Sơ Lược Về Lịch Sử Truyền Thừa Của Pháp Môn Tịnh Độ‏Thật ra đường lối tu tập Tịnh độ tông phát triển ở Ấn Độ nhưng không lập thành tông phái, chỉ đến khi các kinh điển Tịnh độ từ Thiên Trúc được truyền sang Trung Hoa, pháp môn niệm Phật mới được thành lập tông phái và ngày càng lớn mạnh.

Chúng ta vẫn biết, dù Phật giáo truyền vào Trung Hoa từ cuối thế kỷ thứ I nhưng phải đến đầu thế kỷ thứ II, những kinh luận về Tịnh độ mới xuất hiện. Đầu tiên, vào năm 252, khi ngài Khang Tăng Khải từ Ấn độ đến Trung Hoa, đã dịch bộ “Kinh Vô Lượng Thọ”ra chữ Hán, giai đoạn này là vào thời Ngụy (250); kế đến thời Tôn Quyền, cư sĩ Chi Khiêm phát tâm phiên dịch bộ đại A Di Đà Kinh; mãi đến thế kỷ thứ IV, vào đời Diêu Tần, ngài Cưu Ma La Thập mới bắt tay vào dịch bộ kinh “Phật Thuyết A Di Đà Kinh” còn được gọi là “Tiểu Bản Kinh A Di Đà” mà ngày nay giới Phật tử chúng ta thường đọc tụng. Tiếp theo, các ngài Phật-đà-bạt-đà-la (Giác Hiền) dịch Tân Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Niệm Phật Tam Muội Kinh; ngài Trí Nghiêm dịch Tịnh Độ Tam Muội.

Sang thế kỷ thứ V, vào thời Lưu Tống, ngài Cương Lương Da Xá phiên dịch bộ “Kinh Quán Vô Lượng Thọ”. Đặc biệt, bộ “Vãng Sanh Tịnh Độ Luận” đã được ngài Thế Thân giảng luận rất sâu sắc, tinh tế. Đây là bộ luận rất có giá trị cho những người tu theo pháp môn Tịnh độ. Trước sự ra đời của ba bộ kinh: “Vô Lượng Thọ ”, “Tiểu Bản Kinh A Di Đà” và “Quán Vô Lượng Thọ” kết hợp với bộ “Vãng Sanh Tịnh Độ Luận” cùng vô số kinh điển Đại thừa ca ngợi, xiển dương Tịnh Độ làm cho Tịnh Độ ngày càng khởi sắc. Ngồi ra từ căn bản của những kinh sách Tịnh Độ đã được phiên dịch ra chữ Hán, các bậc cao Tăng thời bấy giờ còn trước tác nhiều bộ luận quan trọng về Tịnh Độ. Có thể nói bước sang giai đoạn này thì Tịnh Độ tông không những đã có nền móng vững chắc mà còn phát triển rực rỡ tại Trung Hoa.

Về sau, đến thời Đông Tấn, Pháp sư Đạo An đã trước tác bộ “Tịnh Độ Luận” có nội dung khẳng định Tịnh Độ tông là một chánh tông trong Phật pháp. Cũng trong thời Đông Tấn, ngài Huệ Viễn đã quy tụ trên 130 người gồm cả Nho, Lão, và Phật tử mở ra hội “Bạch Liên Xã” ở núi Lô Sơn, tỉnh Giang Tây. Hội này chuyên ròng niệm Phật, phát nguyện vãng sanh về Tây phương Cực Lạc. Đức hạnh của Huệ Viễn Đại sư và những thành viên trong hội này đã làm dân chúng trong vùng hết lòng kính ngưỡng, và học theo phương pháp niệm Phật của Ngài.

