Người Chết Báo Mộng Đã Được Vãng SanhKhi tôi còn làm bác sĩ tại khoa ung bướu, mỗi khi tôi phải khám chẩn bệnh suốt ngày, tôi thường dặn cô trực ban đừng chuyển điện thoại đường dây bên ngoài cho tôi, trừ phi người gọi là bệnh nhân rất khẩn cấp, còn bạn bè có gọi đến thì xin lỗi họ, và yêu cầu họ để số điện thoại lại, đến khi hết giờ làm việc tôi sẽ gọi họ lại. Sỡ dĩ như thế là vì trong thời gian làm việc, tôi phải săn sóc những bệnh nhân có bệnh rất nặng, lại ưu sầu, yếu đuối. Có lúc tôi đang vạch quần áo người bệnh để khám, nếu như có điện thoại người bệnh nhiễm lạnh mà bị hắt hơi. Tôi nghĩ đến người bệnh mang cái thân yếu đuối, run rẩy đáp xe đến y viện chờ khám, như thế đã quá mệt, lại không dễ gì đến phiên để được khám. Nếu như còn phải chờ bác sĩ nói điện thoại về những việc không quan trọng, như thế thật là tàn nhẫn đối với họ. Cho nên trong giờ làm việc, tôi thường ưu tiên xử lý những bệnh nhân đang rất đau khổ, còn việc tiếp điện thoại thì gác lại cho đến khi hết giờ làm việc mới xử lý.

Một hôm, lúc giờ làm việc, cô nhân viên trực bảo tôi: “Bác sĩ Quách, có một cô ở ban kế hoạch gì đó tại Đài Trung đã gọi mấy cuộc điện thoại tìm bác sĩ, tôi đã yêu cầu cô ấy để lại số điện thoại”. sau khi nói cảm ơn tôi tiếp nhận số điện thoại, trong lòng nghĩ, tôi không có người bạn nào làm việc ở ban kế hoạch! Nhưng cô ấy đã gọi tìm tôi nhiều lần, nên tôi phải liên lạc với cô, không ngờ cô bảo với tôi rằng cô gọi giùm cho một người bạn là Cao Hùng, hỏi xem có đúng là tôi đang làm việc tại y viện này không. Người bạn tên Cao Hùng ấy là người nhà của người mà trước đây tôi đã lo việc cho. Cô yêu cầu tôi chờ tại y viện, anh bạn Cao Hùng gọi điện thoại tới, có việc quan trọng cần nói với tôi. Sau khi tiếp xong điện thoại, tôi nghe được giọng nói của một người đàn ông trung niên. Ông ấy nói: “A Di Đà Phật, thưa bác sĩ Quách! Không biết cô có còn nhớ không, tôi là con của ông Giang… mẹ tôi bị chứng niệu độc, mấy năm trước đã được gởi đến nhiều y viện, rồi mới được gởi đến điều trị tại viện Nguyễn Tông Hợp. Khi được chuyển đến bà đã tắt thở. Tối hôm ấy chính bác sĩ là người trực ban. Bác sĩ đã niệm Phật cho bà, lại còn lấy”quang minh sa” mà sư phụ của bác sĩ là Pháp sư Sám Vân gửi bác sĩ để rắc lên trán bà, bác sĩ còn nhớ không?”

Nếu chỉ nghe giọng nói ấy thôi mà, thì quả thực tôi không nghĩ ra được ông ấy là ai. Nhưng sau khi nhắc đến đây tôi sực nhớ ra. Người ấy lại nói: “Sau khi chúng tôi về nhà, mọi người đều liên tục niệm Phật cho mẹ tôi. Sau đó mọi người trong gia đình đều mơ thấy Bồ Tát Quán Thế Âm đưa mẹ tôi trở về, bảo với chúng tôi rằng bà đã vãng sanh thế giới Cực Lạc ở Tây Phương, bảo chúng tôi cảm tạ Bác sĩ, đồng thời cũng cảm tạ sư phụ của bác sĩ là Pháp sư Sám Vân. Nhưng khi chúng tôi trở về y viện Nguyễn Tông Hợp thì không tìm được bác sĩ, người ta nói bác sĩ đi Népal. Mới đây, chúng tôi nghe nói bác sĩ ở Đài Trung nên liền nhờ người bạn ở Đài Trung hỏi xem. Vì mẹ tôi báo mộng, cho nên chúng tôi cần kể cho bác sĩ nghe chuyện này.”

