Vì Sao Chúng Ta Tu Trì Nhưng Không Thấy Tướng Lành?Thuở Viễn Công tại thế, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật còn chưa được dịch ra, kinh A Di Đà cũng chưa phiên dịch, lão nhân gia căn cứ kinh Vô Lượng Thọ, chỉ có kinh Vô Lượng Thọ. Trong Tịnh Độ Tam Kinh, kinh Vô Lượng Thọ được truyền đến Trung Hoa sớm nhất. Thuở ấy, Viễn Công đại sư nương theo một bộ kinh để tu trì, thành lập Liên Xã ở Lư Sơn, Tịnh Độ Tông được thành lập tại đó. Những người chí đồng đạo hợp, chuyên tu Tịnh Độ cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc. Một trăm hai mươi ba người niệm Phật ở Lư Sơn. Lão nhân gia ba lượt thấy Tịnh Độ, kinh Lăng Nghiêm nói là “hiện tiền thấy Phật”, Ngài thấy Phật ngay trong hiện tiền. Trong quá khứ, người niệm Phật hoặc là trong Định, hoặc trong niệm Phật đường, hoặc trong khi chính mình đang tu học, đi, đứng, nằm, ngồi, thấy thánh tượng A Di Đà Phật, thấy ao báu trong thế giới Tây Phương, thấy y báo và chánh báo trang nghiêm của thế giới Tây Phương, những chuyện này được ghi chép rất nhiều. Thời cận đại, ít người [trông thấy] hơn. Thời cận đại như tôi biết, tại Cựu Kim Sơn, cư sĩ Cam Quý Huệ trong khi niệm Phật thấy hoa sen, trên hoa sen có đề tên ông ta, tương ứng với điều kinh đã nói. Đó là Phật dùng thần lực chứng minh cho quý vị. Quý vị tu hành đến một mức độ kha khá, bèn hiện tướng chứng minh cho quý vị hòng tăng cường tín tâm.

Chúng ta tu trì chẳng thấy tướng [tốt lành]; nói cách khác, Phật biết quý vị chưa đủ mức. Nếu Phật hiện tướng ấy, quý vị sẽ phát cuồng! Vừa thấy tướng lành ấy, bèn tự cảm thấy ta ghê gớm lắm, kiêu căng, ngã mạn: “Ta tu hành đã thành tựu. Các ngươi xem đó, các ngươi chẳng có công phu, nên đều chẳng trông thấy”. Người ấy liền phát cuồng, phát cuồng là phiền não sanh khởi, tâm thanh tịnh ngay lập tức mất đi. Khi cổ nhân trông thấy tướng lành, thấy mà như không thấy, không chỉ hoàn toàn chẳng động tâm, mà cũng chẳng kể với ai. Đến khi nào sẽ nói với người khác? Khi người ấy vãng sanh, mọi người đưa người ấy đi vãng sanh, người ấy kể cho mọi người biết kinh nghiệm khi trước. Như Viễn Công là lúc sắp vãng sanh bèn bảo các đồng tu: “Ta lại thấy cảnh giới Tây Phương. Trong quá khứ, từng thấy hai lần, nay lại trông thấy, ta sắp đi rồi”. Khi đó mới tuyên bố, trước nay chưa hề kể cảnh giới với người khác. Nay vừa thấy đôi chút, ngay cả khi chỉ thấy một chút phưởng phất, đã vội vã đi khắp nơi tuyên dương, cứ sợ kẻ khác chẳng biết, còn phải viết thành sách. Quý vị nói xem, còn làm sao được nữa? Thậm chí còn có kẻ chẳng thấy, nhưng sợ người ta nói chính mình chẳng có công phu, vẫn muốn lừa gạt kẻ khác, [bịa chuyện] ta thấy này thấy nọ! Gạt người, bịa chuyện đơm đặt! Chuyện này tại Trung Hoa lẫn ngoại quốc quá phổ biến, quá nhiều!

Hễ nghe thấy, quý vị phải chú ý, quyết định là giả, quyết định chẳng thể là thật, vì sao? Nếu là thật, lẽ nào người ấy chịu khinh dễ nói với quý vị. Chẳng thể nào khinh thường, dễ dãi nói cho quý vị biết. Thật sự gặp cảnh giới ấy thì có thể nói với ai? Đại đa số là nói với thầy mình, xin thầy ấn chứng. Đối với đồng tham đạo hữu bình thường cũng chẳng nói, làm sao chịu tuyên bố với đại chúng cho được? Hễ tuyên bố cùng đại chúng, nhất định là đơm đặt, bịa chuyện, không gì chẳng nhằm cầu tiếng tăm, lợi dưỡng, nay nói là “đánh bóng tên tuổi”. Dùng phương pháp ấy để đánh bóng tên tuổi, lừa gạt hết thảy chúng sanh, chắc chắn chẳng thể tin cậy được, chúng ta phải biết điều này!

Trích Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Phần 5
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng từ ngày 01 tháng 12 năm 1990
Địa điểm: Hoa Tạng Đồ Thư Quán, huyện Cảnh Mỹ, Đài Loan
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang