Làm Sao Chúng Ta Tự Biết Thật Sự Mình Có Đủ Tín & Nguyện Để Vãng Sanh?Di Đà Kinh Yếu Giải dạy “Nếu không có tín nguyện, dù trì danh hiệu đến mức gió thổi không lọt, mưa rơi không thấm, như tường đồng vách sắt thì cũng không có lẽ nào được vãng sanh. Người tu tịnh nghiệp chớ nên không biết. Đại Bổn A Di Đà Kinh cũng dạy phát Bồ Đề Tâm là điều trọng yếu, cũng giống như kinh này”. Đoạn này vô cùng quan trọng, chúng ta phải thường phản tỉnh, tự mình thật sự có Nguyện hay không, có thật sự Tin hay chưa? Thật sự có nguyện, lúc bình thường miệng nói vậy, chứ thật sự thì chưa hẳn vậy, vì sao? Giả sử lúc có tai nạn khủng khiếp xảy ra, vẫn còn lo đến mạng sống, còn chưa chịu ra đi, đó là tín và nguyện đều có vấn đề. Thí dụ như chúng ta niệm Phật ở đây, mục đích niệm Phật là cầu vãng sanh, căn nhà này đột nhiên bốc cháy, hoặc là một trận động đất lớn xảy ra, chúng ta liền mau chạy ra ngoài để lánh nạn, đó là tín nguyện hoàn toàn không có! Lúc bình thường nói phát nguyện muốn cầu vãng sanh, đến lúc đó đều là giả, hoàn toàn là giả. Do vậy đó là công phu, phải coi chân tâm của chúng ta.

Lúc một người khởi chân tâm, họ sẽ thật sự như như chẳng động [họ sẽ nghĩ]: “Thiệt là đúng lúc, cơ hội đã đến, cơ hội vãng sanh đã đến, một lòng một dạ niệm Phật hăng hái thêm nữa”, người đó sẽ vãng sanh. Do vậy, Tín và Nguyện chẳng dễ! Đừng nghĩ quá đơn giản. Tự mình chúng ta cố gắng phản tỉnh, kiểm điểm coi tín nguyện của mình được mấy điểm? Sợ rằng đều không đủ điểm. Do vậy, trong mỗi niệm chúng ta phải đem thân tâm thế giới thảy đều buông xuống, niệm niệm đều cầu sanh Tịnh Độ. Lúc gặp cơ hội liền nắm lấy, vui mừng mong vãng sanh, không mong lưu lại thế giới Sa Bà này thêm một ngày nào nữa. Thế gian này quá khổ, có gì đáng lưu luyến đâu? Đây là điều chúng ta phải nên giác ngộ.

Trích từ sách Nhìn Thấu Là Trí Tuệ Chân Thật
Trích lục từ giảng ký của Lão Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không
Minh Trí và Mẫn Đạt chuyển ngữ
Như Hòa nhuận văn