Quả Báo của Ba Ác Nghiệp Tham, Sân, SiPhật bảo, người đời thường cùng nhau tranh cạnh những chuyện thế tục không quan trọng khẩn yếu, chẳng coi trọng đại sự cấp bách nơi bản thân, chẳng biết vô thường nhanh chóng, sanh tử là việc lớn; chỉ tham danh lợi nên tranh đấu hơn thua, sầu khổ muôn bề, chẳng biết lúc nào thoát khỏi. Chúng sanh chướng sâu, nghiệp nặng, ba độc (tham, sân, si) lừng lẫy. Do si hoặc nên tạo nghiệp khổ báo vô tận, chìm đắm trong biển khổ đau đớn không cách gì diễn tả nổi. Vì thế, Phật thương xót khuyên bảo nên chán lìa. Phật dạy răn, khuyên lơn chúng sanh nên dứt ác làm lành, tinh tấn hành đạo, cầu sanh Cực Lạc.

Phật dạy, chỉ nên coi một đại sự vãng sanh Tây Phương Cực Lạc là nhiệm vụ cấp bách trước hết. Ví như một lữ khách đang đi trên một chuyến du hành rất dài, giữa đường lữ khách bổng thấy một tòa thành lớn, lữ khách tự suy nghĩ và sắp xếp lịch trình của chuyến du hành thứ tự như sau: Trước tiên ta phải vào tòa thành lớn này kiếm chỗ ở yên, đến khi chiều tà tăm tối còn có chỗ nghỉ đêm, rồi sau đó mới ra tay làm lụng. “Vào toà thành lớn này kiếm chỗ ở yên” chính là tu Tịnh Ðộ. “Đến khi chiều tà tăm tối” chính là đại hạn xảy đến (chết). “Có chỗ nghỉ đêm” là sanh trong hoa sen chẳng lạc vào nẻo ác. “Rồi sau đó mới ra tay làm lụng” là tu đạo Bồ Đề, hành hạnh Phổ Hiền, dạo khắp mười phương thế giới giáo hóa và dẫn dắt chúng sanh đồng vãng sanh Cực Lạc.

Vậy mà người ta cứ lơ là đối với việc gấp như lửa cháy, hối hả lo liệu việc chẳng gấp rút gì. Khi mạng người sắp hết, dẫu hối hận thì có ích lợi gì chứ?

Ác là nhân, khổ là quả. Giết chóc, trộm cắp, nói dối, uống rượu là những điều rất ác. Hễ tạo ác, ắt phải chịu quả ác, nên những điều ấy được gọi là “năm thứ đau đớn, năm thứ đốt cháy” ví như lửa lớn đốt cháy thân mình, khổ sở cùng cực. Cái nhân sanh ra khổ quả này chính là tam độc: Tham, sân, si.

Tham Độc:

Trong kinh Pháp Hoa, Phật ví thế gian này như căn nhà lửa đang cháy lớn, nguyên do là: Cái khổ của thế gian này hừng hực nung người đời như đống lửa lớn. Thân tâm nhọc nhằn, vất vả, toan tính làm lụng, để tự nuôi thân, để mình được đầy đủ, no ấm cho qua khỏi cái kiếp này. Người có địa vị cao quý, kẻ thấp hèn, giàu, nghèo, già, trẻ, trai, gái v.v…, bao hạng người sai khác, nhưng chẳng ai lại không cùng ôm tấm lòng si mê, tham dục, lao tâm khổ tứ, lo nghĩ chất chồng, bôn ba, nhọc nhằn chẳng lúc nào yên.

Người đời thường là do dục tâm sai khiến và lôi kéo, khiến cho lúc nào cũng chộn rộn, bôn ba, suy nhớ chồng chất: lo mãi chuyện đã qua, lo hoài chuyện chưa tới. Vì thế, tâm niệm chẳng lúc nào an nghĩ; hễ tâm có điều mong muốn thì thân phải chịu nhọc nhằn theo để thỏa mãn cái tâm này. Những điều canh cánh trong tâm niệm của người đời, đều chỉ toàn là tài vật, danh văn lợi dưỡng mà phải luôn suy nhớ chồng chất. Do tâm tham ý chấp, lúc nào cũng chăm chăm mong cho có được cái mà mình tham muốn, nên bị cái tâm ấy sai khiến, làm cho thân tâm chẳng bao giờ được an.

