước; ngược lại, dù ném một cục đá to vào trong biển sóng lớn nhưng lại vẫn không thấy mặt biển nước bị đá làm động; ấy không phải là do đá không làm biển động, mà thật ra sóng biển đã thường động như vậy rồi nên khó hòng thấy được sư dao động do cục đá làm ra. Trạng thái nhận biết của tâm cũng giống như thế, khi tâm thanh tịnh thì dù là một sự cố nhỏ xảy ra, tâm liền nhận biết rõ ràng đến mức tinh vi; còn nếu như khi tâm loạn động thì dù biến cố to lớn đang xảy ra xung quanh mình, tâm vẫn không nhận biết được hoặc chỉ nhận biết một cách mơ hồ, sai lầm.

Pháp môn niệm Phật là thâm diệu thiền, dùng quả giác của Phật A Di Đà làm nhân tâm để chứng ngộ triệt để nguồn tâm của mình; do đó, người tu pháp Tịnh nghiệp sẽ sớm được thanh thản an lạc và mau chứng được đạo quả tối cực. Vì thế, hai vị đại sư Liên Trì, Linh Phong đều dạy: “Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng thành Phật”.

Điều trọng yếu của pháp môn Tịnh độ nói riêng, hay của tất cả các pháp môn khác của Phật nói chung, đều là “buông xả”. Tâm tùy thuận và bằng lòng với mọi sự, mọi vật, mọi hoàn cảnh xung quanh là tâm không còn phiền não và chướng ngại. Tâm không còn chướng ngại là tâm buông xả; tâm buông xả là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh là tâm thiền định; tâm thiền định là tâm lắng trong; tâm lắng trong là tâm hết ô nhiễm; tâm hết ô nhiễm là tâm đoạn dục; tâm đoạn dục là tâm trí tuệ; tâm trí tuệ là tâm giải thoát; tâm giải thoát là tâm thanh thản an lạc vô sự.

Người tu Tịnh nghiệp thì trước tiên phải thường luôn niệm Phật. Niệm niệm tiếp nối nhau không hề gián đoạn là để cho vọng niệm không có chổ hở mà khởi sanh, nhờ đó mà mau tỉnh giác, và cũng nhờ sức tỉnh giác nên có thể áp dụng Giới Luật vào đời sống hằng ngày để tu hành đạo đức giải thoát. Nói cách khác, tu tỉnh giác là buông xả ác pháp chướng ngại trong tâm mình để giải thoát tâm, dứt trừ tâm ác độc, tâm đau khổ; muốn giải trừ tâm ác độc, tâm đau khổ thì chúng ta phải nhiếp thủ sáu căn, trụ tâm nơi câu Phật hiệu, tiếp nối nhau không gián đoạn.

Niệm Phật ký số là phương pháp rất thông dụng giúp hành nhân có thể chú ý từng câu niệm của mình. Nương vào mỗi niệm đếm số rõ ràng, muốn đếm số rõ ràng thì phải nhớ rõ từng niệm số, vừa đếm xong số nầy thì phải nhớ số khác tới và phải hình dung số tới… Cứ đếm mỗi niệm như vậy, không cho sai thì tự nhiên nhiếp phục vọng tưởng, dần dần sẽ diệt trừ được những vọng tưởng, tư niệm lăng xăng. Khi tâm đã thuần thục và thanh tịnh an lạc rồi thì có thể ngừng đếm số mà chỉ cần tự nhiên niệm Phật một cách thung dung tự tại. Lúc bây giờ tâm không còn bị tưởng thức lừa gạt nữa.

Hành giả thực hiện cách niệm Phật bằng đếm số, ý tứ từng câu niệm rõ ràng minh bạch thì sẽ có một sức tập trung chú ý rất mạnh vào câu Phật hiệu trong một thời gian khá dài; tâm không bị lảng xao hoặc chạy theo các đối tượng khác; do sự tập trung không xao lảng mới phát xuất được trí thông minh, nhờ đó mới hiểu Kinh, giữ Giới và hành trì Giới một cách chu đáo và tường tận, không bị phạm một lỗi nhỏ, và nhờ hàng rào Giới này mới vào được Định. Lúc bây giờ nguồn tâm mới thanh tịnh, mới an lạc, mới được vô sự mà mới có thể phát sanh Trí Huệ Bát nhã và đưa đến giải thoát ra khỏi sanh, già, bệnh, chết.

Thế nhân khổ đau chỉ là vì sống bằng ý tưởng, càng có ý tưởng nhiều thì tham sân si càng nhiều, tham sân si nhiều thì mạn nghi nhiều, nghi mạn nhiều thì đau khổ nhiều. Người tu tỉnh giác tức là người sống trở lại với Thật trí của mình và gạt bỏ tưởng thức qua một bên.

Còn nếu như cứ mãi buông lung phóng túng để cho ý tưởng của mình tự do thuận lưu theo dòng đời ô trược vô thường biến đổi mà tạo tác các nghiệp nơi thân và khẩu thì dù có khổ công niệm Phật lâu năm cũng chỉ là luống uổng công phu.

Buông xả quan trọng lắm! Muốn vãng sanh Cực Lạc, giải thoát nạn lớn sanh tử thì chẳng thể chẳng buông xả thế giới này. Cổ đức thường bảo, một sự vật nhỏ như đầu kim, ngọn cỏ của thế giới này cũng là chướng ngại vô cùng cho việc vãng sanh, nên trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật khuyên răn chúng sanh phải thường luôn: “chí xả như hư không”, “niệm đạo tự nhiên”, “tự nhiên gìn giữ chân chân tinh khiết, chí nguyện vô thượng, tịch định an lạc”.

Diệu Âm Trí Thành (Canada)