Tôi nghe đến đây, khóe mắt bỗng ràn rụa nước mắt. Tôi còn nhớ tối hôm ấy, tôi đang trực tại phòng bệnh, thì từ phòng cấp cứu chuyển tới một bà cụ tim đập loạn, hơi thở đã ngưng, mặt mày đã thâm, đồng tử cũng đã mở lớn. Tôi xem sổ bệnh, biết bác sĩ ở phòng cấp cứu đã cứu bà một lúc rồi, nhưng hoàn toàn không có kết quả, cho nên bác sĩ đó tuyên bố bà cụ đã chết.

Nhưng thân quyến của bà cụ vẫn không muốn tiếp nhận cái sự thực là mẹ họ đã mất, cứ một mực yêu cầu được tiếp tục cấp cứu. Do các tư liệu trong sổ bệnh của bà cụ đã được ghi rõ ràng, chứng niệu độc của bà đã quá lâu ngày,nay đã trở thành rất nghiêm trọng, không như bệnh tật đột phát, do vậy toàn bộ thể trạng của bà đã quá tệ, hư hại hết. Tôi nhìn bà cụ đã chết và các hiếu tử khẩn thiết xin cứu mẹ mình mà nghĩ đến mọi chúng sinh cũng đang trong cuộc sinh ly tử biệt như thế, bị nung nấu không ngừng. Nghĩ thế lòng tôi không khỏi xốn xang, đau đớn.

Bấy giờ chỉ sợ người mất phải chịu cái khổ vô ích, tôi bèn lấy tâm mình mà nói với những người con hiếu thuận ấy rằng: “Tôi biết các vị đều là những người con có hiếu với mẹ, đều rất mong muốn mẹ được sống lại. Các vị đã chăm sóc bà cụ trong nhiều năm như thế, thật là khó được. Nhưng hôm nay, nếu bà cụ là mẹ tôi thì tôi cũng không thể yêu cầu cắt khí quản của bà để ráp ống khác vào, vì làm như thế thì không thể cứu được bà cụ mà chỉ khiến bà đau khổ thêm nhiều. Nếu bà là mẹ tôi, tôi cũng không muốn bi ai, khóc lóc khiến cho lòng bà càng thêm xót xa, tôi sẽ khuyên bà niệm A Di Đà Phật, theo Đức Phật A Di Đà đến thế giới Cực Lạc quang minh, mãi mãi không còn chịu đau khổ nữa. Tôi sẽ niệm Phật cho bà. Tôi không biết trong gia đình các vị có ai tin Phật, có ai nghiên cứu Phật pháp không. Tôi là một Phật giáo đồ, Đức Phật muốn mọi người đều có thể rời khổ được vui. Tôi là bác sĩ, đương nhiên tôi cũng hết sức cứu bệnh nhân, tuyệt đối không cần phải dối trá các vị trong lúc này, xin các vị hãy tin tôi, mọi người hãy cùng lúc niệm Ph ật cho bà cụ. Đạo lý của Đức Phật A Di Đà rất thâm áo, bây giờ không có thời gian để nói rõ, xin các vị sau này hãy nghiên cứu kỹ. Nhưng giờ đây các vị nên dùng thời gian để niệm Phật, chứ nếu chờ đến khi các vị hiểu được đạo lý thì sẽ hối hận rằng hiện giờ vì sao không niệm Phật cho bà cụ”.