Ngài Cảnh Hưng bảo: “Bị tâm sai khiến là như con dê khát nước chạy đuổi theo bóng nắng gợn, kẻ mắt kéo màng thấy hoa đốm lăng xăng trên không, đều do cái tâm thấm đẫm nước ái, chẳng rõ hoa đốm là bệnh, nên cứ đuổi quàng theo”.
Bóng nắng gợn chính là huyễn ảnh xuất hiện trong sa mạc, nhìn xa tưởng là chỗ có nước. Những con nai, con ngựa bị khát, tâm thèm nước thiết tha nên cứ đuổi theo tìm uống, nhưng chỉ phí công. Lại như người mắt bệnh kéo màng, ngỡ trên hư không có những đốm sáng bay lẩn vẩn toan chụp bắt, chẳng biết vốn chẳng có hoa đốm, đấy đều là do “bị cái tâm sai khiến”.

Thân thuộc, tôi tớ, nhà cửa, ruộng vườn, tiền tài, sản nghiệp, các vật dụng để sinh sống v.v… Những thứ ấy đều là những điều khiến ta phải lo lắng. Chưa có thì muốn, lo sao cho có; nhưng khi có rồi lại sợ mất đi, nên lại càng lo hơn nữa. Bể tham dục không đáy khó lấp bằng, lo được, lo mất, có hay không cũng lo. Được một thì cảm thấy thiếu một, ráng lo toan cho bằng người. Muốn mà chưa được thì lại sanh tâm lo buồn. Thỏa nguyện rồi cũng chẳng hết lo nghĩ; bởi tâm ham muốn không cùng tận, lòng tham không đáy nên vĩnh viễn lo lắng mãi không có chỗ ngừng dứt.

Vừa mới có được một chút lại lo toan khư khư nắm giữ lấy, sợ gặp vô thường tai biến cướp mất đi. Những tai họa thình lình phát sanh như lửa có thể đốt cháy rụi, nước cuốn trôi mất, kẻ cướp đoạt đi, kẻ trộm cuỗm mất, oan gia báo cừu, chủ nợ xiết nợ… Thậm chí, bổng trong khoảnh khắc chẳng còn một thứ gì là của mình nữa.

Người đời tâm tham ý chấp, tấm lòng keo kiệt đến mức ngoan cố. Tài vật mà bị mất đi rồi thì trong lòng càng thêm phẫn hận, lo buồn, oán hận, sầu khổ, không thể rảnh trí vì không thể buông bỏ nổi. Lúc lâm chung, hết thảy quyến thuộc, tài vật… mà mình hằng yêu dấu và ôm giữ lấy chẳng thể mang theo, tiếc nuối đau lòng vì không thể buông bỏ hết được. Một mình mình đến, một mình mình đi, không ai theo cùng bầu bạn. Dẫu người mình thương yêu nhất cam chịu chết cùng lúc với mình thì cũng chẳng thể đến cùng một chỗ! Nghiệp nhân bất đồng, quả báo sai khác ngàn lần, nên mỗi người sẽ tái sanh về một chỗ khác nhau, chẳng mang theo được gì? Bất luận là giàu hay nghèo, không ai là chẳng giống vậy, ai nấy ưu khổ vô tận, khổ lo muôn mối.

Sân Độc:

Thói đời lúc bình thường vốn chẳng phẫn hận, chợt gặp cảnh mâu thuẩn, trái nghịch nên bất thình lình tranh chấp nhau. Lúc ấy, liền khởi lên cái tâm đấu đá, kiện cáo, tranh chấp nhau kết hận oan gia. Cho nên, Phật đã khuyên lơn nhắc nhở, phải thường hòa hoãn. Phật dạy nếu bất hòa sẽ kết thành đại oán.

