Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ KýQuan Thế Âm tiếng Phạn là “Avalokitesvara” dịch sang tiếng Hán là Quan Thế Âm hay Quán Tự Tại… Danh hiệu Quan Thế Âm, nghĩa là quan sát tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ.

Kinh Bi Hoa cho biết ở vào đời quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Thời đó có vua Chuyển Luân Thánh Vương là Vô Chánh Niệm, vua có quan đại thần là Bảo Hải, phụ thân của đức Bảo Tạng khi chưa xuất gia đối trước Đức Phật Bảo Tạng phát ra 48 đại nguyện. Do đó, Đức Bảo Tạng thọ ký cho Vua (khi đó đã là Pháp Tạng Tỳ Kheo) sau này thành Phật hiệu là A Di Đà ở vào thế giới Cực Lạc. Vua Chuyển Luân có nhiều con, con cả là Thái Tử Bất Tuấn cũng do ngài Bảo Hải khuyến tấn. Thái Tử cũng đi xuất gia theo cha và đối trước Đức Bảo Tạng Như Lai phát ra đại nguyện đại bi thương xót, cứu độ tất cả các loài hữu tình chúng sanh bị khổ não. Vì vậy Đức Bảo Tạng thọ ký cho Thái Tử thành Bồ Tát hiệu là Quan Thế Âm, còn Bảo Hải là tiền thân của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức Bảo Tạng thọ ký cho Thái Tử rằng: “Vì lòng đại bi Ông muốn quán niệm cho tất cả chúng sanh được cùng về cõi Cực Lạc. Vậy từ nay đặt tên cho Ông là Quan Thê Âm….

Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm thì có chép lời Ngài bạch với Đức Thế Tôn rằng: “Con nhớ cách đây vô số hằng hà sa kiếp về trước có Đức Phật ra đời hiệu là Quan Thế Âm, từ Đức Phật kia dạy con, do nghe, nghĩ và tu mà vào Tam Ma Đề”. Do đó nên biết: Ngài đã phát tâm Bồ Đề từ đời Đức Phật Quan Thế Âm trong vô số hằng hà sa kiếp về trước do nghe Phật truyền pháp, Ngài đã nhận định pháp tu Viên Thông về nhĩ căn là hơn tất cả, do Ngài đã chứng viên thông ở nhĩ căn nên được Đức Phật thọ ký cho Ngài danh hiệu Quán Thế Âm, một danh hiệu mà chúng sanh ở mười phương cung kính chấp trì, nhất là trong những lúc nguy hiểm, đau khổ.

Như Kinh Quán Âm Tam Muội có nói: “Xưa kia Ngài Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Tiền thân Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật hồi ấy đã từng ở dưới pháp tòa, sung vào trong số đệ tử khổ hạnh để gần gũi”. Ngày nay Đức Bổn Sư thành Phật, thời Ngài trở lại làm đệ tử để gần gũi lại, cho nên có thể nói: ”Một Đức Phật ra đời thì hàng ngàn Đức Phật phù trì”.

Còn trong Kinh Đại Bi Tâm Đà Na Ni thì chép lời Ngài bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn ! Con nhớ vô lượng ức kiếp trước có Đức Phật ra đời hiệu là Thiên Quan Vương Tĩnh Trụ Như Lai. Đức Phật ấy vì thương đến con và tất cả chúng sanh nên nói ra môn Đại Bi Tâm Đà La Ni. Ngài lại dùng cánh tay sắc vàng xoa đầu con mà bảo:”Thiện Nam Tử ! Ông nên thọ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sanh trong cõi trược ở đời vị lai mà làm cho họ được sự lợi ích yên vui lớn.””

Ngoài ra, chúng ta cũng đã nghe nói về hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát qua Phẩm Phổ Môn, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Ngài cũng đã nhiều lần thị hiện nơi cõi Ta Bà, dùng phương tiện thiện xảo để dẫn dắt chúng sanh, khiến cho tất cả đều lìa khổ được vui, phá mê khai ngộ qua các mẫu chuyện như: Quan Âm Bán Cá, Quán Âm Diệu Duyên, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính… Nói chung thì Những Mẫu Chuyện Linh Ứng Của Quán Thế Âm Bồ Tát hãy còn rất nhiều.

Nói tóm lại, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát trong đời quá khứ lâu xa về trước đã thành Phật rồi nhưng vì lòng đại từ đại bi thương yêu hết thảy chúng sanh nên Ngài nguyện làm bồ tát để cứu khổ cứu nạn và tiếp dẫn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc với những ai thành tâm tin tưởng và trì niệm danh hiệu Ngài. Ngài nguyện khi nào độ hết chúng sanh thì mới thành Phật. Do đó đoạn phim sau đây sẽ trình bày tường tận về việc Ngài được thọ ký thành Phật ở Tây Phương Cực Lạc sau khi Đức Phật A Di Đà nhập Niết Bàn. Chuyện này còn rất lâu vì phải độ hết chúng sanh hơn nữa Đức Từ Phụ A Di Đà Phật còn gọi là Vô Lượng Thọ Phật nên thọ mạng rất là dài, không thể tính đếm được.