Đường Về Cõi TịnhĐường về Cõi Tịnh nào có cách ngăn chi. Phàm thánh đều là cùng đi chung trên một con đường này tìm về Cực Lạc.

Nếu ai biết lìa tâm phân biệt, xả ly ái trước, dùng tâm chí thành tin ưa, cầu sanh Cực Lạc thì chỉ cần nương vào tha lực đại từ đại bi của từ phụ A Di Đà, cúi đầu chắp tay trước tướng bạch ngọc hào, niệm một câu Phật hiệu “A Di Đà Phật”, ngay trong khoảng sát na đã đến được nơi mình mong mõi, thoát khỏi biển lớn sanh tử. Nhưng nếu ai dùng tâm phân biệt của phàm phu mà suy nghĩ thì khó hiểu thấu nổi ý nghĩa của câu: “một niệm hồi quang ắt dễ về”.

Rốt ráo nào phải là ở ngoài tâm, phân minh thì Cực Lạc ở ngay trước mắt. Nếu suy xét kỹ càng như thế; thì một niệm Di Đà ở tự tâm, bổng dưng thành tựu được hết thảy các pháp Tín-Giải-Hành-Chứng, đích thân được Phật thọ ký. Do vậy, tin “Tha Phật” mà chẳng tin nổi “Tự Phật” thì chính là trí còn kém cỏi. Không có trí quyết định thì chẳng sanh nổi lòng tin quyết định, cho nên đối với việc vãng sanh Cực Lạc ý chí do dự, không được chuyên tâm. Tín nguyện chẳng vững thì chỗ mình y cứ để tu tập, cũng chẳng thể chuyên nhất nổi.

Thoạt tiên, là vì do một niệm bất giác, mê mất bổn tâm, khởi tâm động niệm trước cảnh vật bên ngoài, lấy vọng làm chân, chạy theo trần cảnh. Do vậy mà bị quấn trói vào trong lưới nghiệp, lưu chuyển trong sáu đường, thăng trầm theo sanh tử, khổ đau, nhọc nhằn mõi mệt, trong vô lượng kiếp chưa hề gián đoạn, khó mà thoát ra.

Chúng sanh vì mê vọng nhập tâm, chất chứa các nghiệp nhân, khi nghiệp nhân thành quả thì phải chịu luân chuyển trong sáu đường, nên nhận lầm là có sanh diệt. Nhưng nào biết sanh là do tự duyên mà sanh, nhưng Pháp Tánh chẳng sanh cùng với duyên. Diệt thì do duyên mà tự diệt, chứ Pháp Tánh cũng chẳng cùng diệt theo duyên. Pháp tánh vốn như như, chẳng sanh cũng chẳng diệt.

Dù cho sự sanh diệt của chúng sanh rành rành, không ngừng nghĩ, nhưng chư Phật chỉ thấy vô sanh. Thế mà, chúng sanh lại thấy có sanh diệt. Đó cũng là do vì “mê” và “ngộ” có sai khác, nên làm cho cái thấy cũng sai khác; chứ thật ra, sanh hay vô sanh nào có tự tánh. Hễ ngộ thì sanh diệt đều là vô sanh, còn mê thì vô sanh đều thành sanh diệt. Do vậy, nếu lìa xa tâm phân biệt thì sáu căn được tịch tịnh, đắc “vô phân biệt trí”, và sẽ thấy rằng: sanh và vô sanh vốn chỉ là một thể.

Nay, quán chiếu pháp lý “sanh và vô sanh” rồi, lại thấy A Di Đà Phật chính là tâm mình, tâm mình chính là A Di Đà Phật. Tịnh độ chính là phương này, phương này cũng chính là Tịnh độ. Chỉ do vì mê hay ngộ khác nhau, nên thấy có khác nhau, thánh và phàm nào có sai biệt! Vậy, nếu ai biết đem tự tánh A Di của mình mà niệm niệm tương tục, lấy cái lưỡi của mình mà diễn nói giáo pháp chân tông của Di Đà, cùng với đại chúng xoay chuyển pháp luân rộng khắp chúng sanh thì bốn mươi tám bi nguyện của A Di Đà Phật và nguyện của mình vốn là cùng chung một Nguyện Hải Nhất Thừa, gôm trọn ba căn đồng sanh Cực Lạc. Người niệm Phật với cái tâm như thế chính là “Di Đà niệm Di Đà” vậy!