Kế tiếp sau đó là ngài Đàm Loan sống vào thời nhà Ngụy, trước tu pháp “Trường sinh” của đạo Tiên, nhân được ngài Bồ Đề Lưu Chi từ Ấn Độ sang, trao cho Ngài bộ kinh “Quán Vô Lượng Thọ”, nhờ vậy mà Ngài đã bỏ đạo Tiên quay sang đạo Phật, xiển dương Tịnh Độ. Ngài Đàm Loan trước tác bộ “Vãng Sanh Luận Chú”, có thể nói đây là bộ luận danh tiếng của Tịnh Độ tại Trung Hoa thời bấy giờ. Sau ngài Đàm Loan là ngài Đạo Xước (đồ đệ của ngài Đàm Loan) sống vào đời Đường, hoằng truyền pháp môn Tịnh Độ. Thường nhật Ngài chuyên giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ tại chùa Huỳnh Trung, công phu niệm Phật của Ngài có nhiều thọ dụng nên hiển hiện ra nhiều điều linh ứng. Ngài trước tác tập “An Lạc” có nội dung ca ngợi sự linh ứng của pháp môn niệm Phật, qua đó tăng trưởng Tín Hạnh Nguyện cho người tu theo pháp môn niệm Phật.

Sau ngài Đạo Xước là ngài Thiện Đạo trụ trì chùa Quang Minh ở Trường An, ngài Thiện Đạo rất tinh chuyên niệm Phật và ra sức hoằng dương giáo nghĩa Tịnh Độ. Ngồi ra Ngài còn trước tác ra những bộ luận quan trọng như: Quảng Kinh Tứ Nhiếp Sớ, Đại Sớ và Tịnh Độ Pháp Yếu. Đây là những bộ luận giảng về tông chỉ Tịnh Độ rất sâu sắc thiết thực. Trong hàng đệ tử của ngài có Đại sư Hồi Cảm, rất giỏi về Pháp Tướng Tông, nhưng về sau chuyên tu theo Tịnh Độ. Ngài Hồi Cảm có soạn cuốn “Quyết Nghi Luận”, nội dung phá nghi, làm sáng tỏ giáo nghĩa Tịnh Độ.

Kế đến có Thiền sư Pháp Chiếu cũng xiển dương Tịnh Độ tông, Ngài từng thấy đức Văn Thù, đức Phổ Hiền và Thiện Tài Đồng Tử. Mọi người cho rằng Ngài là hóa thân của Hòa thượng Thiện Đạo. Sau Thiền sư Pháp Chiếu có Pháp sư Thiếu Khương, là người thông suốt Luật tạng, chuyên nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm, lãnh hội yếu chỉ Pháp Tướng tông, trí tuệ siêu việt, về sau Ngài cũng tu theo pháp môn niệm Phật, thường khuyên mọi người phát nguyện cầu vãng sanh về Tây phương Cực Lạc.

Ngài Trí Giả ở Thiên Thai, ngài Cát Tạng trụ trì chùa Gia Tường, ngài Pháp Thường ở chùa Phổ Quang, ngài Nguyên Hiểu, ngài Cảnh Hưng vv… đều là nhũng bậc Đại sư lãnh hội yếu chỉ Phật pháp, dù các ngài có phát huy tông phái riêng của mình nhưng vẫn một lòng xiển dương Tịnh Độ. Hầu hết các Đại sư này đều xác tín Tịnh Độ là một pháp môn hợp mọi căn cơ, phù hợp với thời đại và làm lợi ích cho chúng sanh thời mạt pháp.

Căn cứ vào những sử liệu hiện nay đang có thì các ngài Huệ Viễn, ngài Thiện Đạo, ngài Thừa Viễn, ngài Pháp Chiếu, ngài Thiểu Khương, ngài Diên Thọ, ngài Tỉnh Thường, ngài Châu Hoằng được người đời sau suy tôn là tám vị Tổ sư đầu tiên của Tịnh Độ tông tại Trung Hoa. (có tài liệu ghi rằng ngài Thạch Chí Hiểu sống vào đời nhà Tống đã thừa hành các bậc cao Tăng thạc đức thời bấy giờ lập theo thứ tự truyền thừa để suy tôn).

