Biết Trước Ngày Giờ Niệm Phật Vãng Sanh Đứng 3 Ngày 2 ĐêmLão pháp sư Đế Nhàn thường kể với mọi người: Lão hòa thượng Đế Nhàn có một người đồ đệ làm thợ vá nồi. Người này là bạn cùng chơi đùa thuở bé của pháp sư Đế Nhàn, tuổi tác chẳng chênh lệch cho mấy, ở trong thôn trang. Sau khi trưởng thành, gia cảnh nghèo hèn, chẳng có cơ hội đi học, bèn học một nghề thủ công là vá nồi, vá chén, dùng nghề mọn ấy để kiếm sống hết sức khổ sở. Thuở bé tôi thường thấy thợ vá nồi gánh một gánh nhỏ đi rảo trong làng vá nồi, vá chén. Vì thế, khi Ngài (pháp sư Đàm Hư) nói chữ ấy, tôi hiểu ngay, ông ta sống bằng nghề đó. Ông ta cảm thấy cuộc đời quá khổ, thấy bạn xuất gia, xuất gia cũng khá, bèn tìm đến, thưa với ngài Đế Nhàn, ông ta cũng muốn xuất gia, bái ngài Đế Nhàn làm sư phụ. Pháp sư Đế Nhàn nói: “Không được! Ông cứ làm nghề của mình đi, xuất gia há phải dễ dàng! Ông xuất gia, chậm lụt như vậy, mà cũng chẳng biết chữ, đầu óc chậm chạp, đoán chắc là học kinh sám, Phật sự, gõ pháp khí, xướng niệm đều học không nổi, tay chân vụng về! Học giảng kinh thì lại chẳng biết chữ”. Vì thế, cự tuyệt ông ta. Nhưng ông ta vẫn một mực nằn nì, chẳng chịu đi, không cho ông ta xuất gia cũng không được. Cụ Đế Nhàn chẳng còn cách nào, bèn đặt điều kiện với ông ta. Sư nói: “Nếu ông thật sự muốn xuất gia, tôi có mấy điều kiện, ông có thể làm được thì cho phép ông xuất gia”. Ông ta thưa: “Được! Nếu tôi bái thầy làm sư phụ, thầy dạy tôi điều gì, tôi cũng đều làm theo”. Lão pháp sư Đế Nhàn bất đắc dĩ cho ông ta xuống tóc. Chẳng ở trong chùa được, vì ở trong chùa có rất nhiều quy củ. Ông ta cũng đã bốn mươi mấy tuổi rồi, những tật xấu, tập khí chẳng dễ gì sửa được. Vì thế, đến vùng quê, tìm cho ông ta một ngôi chùa nhỏ, chẳng có ai ở, là một ngôi chùa hư nát, cho ông ta ở đó. Dạy ông ta niệm một câu Nam-mô A Di Đà Phật. Dạy gì khác ông ta cũng không hiểu, bèn dạy ông ta niệm: “Ông hãy niệm câu này, suốt ngày niệm câu Nam-mô A Di Đà Phật. Niệm đã mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ khỏe khoắn rồi lại niệm tiếp”. Làm như vậy sẽ nhẹ nhàng, thong dong, chẳng có áp lực gì. Chẳng phân biệt ngày, đêm, hễ niệm đã mệt bèn nghỉ ngơi, hễ nghỉ đã khỏe, bèn lập tức tiếp tục niệm. Trong làng quê, Sư tìm một bà cụ học Phật, ở gần đó, mỗi trưa đến nấu cơm trưa và cơm chiều, nấu hai bữa cơm, còn bữa điểm tâm do ông ta tự nấu, tự lo. Bà cụ giặt giũ quần áo cho ông ta để ông ta chuyên tâm niệm Phật.

Niệm suốt ba năm, đến một hôm, ông ta bảo bà cụ hộ trì: “Ngày mai bà không cần nấu cơm, tôi vào thành gặp bạn bè”. Trên thực tế, ông ta biết trước lúc mất, sắp vãng sanh, nên quay về từ biệt thân thích, chào hỏi, thăm viếng. Hôm sau trở về, khi trở về, bèn nói với bà cụ: “Ngày mai chẳng cần nấu cơm cho tôi”. Bà cụ lại tưởng ông ta đến thăm bạn bè, chẳng biết người bạn nào sẽ mời ông ta ăn cơm. Đến bữa sau, cụ ra chùa xem, coi sư phụ có nhà hay không? Kết quả là thấy sư phụ ở trong Phật đường, đứng trước tượng Phật, gọi thì chẳng ừ hử gì, đến trước mặt xem kỹ, thấy ông ta đã mất, đứng mất! Liền vội vã quay về báo tin, vì còn có mấy đồ đệ quy y với cụ Đế Nhàn ở vùng phụ cận, thảy đều báo tin cho họ biết, gọi họ đến xem. Trước nay chưa từng thấy người đứng mất, rất hiếm hoi, lạ lùng! Những người ấy sau khi tìm đến, bèn vội đến Quán Tông Tự thưa trình. Từ nông thôn đến thành thị chẳng có phương tiện giao thông, phải đi bộ, đi một ngày mới đến nơi, thưa chuyện với hòa thượng Đế Nhàn. Hòa thượng Đế Nhàn chuẩn bị, sắp xếp, đến hôm sau mới trở lại, đi về mất ba ngày. Ông ta đứng sững suốt ba ngày, chờ lão pháp sư Đế Nhàn đến lo liệu hậu sự. Cụ Đế Nhàn thấy tình hình ấy, rất tán thán: “Ông rất lỗi lạc! Thật sự có thành tựu. Bất cứ trụ trì hay phương trượng chùa miếu nào nơi danh sơn bảo sát đều chẳng bằng ông. Những pháp sư thông Tông, thông Giáo, giảng kinh cũng chẳng sánh bằng ông!” Một câu A Di Đà Phật mà thôi! Người ấy chưa từng nghe kinh ngày nào, nhưng nghe lời, đúng là thật thà, thật sự làm. Trừ một câu A Di Đà Phật ra, điều gì ông ta cũng chẳng hiểu, [thế mà] biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh, lại còn đứng sững suốt ba ngày. Coi như lão pháp sư Đàm Hư và người thợ vá nồi là đồng học, đều cùng là học trò của lão hòa thượng Đế Nhàn, Ngài thường kể chuyện này để khích lệ người niệm Phật. Quý vị thấy thời gian không dài, ba năm đã đến thế giới Cực Lạc làm Phật, có công phu như vậy chẳng đơn giản. Lời cụ Đế Nhàn nói là thật, chẳng giả!

Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa phần 69 Tập 137
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Video trích từ bài pháp Bí Quyết Tu Hành Một Đời Vãng Sanh
Giảng sư: ni sư thích nữ Như lan