Sám Hối Là Nói Ra Cho Mọi Người Biết Chuyện Ta Đã Làm Sai Và Sau Đó Không Tái Phạm NữaChúng ta hãy suy nghĩ: Trong cuộc sống thường ngày, phiền não, tập khí quá nặng, đoạn phiền não thì bắt đầu đoạn từ chỗ nào? Phiền não tập khí nào nặng nhất thì hãy khởi sự từ phiền não nặng nhất ấy. Trước hết, phải đoạn cái nặng nhất, rồi đoạn cái kém nặng hơn; giống như trị bệnh: Thầy thuốc trị bệnh, người ấy quá nhiều bệnh, trong số ấy, căn bệnh nào nguy hiểm đến tánh mạng thì phải trị căn bệnh ấy trước. Trước hết, phải giữ được cái mạng, rồi mới trị những bệnh ít nặng hơn. Trước hết, chữa trị căn bệnh nặng nhất, mà bệnh nặng nhất của mỗi người mỗi khác, mỗi chúng sanh căn tánh khác nhau, tham, sân, si, mạn, nghi, rất nhiều thứ khác nhau, chính mình biết rõ, người khác không biết! Thuở Phật tại thế, đức Phật ngũ nhãn viên minh, chẳng những thấy một đời của quý vị, mà còn thấy quá khứ, đời quá khứ của quá khứ, những tư tưởng hành vi từ vô thỉ kiếp đến nay của quý vị, Ngài đều biết rõ. Vì thế, đức Phật thuyết pháp là cắt thuốc theo đúng căn bệnh, hễ kê thuốc, quý vị bèn lành bệnh.

Nay là thời kỳ Mạt Pháp, những pháp sư đại đức thiếu bản lãnh ấy, chẳng có thần thông, chẳng thấy đời quá khứ của quý vị. Do vậy, chính mình phải phản tỉnh, chính mình phải hiểu rõ ta có những bệnh nào, bệnh nào nặng nhất trong những căn bệnh ấy. Bệnh nào nặng nhất thì phải sửa đổi trước, phải suy nghĩ phương pháp thay đổi. Sửa lỗi gọi là sám hối, sám có nghĩa là phát lộ (phơi bày), Sám (懺) là tiếng Ấn Độ, tức Sám-ma (ksama). [Sám hối] chính là đem những chuyện ta đã làm sai quấy thảy đều nói ra cho mọi người biết, chẳng ẩn giấu. Chẳng ẩn giấu tội lỗi của chính mình thì gọi là Sám. Hối (Āpatti-pratideshana) là sau đó không làm nữa. Có những đồng tu bảo tôi: Trong quá khứ, họ đã làm quá nhiều chuyện sai quấy, nay rất khó chịu, thường ăn năn. Họ coi đó là sám hối! Chẳng phải vậy! Đó gọi là “tội chồng thêm tội”, vì sao? Quý vị nghĩ đến một lần là phạm thêm một lần, quý vị sợ tội nghiệp do chính mình đã tạo chẳng đủ nhiều ư? Mỗi một lần nghĩ tới là ấn tượng trong A Lại Da Thức lại sâu hơn một nấc, lại tăng thêm một lần, làm sao được nữa! Đó chẳng phải là sám hối! Sám hối là tiêu trừ nghiệp chướng; quý vị hằng ngày tăng thêm nghiệp chướng, chỉ sợ sức mạnh của nó chưa đủ lớn, chỉ sợ nó chưa dầy, làm sao được nữa! Học Phật kiểu đó là học điên đảo vậy!

Phật pháp, quyết định chẳng áo não, bứt rứt vì quá khứ, chuyện quá khứ kể như xong, chẳng còn nghĩ đến nó nữa. Pháp môn sám hối là như thế này: Ta làm chuyện sai quấy, ta hướng về mọi người thưa rõ, từ nay trở đi chẳng còn làm chuyện sai quấy ấy nữa, đó gọi là sám hối thật sự, quyết định chẳng nghĩ đến nữa. Quý vị có ý nghĩ ấy, vì sao chẳng nghĩ đến A Di Đà Phật? Vì sao chẳng niệm A Di Đà Phật? Nghĩ đến những tội lỗi, đúng là hỏng bét. Quý vị nghĩ đến A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật, tương lai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị hằng ngày nghĩ đến tội lỗi, nghĩ tới tội lỗi ấy thì lẽ nào chẳng đọa trong địa ngục? Đó là tu pháp môn địa ngục. Phải giác ngộ, phải thật sự giác ngộ. Vì thế, ngàn vạn phần đừng nên hiểu lầm ý nghĩa của những danh từ, thuật ngữ trong kinh Phật, phiền phức lắm!

Trong kinh nói, ắt phải gột rửa sạch sẽ những ô uế trong tâm địa của chính mình. Sám hối là phương pháp gột rửa, tức là gột rửa sạch sẽ tâm địa. Như vậy thì mới thành pháp khí, mới có thể nhận lãnh cam lộ pháp vị. Cam lộ pháp vị cũng có tỷ dụ, khi ấy, tâm địa đã thật sự thanh tịnh rồi, người ấy vừa nghe pháp, vừa tiếp xúc Phật pháp, sẽ khai ngộ, pháp hỷ sung mãn. Quý vị tiếp xúc Phật pháp mà chẳng khai ngộ là do tâm chẳng thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chẳng thể không khai ngộ. Do vậy, quý vị ngàn vạn phần đừng nên bứt rứt vì chuyện cũ, đừng nên nghĩ tới những tội nghiệp trước kia. Vì quý vị càng nghĩ đến, tâm quý vị chắc chắn chẳng thanh tịnh. Chúng ta niệm Phật nhằm mong cầu công phu thành phiến, nhất tâm bất loạn; suốt ngày suy nghĩ loạn xạ, làm sao thành phiến cho được? Công phu chẳng thể thành phiến, cũng chẳng đạt được nhất tâm.

Trích A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA (tập 78 – phần 39)
Lão hòa thượng Tịnh Không giảng