Khi Xem Kinh Không Nên Dùng Lý Lẽ Để HiểuNếu muốn tùy phận được lợi ích thật sự, phải chí thành khẩn thiết thanh tịnh tam nghiệp. Hoặc trước hết phải đoan tọa chốc lát, lắng định thân tâm, rồi mới lễ Phật, đọc ra tiếng; hoặc chỉ im lặng xem. Hoặc lễ Phật xong, đoan tọa chốc lát, sau đó mới mở kinh [ra xem]. Cũng phải thân đoan nghiêm, ngồi ngay ngắn như đối trước thánh dung, đích thân lắng nghe viên âm, chẳng dám manh nha một niệm biếng nhác, chẳng dám khởi một niệm phân biệt. Ðọc một loạt từ đầu đến cuối, dù là văn hay nghĩa đều nhất loạt chẳng dùng lý lẽ để hiểu.

Ðọc kinh như thế, người lợi căn đối với mỗi mỗi Không lý sẽ lãnh ngộ được, chứng pháp Thật Tướng; còn kẻ căn cơ độn kém cũng tiêu trừ được nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ. Lục Tổ nói: “Ðãn khán Kim Cang kinh, tức năng minh tâm kiến tánh” (chỉ xem kinh Kim Cang liền có thể minh tâm kiến tánh) là nói về cách xem kinh như trên đây, cho nên bảo là “đãn” (chỉ). Kinh Ðại Thừa đều có công năng minh tâm kiến tánh, chứ nào phải mình kinh Kim Cang?

Nếu cứ một mực phân biệt câu này nghĩa như thế nào, đoạn này nghĩa là gì thì toàn là thuộc về phàm tình, vọng tưởng, xét đoán, suy lường, làm sao ngầm phù hợp với ý Phật, lãnh ngộ trọn vẹn ý kinh; nhân đó, nghiệp chướng tiêu diệt, phước huệ tăng cao cho được? Nếu biết cung kính thì còn gieo được chút thiện căn. Nếu cứ làm giống hệt như cách đọc sách Nho của kẻ học rộng sẽ thành hạng người vướng phải tội khinh nhờn sừng sững như non, thăm thẳm như vực, dùng nhân lành chiêu lấy quả ác vậy.

Lúc xem kinh tuyệt đối chẳng được khởi tâm phân biệt thì tự nhiên vọng tưởng phải tiềm phục, thiên chân phát hiện. Nếu muốn nghiên cứu nghĩa lý hoặc giở xem các chú sớ hãy dành một thời gian khác để chuyên nghiên cứu. Trong lúc nghiên cứu, tuy chẳng nghiêm túc như lúc xem kinh, cũng chẳng được hoàn toàn không cung kính. Bất quá, so với lúc xem kinh, thư thái hơn một chút.

Nghiệp chưa thể tiêu, trí chưa thể rạng thì phải lấy việc xem kinh làm chính, việc nghiên cứu chỉ đại lược kèm theo. Nếu không, suốt ngày quanh năm chỉ lo nghiên cứu, dù nghiên cứu đến mức như vẹt mây thấy mặt trăng, mở cửa thấy núi, cũng chỉ là bàn suông ngoài miệng, chẳng hề can hệ mảy may đến thân tâm, tánh mạng, sanh tử chi cả! Ngày ba mươi tháng Chạp xảy đến chẳng dùng được mảy may!

Nếu có thể xem kinh [theo cách] như trên vừa nói, ắt sẽ nghiệp tiêu, trí rạng, ba thứ tình kiến sẽ trở về “chốn quê hương chẳng hề tồn tại” (ý nói: sẽ biến mất không tăm tích). Nếu chẳng xem kinh được như thế, chẳng những ba thứ tình kiến chưa chắc chẳng sanh, còn e do sức túc nghiệp, tà kiến sẽ phát khởi, bác không nhân quả, và các thứ phiền não: giết, trộm, dâm, dối sẽ nối tiếp nhau nổi dậy như lửa cháy hừng hực, nhưng vẫn cứ cho mình là người hành Ðại Thừa, hết thảy vô ngại! Lại còn vin vào câu nói “Tâm bình hà lao trì giới?” (tâm bình nào phải nhọc công giữ giới?) của Lục Tổ để cho rằng phá hết các giới mà chẳng phá mới thật sự là trì giới. Thật là tu hành khó đạt chân pháp vậy!

Trích Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục