Dùng Tâm Lực Để Niệm Phật Lợi Ích Lớn Lao Chẳng Nghĩ BànViện nghiên cứu Ung bướu Quốc gia của nước Mỹ có một nghiên cứu cho thấy: Các học giả nghiên cứu có thể đánh giá bệnh nhân chính xác trăm phần trăm, trong vòng một hay hai tháng, bệnh nhân có thể chiến thắng ung bướu hoặc bị ung bướu đánh bại. Chỗ căn cứ của họ hoàn toàn không phải là ung bướu lớn hay nhỏ, bộ vị thế nào, cũng không phải là kết quả kiểm tra của các máy đo, lại càng không phải là các con số trong phiếu xét nghiệm máu, mà hoàn toàn căn cứ vào tâm thái của người bệnh, tâm mới là căn nguyên.

Đã có nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy, tâm bị áp lực khiến các tuyến ngực sẽ teo lại, tức là công năng miễn dịch bị yếu đi. Hơn nữa, các kết quả thực nghiệm cho biết sự nóng giận, âu lo và những trạng thái tình cảm khác cũng đều đưa đến việc công năng miễn dịch bị suy yếu, khiến cho bệnh ung bướu và sự cảm nhiễm dễ phát sinh, đồng thời cũng khiến cho việc trị liệu mất hiệu quả (nói về hiệu quả trị liệu cũng cần phải thông qua công năng miễn dịch của cơ thể thì mới được).

Điều này chứng tỏ tâm niệm có sức mạnh rất lớn. Cho nên cần phải lấy tâm niệm của chúng ta mà niệm Phật, vì Phật là an vui, vô tư, quang minh nhất. Niệm Phật thì tự nhiên có quang minh, an vui. Cái tâm niệm Phật thì không có độc tố của mọi thứ trạng thái tình cảm tiêu cực, lại có thể hóa giải mọi áp lực, tự cương tăng cường miễn dịch!

Nên biết, áp lực là do tâm tiếp nhận chỉ riêng tại đó, các sự việc gây quái ngại mới có thể có áp lực. Nếu cải biến quan niệm, không xem đó là áp lực thì áp lực cũng không còn nữa, cũng không có gì mà phải chịu nhận. Nếu quyết tâm chuyên chịu nhận Phật quang (niệm Phật), thì không có cái tâm nào chịu nhận áp lực. Cần phải luyện tập chịu nhận và không chịu nhận đều do tự tâm làm chủ.

Sự nghiên cứu khoa học cũng chứng tỏ rằng, khi người ta an vui, não cũng tiết ra các chất hóa học, như Endorphins và Enkephalins. Chất trước có thể gia tăng sản lượng tế bào T trong cơ thể (cũng như gia tăng số lượng cảnh vệ, quân đội); chất sau có thể gia tăng lực lượng tế bào T, chiến thắng các tế bào ung bướu (cũng như võ công cao cường), đồng thời cũng khiến cho tế bào T hoạt bát hữu hiệu được gia tăng. Có thể xem tâm niệm là vị tướng tổng chỉ huy, chỉ huy quân đội miễn dịch. Đây là kết quả thực nghiệm của khoa học, cũng chứng minh lời Phật dạy “mọi sự vật đều do tâm tạo ra” (vạn pháp duy tâm tạo). Người niệm Phật nguyện tâm thế giới Cực Lạc chính là nguyện không có chúng sanh nào chịu khổ mà chỉ thọ nhân an vui, cũng chính là nguyện cái tâm luôn ở trạng thái an vui. Đức Phật A Di Đà còn được gọi là “Hoan Hỉ Quang Phật”; thường niệm Phật thì thường hoan hỉ, thường tạo ra mọi chất làm gia tăng sức miễn dịch. Cho nên gọi Phật là “Vô Thượng Y Vương”. Hoan hỉ niệm Phật là liều thuốc bổ công hiệu nhất.

