Giữ Tâm Thanh Tịnh, Tín Nguyện Trì Danh, Cầu Sanh Tịnh ĐộẤn Quang đại sư suốt một đời chỉ để dạy người, đã để lại lời giáo huấn rằng: “Đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, lão thật niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ” (Giữ trọn luân thường, tận hết trách nhiệm, ngăn lòng tà vạy, giữ lòng thành kính, tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ).

Hòa Thượng Tịnh Không khẳng định lời dạy này đã được lưu xuất từ tánh đức, người bình thường trong chín pháp giới chẳng thể nói ra nổi! Và Hòa Thượng cũng cho rằng, 16 chữ “Đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, lão thật niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ” này, chính là đại sư Ấn Quang đã “truyền tâm pháp ấn” tự hành, hóa tha của Ngài cho chúng ta. Đây là nguyên tắc giáo dục tối cao, là tổng cương lãnh. Và ngay trong chín ngàn năm của thời Mạt Pháp, nguyên tắc này cũng sẽ không bao giờ biến đổi. Nếu chúng ta nhất định nhiếp thủ nguyên tắc giáo dục này, chắc chắn trong một đời sẽ được vãng sanh về Tịnh Độ.

Vì sao gọi đó là nguyên tắc giáo dục tối cao? Suy xét tận cùng thấu đáo lời dạy của đại sư Ấn Quang, nếu muốn đạt được tâm thanh tịnh bình đẳng và đạo đức toàn thiện (không tà vạy) không phải một chuyện dễ làm. Nó đòi hỏi chúng ta phải sống đời sống phạm hạnh để chế ngự vượt qua những phiền não ràng buộc, phải có đủ nghị lực để kích hoạt chống lại sự hấp dẫn, lôi cuốn nơi đời ác ngũ trược này. Vì những quan niệm sai lầm, huyễn hoặc, dối trá… sẽ như ngọn gió thổi trên mặt hồ nước làm dậy sóng lăn tăn, khiến ta không thể soi tỏ ‘tự tánh’ của mình ở dưới đó. Chỉ khi vô minh đoạn được, tâm mới như lý tác ý, thì minh tánh mới sanh khởi được.

Muốn được vậy chúng ta phải có Văn-Tư-Tu và Tín-Giải-Hành-Chứng. Vì sao? Vì đôn luân tận phận (trì Giới), nhàn tà tồn thành (Định & Huệ), 2 câu này xem như được kiến lập trên nền tảng đạo đức của thế gian pháp.

Nếu không thể Tín-Giải-Hành-Chứng, tức chứng thực và thành tựu việc làm đạo đức trong thế gian, thì không thể thiết lập được niềm tin kiên cố đối với Phật pháp, làm sao có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc cho được? Nếu Văn-Tư-Tu chưa làm được thì không thể giúp đỡ chính mình đoạn các phiền não ràng buộc; vì không có đủ năng lực tư duy cũng không có thể khuyến tấn, thuyết phục và giác ngộ quảng đại chúng sanh thì cũng chẳng thể hành việc ‘tự lợi, lợi tha’!

Nên Phật cũng dạy “bất tu chư hạnh, bất đoạn phiền não, bất tập thiền tụng, bất cầu đa văn, phi xuất gia giả” (chẳng tu các hạnh, chẳng đoạn phiền não, chẳng tập thiền tụng, chẳng cầu đa văn thì chẳng phải là người xuất gia). Vì đấy là xuất gia chỉ có hình thức, chứ thật sự chư Phật Như Lai chẳng thừa nhận kẻ ấy là đệ tử xuất gia.

Do đó, Phật pháp chính ngay tại thế gian pháp, giác rồi thì pháp nào cũng là Phật pháp. Không giác thì việc gì cũng là ma pháp, vậy làm sao có thể đem cái tâm mê mờ tà vạy mà dụng công niệm Phật cho được! Do vậy mà đạo tràng Tịnh Tông Học Hội đòi hỏi phải thành tựu cho được 2 câu đầu, lấy Giới-Định-Huệ làm căn bản, sau đó đến tín nguyện trì danh niệm Phật thì mới mong được vãng sanh.

Ngày nay chúng ta sống trong thời mạt pháp, hoàn cảnh tâm lý xã hội đầy tà tri tà kiến, tranh đấu quyết liệt. Nếu có chút ít thành tựu liền bị người khác ganh tỵ, đố kỵ, phê bình, chỉ trích v.v… Ngược lại, hành vi tạo tác của chúng ta cũng bất thiện, ô nhiễm chẳng khá hơn gì họ.

Ngay trong đạo tràng tu hành cũng không ngoại lệ. Bách Trượng đại sư đã từng nói: “Phật môn do vô sự mà hưng vượng”. Đạo tràng thế nào là hưng vượng? Vô sự mới được gọi là hưng vượng. Hòa Thượng Tịnh Không nói: “sự việc đa đoan nhiều quá, nhang đèn tưng bừng, tín chúng đông đảo, đấy là tướng suy sụp của Phật môn chứ chẳng phải là tướng hưng thịnh.” Vì sao vậy? Vì chẳng thể có nổi một người thành tựu, không có một người nào khai ngộ, không có một ai chứng quả, thậm chí không có một ai có thể vãng sanh, thì nói thịnh vượng ở chỗ nào?

Vì thế để thành lập kỷ cương cho một đạo tràng niệm Phật được thanh tịnh, thì nên kết hợp những người có cùng chung quan điểm, ước vọng và sở thích, để có thể cùng nhau cộng tu và kết thành đạo lực. Chúng ta nên hiểu, chúng ta tu hãy vì thuận theo chỗ cầu và sở thích của mình, không tự khen pháp hành của mình mà chê bai pháp của người khác. Phật dạy rằng:

“Vì ai nhiễm pháp mình,
Chê bai pháp người khác
Tuy là người trì giới,
Không khỏi khổ địa ngục”.

Nên tuyệt đối không chê bai phá hoại cách tu của người khác, dầu bằng ý nghĩ, lời nói, hay hành động, được như vậy mới đúng như ý “đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành”.

Thời xưa, đại sư Ấn Quang chủ trương đạo tràng niệm Phật không nên quá 20 người, không đi hóa duyên, không làm pháp hội, không giảng kinh, nói pháp, chỉ lão thật niệm Phật là đủ. Thế nhưng Hòa Thượng Tịnh Không lại nói, mục đích lý tưởng của đại sư Ấn Quang rất thích hợp cho người của thời đại ấy, còn người thời nay chẳng thể làm được. Vì sao? Vì muốn niệm Phật cho có công phu đắc lực thì chúng ta phải thông hiểu và nhận biết rõ ràng giáo lý của Phật dạy. Mà người thời nay tâm chẳng thanh tịnh hiền lương, hiểu kinh pháp không nhiều, thấu rõ lời Phật dạy thì quá ít. Chính vậy mà Hòa Thượng Tịnh Không chủ trương cần phải học kinh, tụng kinh và liên tục giảng kinh, để liễu giải những tinh hoa của pháp môn Tịnh Độ.

Trong những khóa cộng tu của Tịnh Tông Học Hội, trước thời khóa niệm Phật đều nghe giảng pháp và tụng kinh, sau đó mới niệm Phật; vì sau khi tụng kinh hoặc nghe pháp có thể đối trị được những mối nghi, những phiền não; tín tâm tràn trề thì lực niệm Phật cũng theo đó vượt tăng cao.

Đặc biệt là đối với pháp hội Tam Thời Hệ Niệm. Nếu ý nghĩa và mục đích của Tam Thời Hệ Niệm được giảng giải và được nhận biết rành mạch thấu đáo, thì hiệu quả của pháp sự mới có thể đạt đến mức cứu cánh viên mãn.

Bởi lẽ Tam Thời Hệ Niệm Pháp sự đòi hỏi Phật tử đến tham dự phải có sự nhận biết thấu triệt, có vậy trong lúc làm pháp sự mới có thể tùy văn nhập quán, mới có thể khế nhập vào cảnh giới, mới có thể đạt được mục tiêu ‘âm dương lưỡng lợi’. Lợi ích này đích thực là “minh dương đại lợi,” mới thật là một pháp hội thù thắng khó nghĩ bàn.

Trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện nói, trong 7 phần lợi ích của công đức hồi hướng, 6/7 chính mình hưởng, vong linh chỉ hưởng được 1/7.

Nếu pháp sự Tam Thời Hệ Niệm được vài ba trăm người, nhẫn đến ngàn người cùng nhau hệ niệm thì lợi ích thời sẽ thù thắng vô cùng. Và người đến dự pháp hội tâm ý cũng phải tương ứng, những nghi lễ như việc: tán tụng, sám hối, hồi hướng cũng vậy; đặc biệt nhất là phần khai thị của Trung Phong Đại Sư – một Pháp Thân Đại Sĩ tái lai, một thiền sư đã minh tâm kiến tánh. Vì sao? Vì tâm nguyện, tư tưởng, hành trì của chúng ta nếu tương ứng với kinh giáo, tức là tương ứng với Phật. Có tương ứng với Phật thì mới có thể giúp cho vong linh tâm khai ý giải, lìa khổ được vui, hốt nhiên tỉnh ngộ. Có tương ứng với Phật, thì pháp hội mới được sự minh chứng và hộ niệm của hết thảy 10 phương chư Phật Bồ-tát, mới được chư thiên gia hộ và thiện thần bảo vệ.

Cổ đức nói: “Nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Nhưng chỉ có người hoàn toàn chân chánh thật thà, mới có thể thành tựu đến mức “nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật,” mà không cần học Phật. Cũng có nghĩa nếu không thông rõ giáo lý, thì công phu niệm Phật chỉ đạt được đến mức giới hạn nào thôi, vì niệm niệm không có tương ứng. Vì sao? Vì người hoàn toàn chân chánh thật thà, họ không có hoài nghi, không có xen tạp, không có vọng tưởng phân biệt chấp trước như đa số chúng ta đây!

Chân thật mà tự xét, chúng ta có phải là những người hoàn toàn chân chánh thật thà như vậy hay không? Nếu phải thì hẵn theo cách dạy bảo của đại sư Ấn Quang, còn nếu không thì nên y theo sự giáo huấn của Hòa Thượng Tịnh Không, mới hy vọng niệm Phật được “Nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”.

Hòa Thượng Tịnh Không lại dạy: “Giáo lý có thông đạt, thì việc niệm Phật mới tương ứng”. Vì sao? Nhờ thông đạt giáo lý thì chúng ta có thể phá mê khai ngộ, biến những lời đạo lý Phật dạy trong kinh giáo thành tư tưởng của chính mình làm đoạn mất những thành kiến, tà kiến; và ngôn ngữ, hành động của chính mình cũng tùy thuận lời giáo huấn của Phật, tùy thuận nơi kinh giáo mà như lý tác ý.

Học Phật như vậy tự nhiên bạn sẽ có một đời sống an lạc, bớt khổ đau, và hoan hỷ trong câu niệm Phật; đấy chính là nhờ ở nơi từ lực của Phật gia trì. Bạn đổi mê thành ngộ, sám hối, làm lành… chẳng phải là được Phật gia trì đó ư? Vậy từ lực nào của Phật gia trì bạn? Ngay chính những lời trong kinh giáo của Phật, chẳng có ở đâu xa! Nên kinh nói: “Nương từ lực Phật, các tội tiêu diệt, thiện căn tăng trưởng” chính là như vậy.

Diệu Âm Trí Thành (Canada)