Tu Học Chọn Sai Pháp Môn Sẽ Dẫn Đến Chây Lười Chán Nản Không Kết QuảTrong Phật pháp, sự lựa chọn pháp môn tu học rất quan trọng, nếu chọn pháp môn không phù hợp với căn cơ, ắt sẽ rất khó khăn trong việc hành trì, không những không mang lại kết quả như ý nguyện mà có khi còn khiến cho thân tâm sanh ra chướng ngại.

Đối với những Phật tử tại gia, nhất thời đã chọn cho mình một pháp môn, nhưng chưa thông hiểu nghĩa lý sâu xa của pháp môn mình đang tu học, nhận thức về tông chỉ pháp môn cũng như phương cách hành trì một cách hời hợt, hoặc tu theo sở thích, tu theo cảm tính, tu trong tư kiến cố chấp với tầm nhìn giới hạn… Chính vì vậy mà sự tu học không mang lại kết quả, dẫn đến sự chây lười, chán nản.

Khi đã khẳng định cho mình một pháp môn tu phù hợp và thích nghi với điều kiện sống của bản thân, điều quan trọng trước tiên là Phật tử phải để tâm học tập sao cho thực sự thâm nhập yếu chỉ pháp môn một cách tường tận, rốt ráo. Vì đây là chiếc chìa khóa để mở toang cánh cửa hành trì, để thảnh thơi bước vào ngôi nhà Phật pháp, khoan thai bước lên nấc thang giác ngộ, ung dung tự tin tự cởi trói mọi ràng buộc khổ đau, tiến đến vượt thốt khỏi luân hồi sanh tử. Sự học tập này rất là cần thiết vì nó phá tan mọi cố chấp theo tư kiến hẹp hòi vốn tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, hơn nữa sự thâm nhập pháp môn tu là vô cùng quan trọng cho cả cuộc đời học đạo.

Đức Phật ra đời như một lương y tài ba, tùy bệnh chúng sanh mà cho thuốc. Chúng ta phải biết bệnh trạng của chính mình mà chọn phương thuốc sao cho phù hợp. Phật pháp mênh mông vô tận, chúng ta nên chọn cho mình một pháp môn tu sao cho hợp với căn cơ và thích nghi với điều kiện và hồn cảnh sống của mình. Thật ra không có thuốc nào quí hơn thuốc nào, cũng như không có pháp môn nào cao hơn pháp môn nào cả. Tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật đề ra đều là phương tiện nhằm chữa trị tâm bệnh của chúng sanh. Mục đích chính là giúp chúng sanh nhận ra bổn tâm thanh tịnh của chính mình. Nếu chúng sanh thâm tín, nương theo tinh tấn tu hành, kiên định nơi một pháp vẫn có thể nhân đó giải thốt luân hồi sanh tử. Tuy nhiên có người lại nghĩ, tất cả pháp môn của Phật chỉ dạy đều vi diệu như nhau, đều thiết thực và mang lại lợi ích lớn cho chúng sanh, nên đều có thể sử dụng làm phương tiện tu học được cả. Lại nhận định, không phương tiện nào quí hơn phương tiện nào, tất cả đều cùng mục đích là giải thốt luân hồi sanh tử, nên tranh thủ tìm hiểu nhiều pháp môn càng tốt.

Do nhận thức sai lầm như vậy nên cùng một lúc tu nhiều pháp môn, điều này dẫn đến việc loạn tâm loạn niệm, trong nhà Thiền gọi trường hợp này là “tẩu hoả”. Đây là điều tối kỵ đối với những ai hướng về chánh pháp tu hành giải thốt. Vì sao vậy? Thật ra việc sử dụng một lúc nhiều phương tiện hay hành trì một lúc nhiều pháp môn, nó cũng giống như ăn cùng một lúc quá nhiều đồ ăn, điều này sẽ dẫn đến tình trạng bội thực, khó tiêu, no hơi, sình bụng.