Sân giận, nóng nảy, phẫn nộ… là một trong tam độc. Một khi tâm sân lên thì tạo thành mối hận, oan oan tương báo không lúc nào thôi. Kẻ oán ghét thường chạm mặt nhau, sát hại lẫn nhau, càng lúc càng thêm dữ dội, đời sau chuyển tiếp trở thành đại oán. Như vua Lưu Ly vì muốn báo thù cái oán hận đời trước mà giết hại cả dòng họ Thích – “Oan oan tương báo hà thời liễu. Nhứt dựt song phi đẫm máu tình, song song đối đối thiên phong thủy, lệ chảy dàn sang, thắt lòng này”.

Ðã tạo nghiệp ác nhân ắt kết thành ác quả. Tuy sự báo ứng không hiển hiện ra ngay trong hiện tại, nhưng nhân quả chẳng hư dối, quyết sẽ báo ứng trong đời sau. Vì vậy, nếu đã trót lở gây họa cho nhau, phải nên gấp rút nghĩ cách phá bỏ nó đi để ngăn ngừa thảm hoa trong mai sau. Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả là vậy!

Ái dục chính là cội gốc sanh tử; trong nhà Phật có câu: “Ái chẳng nặng thì chẳng đọa Sa Bà”. Toàn thể thế nhân chìm đắm trong ái dục, cho nên chết đây sanh kia, lưu chuyển vô cùng. Dẫu cho quyến thuộc đầy nhà, nhưng lúc sanh tử: sanh thì trơ trơ một thân đi đến, chết thời riêng một mình mình ra đi, chẳng có ai theo, không ai thay thế được.

Quả báo sướng hay khổ đều do tự mình tạo, tự mình hưởng, cũng không ai khác thay thế được. Nếu là thiện nghiệp thì quả báo trong đường lành; nếu như là ác nghiệp thì quả báo trong ác đạo. Đời này tuy có được thiện quả, nhưng nếu tạo nghiệp nhân ác thì đời sau sẽ chiêu cảm, biến thành tai ương. Ngược lại, đời này tuy là ác quả, nhưng nếu làm lành thì đời sau sẽ hưởng phước báo. Nghiệp lực thiên biến vạn hóa chẳng thể nói trọn, nhân ác chịu khổ, nhân lành hưởng vui; quả báo nhanh chóng khó thể nghĩ lường.

Nghiệp thức theo đuổi mình như hình với bóng, sanh về đâu quả báo cũng đuổi theo ngay đó, chẳng hề bỏ rời. Tùy theo nghiệp nhân mà cảm được quả báo thiện hay là ác. Nhân quả mỗi người sai khác nên sẽ sanh về những nơi khác xa nhau. Bởi vậy, lúc lâm chung chia tay nhau trọn thành vĩnh biệt! Một phen chịu quả báo trong tam đồ là cả năm ngàn kiếp trôi lăn trong sáu nẻo, biết ngày nào gặp lại nhau. Dẫu có trùng phùng cũng chẳng hề nhận biết nổi nhau thì cũng nên xem là không bao giờ có lúc gặp lại.

Bởi đấy, đức Thế Tôn xót thương cảnh tỉnh khuyên lơn người đời lúc còn khỏe, phải nên siêng gắng tu thiện. Người già thể xác suy yếu, chẳng còn ba thứ đạo vị (xuất gia, đọc kinh và tọa thiền) nên khó bề siêng tu; vì vậy, nhân lúc còn trẻ phải gấp rút nỗ lực tu hành, chớ nên chần chừ.

Kinh Niết Bàn bảo: “Này Ca Diếp! Ví như cây mía đã bị ép rồi, bã mía chẳng còn vị gì. Tuổi trẻ sắc đẹp cũng giống như thế, khi bị tuổi già ép thì chẳng còn có ba thứ vị: một là vị xuất gia, hai là vị đọc tụng, ba là vị tọa thiền”.

Si Độc:

Cái họa si độc làm thương tổn huệ mạng của con người. Si độc chính là cái gốc của cả ba độc, vì thế nó gây hại rất sâu.

Phật bảo, người đời si mê, chẳng biết thế nào là thiện, thế nào là ác, cứ mãi theo ý riêng của mình, tâm phân biệt càng thêm phân biệt, tạo ra bao điều sai quấy; lại chẳng thể tin nổi quy luật thường hằng nhân quả thiện ác trong ba đời. Ðã chẳng biết nhân lại không sợ quả, chỉ cốt khoái ý chốc lát, chẳng sợ hậu hoạn vô cùng. Phóng túng càn rỡ, mặc sức làm ác, đua nhau gây nhân ác, chẳng đoái hoài hung họa tương lai.

Lành dữ là nhân, họa phúc là quả! Thí dụ: sát sanh để cúng tế là việc dữ, sát nghiệp cảm lấy quả báo trong tam đồ nên là họa. Người đời cho rằng cưới gả là lành, nhưng chẳng biết do vui mừng mà sát sanh thì lại trở thành hung sự chiêu cảm lấy cái họa vô cùng đau khổ trong tương lai. Bởi vì, thế nhân chẳng hiểu rằng, dù thiện hay ác đều chiêu cảm quả báo.

Phật nói, người đời si mê, tinh thần tối tăm, chẳng thể tự mình thấy nổi chuyện thiện ác sanh tử, nhân quả báo ứng nên cứ mãi tiếp tục triển chuyển gây nghiệp; đó chính là si độc.

Do si mê nên tâm ý bế tắc, chẳng thể chánh tín nhân quả, chẳng tin nhận nổi kinh pháp của Phật hòng nhập chánh đạo. Ngược lại, càng dễ đâm ra tin thờ các tà thuyết ngoại đạo, tin nhận các giáo lý khác với Phật pháp. Thấy biết điên đảo như thế liên tục chẳng dứt, chìm đắm mãi mãi trong sanh tử. Nguồn gốc của những tà kiến ấy chính là si nghiệp. Sanh tử vô thường là do si làm cội gốc.

Phật bảo, tâm trí của chúng sanh si mê, mờ mờ mịt mịt, tối tăm, càn rỡ; dẫu có đôi tròng con mắt mà chẳng thấy gì. Mù mịt lại càng thêm mù mịt. Mù mịt là vì bị che lấp nên chẳng sáng suốt. Tối tăm là do ám muội nên chẳng hiểu biết; cái sắc tướng trước mắt còn không thấy rõ, còn tiếp nhận một cách lầm lẫn sai quấy huống là pháp chân thật vô vi vô tướng của Như Lai.

Trong kinh Phật dạy, chúng sanh chẳng hiểu biết gì, đụng việc gì là làm càn làm bậy, như đứa trẻ đi đêm, như chó dại chạy quàng, không điều gì mà không dám làm. Do ngu muội, tăm tối nên chẳng hiểu nghĩa kinh; quen tánh hung hăng, thích xung đột nên chẳng tin nhận nổi kinh pháp thâm sâu của Phật, nhận giả cho là thật, bỏ thật vì cho đó là giả. Giả hay thật gì tự mình cũng chẳng tỏ tường, nên làm càn làm bậy, thân đang tạo nghiệp dữ mà lại tưởng là đang làm chuyện lành. Lại thêm tâm chẳng lo xa. Mọi việc làm cốt chỉ là để khoái ý, thỏa thích lòng ham muốn lúc hiện tại, chẳng quan tâm đến đời sau. Lại thêm thường ôm lòng giận dữ, tham tài hiếu sắc chẳng lúc nào ngơi dứt, nên Phật mới thường than thở: “Thật đáng thương thay!”.