Nếu ai biết rõ tam thế hết thảy chư Phật đều vô sở hữu, chỉ nương vào tự tâm; hết thảy pháp đều chỉ là tâm lượng thì bản thân ai nấy vốn sẵn là Di Đà, trong tâm mỗi người đều là Tịnh độ. Thấu rõ được lý này thì thời thời đều thấy Phật, chẳng nhọc công mà hết thảy công đức đều thành tựu đầy đủ, mỗi bước đi đều là hướng thẳng tới Tây Phương Cực Lạc. Do đó, chúng ta phải có trí quyết định, thì mới sanh được lòng tin quyết định. Có lòng tin quyết định thì mới hòng quyết định vãng sanh nổi. Bọn phàm phu chúng ta phải nên dè dặt chớ nên sanh lòng nghi hoặc diệu pháp Di Đà khiến mình mất điều lợi lớn.

Còn người chưa thấu rõ viên lý này thì mỗi lúc khởi tâm động niệm đều là tạo nghiệp dữ. Chỉ cần một niệm trái nghịch với Chân Như thì sáu căn liền chạy đuổi theo vọng cảnh, buông lung cái ngã làm quấy động pháp giới, theo tình tạo nghiệp.

Thân nghiệp thì sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Ngữ nghiệp thì nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói lời thô ác. Ý nghiệp thì thường sanh lòng tham, sân, yêu mến si mê. Do ba thứ nghiệp này, tạo ra vọng duyên vô tận trói buộc, làm cho tâm mê, thần ám, mờ mờ mịt mịt… Rốt cuộc rồi, phải bị chìm lỉm trong trần lao, trải trong sáu đường ác thú, xoay vần ở trong đó vô lượng kiếp, khổ đau sầu thống, nhọc nhằn, gian nan, khó thể thoát ra.

Nếu ai có ý mong muốn thoát lìa khỏi chốn trần lao này, chỉ còn có cách là dụng lực tinh tấn, huân tu sám hối, tẩy sạch các tội lỗi nơi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý); khiến cho các phù trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) thảy đều thanh tịnh. Lại nếu biết đem công đức tu hành chân chánh như thế, phát nguyện hồi hướng cho hết thảy chúng sanh trong mười phương pháp giới đồng vãng sanh Cực Lạc; thì tất nhiên, lúc lâm chung, người này sẽ được vãng sanh Tây Phương vào hàng thượng phẩm, một đời thành tựu Phật quả cứu cánh .

Trong giáo pháp của Tịnh tông, hết thảy đều là do nương vào tha lực của bốn mươi tám nguyện Đại Từ Đại Bi sâu nặng của Phật A Di Đà, để thâu tóm mười phương hết thảy chúng sanh. Hễ ai có đầy đủ tín tâm đều được vãng sanh. Tín là tin có Tây Phương Tịnh độ, tin có chuyện A Di Đà Phật nhiếp thủ chúng sanh. Tin bọn phàm tình chúng sanh trí ngu, nghiệp nặng như chúng ta cũng có phần được vãng sanh. Nếu ai phát khởi được chánh Tín như thế thì dù nói là Phật Di Đà nhiếp thủ chúng sanh vãng sanh; nhưng trên thực tế, đấy chỉ là tùy tâm tự hiện, cảm ứng đạo giao, rốt ráo chẳng phải do từ bên ngoài mà có. Tin như thế mới là Chân Tín.

Tín mà không Hạnh thì Tín ấy chẳng thành. Hạnh thì như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, chẳng nhọc phương tiện, tự được tâm khai”. Kinh A Di Đà cũng nói: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe nói đến A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu hoặc một ngày, hoặc hai ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn. Người ấy lúc mạng chung, A Di Đà Phật và các thánh chúng hiện ở đằng trước. Người ấy khi mạng chung, tâm không điên đảo, liền được sanh về cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà”. Hành như thế thì gọi là Chánh Hạnh.

Hạnh mà không Nguyện thì Hạnh ấy cũng chẳng thành. Nguyện nguyện đều tương ứng với từng mỗi một nguyện trong bốn mươi tám Bi Nguyện của Phật A Di Đà thì mới là Đại Nguyện.