Các nhà tâm lí đã từng làm một cuộc thực nghiệm vào một tử tội. Trước hết chúng ta không phải lưu tâm về cuộc thực nghiệm của họ có nhân đạo hay không. Họ để tử tội nằm trên giường, bịt mắt anh ta lại, rồi sau đó nói với anh: “Chúng tôi cắt huyết quản ở cổ tay anh để cho máu anh chảy ra từng giọt, đến khi máu chảy ra hết thì anh chết”. Sau khi nói xong, họ giả làm như lấy cái gì đó mà cắt vào tay anh, thực ra da chưa bị rách, theo đó nhà tâm lí học lại dùng nước có nhiệt độ như nhiệt độ của cơ thể mà nhỏ từng giọt trên tay anh ta, khiến anh có cảm giác như máu ấm đang chảy. Họ lại dùng một thùng sắt để phía dưới hứng nước ấm ấy, để cho anh ta nghe âm thanh của từng giọt nước ấy, rồi họ lại nói với anh: “Máu của anh tuôn chảy, tuôn chảy không lâu thì hết, nay chỉ còn vài phút nữa thôi”. Quả nhiên sau đó, phạm nhân này đã chết vì sợ. Thực ra ngay một giọt máu của anh cũng không hề chảy ra, da cùng không bị rách chút nào, chỉ thuần túy là bị ngôn ngữ và huyễn tượng lừa dối, cho nên sợ quá mà chết. Tuy đây là một cuộc thực nghiệm tàn nhẫn nhưng cái sự thật muốn nói với chúng ta là tâm niệm và tín niệm có thể quyết định vận mạng của chúng ta. Có thể nói người tử tội ấy là một vị Bồ Tát, tuy anh ta phải chết vì quá sợ hãi, nhưng kết quả cuộc thực nghiệm này có thể khiến chúng ta có sự hiểu biết và tín tâm về ý nghĩa câu nói của nhà Phật “Tất cả đều do tâm tạo ra” (nhất thiết duy tâm tạo). Trước đây tôi thường kể cho bệnh nhân nghe cuộc thực nghiệm này. Họ vốn rất ưu sầu, nhưng sau khi nghe và hiểu rõ ý nghĩa này, họ biết rằng có thể dùng tâm niệm để biến đổi vận mạng của mình, không cần phải tự mình làm cho tự mình phải sợ hãi, không cần phải tự huyễn để cho mình phải sống một cuộc sống tối tăm.

Tôi còn nhớ hồi còn đang học tiểu học, tôi có đọc một truyện được dịch từ tiếng nước ngoài. Đọc xong tôi rất cảm động đến chảy nước mắt, đến nay vẫn còn giữ ấn tượng sâu sắc. Tác phẩm văn chương này nói về một người mang bệnh nặng, cảm thấy mình là một bệnh nhân không thể chữa lành được. Hàng ngày ông nằm trên giường nhìn ra cửa sổ, bấy giờ mùa thu gần qua, mùa đông sắp đến. Mùa đông ở nước ngoài trời rất lạnh, lá cây rơi lả tả. Người bệnh nhìn lá rơi mà trong lòng rất đau thương. Một tối nọ ông nằm mơ thấy có người bảo với ông: “Khi nào lá của cây ở ngoài cử sổ rụng hết thì sanh mạng của ông sẽ kết thúc”. Người bệnh tỉnh mộng thì rất buồn khổ. Hàng ngày đều chăm chú nhìn từng chiếc lá cây rơi, mỗi chiếc lá rơi xuống càng làm ông thêm lo sợ. Một vị bác sĩ nhân từ đến thăm ông, thấy ông buồn khổ nên hỏi chuyện, do đó vị bác sĩ này tìm cách giúp đỡ ông. Khi sắp đến những ngày tuyết rơi, một đêm kia trời gió rất mạnh, hầu như các lá cây đều rụng hết. Nhưng sau khi trời sáng, vị bác sĩ liền đến thăm ông, chỉ vào cái cây ở ngoài cửa sổ mà nói: “Ông xem, lá trên cành cây kia đều rụng hết, chỉ còn độc nhất một cành có vài chiếc lá còn nguyên. Hôm qua gió lớn như thế mà không làm rụng mấy chiếc lá ấy. Đây thật là một điều kì lạ; chứng tỏ rằng bệnh của ông nhất định sẽ có điều kì lạ xuất hiện, nhất định sẽ được lành trở lại!” Người bệnh nhìn ra ngoài cửa sổ, quả nhiên lá trên cây đều rụng, các cành trơ trọi chỉ cây này còn vài chiếc lá. Người bệnh thấy thế, lại nghe vị bác sĩ nói nên tinh thần phấn khởi, vui vẻ hẳn lên, chẳng bao lâu được hồi phục, rời phòng bệnh. Bạn biết tại sao câu chuyện này khiến tôi cảm động và có ấn tượng sâu sắc không? Vì mấy chiếc lá không rơi kia là do vị bác sĩ nhân từ muốn an ủi người bệnh, vào nửa đêm đã trèo lên cây gắn chặt những chiếc lá vào cành, để khiến người bệnh phấn chấn lên, tràn trề lòng tin, vui vẻ mà sống. Mấy chiếc lá không rơi ấy tuy là giả, nhưng lòng tin của người bệnh là thật, cái sức mạnh được sản sinh ra là thật. Từ sự thật này chúng ta có thể hiểu rằng, tín tâm có tác dụng quyết định, chúng ta có thể quyết định khi còn sống phải sống cho an vui, không chịu ảnh hưởng của bệnh tật. Như thế không ai có thể ngăn cản ta được.

Trích Liên Hoa Hóa Sanh
Pháp sư Đạo Chứng
Dịch Giả: Trần Tuấn Mẫn