Đời cha ông chẳng biết làm thiện, chẳng biết đạo đức. Ðã không hiểu biết lại còn vô hạnh thì thật là si mê cùng cực. Ðời này tiếp nối đời kia, những lời cha dạy con toàn là tà thuyết, chẳng bàn đến quả báo thiện ác. Cha ông si độn, ngoan cố thì con cháu vô tri là chuyện tất nhiên, chẳng gì làm lạ! Chẳng thể tự thấy “đường sinh tử” là chẳng biết quả. Chẳng thể tự thấy “đạo lý thiện ác” là chẳng hiểu nhân. Tự tâm chẳng có chút hiểu biết cả nhân lẫn quả, lại không ai bảo cho nên trọn đời, trọn kiếp cũng chẳng hiểu biết gì. Bởi do chẳng hiểu biết nên chẳng chút lòng tin, cho là không có “nhân quả”. Nếu chẳng biết việc sanh tử thì cứ tự xem đi: cha con, anh em, chồng vợ bị cái chết chia lìa, thương khóc lẫn nhau, có ai tránh khỏi đâu! Cùng nhau mà quán sát, rành rành trước mắt!

Người đời si mê, tham ái, chẳng biết muôn sự trong đời đều như huyễn mộng, như hoa đốm trên không, lầm tưởng thật có; nào hay vô thường vùn vụt, chẳng giữ mãi nổi. Lúc sanh càng thêm yêu mến thì lúc chết bội phần xót xa. Lúc sanh tử: người ở lại thương xót thân nhân từ nay vĩnh biệt; kẻ chết thương mình ra đi vĩnh viễn, lưu luyến nhau khó bỏ nổi, như mũi dao xoáy vào tim gan, như ruột gan bị thắt gút. Những ân ái xưa kia nay trở thành ưu khổ, trói buộc thân tâm như dây thắt chặt mối, chẳng thoát ra nổi; đó chính là phiền não. Phiền não ấy chính là cái nhân kết tập hết thảy sanh tử. Như vậy, vướng vít vào tình ái thì liền bị sanh tử buộc ràng, chẳng có lúc nào thoát khỏi.

Suy xét cho đến tận cội nguồn, những điều người đời yêu quý, thật sự là đều do tình dục mà chẳng biết rằng: “dục là cội khổ, thuần tình ắt đọa”. Nếu đối với những điều ấy, ta chẳng thể suy sâu nghĩ chín để nhất tâm tu đạo hòng cầu giải thoát thì trong nháy mắt, vô thường xộc đến, thọ mạng chấm dứt, đến lúc ấy làm sao bươn bả, kêu van gì nổi! Mạng người trong hơi thở, tuổi thọ hết rồi, đối phó sao đây!

Trong ba ác nghiệp, sân nghiệp là nghiệp nhân chính của đọa địa ngục. Cổ đức có câu: “Một đốm lửa sân tâm, thiêu trụi rừng công đức”. Thế nhân ít kẻ tỉnh ngộ chánh đạo, lắm kẻ mê hoặc nên lòng luôn ôm ấp ý giết hại, độc địa, tàn hại mạng người khác. Ác khí mịt mù, hừng hực, từ chỗ tối tăm vào trong chỗ tối tăm hơn. Sát sanh không những chỉ là giết chết thân mạng của chúng sanh, mà còn là giết chết tuệ mạng của người bằng những tà thuyết, tà kiến; Hòa Thượng Tịnh Không dạy: “Giết chết tuệ mạng của một người, bằng sát hại ngàn sanh mạng”.

Do vọng tâm hưng khởi nên nghĩ, nói hay làm cái gì cũng sai lầm, cũng sái quấy; bởi thế mới trái nghịch trời đất, trên chẳng thuận lòng trời, dưới nghịch ý vua Diêm La. Mặc lòng buông lung tạo ác như thế, suốt ngày chỉ biết tạo tội ngập trời; bởi đó mà bị tội nghiệp lôi kéo, nên chẳng đợi đến khi tuổi thọ hết đã bị mất mạng.