Đến đời nhà Minh, ngài Ngộ Khai đề cử ngài Ngẫu Ích làm Tổ thứ chín kế thừa ngài Châu Hồng. Sau đó, ngài Ấn Quang đã họp các bậc cao Tăng thạc đức tu pháp môn niệm Phật tại đạo tràng Linh Nham. Tại đây chúng hội đã suy tôn ngài Hành Sách làm Tổ thứ mười, suy tôn ngài Thật Hiền lên ngôi vị thứ mười một và Tế Tỉnh Đại sư lên ngôi vị thứ mười hai. Sau khi Đại sư Ấn Quang viên tịch, các liên hữu đã suy tôn Ngài lên ngôi vị Tổ thứ mười ba của Tịnh Độ tông.

Riêng tại Việt Nam, pháp môn niệm Phật chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người con Phật. Ngay từ ngày đầu du nhập, câu “Nam mô A Di Đà Phật” đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam, do bởi ngay trong câu Phật hiệu này, đã nói lên tấm lòng từ bi bao dung độ lượng của người con Phật, nó rất gần gũi với nếp sống hiền lương của người dân Việt.

Pháp môn Tịnh Độ du nhập vào Việt Nam trước thế kỷ thứ III, thế nhưng mãi đến thế kỷ thứ V, Tịnh độ tông mới thật sự phát triển. Giai đoạn này, các bộ kinh “Vô Lượng Thọ” và “Quán Vô Lượng Thọ” đã được nhà sư Đàm Hoằng người Trung Quốc mang vào nước ta, điều này đã giúp cho sự lưu thông của pháp môn Tịnh Độ thêm phổ biến.

Sang đến thế kỷ XI, vua Lý Thánh Tông (1023-1072) tuy thuộc thế hệ thứ nhất dòng thiền Thảo Đường, nhưng vẫn thường trì danh niệm Phật. Vào năm 1066, vua Lý Thánh Tông đã cho tạc một pho tượng Phật A Di Đà rất đẹp, tôn thờ tại tháp chùa Vạn Phúc. Ngày nay pho tượng này vẫn còn lưu giữ tại chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự) tỉnh Bắc Ninh.

Đến thế kỷ XII, có Thiền sư Tịnh Lực (1111-1175), tuy thuộc thế hệ thứ mười Thiền phái Vô Ngôn Thông, nhưng Ngài vẫn âm thầm mật tu Tịnh độ và thâm chứng “Niệm Phật Tam Muội”. Đặc biệt, vào thế kỷ XIII, vua Trần Thái Tông (1218-1277) đã dành hẳn thiên “Niệm Phật Luận” để bàn về niệm Phật trong “Khóa Hư Lục”, nội dung nói về lợi ích của pháp môn niệm Phật, qua đó khẳng định sự thù thắng nhiệm mầu, phù hợp mọi căn cơ của pháp môn niệm Phật.

Từ thế kỷ XVII trở về sau, pháp môn Tịnh Độ phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong giai đoạn này, một số trước tác về Tịnh Độ tông có giá trị như: “Bồ Đề Yếu Nghĩa” của Pháp sư Viên Văn Chuyết Chuyết (1590-1644), “A Di Đà Kinh Sớ Sao” của Đại Sư Minh Châu Hương Hải v.v… Đến thời cận đại chúng ta, đa số chư vị Hòa thượng đều xiển dương pháp môn Tịnh Độ, có thể kể đến: Hòa thượng Phước Huệ, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Thiên Hoa, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Thiền Tâm v.v… các Ngài đều là những bậc cao Tăng thạc đức, hết lòng phụng sự đạo pháp, suốt một đời chuyên tu Tịnh Độ và khuyên người niệm Phật.

Trích từ sách Chân Thật Niệm Phật Cực Lạc Hiện Tiền
Thích Thiện Phụng