Người Niệm Phật Có Cần Phải Niệm Thêm Chú?Phật Tử hỏi:

Kính bạch Thầy, như trong sách Thầy có nói về Chánh hạnh niệm Phật, không nên xen tạp, như hàng ngày công khóa sáng tối của con như sau: 7 biến Chú Đại Bi, kế đến niệm Phật 1 tiếng, kế đến 1 biến Bát Nhã Tâm Kinh, và kế đến 7 biến Chú Vãng Sanh, và sau cùng là hồi hướng. Như vậy có được xem là chuyên tu, hay phải cắt bỏ luôn về việc niệm Chú ? Kính mong Thầy từ bi hoan hỷ chỉ dạy cho con.

Đáp:

Như vậy là tạp tu rồi, bởi những lý do sau:

1- Tụng Chú Đại Bi và Bát Nhã Tâm Kinh không phải là Chánh hạnh mà là Tạp hạnh. Hãy đọc “Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập” tác giả Pháp Nhiên Thượng Nhơn (Chương hai – Hai hạnh). Nhị Tổ Thiện Đạo đại sư dạy: “Tạp tu ngàn người tu may ra có vài người vãng sanh; Chuyên tu vạn (10.000) người tu vạn người vãng sanh”.

2- Tụng Chú Đại Bi, Bát Nhã Tâm Kinh và chú Vãng Sanh là bị xen tạp và gián đoạn rồi. Hòa thượng Đức Niệm dạy: “Nấu nước sắp sôi tắt lửa để nguội, tiếp tục nấu nước sắp sôi tắt lửa để nguội v.v… nấu như vậy suốt đời nước vẫn không sôi.

3- Ngài Lý Bỉnh Nam là thầy của Pháp sư Tịnh Không nói: “Câu Nam Mô A Di Đà Phật hay A Di Đà Phật là vua trong các chú” (Tuyết Hư Lão Nhơn Tịnh Độ Tuyển Tập). Như vậy đâu cần trì chú vãng sanh để mắc lỗi “Bị xen tạp bị gián đoạn”.

4- Niệm Phật phải niệm không xen tạp không gián đoạn, đậy là bí quyết của Tịnh độ tông, đã được đức Thế Tôn và chư Thầy, Tổ dạy:

  • Kinh Lăng Nghiêm: “Nhiếp trọn sáu căn tịnh niệm nối tiếp, đắc Tam Ma Địa bậc nhất”
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Nhị tổ Thiện Đạo, Thập nhất tổ Tĩnh Am, Thập nhị tổ Triệt Ngộ đại sư đồng dạy như thế (Hương Quê Cực Lạc)
  • Pháp sư Tịnh Không đã dạy (*) và thường nhắc nhở Phật tử, bạn đồng tu như thế. Tôi thì “Y giáo phụng hành”.

Thích Minh Tuệ

(*) Có nhiều người cho rằng trì chú, bái sám rất linh nghiệm. Trì chú, bái sám là Phật pháp sơ cấp, niệm “A Di Đà Phật” là Phật pháp cấp cao nhất, rốt ráo nhất, hai thứ không thể so sánh được. Vì thế cổ nhân thường nói: “niệm kinh bất như niệm chú, niệm chú bất như niệm Phật” (tụng kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng niệm Phật.) Niệm Phật là đệ nhất.

Niệm câu “A Di Đà Phật” dễ hơn nhiều so với niệm Chú Đại Bi. Nước Đại Bi rất linh, nước thánh của A Di Đà càng linh nghiệm hơn. Đó là thật, không phải giả. Linh hay không linh, lý đều ở “nhất tâm”, do đó nhất tâm không thể nhị dụng cùng lúc (không thể sử dụng cả hai).

“A Di Đà” ba chữ là mật ngữ, tức là mật chú, là Chú trong các loại Chú. Có người hỏi: “Người niệm Phật có còn cần phải niệm Chú Lăng Nghiêm, Chú Đại Bi, Chú Vãng Sanh…? Phải biết “A Di Đà Phật” là vua của các loại Chú. Niệm “A Di Đà Phật”, thì không cần niệm những thứ Chú đó nữa, vì đã bao quát trong câu Chú vua này.

Từ đó có thể hiểu được, thì ra câu “A Di Đà Phật” là tổng tựa đề của bao nhiêu điển tích sách vở. Do đó, quý vị niệm được câu danh hiệu này thì Chú gì cũng đã niệm, một thứ cũng không sót. Quý vị niệm chú khác, chỉ niệm được một phần, để sót quá nhiều; còn niệm tổng tựa đề (đề mục) thì đã niệm hết toàn bộ.

Hòa thượng Tịnh Không