Người đời do si mê nên sanh tâm sân hận mà giết chóc, tàn hại lẫn nhau, mặc tình làm ác, làm các điều xằng bậy. Kẻ tạo tội như thế do nghiệp lực tội ác của đời trước thúc dục, mặc sức tiếp tục làm ác. cho tới khi sự ác ngập đầu, quả báo ắt sẽ hiển hiện, nên đột nhiên bị chết mất đi, đọa thẳng vào ác đạo chịu lấy quả báo khổ đau cùng cực, không biết khi nào mới thoát ra nổi, cũng xem như là chẳng bao giờ có ngày ra.

Những chuyện thường tình của thế gian là như thế đó! Vinh hoa chẳng giữ nổi, hội hợp rồi nhất định ly tán. Ái dục chẳng thường còn, thạnh rồi ắt có suy. Ðiên đảo lầm tưởng cho đó là vui; nhưng thật ra những điều ấy chẳng đáng ưa thích. Vì sao? Vì những điều ta tưởng là vui ấy, thật ra chính là cái nhân tạo khổ. Từ cái nhân tạo khổ ấy, ắt phải sanh ra quả khổ, nên còn ở trong thế gian này thì chẳng bao giờ có sự an vui thật sự.

Như Cư Sĩ Bành Tế Thanh bảo: “Hết thảy người đời coi dục là vui, chẳng biết đó là khổ. Người trí xem thấy chỉ toàn là khổ, không chút vui nào. Vì sao vậy? Cứ coi “có” là vui, “không” là khổ, nào hay “có” chính cái nhân của “không”. Xem “được” là vui, coi “mất” là khổ, nào hay “được” chính là cái nhân của “mất”. Coi “tụ tập” là vui, “tan lìa” là khổ, nào hay “tụ tập” là cái nhân của “tan lìa”. Coi “sanh” là vui, coi “diệt” là khổ, nào hay “sanh” chính là cái nhân của “diệt””.

Phật khuyên chúng sanh nên tinh tấn cầu sanh Cực Lạc. Ðược sanh về cõi ấy rồi thì ai nấy ắt đều được cả hai thứ Trí và Phước thù thắng viên mãn, vĩnh viễn thoát khỏi khổ lo, thọ hưởng những sự vui sướng khoái lạc, an ẩn vô cùng tận.

Ngài còn răn dạy chúng sanh: “Chớ nên phóng tâm vào chỗ ham muốn, phụ kinh bỏ giới, phải đứng sau người”.

Kinh là giáo pháp chính từ kim khẩu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra. Giới là hạnh đức mà Phật chỉ dạy. Ở đây, Phật đặc biệt khuyên phải luôn trì giới, bởi giới là nền tảng của muôn hạnh.

Kinh Niết Bàn dạy: “Làm thầy của cái tâm, chớ để cái tâm làm thầy mình”

Nếu để cho cái tâm sai khiến được mình thì mình mắc sai lầm lớn. Ấy là vì cái vọng tâm này chính là cội rễ sanh tử, tuân theo cái vọng tâm của mình thì khác nào nhận giặc làm con, toan nấu cát thành cơm, làm sao ăn nổi? Lẽ đâu cứ mãi rong ruổi theo tâm tánh của phàm phu làm điều càn quấy mãi hay sao? Phật dạy, phải lấy Kinh và Giới làm thầy, đừng để vọng tâm của mình nó làm thầy của mình mà mãi mãi phải đứng sau người.

Kinh Tứ Thập Nhị Chương bảo: “Cẩn thận đừng tin tâm ý của ngươi, tâm ý ngươi không thể tin nổi!”

Kinh Nhất Tăng A Hàm nói: “Vì Như Lai không thụ thân sau nên qua hết các nguy nạn, các Thầy nên giữ gìn hành động từ thân miệng ý. Các Thầy nên học điều này.”

Biên soạn: Diệu Âm Trí Thành (Canada)
(Tài liệu tham khảo: Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác của Kim Cang thừa tam muội da giới đệ tử Hoàng Niệm Tổ)