Vãng Sanh Về Thế Giới Cực Lạc Chỉ Mất 12 Kiếp Là Thành Tựu Lý Tưởng Giải ThoátMuốn khai đại trí tuệ cứu cánh viên mãn thì phải vãng sanh. Không cầu vãng sanh không thể được. Không vãng sanh mà chỉ muốn dựa vào tu hành của chính mình, dù tu đến đoạn kiến tư phiền não, thoát khỏi ba cõi, phá tiếp trần sa vô minh, vượt mười pháp giới, cũng rất gian nan, khổ sở, không dễ dàng gì. Tính theo thời gian mà nói, vô lượng kiếp còn chưa chắc có thể thành tựu dù siêu việt mười pháp giới, chứng được Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, từ Viên Sơ Trụ lại chứng được Phật quả viên mãn. Việc này trên kinh Phật nói, còn phải trải qua ba đại A Tăng Kỳ kiếp, làm gì bằng đến thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Một số đồng tu nghe đến lời nói này của chúng tôi hoài nghi rằng: “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh không có cách nói này, hạ hạ phẩm vãng sanh phải mười hai kiếp mới hoa khai kiến Phật”. Không sai, thế nhưng chúng ta nên biết vì sao Phật phải nói lời nói này. Chúng ta học Phật phải nương vào một bộ kinh. Chỗ nương vào nhất định là kinh Vô Lượng Thọ. Hơn nữa, trong kinh Vô Lượng Thọ, phẩm thứ sáu, bốn mươi tám nguyện do chính Phật A Di Đà nói, Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu Tịnh Độ cho chúng ta. Tịnh Độ ba kinh, nếu có một câu trái với bốn mươi tám nguyện thì chúng ta không thể tin tưởng. Mở quyển kinh ra, mỗi câu mỗi chữ đều tương ứng với bốn mươi tám nguyện. Thế nên Thế Tôn vì sao nói pháp này? Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa. Vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc nếu không luận gia trì bổn nguyện Di Đà, chúng ta hạ hạ phẩm vãng sanh phải tu mười hai kiếp mới hoa khai kiến Phật. “Không luận gia trì” ý nghĩa như vậy. Trong ý này có mật nghĩa. Mật nghĩa nói rõ thế giới Tây Phương thù thắng không gì bằng. Chúng ta lấy cảnh giới này mà nói, hạ hạ phẩm vãng sanh đó là phàm phu, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn. Đới nghiệp vãng sanh, phiền não còn chưa đọan, huống hồ mười hai kiếp hoa khai kiến Phật. Theo thiền tông, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, địa vị Viên giáo sơ trụ. Chúng ta hiểu rõ, nếu không phải ở thế giới Tây Phương, một phàm phu muốn thoát khỏi sáu cõi, muốn siêu việt mười pháp giới chứng được Viên Sơ trụ, kinh Hoa Nghiêm nói phải trải qua vô lượng kiếp. Vì sao phải trải qua thời gian dài đến vậy? Vì thời gian thoái chuyển qua nhiều, tiến ít lùi xa, chưa kể những thoái duyên. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có thoái duyên mà chỉ có tiến bộ, cho nên mười hai kiếp liền thành công. Mười hai so với vô lượng kiếp, thời gian đã rút ngắn quá nhiều. Thù thắng của thế giới Tây Phương theo lời Phật nói là như vậy.

Tuy nhiên tình hình thực tế lại khác, xem Bốn mươi tám nguyện, thế giới Tây Phương là căn cứ bậc nhất của Tịnh tông. A Di Đà Phật nói, người sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là A Duy Việt Chí Bồ Tát. Bồ Tát A Duy Việt Chí là ai? Trong chú giải của cổ đức, địa vị thấp nhất là Thất Địa Viên giáo, địa vị cao nhất là đẳng giác Bồ Tát. Hay nói cách khác, vừa sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, ngôi vị của chúng ta từ thấp nhất là Thất Địa lên đến Đẳng giác. Thật khó tin. Mười phương Thanh Văn, Duyên giác, Bồ Tát nghe rồi đều không tin tưởng. Họ tu hành khổ cực, quả báo đạt được rất ít, còn chúng ta không làm gì đáng kể nhưng một bước là lên trời, lập tức trở thành Thất Địa, đương nhiên họ sẽ không thể tin phục, dù không tin phục nhưng đó vẫn là sự thật. Vì sao chúng ta có thể lên đến quả vị cao như vậy? Gia trì bổn nguyện của A Di Đà Phật. Pháp môn này gọi là “pháp môn nhị lực”. Chính mình chỉ cần đầy đủ “Tín, Nguyện, Hạnh”, thâm tín thiết nguyện, lão thật niệm Phật, bốn mươi tám nguyện A Di Đà Phật sẽ gia trì chúng ta, đó là tha lực giúp chúng ta sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc với phẩm vị cao, thành tựu thù thắng.

Dù có tra khắp Đại Tạng kinh cũng không có cách nói này ngoài kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, cho nên phải tin tưởng. Thời xưa tu học pháp môn này, nhưng chúng ta chưa hề thấy hoặc nghe hiện tượng người vãng sanh nên không cần bàn luận, nhưng từ lúc chúng ta học Phật tiếp xúc với pháp môn này, chúng ta mới thực tế kiểm chứng những người y theo pháp môn mà tu hành, thực sự đã có người đứng mà ra đi, ngồi mà đi, mắt thấy tai nghe, không thể giả được.

Trích bài giảng Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác
Pháp sư Tịnh Không giảng
Vọng Tây cư sĩ biên dịch