Người Tôn Kính Phật Nên Niệm PhậtTôn kính Phật là nhận lãnh, đảm đương, gánh vác Phật ân. Như Lai vạn kiếp huân tu, nhập Phật tri kiến, rồi dùng tri kiến ấy khai thị chúng sanh để tất cả đều được ngộ nhập Phật tri kiến. “Người tôn kính Phật” là người biết tiếp nhận Phật ân, dùng Quả Giác của Phật để làm cái nhân tâm của chính mình với một tấm lòng chân thật, chẳng sanh nghi.

Người theo đúng lời Phật khai thị, nương vào văn tự Bát Nhã mà quán chiếu, hòng chứng nhập Trung Đạo Thật Tướng. Ðấy mới gọi là kính trọng, gánh vác Phật ân. Tuân theo những điều Phật dạy răn trong kinh Vô Lượng Thọ, hầu đoan tâm chánh hạnh, dứt ác tu thiện, phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm A Di Ðà Phật, sanh ngang qua bốn cõi Tịnh Ðộ, chứng trọn vẹn bất thoái thì mới là “người tôn kính Phật”. Người này, chẳng phải tốn công suốt cả ba a tăng kỳ kiếp để tu hành mà có thể chứng nhập ngay được Phật trí. Ðấy chính là thâm ân Phật!

Dùng cả ba nghiệp thân, khẩu, ý của chính mình để cung kính, phụng sự Như Lai; thân nghiệp thanh tịnh, khẩu nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp thanh tịnh thì mới thật sự là “tôn kính Phật”. Chẳng phải như thế tục cứ nghĩ đốt hương, sụp lạy… mới gọi là “kính Phật”. Thứ hương thơm mà Phật muốn chúng ta cúng dường là “Giới Định chân hương”, chớ không phải là loại hương từ nhang, đèn khói độc.

Niệm Phật mới chính là tôn kính, gánh vác Phật ân; bởi vì Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” chính là cái ân tối thượng nhất trong những Phật ân. Vì thế, trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới bảo Ngài Di Lặc Bồ Tát và hết thảy hội chúng rằng: “Người tôn kính Phật, là việc lành lớn, thật nên niệm Phật, dứt đoạn hồ nghi”.

Lại vì niệm Phật chính là “tam nghiệp kính phụng”; bởi do niệm Phật có thể thâu nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối; cả ba nghiệp thân, khẩu, ý đều chuyên chú nơi Phật thì mới là sự quy kính Phật một cách trọn vẹn và chân thật nhất! Nếu muốn chân thật niệm Phật thì trước hết phải “dứt đoạn hồ nghi”. Hành nhân chẳng dứt nổi nghi thì chẳng dám dũng mãnh tiến lên, chặt ngang tam giới, một đời này vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, cứu cánh thành Phật.

Nên biết rằng, khi chưa đoạn nổi cội nghi thì sẽ khi tin, khi ngờ, nửa tin, nửa ngờ, hoặc miễn cưỡng niệm thử vì tâm ý chưa yên; hoặc là miệng tuy niệm Phật mà tâm vẫn hâm mộ tông khác. Ðấy đều chẳng phải là chân thật niệm Phật. Đấy cũng chẳng phải là người chân thật tôn kính Phật.

Nói tóm lại, nghi tình chưa đoạn, chánh tín khó sanh. Tín nguyện khiếm khuyết thì tư lương cũng khiếm khuyết. Người niệm Phật như vậy, khó hòng mà trong đời này, chặt ngang tam giới vãng sanh Cực Lạc thẳng tiến thành Phật. Vì thế, Phật dạy phải “dứt đoạn hồ nghi”, ròng rặt niệm Phật, hâm mộ niệm, hăm hở niệm, vui vẻ niệm Phật, một bề niệm Phật, dốc trọn cả tính mạng của mình mà niệm cho tới chết! Người niệm Phật được như vậy thì tất nhiên là: “Hoa khai kiến Phật, ngộ vô sanh”. Niệm Phật như vậy mới thật sự là “việc lành lớn” trong tất cả các việc lành!

Phật dạy, phải đoạn nghi sanh tín để niệm Phật; ngài lại dạy niệm Phật có thể đoạn nghi. Lại nữa, nếu có thể thường tu niệm Phật tam muội thì cũng có thể khử trừ được các độc tham, sân, si, ngã mạn, đố kỵ, ganh ghét v.v… Chẳng luận hiện tại, quá khứ, tương lai, hết thảy các chướng đều trừ được cả.

Vì chúng sanh ngu si, kém trí nên thường sanh tâm hồ nghi nên Phật dạy niệm Phật để trừ nghi, nên nghi tình tự đoạn. Nghi tình đoạn sạch, chân tín kiên cố thì trong mỗi niệm đều tương ứng với Phật tâm: tâm này là Phật, tâm này làm Phật! Vì vậy, hai vị đại sư Liên Trì, Linh Phong đều dạy: “Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng thành Phật”.

Biên soạn: Diệu Âm Trí Thành

(Tài liệu tham khảo: Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác do Kim Cang thừa tam muội da giới đệ tử Hoàng Niệm Tổ)