Người Tu Phật Chỉ Nên Tụng Một Bộ Kinh Vì Khi Một Kinh Thông Thì Tất Cả Kinh ThôngTrong Tứ Hoằng Thệ Nguyện nói với chúng ta là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, vậy vì sao bảo chúng ta học một môn? Một môn này cùng vô lượng là một ý nghĩa, không có một chút mâu thuẫn nào. Nói thế nào vậy? Tổ sư đại đức nói với chúng ta: “Một kinh thông tất cả kinh thông”, tất cả kinh không phải là vô lượng pháp môn hay sao? Bạn thông một pháp môn rồi thì bao gồm tất cả pháp môn đều thông, đây gọi là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.

Tôi thấy rất nhiều đồng tu đều xem qua Đàn Kinh, Lục tổ Đại sư Huệ Năng thiền tông triều nhà Đường nói (đại sư Huệ Năng không biết chữ, cho nên không phải do Ngài viết, là do Ngài giảng, học trò của Ngài ghi chép cho Ngài), thời gian học giáo của Ngài rất ngắn, ngay trong một đời học giáo, đại khái ở ngay trong tưởng tượng của chúng ta nhiều nhất vẫn chưa tới hai ba giờ, ngay trong một đời học giáo của Ngài nhiều nhất là hai ba giờ đồng hồ. Bạn thấy, nửa đêm Ngũ tổ Hoằng Nhẫn bảo Ngài đến phòng, giảng kinh Kim Cang cho Ngài nghe, giảng đến “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Ngài liền khai ngộ, phía sau không cần giảng nữa. Các vị phải nên biết, hai giờ đồng hồ đó của Ngài thật cừ khôi, Ngũ tổ giảng cho Ngài là giáo-lý-hành-quả của kinh Kim Cang, khi Ngài Huệ Năng nghe giảng hai ba giờ đồng hồ liền tín-giải-hành-chứng. Hai người đều rất cừ khôi, một người biết nói, một người biết nghe, làm gì giống như chúng ta ở nơi đây, giảng nhiều năm đến như vậy vẫn không thể chứng quả.

Bạn thấy đại sư Huệ Năng vừa chứng ngộ thì Ngài liền thông đạt tất cả. Trong lúc Ngài chạy nạn, gặp được người thứ nhất là Tỳ kheo ni Vô Tận Tạng, cả đời vị Tỳ kheo ni này thọ trì kinh Đại Bát Niết Bàn. Số lượng của kinh Đại Bát Niết Bàn tương đối nhiều, có hai loại bản dịch, một bản dịch là 36 quyển, một bản là 40 quyển, phân lượng tương đối nhiều. Tỳ kheo ni này tuy là ngày ngày đọc tụng nhưng không hiểu được nghĩa của kinh. Đại sư chạy nạn gặp được, vị Tỳ kheo ni này đem kinh Đại Bát Niết Bàn đọc cho đại sư Huệ Năng nghe, sau khi đại sư Huệ Năng nghe rồi liền giảng giải ý nghĩa trong đó cho Tỳ kheo ni nghe, Tỳ kheo ni Vô Tận Tạng cũng khai ngộ. Kinh này Ngài không có học qua, Ngài vừa nghe liền hiểu, chỗ này chính là nói rõ một kinh thông tất cả kinh thông là sự thật, cho nên chữ thông này là từ trong bộ kinh này minh tâm kiến tánh. Kiến tánh mới gọi là thông, không kiến tánh không gọi là thông. Sau khi kiến tánh thì tất cả thế xuất thế gian pháp đều thông, vì sao vậy? Tất cả pháp thế xuất thế gian là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Kiến tánh chính là thấy được tâm tánh, thấy được thức tánh, cho nên thế xuất thế gian pháp vừa tiếp xúc thì liền thông hết.

Thiền sư Pháp Đạt đến Tào Khê gặp Lục Tổ, thỉnh giáo với đại sư. Khi gặp mặt đương nhiên là đảnh lễ. Lục tổ thấy được, khi ông đảnh lễ đầu không chạm đất. Lục Tổ liền hỏi ông: “Ông nhất định có một chút bản lĩnh đáng được kiêu ngạo”. Đầu không chạm đất là kiêu ngạo, đáng được kiêu ngạo, liền hỏi ông có bản lĩnh gì? Ông nói ông đọc được ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa. Không tệ, có chút bản lĩnh. Số lượng của kinh Pháp Hoa rất lớn, đại khái một ngày đọc qua một lần, hơn ba ngàn bộ là mười năm, thì biết được ông đã đọc kinh Pháp Hoa mười năm, đáng được kiêu ngạo. Lục Tổ liền hỏi ông ý nghĩa của kinh Pháp Hoa thế nào? Ông không nói ra được. Pháp Đạt dập đầu sát đất thỉnh giáo với Lục Tổ. Lục Tổ nói: “Kinh Pháp Hoa tôi chưa nghe qua, ông đọc cho tôi nghe”. Thế là ông đọc từ đầu, đọc đến phẩm Phương Tiện, kinh Pháp Hoa có 28 phẩm, phẩm Phương Tiện là phẩm thứ hai, đọc đến phẩm thứ hai thì Lục Tổ nói không cần đọc nữa, tôi hoàn toàn hiểu hết rồi, liền giảng cho ông ấy nghe. Sau khi giảng rồi ông cũng khai ngộ. Đây chính là nói rõ một kinh thông tất cả kinh thông. Cho nên giáo dục của Phật giáo không giống như giáo dục của thế gian. Ngày nay chúng ta dùng giáo dục thế gian để học giáo dục của Phật thì đáng lo, đem kinh điển của Phật làm thành sách giáo khoa thế gian để xem thì hỏng rồi.

Trích Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ giảng ký (phần 53)
Người giảng: Pháp sư Tịnh Không