Cách Chọn Pháp Môn Dễ TuPhật Tử hỏi :

Bạch Thầy,

Con vừa mới thọ tam quy ngũ giới, con muốn được sớm giác ngộ giải thoát, vậy con phải chọn pháp tu như thế nào? và pháp môn nào dễ tu dễ thành đạt nhứt, thưa thầy?

Thành kính tri ân Thầy.

Đáp :

A Di Đà Phật

1- Trong bảy phần tiến tới Giác Ngộ (Thất Giác Chi) Đức Phật dạy chọn pháp tu (trạch pháp) đứng hàng đầu. Mục đích tu học Phật là gì? Là lìa khổ được vui. Phải gấp rút rốt ráo lìa khổ, và phải gấp rút được cái vui cứu cánh, cái vui viên mãn. Muốn được vậy phải chọn pháp tu khế hợp (tương ưng; khế lý khế cơ) với :

a) Căn tánh của chính mình
b) Trình độ của chính mình
c) Hoàn cảnh sinh hoạt của chính mình
d) Nguyện vọng của chính mình

2- Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ là pháp dễ tu, dễ chứng và mau thành đạo quả nhứt.

Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam có mười Tông phái như sau : Luật Tông, Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, Pháp Tướng Tông, Mật Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Tam Luận Tông, Câu Xá Tông, Thành Thật Tông.

Hiện nay chỉ còn ba Tông Phái thịnh hành là : Tịnh Độ Tông, Thiền Tông và Mật Tông.

Thiền Tông và Mật Tông chủ trương hành pháp tự lực nghĩa là tự dùng sức của chính mình để tu để tự chứng đắc.

Tịnh Độ Tông hành pháp nhị lực (tự lực cộng thêm tha lực) nghĩa là ngoài sức của chính mình được cộng thêm sức gia trì của chư Phật trong mười phương.

Kinh Đại Tập dạy : “Thời mạt pháp ức ức người tu hành, hiếm có người đắc đạo duy nhờ pháp niệm Phật (Tịnh độ Tông) mới thoát sanh tử (giải thoát).”

Tượng Pháp Quyết Nghi Kinh dạy : “Sau khi Phật diệt độ là thời Chánh Pháp trong năm trăm năm trì giới kiên cố (thành tựu). Thời Tượng Pháp một ngàn năm kế tiếp thiền định kiên cố. Sau đó thời Mạt pháp một muôn năm niệm Phật kiên cố”.

Đức Thế tôn nhập niết bàn đã hơn hai ngàn năm trăm năm mươi tám (2.558) năm. Như vậy chúng ta đi vào thời mạt pháp hơn một ngàn năm rồi, mà càng đi sâu vào thời mạt pháp thì căn cơ, đức trí chúng sanh càng thấp kém, nên tu các pháp môn khác lại càng khó chứng đắc.

Tổ thứ mười ba Ấn Quang đại sư dạy : “Chín pháp giới chúng sanh lìa pháp môn này (Tịnh Độ) thì trên chẳng viên thành Phật đạo. Mười phương chư Phật bỏ pháp môn này (Tịnh Độ) thì dưới chẳng thể lợi quần sanh”.

Đức Thế Tôn dạy : “Mười phương chư Phật đều do niệm Phật mà thành Phật”.

Pháp môn Tịnh độ khế lý khế cơ (khế hợp, tương ưng) cho cả ba căn thượng, trung, hạ, là pháp môn dễ tu dễ chứng (dị hành đạo) nhứt trong hết thảy pháp môn. Chư Tổ dạy : “Pháp môn Tịnh độ là con đường tắt trong tất cả các pháp môn,mà niệm Phật cầu vãng sanh là con đường tắt trong pháp môn Tịnh độ, vậy thì niệm Phật cầu vãng sanh là con đường tắt trong đường tắt.” Tại sao dám nói như vậy? Vì “Niệm Phật vãng sanh một đời thành Phật”! Còn tu các pháp môn khác phải trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp mới thành Phật đạo.

Thích Minh Tuệ