Thế Nào Gọi Là Có Công Phu Trong Pháp Môn Tịnh Độ?Công phu là gì? Một câu Phật hiệu này có thể thay thế vọng tưởng, đó là công phu… Trong lúc niệm Phật, quyết không có vọng tưởng, thì là công phu. Công phu cạn thì “thành phiến”; công phu sâu thì đó là “Sự nhất tâm bất loạn”; càng sâu hơn thì là “Lý nhất tâm bất loạn.” Cạn thì sanh về “Phàm Thánh Đồng Cư độ”, sâu thì sanh về “Phương Tiện Hữu Dư độ”, càng sâu thì được sanh về “Thực Báo Trang Nghiêm độ.”

Công phu thật sự đắc lực, vọng tưởng, tạp niệm không khởi lên, gọi là “công phu thành phiến” thì quý vị niệm Phật thành công rồi, quyết định được vãng sanh, nắm chắc vãng sanh “Phàm Thánh Đồng Cư độ”… Chúng ta thường nghe nói: Người vãng sanh biết trước giờ chết, không sanh bệnh, nói đi là đi, đứng mà đi, ngồi mà đi, muốn đi lúc nào thì đi lúc đó. Xin hỏi thêm, phải niệm đến công phu thế nào? Niệm đến công phu thành phiến là được rồi… Biết trước ngày giờ, tự tại vãng sanh, mỗi một người đều làm được. Ấy là công phu hạ đẳng (cấp thấp), trong tam bối cửu phẩm (ba bậc chín phẩm), trung thượng phẩm là có thể làm được. Công phu bậc trung (trung bối) là “Sự nhất tâm bất loạn”, công phu thuần thục rồi. “Niệm đắc thuần thục, nại vong năng sở”, năng niệm, sở niệm không còn rồi, lúc đó đạt được “Sự nhất tâm bất loạn”. Công phu thành phiến và Sự nhất tâm bất loạn, đều gọi là “Niệm Phật tam muội”. “Công phu thành phiến” là tam muội cạn, “Sự nhất tâm bất loạn” là tam muội sâu… Khi niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, sáu thứ thần thông tự nhiên phát ra, không phải do quý vị yêu cầu. Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mệnh thông, Thần túc thông, Lậu tận thông đều hiện tiền. Vì sao? Kiến Tư phiền não đã đoạn rồi… Niệm Phật niệm đến công phu thượng đẳng, thì là “Lý nhất tâm bất loạn”, không những đã đoạn Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não cũng đoạn luôn. Hơn nữa, phá được một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, đó là Bồ Tát sơ trụ của Viên giáo, Bồ Tát sơ địa của Biệt giáo.

Cái gì là công phu thành phiến? Không xen tạp, không gián đoạn là thành phiến rồi. Công phu quyện thành một phiến không có tạp niệm, trong hai đến sáu thời, chỉ có một câu Phật hiệu, trong tâm tưởng chỉ có một A Di Đà Phật. Công phu thành phiến quyết định vãng sanh. Nếu tiếp tục cố gắng thêm một thời gian, quý vị sẽ được sanh tử tự tại. Sanh tử tự tại, tức là bất sanh bất tử. Lợi ích thù thắng như vậy chúng ta không lấy, còn muốn nhớ tưởng người này, việc kia, chi mà khổ vậy?… Hết thảy thế xuất thế gian pháp, cái gì cũng không yêu thích nữa, tôi chỉ yêu thích A Di Đà Phật, thì thành công rồi. Cái gì cũng không cần, chỉ muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thì vấn đề đã được giải quyết.

Vãng sanh thế giới Cực Lạc, công phu tu hành của chúng ta, ít nhất phải niệm đến “Công phu thành phiến”. Tức là nói, niệm đến tâm thanh tịnh. Phiền não tuy chưa đoạn, nhưng một câu Phật hiệu xác thực có thể phục được phiền não. Điểm này rất quan trọng, ngàn vạn lần không thể sơ suất… Nếu Phật hiệu không phục được phiền não, thì lại phải đợi đến kiếp sau. Kiếp sau không nhất định là kiếp kế tiếp, không biết lại phải trải qua bao nhiêu A-tăng-kỳ-kiếp mới gặp lại, nên phải biết kiếp sau xa vời không kỳ hạn. Do đó, nghĩ đến đây thì cảm thấy rất đáng sợ! Không gặp được Phật pháp thì tạo nghiệp; tạo nghiệp thì chịu khổ báo (quả báo khổ), tạo lục đạo luân hồi. Muốn công phu đắc lực, có một bí quyết, quý vị muốn biết không? Tức là đừng đi lo nghĩ vu vơ. Quý vị thích lo chuyện vẩn vơ, đi tìm hiểu thị phi ở mọi nơi, một đời niệm Phật xem như luống công.

Có thể niệm đến công phu thành phiến (công phu thành phiến của trung thượng phẩm) thì đã lìa khỏi tám loại khổ: Sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly (yêu thương mà phải xa lìa), oán tắng hội (oán ghét mà phải thường gặp mặt, sống chung), cầu bất đắc (cầu không được), ngũ ấm xí thạnh (vì có thân này [nên khổ], là nhân của bảy loại khổ kể trên) như trong kinh thường nói. Bây giờ đã không còn, mặc dù vẫn chưa đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trước kia sức khỏe không tốt, có rất nhiều bệnh kỳ quái, niệm đến công phu thành phiến, thân thể khỏe lại, bệnh tật cũng không còn, không cần đến bác sĩ, vì không còn khổ nữa rồi.

Trích từ sách Niệm Phật Thành Phật
Pháp sư Tịnh Không