Người Niệm Phật Phải Chuyển Đổi Ý Niệm Khi Phiền Não Phát KhởiKhi cảnh giới hiện tiền, lúc chúng ta khởi tâm động niệm, một ý niệm khởi lên, ý niệm thứ hai phải là “A Di Đà Phật”… Cổ đức nói rất hay: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác ngộ chậm”… Ý niệm của người tu hành là phải chuyển đổi nhanh, ý niệm thứ hai phải chuyển thành “A Di Đà Phật”, thứ ba là “A Di Đà Phật”, thứ tư là “A Di Đà Phật”. Ý nghĩ A Di Đà Phật này niệm niệm tương tục, phải biết không để cho ý nghĩ phiền não niệm niệm tương tục.

Chỉ cần khởi tâm động niệm, bất kể là ý niệm gì, ý niệm vừa khởi dậy, lập tức chuyển thành “A Di Đà Phật”… Cổ đức Thiền Tông thường cảnh tỉnh con người: Bất phạ niệm khởi, chỉ phạ giác trì” (không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác ngộ chậm), không sợ vọng niệm khởi lên, chỉ sợ ý nghĩ này tiếp nối ý nghĩ kia, tương sinh liên tục. Niệm thứ nhất vừa khởi, cảnh giác được, ý niệm thứ hai chuyển đổi thành “A Di Đà Phật”… Mọi lúc niệm A Di Đà Phật, mọi nơi niệm Phật A Di Đà, niệm niệm đều là A Di Đà Phật thì đúng rồi. Người tu hành khác với những người thường, đó là họ hoán chuyển rất nhanh. Niệm thứ nhất là vọng tưởng, thì họ đã phát giác. Ý niệm thứ hai đã đổi rất nhanh thành “A Di Đà Phật” rồi. Đổi thành “A Di Đà Phật” tức là “giác”. Vọng tưởng khởi dậy là mê, mê lập tức chuyển thành giác, tức là giác ngộ. Nói như vậy tức là phá mê khai ngộ. Nhất định phải giác ngộ nhanh, trong tâm chỉ có Phật, không có vọng tưởng khác.

Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta “Ức Phật, niệm Phật”. “Ức” là tưởng niệm trong lòng. Trong lòng tưởng Phật là tâm thanh tịnh, miệng niệm Phật là thân thanh tịnh. Phải nhớ kỹ phương pháp tiện lợi này, mọi lúc mọi nơi, đi, đứng, nằm, ngồi, không có gò bó, sử dụng một câu Phật hiệu này, quên hết tập khí phiền não, phân biệt, chấp trước.

“Ức Phật niệm Phật, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai.” Đây là tổng cương lĩnh, dạy quý vị “Tịnh niệm tương kế”. “Tịnh” tức là không hoài nghi, không xen tạp; “Tương kế” tức là không gián đoạn. Bí quyết vãng sanh bất thoái thành Phật đều truyền thụ cho chúng ta, chúng chỉ còn xem chúng ta làm như thế nào mà thôi.

“Ức Phật niệm Phật” thật sự làm được không gián đoạn, không xen tạp. Bất luận trong hoàn cảnh nào, thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng được; bất kể ở cùng ai, người thiện cũng tốt, người ác cũng được, một niệm nguyện cầu vãng sanh này quyết không gián đoạn, trong tâm một câu Phật hiệu này niệm niệm liên tục, quyết không để ảnh hưởng. Trong miệng có thể không niệm, niệm trong tâm. Đôi khi gặp nghịch duyên, quý vị niệm Phật hiệu, họ nghe không lọt tai, phỉ báng quý vị, thì quý vị niệm thầm trong tâm, miệng không niệm, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Đây là chỗ thù thắng của pháp môn niệm Phật.

Trích Niệm Phật Thành Phật
Lão pháp sư Tịnh Không