Điều đặc biệt quan trọng cho việc tu tập của chúng ta là nên chọn một pháp môn, phải thông hiểu pháp môn mình đang hành trì và nương theo khả năng cũng như sức lực cho phép để việc hành trì được lâu dài kiên cố. Chúng ta đừng nên ăn quá nhiều đồ ăn mà chúng ta chưa từng hiểu cặn kẽ những món mà chúng ta sắp sữa cho vào bao tử, chúng ta cũng không nên ăn vội, ăn ẩu, không nên đụng đâu ăn đó, vì ăn như vậy nó sẽ trở nên vô bổ, phản tác dụng. Cũng vậy, chúng ta đừng thấy ai đó tu Thiền rồi bắt chước tu Thiền, đừng thấy người khác tu Tịnh Độ cũng quay sang tu theo Tịnh Độ mà không biết căn cơ mình phù hợp, thích ứng với pháp môn nào?

Trên thực tế đời sống hằng ngày, đối với thân xác, đối với lục phủ ngũ tạng của mình, ít ra chúng ta phải hiểu rõ nó thích ứng với điều kiện nhiệt độ nào để mặc thêm áo ấm, hay phải đi tắm để giải nhiệt. Tại sao cơ địa chúng ta chỉ thèm ăn cơm mà không chịu ăn bánh mì thường xuyên như người phương Tây? Chúng ta phải ý thức rằng, đó là vì bộ phận tiêu hóa của chúng ta chỉ dễ dàng tiêu hóa cơm mà không dễ thích ứng thường xuyên với các món ăn được chế biến từ các loại tinh bột. Tinh thần hoặc tánh khí chúng ta cũng vậy, có người kiên trì nhẫn nại, có người nóng nảy, vội vàng, có người nhanh, kẻ chậm. Thế thì việc chọn pháp môn tu học cũng vậy, chúng ta chỉ có thể chọn cho mình một pháp môn phù hợp với căn cơ của mình, vì nếu chọn sai, hẳn nhiên là dẫn đến việc tu tập nhiều năm mà không đem lại kết quả. Trên sự tìm hiểu, nghiên cứu, học tập có thể chúng ta đã tiếp thu nhiều, nhưng chưa chắc chúng ta đã hiểu nhiều, nếu đã hiểu cả rồi cũng chưa hẳn chúng ta đã nhận thức đúng và dễ dàng thực hiện được (dù rất muốn). Hiểu và làm đúng như điều mình hiểu là hai vấn đề khác nhau. Cũng như chúng ta ăn nhiều, uống nhiều nhưng chúng ta có tiêu hóa được hay không rõ ràng là hai vấn đề khác nhau. Trong việc tu hành, chúng ta cần phải lưu ý vấn đề này.

Đức Phật như đại lương y kê toa thuốc theo từng con bệnh. Đức Phật có nhiều loại thuốc và trong tam tạng kinh điển đức Phật luôn nói rõ tác dụng của từng phương tiện, phần chúng ta là con bệnh, trước hết chúng ta phải biết mình bệnh tình ra sao, sau đó mới tuỳ bệnh mà nhận thuốc, việc này không ai có thể làm thay chúng ta được.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thử nhận định, củ nhân sâm quý hay cái lá mùn quý? Trên thương trường rõ ràng là củ nhân sâm đắt giá hơn gấp trăm ngàn lần so với mấy cái lá mùn. Dù chênh lệch về giá cả như vậy, thế nhưng khi sử dụng thì không có loại nào quý hơn loại nào cả? Vì sao vậy? Vì một người trai trẻ sung sức đang bị táo bón mà dùng củ nhân sâm quả là không phù hợp, nếu không muốn nói là vô bổ, thậm chí nguy hiểm vì nhân sâm tuy bổ nhưng rất nóng (không hợp với người đang táo bón). Trong trường hợp này, thì mấy cái lá mùn tuy rẽ tlền kia lại vô cùng đắc dụng đối với chàng trai trẻ. Như vậy, rõ ràng là củ nhân sâm đại bổ và mấy cái lá mùn trị táo bón đều cùng giá trị như nhau trong việc duy trì sức khỏe của con người. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cơ địa mình đang cần thiết đến loại thuốc nào chứ không phải nhắm vào loại quí giá hơn để chọn.

Trích từ sách Chân Thật Niệm Phật Cực Lạc Hiện Tiền
Thích Thiện Phụng