Khi Tâm Thanh Tịnh Thì Mọi Rào Cản Về Vật Chất Biến MấtKhi tôi mới học Phật, rất ưa thích đọc “Hư Vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ”. Tôi bị chấn động rất lớn khi đọc quyển sách này. Tôi xem qua mười biến. Trong niên phổ của Lão Hòa thượng có ghi chép một câu chuyện, nhà Phật chúng ta gọi là công án. Có một năm, khi qua năm mới, Lão Hòa thượng ở chòi tranh trên núi, cách tự viện cũng không xa lắm, Ngài đi bộ đến tự viện (lúc đó là đi bộ, không có xe, tuy là không quá xa nhưng cũng phải đi nửa giờ đồng hồ. Nếu như có xe thì đại khái chỉ có ba đến năm phút thôi). Khi Ngài rời khỏi tự miếu để trở lại chòi tranh. Lão pháp sư tuổi tác đã lớn, đi đường không được nhanh, người khác đi đường nửa giờ đồng hồ, có thể Ngài phải đi một giờ rưỡi đồng hồ. Ngài từ từ mà đi, tâm là định. Đi gần đến chòi tranh của Ngài, lúc đó trời đã tối rồi, ở trên đường gặp được hai người xuất gia. Người ta buổi tối đi ra ngoài thì phải cầm đèn lồng, gặp Lão Hòa thượng ở trên đường, đột nhiên xem thấy Ngài, họ hỏi: “Lão Hòa thượng! Vì sao trời tối đến như vậy rồi mà Ngài không có đèn, Ngài một mình sao mà đi được như vậy?”. Hư Lão Hòa thượng nghe câu nói này rồi, đột nhiên khoảng không gian trước mắt tối đen, thì ra khi Lão Hòa thượng ra đi là một mảng sáng lạn. Chỗ này cho chúng ta một chứng minh, tâm này của chúng ta chỉ cần có thời gian ngắn thanh tịnh, thì liền có cảnh giới không thể nghĩ bàn ngắn ngủi hiện tiền. Thời gian đó của Ngài không dài, chúng ta dự đoán cũng chẳng qua hơn một giờ đồng hồ, một đến hai giờ đồng hồ, khi Ngài ra đi, vào thời khắc đó vĩnh viễn giữ được thời gian đó. Tại vì sao có thể giữ được vậy? Ngài không có ý niệm, trong lòng không có vọng tưởng, không có tạp niệm, cho nên khi rời khỏi tự viện, trời vẫn rất sáng, mãi đi thì trời vẫn là đang sáng, không hề xem thấy trời tối. Khi người khác vừa nhắc, vừa hỏi thì thế nào? Phân biệt, chấp trước liền hiện tiền. Nếu không có người nhắc lời nói này, Ngài không có cái phân biệt này, không có cái chấp trước này, Ngài đang ở trong một thời gian không gian khác, người ta vừa nhắc đến thì vừa phân biệt, vừa chấp trước, lập tức liền quay trở lại, trước mắt là một mảng tối tăm. Loại thí dụ này, cổ đức có rất nhiều, chúng ta thường xem thấy ở trong điển tích.

Trong lời tựa của “Kinh Lăng Nghiêm Giảng Nghĩa”, Pháp sư Viên Anh cũng viết ra một câu chuyện của chính mình. Ngài ngồi tĩnh tọa ở trong phòng, tâm rất thanh tịnh, vào lúc này vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều không còn, đột nhiên nghĩ đến sự việc này cần phải làm, rời khỏi chỗ ngồi liền ra ngoài làm việc. Sau khi đi ra rồi, Ngài bỗng nhiên nghĩ: “Ta làm sao có thể ra được? Dường như mình không hề mở cửa!”. Ngài quay trở lại xem thử, đẩy cửa vào, cửa vẫn cài trong. Làm sao Ngài có thể ra được? Không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, Ngài liền không có chướng ngại. Thân là giả, cửa là giả, giả cùng giả thì có gì chướng ngại chứ? Đương nhiên sẽ không có chướng ngại. Thế nhưng vừa có phân biệt thì thân là thật, cửa cũng là thật, vậy thì liền bị chướng ngại rồi. Hai vị Đại đức này cách chúng ta không xa, là Đại đức cận đại. Sự việc mà đích thân các Ngài được chứng minh cho chúng ta những gì Phật đã nói trên Kinh đều là sự thật, tuyệt đối không phải là hư vọng. Ngày nay chúng ta bị hại là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Trích Kinh Vô Lượng Thọ giảng ký (tập 165)
HT.Tịnh Không