Hai Câu Chuyện Đứng & Ngồi Vãng Sanh Do Pháp Sư Tịnh Không Kể LạiChúng tôi giảng kinh ở miền nam Đài Loan, có một vị cư sĩ nói với chúng tôi, người vợ của tướng quân Lương Đài Nam niệm Phật ba năm được vãng sanh trong tư thế đứng, không hề có bệnh. Bà cụ này tâm địa hiền lương, trong cuộc sống thường ngày không bao giờ tranh với người, không bon chen với đời, cuộc sống tạm qua ngày, con cháu hiếu thuận. Cho nên bà buông bỏ vạn duyên để học Phật, lúc đầu cũng không hiểu Phật là gì, khi nhìn thấy tượng thần thì xem như Phật để bái lạy, Bồ Tát Thổ Địa, Thành Hoàng cũng đều là Bồ Tát, không phân biệt thần và Phật, bái lạy khắp nơi. Ba năm trước đó, con trai bà cưới vợ, cô dâu hiểu được chút ít Phật pháp khuyên mẹ chồng không nên đi bái lạy nhiều nơi, mà chuyên ở nhà lạy A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật. Bà mẹ chồng vốn có thiện căn, liền tiếp nhận lời khuuyên bảo của con dâu, chuyên niệm A Di Đà Phật suốt ba năm. Hôm vãng sanh là buổi tối, khi chuẩn bị ăn cơm, bà nói với người trong nhà rằng: “Các con cứ ăn cơm trước, không nên đợi mẹ, mẹ phải đi tắm rửa”. Con trai và con dâu hiếu thuận vẫn đợi để cùng ăn. Bà đi tắm rất lâu mà không thấy xuống, người nhà sốt ruột lên xem thử. Quả thật bà có đi tắm nhưng sau đó không xuống ăn cơm mà vào niệm Phật đường nho nhỏ của gia đình, mặc áo tràng chỉnh tề, tay cầm xâu chuỗi. Các con gọi bà nhưng không thấy bà trả lời, bước lại gần xem thì bà đã vãng sanh tự bao giờ, đứng vãng sanh. Đây là việc đã xảy ra không lâu, hiện nay miền nam Đài Loan mỗi khi nhắc đến chuyện này, có rất nhiều người biết, nên không thể cho đó là tin đồn thất thiệt.

 

 

Một trường hợp khác, khi đó chúng tôi ở Cựu Kim Sơn nước Mỹ, một cụ bà ngồi vãng sanh. Đời sống ở Mỹ rất vất vả, cả hai vợ chồng đều phải đi làm, nếu chỉ dựa vào một người kiếm tiền thì không nuôi được cả nhà. Khi có con, phần lớn các cặp vợ chồng mời mẹ mình đến để trông trẻ, nấu cơm. Cho nên người già ở Mỹ cũng tương đối vất vả. Bà lão này là một hành giả niệm Phật, khi con trai con dâu đi làm, cháu nội đi học, một mình bà ở nhà niệm Phật, rất thanh tịnh, không ai quấy nhiễu. Không biết đã niệm được bao nhiêu năm mà ngày bà ra đi, không ai biết bà ra đi lúc nào. Một buổi sáng sớm, người trong nhà thấy lạ vì bà chưa thức dậy nấu cơm sáng như mọi ngày. Không rõ tại sao hôm nay bà ngủ trưa đến vậy, mọi người mới đến mở cửa phòng, bà cụ xếp chân ngồi kiết già trên gường. Tiến đến gần xem kĩ thì thấy bà đã ra đi. Hiện tượng này hiếm thấy. Bà để di chúc ngay trước mặt, ngoài di chúc còn có hiếu phục của con trai, con dâu, cháu nội. Cũng không biết bà may nó từ lúc nào, tự tay làm, từng phần từng phần để ngay trước gường. Như vậy bà đã biết trước giờ đi nên chuẩn bị từ sớm di chúc và các hiếu phục cho con cháu, sau đó niệm Phật ngồi mà đi.

Do đó chỉ cần tâm thanh tịnh, chúng ta có thể làm được. Tại sao cứ phải đem những việc thế gian không liên quan, những việc vụn vặt xen tạp chất chứa trong lòng. Nhất định phải học thanh tịnh, chân thật biết quá khứ, hiện tại, vị lai. Tiền đồ là một mảng sáng lạng, cho nên thế gian cho dù việc gì mắt thấy tai nghe đều không nên để trong lòng, thấy như không thấy, nghe như không nghe, mỗi giờ mỗi phút gìn giữ tâm thanh tịnh. Người khác thành công, chúng ta cũng có thể thành công, dù không được, tâm vẫn phải thanh tịnh, tất cả buông bỏ, buông bỏ ngay bây giờ, không dính mắc. Có như vậy mới có thể vãng sanh Cực Lạc.

Trích bài giảng Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác
Pháp sư Tịnh Không giảng
Vọng Tây cư sĩ biên dịch