Người Niệm Phật Phải Sửa Tánh Xấu Mới Dễ Vãng SanhNgười niệm Phật tối kỵ nhất chính là trong tâm tạp loạn, suy nghĩ đủ thứ. Niệm Phật như vậy có nhiều đi nữa, thì công phu cũng không đắc lực, công phu thật sự đắc lực chính là vọng tưởng, tạp niệm ít đi, trí tuệ thanh tịnh tăng nhiều, thì có được lợi ích niệm Phật rồi. Một mặt niệm Phật, còn một mặt suy nghĩ đủ thứ, thị phi nhân ngã, đấy là tự làm hại bản thân mình, hủy diệt bản thân mình. Tâm thái như vậy giống như suốt ngày làm bạn với ma. Người niệm Phật nhất tâm thanh tịnh, một câu Phật hiệu tiếp nối một câu Phật hiệu thì làm bạn với Phật.

Lúc niệm Phật, tâm giống Phật hay không? Thật sự niệm đến mức tâm giống như tâm Phật, nguyện giống nguyện Phật, hạnh giống hạnh Phật mới có thể vãng sanh. Trong miệng niệm Phật, trong tâm vẫn có thị phi nhân ngã, tham, sân, si, mạn thì người này không thể vãng sanh. Vì sanh đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, ngày ngày còn cãi cọ với Chư Thượng Thiện Nhân, làm cho Tây Phương Cực Lạc Thế Giới cũng không yên ổn, tất nhiên là như vậy. Không sửa tập khí xấu thì niệm Phật không thể vãng sanh.

Phải niệm cho sạch hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm liền thanh tịnh, đấy là biết niệm. Một mặt niệm Phật, một mặt sanh vọng tưởng, đấy là không biết niệm, có niệm thì cũng không thể vãng sanh. Vì thế công phu niệm Phật là như trong kinh nói “nhất tâm bất loạn”, niệm đến nhất tâm bất loạn thì thành công.

Ta phải bỏ cho hết tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đều buông bỏ hết, chỉ cần một câu Phật hiệu này. Ðây là người thật sự tu Tịnh Ðộ, đây là đệ tử Phật chân chánh. Ðặt hết tâm ý vào trong câu Phật hiệu hoặc là vào việc tụng kinh, vọng niệm có sanh ra thì đừng để ý đến. Niệm như vậy lâu rồi, tập trung tâm ý thì chính là trong kinh nói “nhất tâm”, quyển kinh này nói “nhất hướng chuyên niệm”. Tâm của bạn chuyên nhất, vọng tưởng sẽ dần dần ít đi, đây chính là công phu đắc lực, công phu tiến bộ. Ðến khi công phu thật sự đắc lực, bạn sẽ cảm thấy bản thân hoàn toàn không giống trước đây, có thể thật sự cảm nhận được niềm vui hạnh phúc của đời người, được thân tâm tự tại; phiền não ít đi, vọng tưởng ít đi, tâm địa thanh tịnh, trí tuệ tăng trưởng.

Lục Tổ nói rất hay: “Tự Phật, tha Phật thị nhị pháp” (tự Phật, tha Phật là hai pháp). Hai pháp thì không phải là Phật Pháp. “Nhất niệm bất sanh” (không sanh một niệm) chính là Phật Pháp. Sanh một niệm là vọng niệm. Chúng ta một ngày từ sáng đến tối niệm câu “A Di Ðà Phật” này là chánh niệm. Ta nhớ A Di Ðà Phật, ta và Phật hòa vào nhau, hợp lại thành một thể. Nhớ và niệm A Di Ðà Phật, không phân biệt Phật cũng không phân biệt ta, chính là chánh niệm hiện tiền. Hễ sanh phân biệt chính là vọng tưởng, chính là chấp trước. Vì thế dùng câu Phật hiệu này niệm cho sạch vọng tưởng, chấp trước là đúng rồi.

Trích từ sách Niệm Phật Thành Phật
Pháp sư Tịnh Không