Hôm ấy gặp lúc sư phụ tôi là Pháp sư Sám Vân gửi đến y viện cho tôi một gói”quang minh sa” đã được gia trì. Sư phụ Sám Vân rất từ bi, tôi mới chỉ có cầu xin một lần mà ngài luôn nhớ và gửi đều đến y viện cho tôi mỗi lần một gói quang minh sa, giúp cho các bệnh nhân cần đến. Hôm ấy lại đúng là hôm đầu tiên tôi nhận quang minh sa do sư phụ gửi, cho nên tôi có ấn tượng rất sâu sắc. Sau khi giải thích cho những người thân của bà cụ, tôi rắc quang minh sa lên người bà cụ. Sau đó tôi không cần để ý tới người ta nhìn tôi như thế nào, tôi cứ nhắm mắt, chắp tay, đứng trong phòng bệnh mà niệm A Di Đà Phật cho bà cụ.

Niệm Phật một lát, khi mở mắt ra, tôi thấy những người thân của bà cụ đang ở đó đều chắp tay xung quanh bà mà niệm Phật. Thực khó được mọi người thành kính hợp tác như vậy. Điều này khiến tôi thấy làm lạ. Sau này, một người con trong những người con ấy có vẻ như muốn rơi nước mắt mà nói với tôi: “Trong nhà chúng tôi chỉ có mẹ tôi là tin Phật, còn bọn con cái là chúng tôi đây đều không tin. Bà đã từng dặn chúng tôi phải niệm Phật cho bà, thế mà chẳng ai trong chúng tôi nghe lời bà. Không ngờ tối nay, chúng tôi đã chở bà tới nhiều y viện, nhưng không chỗ nào chịu nhận, chúng tôi bèn chuyển bà tới y viện của bác sĩ. Bác sĩ ở phòng cấp cứu bảo rằng không cấp cứu được, khuyên chúng tôi hãy trở về nhà, nhưng chúng tôi vẫn nài nỉ, cuối cùng đưa được bà cụ vào phòng này, được bác sĩ niệm Phật cho bà cụ, lại khuyên chúng tôi niệm Phật. Không ngờ mẹ tôi ăn chay niệm Phật hai mươi năm, cuối cùng bà được mãn nguyện!”

Lời kể của người con ấy đã tạo cho tôi một sự khích lệ và niềm tin rất lớn. Nguyện lực của con người thật không thể nghĩ bàn. Bà cụ tuy đã trãi qua một số khó khăn, cuối cùng vẫn được như nguyện. Có nguyện ắt được mãn nguyện. Có người tuy muốn được vãng sanh nhưng vẫn luôn luôn lo không biết mình có được vãng sanh không, không biết đến khi đó có người hộ niệm không. Như thế là tín nguyện không đủ. Tổ sư đã nói cho chúng ta biết điều kiện để đến Tây Phương, đó là tín tâm và nguyện lục. Đối với Đức Phật A Di Đà, đối với chính mình, chúng ta đều phải có tín tâm để làm cái nhân đúng đắn trong nội tâm chúng ta. Cái ”nhân” mà chúng ta đã gieo mà đúng, thì cái quả được kết mới đúng. Nếu chúng ta chân thành mong muốn đến Tây Phương, thì Đức Phật A Di Đà đương nhiên phải biết, đến lúc ấy tự nhiên Ngài sẽ sắp đặt những người có nhân duyên tốt nhất với chúng ta đến giúp cho chúng ta vãng sanh không chướng ngại, không cần tự mình phải lo lắng! Bình thường chúng ta chỉ cần có tín nguyện mà niệmmPhật, tận lực giúp đỡ người khác vãng sanh, thì theo đạo lý nhân quả, đến lúc đó tự nhiên sẽ có nhân duyên rất tốt, giúp chúng ta khởi lên chánh niệm mà đến thế giới Đức Phật A Di Đà một cách thuận lợi. Dù chúng ta còn có nghiệp chướng, phải thọ nhận quả báo khổ đau, nhưng dù sao đi nữa, chỉ cần kiêntrì cho đến cuối cùng, nhất định cái nguyện của chúng ta sẽ được viên mãn!

Trích Liên Hoa Hóa Sanh
Pháp sư Đạo Chứng
Dịch Giả: Trần Tuấn Mẫn