Ba điều: Tín-Hạnh-Nguyện trên, như ba chân của cái đảnh chẳng thể thiếu một. Nếu có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh thì một câu niệm Phật tức thời viên mãn hết thảy các hạnh. Bởi lẽ, Tín-Hạnh-Nguyện chính là Tánh đức vốn có sẵn đầy đủ trong từng mỗi chúng sanh. Nay, chỉ là biết cách nương vào Di Đà Nguyện Hải, lấy sáu chữ hồng danh làm chất xúc tác để tỏ lộ bổn tánh Di Đà sẵn có của mình, để có thể phát ra được vô lượng quang minh trí huệ của bổn tánh mà thôi.

Nếu có ai lấy tâm phân biệt để quán chiếu thể tánh của Phật, chúng sanh và mình thì sẽ thấy đó là ba thể loại khác nhau. Vậy, pháp này là Ngã pháp hay Chánh pháp? Cũng giống như thế, nếu có ai lấy tâm phân biệt để quán chiếu thể tánh của pháp giới thì sẽ thấy Sa Bà và Tây Phương Cực Lạc vốn là hai cõi khác nhau. Vậy, pháp này là Ngã pháp hay Chánh pháp?

Nếu lấy tâm vô phân biệt để quán thể tánh của hết thảy pháp giới thì khắp cùng mười phương cõi nước đều là Cực Lạc. Khắp cùng mười phương thế giới đều là quê cũ Thanh Lương. Tịnh độ vốn luôn hiện hữu ở nơi tâm mình như gương đài soi sáng. Tự mình muốn quay về thì liền được về. Cánh tay vàng uyển chuyển của Phật A Di Đà đêm ngày thường rủ xuống, đợi chờ mình nương nhờ. Bạch ngọc hào quang sáng lạn của Từ Phụ Di Đà, xưa nay vẫn thường luôn phóng chiếu, chẳng một sát na bị ẩn mờ tối tăm.

Muôn vạn pháp lành đều là do từ nơi tâm quang, trí sáng của mình mà thành tựu. Ngày nay, nếu liễu giải được lý này thì không còn có kẻ mê, người ngộ. Nếu còn tham đắm, chìm lỉm trong vọng tình, ái kiến, dục cảnh…. thì mây đen, núi cao, sông biển, gò nồng hầm hố liền tự nhiên hiện ra ngăn lấp lối trở về.

Nếu ngộ thì tâm, Phật và chúng sanh vốn chỉ là một, không phải là ba thứ sai biệt. Như Ngài Vĩnh Gia nói: “Trong mộng rành rành bày sáu nẻo, giác rồi ba cõi rỗng toang hoang”.

Như vậy thì, như kinh nói: “Từ đây đi về Tây Phương qua khỏi mười vạn ức cõi nước, có một thế giới tên là Cực Lạc. Cõi ấy có Phật, hiệu là A Di Đà nay đang thuyết pháp”, chẳng ngoài duy tâm Tịnh độ, bản tánh Di Đà. Cho nên mới biết rằng: ngay trong cuộc sống hiện tiền đây, hoa sen đóa đóa thơm ngào ngạt, cây báu tầng tầng xếp thành hàng, không chỗ nào mà chẳng phải Tịnh độ, không niệm nào mà chẳng thể nương vào Từ Phụ Di Đà.

Nay, đệ tử chúng con phát lồ sám hối, phát nguyện cầu vãng sanh Cực Lạc. “Hành” đầy đủ các hạnh lành giống như người có đầy đủ đôi mắt. “Nguyện” như ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, đèn đuốc soi sáng lối đi. Nương theo ánh sáng chiếu tỏ mà nhận thấy tỏ rỏ phân minh.

Do vậy, người niệm Phật nếu không phát nguyện vãng sanh thì dẫu có công phu tự lực giỏi đến đâu, rốt cùng cũng sẽ trở thành hư huyễn, vì không biết thuận theo lời Phật dạy, xuôi trần nghịch giác.

Thánh hiệu “A Di Đà Phật” không thể nghĩ lường, có công năng khuất phục sáu căn, không cho bọn chúng tạo tác. Tây Phương Cực Lạc chỉ là quê cũ trở về. Hai thứ báu trang nghiêm giúp ta mau chóng phá tan màn đêm tăm tối, như ánh mặt trời chói rực giữa bầu trời, như thần dược của Thiện Kiến có thể trị các thứ bệnh khổ..

Ngay trong lúc vọng tâm tạp loạn, khổ ải tác từng hàng mà đối trước đức Từ Tôn, giữ vững sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” thì tạp loạn tự nhiên theo niệm mà ngưng lặng, tất cả các khổ không chi chẳng dứt. Như Ngài Linh Phong Đại Sư bảo: “Câu Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng thành Phật”.

