Tụng Kinh Địa Tạng Lợi Ích Thai NhiTrần nữ sĩ là láng giềng của tôi, vừa rồi tâm sự: Con gái tôi có thai hơn bảy tháng, gần đây thai nhi ở trong bụng thường hay tay đấm chân đá, khiến mẹ nó vô cùng đau đớn.

Tôi bảo bà, suy theo giáo lý Phật thì đứa con trong bụng là nghiệt duyên tìm tới đòi nợ hành hạ đây. Cũng có thể là do nghiệp sát sinh ăn thịt tạo thành. Tốt nhất từ hôm nay, thai phụ nên ngưng ăn thịt ( tức là ngưng ăn mặn mà ăn chay hoàn toàn) Bà bảo cháu hãy vì thai nhi tụng một bộ kinh Địa Tạng thử xem. Chỉ cần cung kính nhất tâm tụng, sẽ có hiệu quả tốt.

Tôi còn nói thêm:

– Nếu như thai phụ kiên tâm trì tụng bảy bộ kinh Địa Tạng hồi hướng cho cháu, thì sẽ giải trừ oan gia giữa hai mẹ con, còn nếu như tụng kinh Địa Tạng rồi mà không có hiệu quả, thì tôi sẽ để con gái của bà ăn thịt lại…

Tiếp đến, tôi đưa bà cuốn kinh Địa Tạng để đem về cho con gái tụng.

Hôm sau, Trần nữ sĩ vui vẻ cảm ơn tôi. Bà nói:

– Đêm qua, tôi về nhà đem lời tiên sinh kể cho cháu nghe, nó nghe xong thì lập tức tắm rửa, khởi sự tụng kinh Địa Tạng. Tụng xong thì thấy thai nhi để yên không đánh đấm nữa. Cuối cùng đêm rồi con gái tôi cũng được ngủ an giấc. Đây là kỳ tích chưa từng có được trong mấy tháng gần đây.

Đồng thời con bà cũng từ bỏ thói quen ăn mặn. Trần nữ sĩ lại tán thán nói:

– Phật pháp thật quá linh nghiệm, giá như con gái tôi được mách bảo sớm một chút, ngày thường biết tụng kinh thì đâu đến nỗi phải chịu khổ như vậy?

Không bao lâu, con gái Trần nữ sĩ sinh ra một bé trai khả ái. Lúc sinh nở hầu như không bị đau đớn. Suốt một tháng ở cữ, mỗi ngày cháu đều tụng một bộ kinh Địa Tạng. trước đây, sản phụ ưa ăn mặn, nhưng kỳ quái là bây giờ hễ nghe đến thịt là rất ghét. Trần nữ sĩ hỏi tôi nguyên nhân vì sao?

Tôi bảo nghe mùi thịt rất không ưa, đó là nhờ công đức tụng kinh nên thân tâm được tịnh hóa. Khiến Phật tính vốn có tự thân hiển lộ, không còn muốn tiếp thọ thức ăn máu thịt của chúng sinh. Con gái bà giờ chỉ cần ăn nhiều thức chay rau quả, thân thể nhất định sẽ tốt hơn trước.

Trích từ Nhân Quả Báo Ứng
Tác giả: Quả Khanh
Dịch Giả: Hạnh Đoan

Thỉnh Kinh Địa Tạng