Có Phải Hạng Thượng Phẩm Vãng Sanh Chỉ Dành Cho Bậc Xuất Gia?“Này A Nan! Chư Thiên, nhân dân ở mười phương thế giới chí tâm nguyện sinh về cõi ấy có ba hạng: Bậc thượng phẩm là những người xuất gia, lìa tham dục làm Sa Môn, phát tâm Bồ Đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, làm các công đức, nguyện sinh về cõi đó. Những chúng sanh này khi mạng chung, đức Phật A Di Đà cùng Thánh chúng hiện đến trước mặt, liền theo đức Phật sinh về cõi đó, tự nhiên hóa sinh trong hoa sen bảy báu, trí tuệ dũng mãnh, thần thông tự tại.”

“Bậc thượng phẩm là những người xuất gia, lìa tham dục làm Sa Môn”. Có người đọc đoạn kinh này cho rằng: cư sĩ tại gia chẳng thể sinh về Thượng phẩm, chỉ có người xuất gia mới làm được. Tuy nhiên, muôn ngàn lần quý vị đừng quên rằng, mở đầu bộ kinh này, đức Phật nói: “Lại có mười sáu vị Bồ Tát tại gia cùng tham dự pháp hội, tất cả đều vãng sinh Thượng phẩm”.Như thế, người tại gia vãng sinh Thượng phẩm rất nhiều.

Trong Phật giáo Đại thừa, chữ nhà (gia) có nhiều nghĩa. Thông thường, mọi người hiểu rằng đó là người có tài sản, nhà cửa, gia đình, thân nhân, quyến thuộc. Đây gọi là gia trạch, nhưng còn có nghĩa khác quan trọng hơn.

Phiền não vốn là nhà, vì chúng sinh luôn sống trong phiền não. Tam giới là nhà sinh tử. Như vậy, ra khỏi hai nhà này mới thật quan trọng. Ra khỏi (xuất) cũng có bốn nghĩa:

1) Thân xuất gia, tâm chưa xuất gia: Người này thân tướng xuất gia, nhưng nơi tâm vẫn ham muốn danh tiếng, lợi dưỡng, năm dục, sáu trần.

2) Tâm xuất gia, thân chẳng xuất: Bồ Tát tại gia, như 16 vị Bồ Tát tại gia cùng tham dự pháp hội nói kinh Vô Lượng Thọ này.

3) Thân tâm đều xuất gia: Người này là đệ tử xuất gia chân chánh, hoằng pháp lợi sinh.

4) Thân tâm đều chẳng xuất: Chẳng phải chỉ người thường mà chính là hàng Cư sĩ tại gia, thân và tâm đều chẳng muốn vượt thoát, như vậy chẳng có phần nơi phẩm Thượng.

Nếu thân chẳng xuất gia, tâm xuất gia thì vẫn được dự phần. Ví như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, phu nhân Vi Đề Hy là phụ nữ tại gia lại chứng đắc Pháp nhãn ngay trong hiện đời, Thượng phẩm vãng sinh; đủ chứng tỏ người vãng sinh bậc Thượng chẳng hạn cuộc trong hàng xuất gia, cũng như chứng tỏ diệu pháp Tịnh tông phá tan mọi quy cách, viên đốn tột cùng, chẳng thể nghĩ bàn.

“Lìa tham dục”. Dục là năm sự ham muốn (tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ), là sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Chẳng còn tham luyến chúng nữa, tất cả đều buông bỏ, đây gọi là xuất tam giới gia (ra khỏi nhà tam giới) và xuất phiền não gia (ra khỏi nhà sinh tử luân hồi).

“Làm Sa Môn”. Sa Môn vốn là cách xưng hô của người tu đạo thuở xưa ở Ấn Độ. Khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc, nó trở thành cách gọi chuyên xưng cho người xuất gia. Thế nhưng, kinh này Phật nói tại Ấn Độ nên chẳng thể dùng nghĩa của Trung Quốc. Vậy Sa Môn tức là người tu đạo, ý nghĩa: “Siêng tu giới – định – tuệ; hay diệt tham – sân – si”, bao gồm cả hàng xuất gia và tại gia. Tuy nhiên, bậc vãng sinh Thượng phẩm tâm địa phải thanh tịnh, đối với pháp thế gian buông xả tất cả.

Về cương lĩnh tu hành, chủ yếu ở hai câu: “Phát tâm Bồ Đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà”. Trong kinh chỉ dạy rất dễ dàng, điều cần thiết nhất chính là “một hướng chuyên niệm Phật A Di Đà” chẳng bảo phải niệm một vị Phật, vị Bồ Tát nào khác.

Trích Chánh Nhân Vãng Sanh
Pháp sư Tịnh Không giảng