Từ một câu Phật hiệu mà phát khởi, rồi tiếp tục tịnh niệm tiếp nối không gián đoạn, với tấm lòng tin sâu khẩn thiết, chánh nhân rạng rỡ, quyết lòng xa lìa sanh tử luân chuyển đáng buồn thương, chán ngán cảnh trần lao rối bời đáng đau xót. Từ đây, đệ tử chúng con quyết định cắt đứt mọi dị kiến, chí thiết chỉ có câu Phật hiệu trong tâm mà niệm niệm cho đến khi nhất tâm bất loạn thì năng lẫn sở cùng biến mất, chỉ trong sát na về đến quê nhà.

Đây là cách thần diệu nhất để tu hành chứng quả, là đường chánh pháp phương tiện siêu thắng. Nhanh như sấm sét vãng sanh Cực Lạc, đóng bít các đường ác, chặt ngang tam giới, phá tan sanh tử khổ đau, rạng rỡ như trăm ngàn ánh mặt trời, mặt trăng chiếu tỏ nẻo mê vọng.

Một lòng, quyết tâm, quyết chí nương vào bi lực của Phật A Di Đà, nhất định được vãng sanh. Tâm này vững chắc như Kim Cang, chí này bất động chẳng thể lung lay như núi Thiết Vi thì trước khi một niệm vừa chớm, tâm đã trụ nơi cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà.

Nay, đệ tử chúng con nhất tâm quy mạng Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật. Cuối xin Ngài dùng quang minh thanh tịnh chiếu đến chúng con, dùng thệ nguyện từ bi nhiếp thọ chúng con. Chúng con nay thường luôn gìn giữ chánh niệm, xưng danh hiệu của Như Lai, vì đạo Bồ Đề, cầu sanh Tịnh độ.

Phật xưa đã thề: Nếu có chúng sanh muốn sanh cõi ta, chí tâm tin ưa, dẫu chỉ mười niệm, nếu chẳng được sanh, chẳng lấy Chánh Giác. Do nhân duyên niệm Phật này được vào trong biển đại thệ của Như Lai, nương vào từ lực Phật, các tội tiêu diệt, thiện căn tăng trưởng. Đến lúc sắp mạng chung, tự biết ngày giờ, thân không bệnh khổ, tâm không tham luyến, ý chẳng điên đảo, như nhập Thiền Định. Phật và thánh chúng tay cầm đài vàng, đến hoan nghênh tiếp đón, trong khoảng một niệm sanh cõi Cực Lạc. Hoa nở thấy Phật, liền nghe Phật thừa, mau khai Phật huệ, rộng độ chúng sanh, mãn nguyện Bồ Đề.

Niệm Phật từ tâm mà có, kết nghiệp há thuộc bên ngoài. Tâm nghịch với niệm Phật thì trong khoảnh khắc bèn kết ác nghiệp. Nay đệ tử chúng con, đem Giới-Định chân hương, thơm tho ngào ngạt, dùng đuốc trí huệ thắp sáng khắp mọi nơi, phá tan đám mây mù mờ ám, tỏ sáng rạng ngời bầu trời tánh đức, quét sạch hết bụi bặm vọng tưởng, cõi lòng mở rộng thông suốt, các căn thanh tịnh trọn vẹn, các nghiệp nhanh chóng rỗng rang.

Một câu Phật hiệu vừa phát khởi; ngay tức thời, một đóa hoa sen trong ao thất bảo bèn nở rộ, nhấp sương đón gió, hương vây ao ngọc. Một lòng trì danh hiệu Phật, một quả chín mùi, ngậm khói đối trời, bóng rọi vườn vàng.

Hoa sen của cõi Cực Lạc đầy khắp cùng tất cả thế giới. Thường Tịch Quang hiện hữu nơi nơi, đại nguyện vương của Từ Phụ A Di Đà Phật, có mặt trên từng mỗi mảy trần trong mười phương pháp giới. Đường về Cõi Tịnh rất dễ đến, sao lại chưa chịu về?

Đệ tử chúng con, cung kính đảnh lễ, thâm tạ ân Phật, chẳng biết làm sao để báo đền, chỉ biết đem hết thân mạng và tuệ mạng mà phát nguyện: thượng cầu Phật đạo, hạ hóa độ chúng sanh đồng vãng sanh Cực Lạc.

Biên soạn: Diệu Âm Trí Thành
(Tài liệu tham khảo: Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm)